Tay cầm Thánh giá khấn, tràng hạt và cuốn luật Dòng, miệng nói lời cuối cùng: “Tôi sung sướng được chết”.
Thánh Gioan Berchmans
(Lễ nhớ ngày 26 tháng 11 – Bổn mạng Triết sinh Dòng Tên)
Ai không có một lý tưởng, người ấy đã già rồi, nhưng ai không thực tế, người ấy là trẻ con. Thánh Gioan Berchmans là một thanh niên biết ước mơ, nhưng cũng biết thực hiện ước mơ ấy ngay trong cuộc sống hằng ngày. Anh hoà hợp được một cách lạ lùng những cao vọng gần như không tưởng, với những năm tháng bình thường, đến gần như tẻ nhạt. Nhiều thanh niên, như Stanislaô Kostka, Lu-y Gonzaga, đã anh hùng từ bỏ cả một tương lai huy hoàng, để bước theo Đức Kitô. Riêng Gioan Berchmans, anh hầu như không có gì để từ bỏ. Xuất thân trong một gia đình công nhân lao động, anh chỉ ngày càng thêm tuổi, càng thêm khôn ngoan, và ơn phúc trước mặt Chúa và loài người, như vị ngôn sứ làng Nazareth.
1
Trăng Vàng[1]
Thánh Gioan Berchmans chào đời ngày 13.3.1599 tại Diest, một thị trấn nhỏ ở Bỉ. Căn nhà anh sinh trưởng mang tên thật kêu: Trăng Vàng. Thật ra đó chỉ là một tiệm giày nhỏ, nghèo nàn. Cha anh phải lam lũ kiếm cơm nuôi gia đình. Mẹ anh thuộc gia đình thế giá, nhưng vì nghe theo tiếng gọi của con tim, yêu một người thợ giày, nên cha mẹ họ hàng không muốn ngó ngàng tới nữa. Thêm vào đó, bà gần như đau ốm bệnh hoạn suốt đời, nên gia đình Berchmans chẳng bao giờ được dư giả.
Là con đầu lòng trong một gia đình như thế, ngay từ khi còn nhỏ, Gioan đã biết lo công việc nhà. Anh cũng thay mẹ để săn sóc bốn đứa em, trong suốt những năm tháng sống dưới mái ấm gia đình. Do đó, ngay từ ở nhà, anh đã được rèn luyện thành một cậu bé có tinh thần trách nhiệm, và ham thích phục vụ. Là con người trầm tĩnh, nhưng vui tính, anh cũng được cha mẹ dạy cho biết say mê cầu nguyện, và đặc biệt tôn sùng Đức Mẹ. Ngay từ năm 7 tuổi, hằng ngày anh đã thức dậy sớm, để đi giúp lễ ở nhà thờ, trước khi đến trường học, và hễ đến nhà thờ, thế nào anh cũng dành ít phút để cầu nguyện với Đức Mẹ, mà anh hết lòng yêu mến.
Nhà nghèo, phải giúp đỡ gia đình, thích giúp lễ và cầu nguyện, nhưng Gioan vẫn học khá. Cha anh nghĩ đến tương lai của đứa con sáng trí và chăm học này. Khi anh học xong bậc tiểu học, ông không thể để anh ở nhà được, vì với công việc bề bộn hằng ngày, anh sẽ chẳng còn thì giờ nào để học hành nữa. Tuy nhiên, nhà nghèo, làm sao ông có tiền để gửi con ăn học ở tỉnh được? Ông đành cầu cứu đến cha sở. Nguyên cha sở ở đây cũng nuôi mấy chú học sinh cấp 2, gia đình khá giả, và ngài cũng chăm sóc đến bài vở của các chú nữa.
2
Trọ học
Gioan được nhận vào nhà xứ để ăn học, đồng thời giúp việc lặt vặt trong nhà. Ở gia đình anh đã từng làm những công việc tương tự, nên đối với anh, mọi sự đều êm xuôi. Sáng dậy sớm giúp lễ, ngày ngày đến trường, chiều về nhà xứ, vừa giúp việc, vừa học. Ngay từ khi còn ở gia đình, anh đã quyết tâm làm linh mục. Lý tưởng này vẫn nung nấu anh, và anh thực hiện tại chỗ bằng một đời sống cầu nguyện và phục vụ. Trong nhà xứ, từ các bạn học, cho đến cha sở, ai ai cũng thán phục anh là một thiếu niên ham thích việc thiêng liêng, nhiệt thành giúp đỡ mọi người và luôn luôn vui vẻ hoà thuận. Hơn nữa, anh còn rất chăm chỉ học hành, vì biết rằng đó là bước đầu để anh có thể làm linh mục. Như thế, ngay từ tuổi hoa niên, anh đã biết hòa hợp ước mơ với thực tại, làm thành cuộc đời anh.
