THÁNH I-NHÃ: QUID AGENDUM?

LỜI TỰA CỦA CHA LOUIS GONCALVES DA CAMARA

1. Vào sáng thứ sáu ngày mồng 4 tháng 8, ngày áp lễ Đức Mẹ xuống tuyết, năm 1553, trong khi Cha ở trong vườn gần ngôi nhà hay căn hộ quen gọi là nhà vị công tước. Tôi bắt đầu kể cho Cha nghe một số vấn đề liên quan đến linh hồn tôi, và trong số những vấn đề khác, tôi đã nói cho Cha biết về sự hư danh. Để tìm phương thuốc chữa trị, Cha khuyên tôi thường xuyên qui hướng về Chúa tất cả mọi mối quan tâm của tôi, dâng cho Ngài mọi điều thiện hảo tôi thấy được nơi mình, nhìn nhận rằng tất cả những điều thiện hảo đó đều là quà tặng của Ngài và tạ ơn Ngài về những điều thiện hảo ấy. Về vấn đề này, Cha nói cho tôi biết  theo một cách thức khiến tôi được an ủi rất nhiều và sau cùng tôi không thể cầm được nước mắt. Cha lại kể cho tôi hay trong suốt hai năm, Cha đã phải chiến đấu chống lại tật xấu ấy thế nào và phải nỗ lực biết bao đến nỗi, khi Cha sắp sửa xuống tầu từ Barcelona đi Jêrusalem, Cha đã không dám nói cho bất kỳ ai biết rằng Cha đi đến Jêrusalem, và Cha cũng làm như thế trong nhiều trường hợp khác nữa. Cha còn nói thêm rằng từ đó về sau Cha được sự bình an lớn lao đối với sự việc ấy.

Một hay hai tiếng sau, chúng tôi vào bàn ăn, và trong khi cha Polanco và tôi cùng dùng bữa với Cha, Cha nói rằng nhiều lần cha Nadal và những cha khác trong Dòng đã khẩn khoản xin Cha làm một việc hệ trọng, nhưng Cha chưa bao giờ có quyết định thực hiện. Và bây giờ, sau khi nói với tôi và đi về phòng, Cha đã cảm thấy có một hướng chiều mạnh mẽ và ao ước thực hiện lời khẩn nài đó, và – cứ theo cách Cha nói, thì rõ ràng Thiên Chúa đã gợi hứng cho Cha thấy phải làm việc đó – bây giờ Cha phải đi đến quyết định thực hiện, nghĩa là kể lại tất cả mọi điều đã xảy ra trong linh hồn Cha cho đến lúc này, và Cha cũng quyết định rằng tôi  là người sẽ được Cha thổ lộ cho biết những sự việc đó.

2. Vào thời điểm ấy, Cha đau rất nặng, và thường không dám hy vọng sống thêm được một ngày nữa. Thực vậy, khi nghe bất cứ ai nói : “tôi sẽ làm điều đó trong vòng hai tuần nữa” hay “trong vòng một tuần nữa”, Cha tỏ vẻ ngạc nhiên và luôn luôn nói : “ Vậy hả ? Bạn có nghĩ rằng bạn sẽ sống được lâu như thế không ?” Tuy nhiên, trong trường hợp này, Cha nói rằng Cha hy vọng sẽ sống thêm được ba hay bốn tháng để có thể hoàn tất phận vụ. Khi nói chuyện với Cha vào ngày hôm sau, tôi hỏi khi nào Cha muốn chúng ta bắt đầu, và Cha trả lời tôi rằng mỗi ngày tôi phải nhắc Cha về điều ấy (tôi không thể nhớ được bao nhiêu ngày), cho đến khi Cha cảm thấy sẵn sàng bắt tay vào việc. Nhưng vì sức ép của công việc khiến không có giờ rảnh, nên Cha muốn tôi phải nhắc chừng Cha vào mỗi Chúa nhật. Thế rồi vào tháng chín (tôi không nhớ rõ vào ngày nào), Cha bắt đầu gọi tôi vào và bắt đầu kể cho tôi nghe về toàn bộ đời Cha, kể cả những chuyện nông nổi thời thanh xuân, tất cả đều rõ ràng, minh bạch và chi li. Ít lâu sau trong cùng tháng đó, Cha gọi tôi ba hay bốn lần và tiếp tục kể chuyện về đời Cha cho đến những ngày đầu tại Manresa, như ta có thể nhận ra vì chữ viết khác nhau.

