Phụ trang 12
Tuyển truyện Các Thánh
(Legenda Sanctorum của Chân phước Jacopo de Vorazze)
Theo bản dịch tiếng Pháp của D. Brunet (La légende dorée, Granier 1920), bộ sách gồm hai tập, khổ 13 cm x 20 cm; tập I: 430 trang, tập II: 420 trang. Thực ra bản văn nguyên thủy đã được người này người kia thêm thắt vào, có khi bản này gấp rưỡi bản kia. D. Brunet cho biết đã dịch theo bản Latinh viết tay năm 1260.
Tác giả: Chân phước Jacopo da Varazza, dòng Đaminh, người Ý, nhà giảng thuyết thời danh, một nhân vật nổi nang trong dòng Đaminh và Hội Thánh, người đồng thời với thánh Tôma Aquino.
Tác giả sinh khoảng năm 1230 tại Vorazze (tên cũ là Voraggio, người Pháp gọi là Voragine), một làng ở vùng vịnh Genova, miền bắc nước Ý. Trong một tác phẩm khác, tác giả nói về nhật thực năm 1239 và cho biết lúc ấy mình còn nhỏ. Ngài vào dòng Đaminh năm 1244. Năm 1267-1285: Giám tỉnh Lombardia. Năm 1291: Tổng Giám Mục Genova. Qua đời: 14.7.1298.
Tác giả viết khá nhiều: soạn các bài giảng Mùa Chay, các Chúa nhật và ngày lễ trong năm, nghiên cứu về thánh Âutinh, soạn bản biên niên sử về Genova. Nhưng chính Legenda Sanctorum làm cho tác giả nổi tiếng. Tác phẩm được chép lại nhiều lần trước khi được in lần đầu khoảng năm 1474. Trong ấn bản 1820, M. J.-V. Brunet cho biết đến năm 1500 sách đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng và được in 74 lần.Phải nói là tác phẩm đã thành công vang dội ngay từ thế kỷ XIII: các linh mục, các tu sĩ, các giáo dân, đâu đâu cũng đọc.
Nội dung tác phẩm gồm 178 chương dài ngắn khác nhau, xếp theo thứ tự lịch phụng vụ thời ấy, trong đó 153 chương dành cho các thánh, 23 chương cho các lễ khác, thí dụ lễ Suy Tôn Thánh Giá, lễ Đức Mẹ Dâng Mình, lễ Ba Vua… Hình như tác giả soạn để làm tài liệu cho các vị giảng thuyết.
Chúng ta có thể nghĩ đó là một cuốn sách hấp dẫn, sâu xa, thấm thía. Tiếc là sự thật hoàn toàn khác!
Sau đây là ý kiến của Alain Boureau (La légende dorée, le système narratif de Jacques de Voragine [+ 1298], Cerf 1984):
Trước hết về mặt văn chương: cách kể chuyện của tác giả rất nhạt nhẽo. Chủ yếu là kể những chuyện khác thường hay các phép lạ. Hết tình tiết này đến tình tiết khác, không nêu lên điểm nào nổi bật, nên mọi sự rất đơn điệu, nhàm chán. Người ta có cảm tưởng tác giả có một số bị, mỗi bị ghi tên một vị thánh, rồi gặp được điều gì liên hệ đến vị nào thì bỏ vào bị đó, thế thôi, không xếp đặt chi cả.
Về mặt thần học: một vị giảng thuyết, giám tỉnh và giám mục, đồng thời và cùng dòng với thánh Tôma Aquino, nhưng thua kém về mọi mặt. Trong khi thánh Tôma Aquino và nhiều người khác đương thời có cái nhìn phê phán và cân nhắc về tử đạo và phép lạ, tác giả vẫn giữ nguyên lập trường đã lỗi thời.
Tại sao tác phẩm đã được phổ biến và ảnh hưởng rộng rãi và lâu dài như vậy?
Trước hết sách là điều họa hiếm thời ấy, mà đối với giáo dân, sách thần học quá khó, không hiểu được, còn sách suy niệm đòi hỏi quá, không thực hành được, nên một cuốn sách vừa tầm giáo dân hẳn là được đón nhận dễ dàng. Nhưng quan trọng hơn, cuốn Tuyển Truyện Các Thánh vừa tầm và hợp ý đa số giáo dân trong quan niệm vừa hời hợt vừa vụ lợi, vừa ngây thơ vừa thực dụng về đạo: những phép lạ trước mắt, những hình phạt nhãn tiền.