Sau 3 năm ở nhà cha sở, anh được đi học cấp 3 tại thành phố Malines. Cha anh đã biết cậu con đầu lòng của ông muốn làm linh mục, và ông hy vọng rất nhiều với lòng đạo đức và vị tha, chắc anh có thể là một linh mục tốt. Với trí thông minh và tính chuyên cần, chắc anh có thể tìm được một địa vị khả quan sau này. Vì thế ông dò hỏi, vận động để Gioan được ăn học đến nơi đến chốn. Cuối cùng ông tìm được một kinh sĩ ở Malines. Vị này, cũng có một số học sinh. Gioan được nhận vào vừa để học vừa giúp việc nhà, như ở Diest với cha sở. Anh đã quá quen với công việc nên vị kinh sĩ rất hài lòng. Tại đây anh theo học tại trường của Giáo phận, mà Đức Tổng Giám Mục Malines vẫn coi như chủng viện của ngài.
Dầu không có nhiều giờ để học, Gioan vẫn tin tưởng mình sẽ học được để có thể làm linh mục. Anh lợi dụng tất cả thời gian có được, ngoài các bổn phận thiêng liêng và nhiệm vụ của người giúp việc. Anh đơn sơ cầu xin Đức Mẹ giúp anh học hành để một ngày kia nên tông đồ của Chúa.
Khi Dòng Tên mở một trường ở Malines, thì anh được vị kinh sĩ gửi đến học ở trường mới. Gia đình và hoàn cảnh đã tôi luyện anh thành một con người chín chắn ngay khi còn nhỏ tuổi. Nay gặp một cộng đoàn Dòng Tên, lần đầu anh hiểu hơn cách thức phải theo để thực hiện lý tưởng. Tiếp xúc với các Giêsu hữu, anh thấy những chân trời mới, đang rộng mở trước mắt. Thật ra, chỉ sau khi anh đã nghiền ngẫm tiểu sử thánh Lu-y Gonzaga, anh mới có ý định xin vào Dòng Tên. Vị thánh trẻ này có sức lôi cuốn anh một cách không cưỡng lại được. Anh như vụn sắt bị nam châm hút. Và khi phải thấy rõ con đường phải tiến, anh mạnh dạn cất bước không chút do dự. Anh tâm sự với một linh mục trong trường: “Lòng trí con sẽ không bao giờ được an nghỉ, nếu chưa tìm đến được với Đấng con yêu mến”.
Học xong bậc phổ thông, anh viết thư về cho cha mẹ, để trình bày ý định xin vào Dòng Tên: “Từ mấy tháng nay, Chúa Giêsu đã gõ cửa lòng con … Con đã quyết định hiến dâng trọn vẹn cho Đức Kitô để chiến đấu cho Người trong Dòng Tên.” Cha anh tức tốc đến Malines để can ngăn. Ông vẫn ước mơ con mình có một địa vị ngoài xã hội, và có thể giúp đỡ gia đình đôi chút. Nếu anh làm linh mục triều thì với lòng nhiệt thành ấy, với trí khôn ấy, biết đâu Gioan đầy hứa hẹn của ông sẽ chẳng thành kinh sĩ hay giám mục. Và bổng lộc đi đôi với chức vụ nữa! Nay nếu Gioan vào Dòng Tên, mọi hy vọng của ông bỗng chốc sẽ trở thành mây khói hết.
Nhưng Gioan, con người cần cù như cha, thì cũng biết say đắm như mẹ: một khi gặp được người yêu, dám sẵn sàng bỏ mọi sự để sống cho tình yêu. Cha anh đành khuyên anh chờ đợi để suy nghĩ cho chín chắn hơn. Nhưng anh so sánh: Ngày xưa ở Ai Cập, các cha mẹ ngoại giáo thường hân hoan đem dâng con cái cho thần cá sấu. Nay đáng lẽ ba má phải hân hoan ca ngợi, và cảm tạ Chúa, khi con tự nguyện thuộc về Ngài mới phải !