3. Cách thức Cha kể chuyện giống với cách thức Cha thường làm trong mọi việc khác : Cha kể chuyện rõ ràng đến nỗi dường như  toàn bộ quá khứ xuất hiện ngay trước mắt người nghe. Vì vậy, tôi không cần phải hỏi Cha bất cứ  vấn nạn nào vì bất cứ điều thiết yếu nào của câu chuyện cần được hiểu thấu đáo, Cha đều không quên thuật lại. Chẳng cần nói cho Cha một điều gì, thường ngay tức khắc tôi ra đi lấy giấy viết lại, khởi đầu tóm lược bằng chính tay tôi dưới dạng thức từng điểm, và về sau này tôi khai triển dài hơn như hiện nay.Tôi cố gắng không viết thêm một điều nào ngoài những lời tôi đã nghe Cha nói, và về những điều liên quan như vậy, tôi sợ tôi sai sót ở chỗ, vì không muốn thoát ra khỏi những lời Cha nói, tôi đã không thể diễn tả cách thích đáng những điểm cần nhấn mạnh của một số lời nói. Thật vậy, như tôi đã ghi nhận ở trên, tôi đã viết tài liệu này vào tháng 9 năm 1553, nhưng từ lúc đó cho tới khi cha Nadal đến vào ngày 18 tháng 10 năm 1554, Cha luôn luôn cáo lỗi  vì bịnh tật hay vì những vần đề khác biệt nhau cần chờ được giải quyết, nên nói với tôi : “xin nhắc tôi, khi xong việc này”. Và khi việc đó xong, tôi nhắc Cha và Cha lại nói : “Ngay lúc này, chúng ta phải bận rộn với những việc khác. Xin nhắc lại tôi khi hoàn tất việc này”.

4. Khi Cha Nadal đến, cha ấy rất vui mừng vì nhìn thấy dự định đã được khởi sự và nói với tôi phải luôn thúc ép Cha tiếp tục, và bảo tôi nhiều lần rằng Cha không thể làm điều gì khác tốt hơn cho Dòng bằng công việc này,  và rằng công việc này chính là nhằm đem đến những việc thành lập đích thực của Dòng. Chính cha ấy cũng nói với Cha nhiều lần, và Cha đã bảo tôi phải nhắc cho Cha nhớ một khi công việc tìm nguồn lợi cho học viện được hoàn tất. Khi xong công việc đó, lại đến vấn đề về cha Gioan được đặt ra và vấn đề thư tín phải gởi đi.

Chúng tôi đã bắt đầu tiếp nối lại câu chuyện vào ngày mồng 9 tháng ba. Rồi đến khi Đức Giáo Hoàng Juliô III lâm bệnh và băng hà vào ngày 23, và Cha lại trì hoãn vấn đề cho đến khi có đức Giáo Hoàng mới, nhưng vị này cũng lâm bịnh sớm và băng hà. Đó là Đức Marcello. Cha lại trì hoãn mọi sự cho đến khi Đức Giáo Hoàng Phaolô IV đắc cử. Sau đó, vì thời tiết oi bức và vì nhiều công việc quan trọng chờ đợi, Cha phải dời đến ngày 21 tháng 9, khi vấn đề gởi tôi đi Tây Ban Nha được đặt ra. Vì lý do này, tôi hối thúc Cha hoàn tất lời hứa mà Cha đã dành cho tôi. Vì thế Cha lên chương trình gặp tôi vào buổi sáng ngày 22 tại Tháp Đỏ. Sau khi tôi dâng lễ xong, tôi đi đến hỏi Cha xem đã đến giờ chưa.

5. Cha trả lời rằng tôi đi trước và chờ Cha ở Tháp Đỏ và tôi phải ở đó cho đến khi Cha đến. Tôi cho rằng dĩ nhiên tôi phải chờ Cha một khoảng thời gian lâu, và vì thế khi tôi đang nói chuyện với một tu huynh kẻ đã hỏi tôi một vấn nạn gì đó ở hành lang , Cha đi đến và quở trách tôi không vâng lời vì tôi đã không đợi Cha đúng nơi đã hẹn. Và cả ngày hôm đó, Cha đã không muốn làm bất cứ điều gì. Rồi chúng tôi đi đến với Cha và hối thúc Cha phải tiếp tục kể chuyện. Cha trở về Tháp Đỏ và vừa đi vừa kể như đã quen làm mỗi khi thuật truyện. Tôi nhích lại gần và rồi tiến gần sát Cha hơn để tôi có thể quan sát  rõ hơn điệu bộ diễn đạt của Cha, nhưng Cha lên tiếng: “Phải tuân giữ luật!”. Có khi quên mất lời nhắc nhở này, tôi tiến lại gần Cha  một lần nữa, hai hay ba lần, và Cha lập lại lời nhắc nhở và bỏ luôn. Sau một lúc Cha trở về Tháp  để hoàn tất việc thuật truyện như chúng tôi đã cho viết ra ở đây. Vì ít hôm trước, tôi đã sửa soạn lên đường (ngày hôm trước khi tôi lên đường cũng là ngày sau cùng mà Cha đã kể cho tôi về những điều này), nên tôi không thể viết ra mọi sự cách chi tiết khi ở Roma. Đến Gênova, vì không có người biết tiếng Tây Ban Nha nên tôi đã đọc bằng tiếng Ý, từ những ghi chú mà tôi đã mang theo từ Roma, và tôi đã kết thúc việc thuật truyện này vào tháng 12 năm 1555 tại Gênova.

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *