Hoàng Sóc Sơn, SJ.
Chương I: NHỮNG NĂM ĐẦU ĐỜI Ở LOYOLA
Thánh I-nhã sinh năm 1491[1] tại lâu đài Loyola ở tỉnh Guipúzcoa nước Tây Ban Nha. Tên đầy đủ của ngài là Ynigo Lopéz de Loyola[2]. Cha ngài là ông Beltrán Yánez de Onaz y Loyola, mẹ ngài là bà María Saenz de Licona[3].
Loiola theo tiếng Basco, hay Loyola như mọi người thường viết, là tên lâu đài của gia đình thánh I-nhã, có gốc trong tiếng Basco là lodazal, nghĩa là đầm lầy[4]. Đó là một tòa nhà bốn tầng, gần như hình khối lập phương, mỗi bề 16 mét, mái lợp ngói đỏ, tường hai tầng dưới bằng đá xanh, hai tầng trên bằng gạch, hiện nay vẫn còn nguyên vẹn tại thung lũng Iraurgui, nơi dòng sông Urola uốn khúc từ đông sang tây, giữa hai ngọn núi Elosua và Pagotxeta, ở chỗ cách gần đều hai thị trấn Azkoitia và Azpeitia mỗi nơi khoảng 2-3 km, trong tỉnh Guipúzcoa, miền bắc Tây Ban Nha. J. I. Tellechea Idigoras, một linh mục quê ở gần đó, mô tả: “Loyola ở giữa một thung lũng dài, hơi cong, chỗ sâu nhất là con sông tí hon Urola, phải nhờ độ cao mới đủ sức chạy cối xay và lò rèn. Một thung lũng như bao thung lũng khác, giữa vùng đồi núi chập chùng. Mùa xuân và mùa hạ: toàn màu xanh. Mùa thu: vàng, rồi đỏ, rồi tím, rồi úa… Ai leo lên đến đỉnh dãy Izarraitz coi như được cấp chứng chỉ về lòng dũng cảm.”[5] Chung quanh thung lũng là núi đồi của dãy Izarraitz vừa hùng vĩ vừa hiểm trở, đỉnh cao nhất 1033 mét. Trên đỉnh này, người ta có thể nhìn thấy chung quanh bao ngọn núi trùng trùng điệp điệp, đồng thời xa xa về hướng bắc cũng hiện ra cả một đại dương mênh mông, vừa như thách thức vừa thật quyến rũ.
Tên Loyola xuất hiện lần đầu trong sử sách năm 1261 khi công tử Lope García de Onaz kết hôn với tiểu thư Inés de Loyola và lâu đài Loyola được tặng làm của hồi môn. Antonio Arana cho biết: “Cuộc hôn nhân này liên kết hai gia đình Onaz và Loyola thành một. Gia đình Onaz kỳ cựu hơn, nhưng gia đình Loyola có lợi tức và tài sản quan trọng hơn”[6]. Thánh I-nhã sinh tại lâu đài Loyola ấy và thuộc dòng họ Onaz-Loyola ấy[7]. Cặp vợ chồng Onaz–Loyola có được duy nhất một người con gái cũng tên là Inés như mẹ. Người này kết hôn với một người trong cùng dòng tộc tên là Juan Pérez, và sinh được 7 người con trai. Chính 7 anh em này, vào năm 1321 đã lập được chiến tích lẫy lừng tại Beotíbar[8], chiến tích đã đi vào thơ nhạc của dân Guipúzcoa. Hiện nay, hằng năm vào ngày lễ thánh Gioan Tẩy Giả, dân Basco vẫn kỷ niệm ngày chiến thắng này. Đặc biệt với chiến thắng này, gia đình Loyola được vua Castilla trọng thưởng, và sẽ mãi mãi gắn bó với triều đình này.