3
Nhà tập Dòng Tên
Ngày 24.9.1616 anh vào nhà tập Dòng Tên ở Maniles. Năm ấy anh vừa 17 tuổi rưỡi. Đang lúc chờ mở cửa, anh nói với người cùng vào nhà tập: “Chúng ta không thể khởi sự đời tu cách nào tốt hơn là thực hành khiêm nhường và bác ái.” Khi anh vào nhà, một người đã nói về anh: “Một người Flamand mới đến, trông giống như một thiên thần.”
Nơi anh không có việc đổi đời. Nhà tập chỉ là giai đoạn tiếp nối, và triển khai lời mời gọi thầm kín tự ban đầu. Anh còn nhớ khi đi học ở trường phổ thông, một hôm anh đã dẫn con chó nhỏ đi chơi. Đến bờ ao, anh liệng một miếng bánh mì xuống nước, con chó vội lao mình xuống ao, để bắt lấy miếng bánh ăn. Có thể đó là một trò chơi vui. Nhưng anh nghĩ: chỉ vì một miếng bánh, con chó nhỏ đã lao mình xuống ao. Và anh thấy mình sẵn sàng làm bất cứ điều gì cho Đức Kitô.
Ở nhà tập, anh được dịp học hỏi, và thực hành chu đáo hơn về mặt thiêng liêng. Như Samuel xưa, anh đã không để một lời nào của Chúa lọt ra ngoài. Tuổi trẻ thường ảo tưởng, ước mơ những chuyện lớn lao, mà đôi khi quên mất đời sống hiện tại. Tệ hơn nữa, có người chỉ mơ màng với những công trình vĩ đại, để che đậy sự thiếu chín chắn của mình trong đời sống hằng ngày. Nhưng Gioan mặc dầu đặt lý tưởng rất cao, anh vẫn thực tế, thực tế một cách khiêm tốn. Bí quyết nên thánh của anh không phải là làm nhiều, làm việc lớn, nhưng là làm những việc nhỏ với một tấm lòng lớn, một tình yêu lớn. Đó cũng chính là cuộc đời, và con người anh. Anh trung thành với những bổn phận hằng ngày, với công việc nhỏ nhặt của một tập sinh. “Chú tâm làm điều đang làm”[2]: với khẩu hiệu này, anh đã nối kết được cả ước mơ với hiện thực.
Yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể một cách say mê, mỗi tối trước khi đi ngủ, anh đều dành ra ít phút để viếng Chúa trong nhà nguyện. Chẳng bao lâu một số tập sinh khác bắt chước, rồi cả nhà tập, và cuối cùng đến tất cả các cộng đoàn Dòng Tên trên toàn thế giới cho đến ngày nay.
Sau hai năm nhà tập, Gioan được gửi đến học viện Dòng Tên ở thành phố Anvers nước Bỉ để bắt đầu việc đào luyện trí thức. Tuy nhiên chỉ vài tuần sau, anh lại được gọi đi học ở Rôma. Trước khi lên đường, anh hẹn gặp cha ở Malines để chào tạm biệt. Khi anh mới vào nhà tập được 2 tháng, thì bà mẹ thân yêu của anh từ biệt cõi đời. Cha anh liền đến xin vào Dòng Tên theo gương con. Nhưng vì gánh nặng gia đình, ông được khuyên đi tìm phụng sự Chúa ở một môi trường thuận tiện hơn. Ông đã xin nhập hàng giáo sĩ giáo phận, và chịu chức linh mục ít ngày trước khi Gioan mãn 2 năm nhà tập. Nhưng khi đến Malines, anh không gặp được mặt cha, vì ông đã qua đời ở quê từ một tuần nay. Anh buồn muốn đứt ruột. Tuy nhiên, đầy tinh thần siêu nhiên, anh nói trong nước mắt: “Từ nay, tôi có thể hiểu theo hai nghĩa câu: Lạy Cha chúng con ở trên trời”.
Sau hơn hai tháng đi bộ, cuối cùng anh đã tới Rôma, và anh sung sướng tạ ơn Chúa, vì được ở ngay chính căn phòng của thánh Lu-y Gonzaga đã ở trước đây. Xưa nay đối với anh, thánh Lu-y Gonzaga vẫn là một lời mời gọi tha thiết của Đức Kitô. Đây là một căn phòng nhỏ, đơn sơ, nghèo nàn, rất vừa ý Lu-y, cũng như Gioan, những người sẵn lòng nhận phần xấu nhất, để nên giống Chúa Giêsu, và để anh em được hạnh phúc hơn.
4
Chuẩn bị tương lai
Gần 3 năm sống trong học viện Rôma, Gioan tiếp tục cuộc hành trình một cách anh hùng. Những chứng từ của các anh em cùng sống với anh, cho thấy anh thực sự là một con người của Chúa. Ít khi thấy ai sống với Chúa một cách dễ dàng và tự nhiên như anh. Ngay trong đời sống thường ngày của một học viên, anh đã biết qui hướng mọi sự vào tình yêu, sống trọn vẹn cho Chúa. Anh say sưa cầu nguyện, như không bao giờ muốn ngừng, nhưng cũng chuyên cần học tập như thể đó là lẽ sống của anh. Cộng đoàn Dòng là gia đình thực sự của anh. Rạo rực với sứ mạng của Dòng, anh cũng tha thiết với từng anh em trong cộng đoàn. Anh coi việc hy sinh lớn nhất chính là sống với anh em trong cộng đoàn, chứ không cần tìm ở đâu xa.
Khi được sai đi Rôma, anh đã hân hoan, vì thấy đây là dịp tốt để anh ở gần Cha Bề Trên Cả, và xin đi loan báo Tin Mừng ở Viễn Đông. Lý tưởng ấy vẫn luôn nung nấu anh, làm cho anh không ngừng tôi luyện mình, để chuẩn bị trở thành sứ giả, và chứng nhân của Đức Kitô, nơi miền xa lạ. Anh vẫn tự nhủ sau khi hoàn tất việc học, mình sẽ có mặt ở những phương trời xa ngút mắt.
Lòng sùng kính Đức Mẹ là một nét đặc trưng trong con đường nên thánh của anh. Ngay từ nhỏ anh vẫn tha thiết yêu mến Đức Mẹ. Khi đến học trường Dòng Tên ở Malines, anh vào số những người đầu tiên ghi tên gia nhập Hiệp Hội Thánh Mẫu. Đến Rôma, mỗi lần đi dạo, thế nào anh cũng đi ghé qua một nhà thờ mang tước hiệu Đức Mẹ. Dù chưa rõ các vấn đề thần học, anh vẫn hoàn toàn xác tín rằng Đức Mẹ Maria vô nhiễm nguyên tội, và anh cho rằng điều đó sớm muộn phải được công bố như một tín điều. Để chứng tỏ lòng yêu mến Đức Mẹ, anh đã trích máu ở tay, để ký tên vào một công thức tuyên xưng Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội. Đây có lẽ là việc làm phi thường duy nhất trong đời anh. Thực sự mãi mãi anh vẫn là một người con cưng của Đức Mẹ.
Từ nhỏ Gioan đã biết sống bằng đôi bàn tay, và chí phấn đấu. Tinh thần phục vụ của anh thật phi thường. Cùng với một đầu óc thực tế, anh biết thể hiện cách sống động lòng yêu mến Chúa trong việc xả thân phục vụ anh em. Từ những điều nhỏ nhặt đến những việc khó khăn, anh luôn luôn sẵn sàng quên mình. Khi còn học phổ thông, anh đã được các giáo viên gọi là “thiên thần của Tôbia”, nghĩa là một người bạn đường được sai đến để phục vụ. Sớm phải sống trong cảnh khó khăn, anh đã có được một ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi. Khi mới đến Rôma, anh đã được tiếng là một Giêsu hữu gương mẫu. Có người đã nói để chờ một vài năm mới rõ vàng thau được. Nhưng năm tháng trôi qua, anh vẫn kiên gan thẳng tiến, không chút sờn lòng. Nhiều người đã nói với nhau về anh: biết đâu đây lại không phải là một Lu-y Gonzaga thứ hai!
Chúng ta tưởng một con người như thế hẳn phải là nghiêm nghị, đạo mạo, suốt đời không biết đến mỉm cười. Sự thật hoàn toàn trái ngược. Gioan là một con người có tài tổng hợp: một mặt anh rất siêu nhiên, mặt khác, anh lại rất nhân bản. Ở học viện, anh được gọi đùa là ‘cha giáo’ vì đời sống gương mẫu, nhưng đồng thời anh cũng được gọi là ‘chàng tếu’, vì gặp anh là có chuyện cười, và danh hiệu được gán cho anh ngay từ khi còn ở nhà tập Malines. Các bạn đều nhất trí nhìn nhận anh là một con người dễ mến, thành thật, rất kính trọng anh em, luôn luôn vui vẻ và lạc quan.
Có lẽ phải nói nơi Gioan, đời sống tự nhiên đã được siêu nhiên hoá, nên anh sống đời sống thiêng liêng một cách rất nhân bản.
5
Nhà Cha
Ngày 8.7.1621, Gioan Berchmans qua một cuộc thi tổng quát về tất cả các môn triết lý đã học trong 3 năm. Anh thành công rực rỡ. Tuy nhiên, sức khoẻ của anh kém từ mấy năm trước, nay thấy rõ hơn. Rồi anh ngã bệnh thực sự. Khi thấy bệnh tình anh trầm trọng, cha viện trưởng hỏi anh, nếu được Chúa gọi về, thì có gì buồn không. Anh tươi cười: Nếu Chúa muốn con chết, thì Ngài biết việc của Ngài. Phần con, lúc nào cũng sẵn sàng. Chỉ sợ các cha ở Bỉ thấy anh bạn cùng sang Rôma với con chết, nay lại đến lượt con, thì rồi chắc anh em ở Bỉ hết đi học Rôma thôi.
Sáng ngày 13.8.1621, anh hấp hối. Bất ngờ, anh cất tiếng hát nhỏ: Lạy Mẹ là ngôi sao sáng. Thầy y tá nói anh coi chừng mệt. Anh vẫn tươi cười: Em muốn vui vẻ ra đi. Rồi tay cầm Thánh giá khấn, tràng hạt và cuốn luật Dòng, miệng nói lời cuối cùng: “Tôi sung sướng được chết”. Anh êm đềm thở hơi cuối cùng. Năm ấy anh suýt soát 22 tuổi rưỡi. Ước mơ đi truyền giáo ở Viễn Đông đã không thành, nhưng hôm nay ở trên khắp thế giới, anh đã có mặt như một sứ giả, như một chứng nhân. Chúa đã cho anh một hiện thực đẹp hơn ước mơ.
Nhiều người trẻ chỉ dám mơ ước những gì sát mặt đất: của cải, thú vui, danh vọng thế gian… Gioan Berchmans đã biết đặt một lý tưởng cao. Đích duy nhất anh nhắm tới là chỉ sống cho tình yêu cao cả. Và Thiên Chúa, Đấng có tên là Tình yêu, đã không chịu thua anh về lòng quảng đại. Nơi anh hầu như không có gì xuất chúng, nhưng cũng có thể nói mọi việc anh làm đều là phi thường. Cả cuộc đời anh là một cái gì phi thường. Hương vị Tình Yêu đã đượm nồng từng giây phút của cuộc sống anh. Nơi anh, chúng ta nhìn thấy một con người biết đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa. Anh đã tin vào ơn kêu gọi, và đã quí mến nó như phần gia nghiệp Chúa dành cho anh. Nơi anh sáng ngời hình ảnh của một con người toàn diện: thuộc về Chúa và thuộc về anh em. Nơi anh, chúng ta thấy cả tương lai đang nảy mầm trong hiện tại: tất cả những gì chúng ta sống hôm nay đang dệt nên con người chúng ta muôn thuở.
6
Di chúc
Ngoài gương sáng bằng đời sống, thánh Gioan Berchmans cũng để lại cho chúng ta một số ghi chép.
Học viện Rôma lúc ấy có hơn 100 cha và thầy Dòng Tên. Ngài ghi tên từng người và cho biết cần học nơi mỗi người đức tính nào: Cha Bề Trên Cả: tử tế và lịch thiệp; cha giám tỉnh: uyên thâm; cha viện trưởng: điềm tĩnh; cha Buffalo: tôn trọng mọi người; cha Piccolomini: yêu mến và quan tâm đến học sinh; cha Cornelius a Lapide: ham học; thầy Oliva (sau này là cha Bề Trên Cả Dòng Tên): dịu dàng và dễ bảo… Không thấy ngài ghi bất cứ khuyết điểm nào của ai.
Một số châm ngôn chính anh ghi, không tự anh nghĩ ra hay trích từ đâu:
Làm gì cũng phải hết lòng hết sức.[3]
Việc hãm mình quan trọng nhất là sống đời sống chung.[4]
Ghê tởm việc xin luật trừ như dịch hạch.[5]
Thà bị xé nát còn hơn vi phạm một điều luật nhỏ nhất.[6]
Đó là tâm hồn anh, là cuộc sống của anh, nhờ vậy con một người thợ giày bình dị và một tiểu thư yêu say mê thực sự đã trở thành một vầng “Trăng Vàng” của gia đình, và cho cả thế giới, vầng trăng vừa kỳ diệu vừa quyến rũ, như bao môn đệ nhỏ bé khác của Chúa Giêsu.
ĐỂ TÔN VINH THIÊN CHÚA