Bản văn cho thấy những tin tưởng bình dân trong Hội Thánh. Hình như ban đầu tác giả chỉ muốn soạn để giúp chính mình hay các vị khác vận dụng vào trong các bài giảng thuyết cho giáo dân. Sau đó, người ta chép lại và phổ biến.
Tác giả muốn truyền đạt chân lý đức tin, minh họa tín điều, tạo khuôn thánh thiện. Tuy nhiên, với những hình ảnh nghèo nàn tác giả trình bày, ngày nay chúng ta nhận ra đó là một thứ đạo vừa giáo điều vừa ngây ngô, lại thiếu cởi mở trước những thành quả mới của thần học. Có thể nói đó là tiếng vang cuối cùng và yếu ớt của một truyền thống chú giải từng được ưa chuộng cho đến thời thánh Bênađô.
Bản Tuyển Truyện Các Thánh mà thánh I-nhã đọc tại Loyola là bản dịch tiếng Tây Ban Nha của đan sĩ Gauberto Maria de Vagad, dòng Xitô, xuất bản năm 1502. Nguyên là người cầm cờ hiệu của vua Aragon, ở đầu cuốn sách, người dịch viết lời nói đầu. Sẵn tinh thần chiến đấu, người dịch giới thiệu các thánh như những hiệp sĩ của Thiên Chúa, mà thủ lãnh là Chúa Giêsu, vua các vua, chúa các chúa. Sự thánh thiện được giới thiệu như là một nỗ lực anh hùng mà điều cốt yếu là bước theo và noi gương vị vua tối cao. Cờ hiệu của Chúa Giêsu, tức là cuộc tử nạn của Người, phải được dương cao trong tay các hiệp sĩ của Người.
Chúng ta thử lấy vài ba thí dụ có thể đã ảnh hưởng trên thánh I-nhã.
Truyện thánh Anrê. Một ông già tên là Nicôla đến gặp thánh Anrê: “Thưa thầy, suốt 60 năm qua, tôi luôn luôn ham mê sắc dục. Nhưng tôi đã nghe được Tin Mừng và xin Chúa ban ơn thanh sạch. Nhưng ý tưởng xấu vẫn luôn luôn ở trong đáy lòng tôi, nên khi bị cám dỗ, tôi lại ngựa quen đường cũ. Một hôm, dục vọng bừng lên, tôi quên mất Tin Mừng vẫn mang trên mình, tôi đến nhà chứa, gặp một cô gái xấu, nhưng cô này nói ngay: ‘Ông già, đi ra khỏi đây, đừng đụng vào tôi. Không được bước qua cửa, vì tôi thấy nơi ông những điều kỳ diệu.’ Rất ngạc nhiên về lời cô gái, tôi nhớ có mang Tin Mừng trong người. Giờ đây, thầy là bạn của Thiên Chúa, xin cầu nguyện cho tôi.” Nghe vậy, thánh Anrê bắt đầu cầu nguyện, từ giờ thứ ba đến giờ thứ chín. Khi chỗi dậy, ngài không muốn ăn và tự nhủ: “Tôi sẽ không ăn gì hết cho tới khi biết Chúa thương đến ông già ấy.” Sau khi nhịn ăn 5 ngày, ngài nghe có tiếng nói: “Anrê, con xin ơn cho ông già được rồi đấy; nhưng cũng như con đã hãm mình bằng việc ăn chay, nếu muốn được cứu, ông ấy cũng phải thanh luyện bằng việc kiêng thịt và đền tội.” Trong sáu tháng, ông già chỉ ăn bánh mì và uống nước lã. Sau đó, đầy công phúc, ông ấy đã được an nghỉ. Còn thánh Anrê thì nghe có tiếng nói: “Nhờ lời cầu nguyện của con, Ta đã tìm lại được người đầy tớ đi lạc.”
Tại Manresa, thánh I-nhã ăn chay cho tới khi thắng được cám dỗ.
Truyện thánh Inhaxiô Antiôkia. Ngài là đệ tử thánh Gioan. Khi hoàng đế Trajanô ra lệnh cho ngài đi chân không trên than hồng, ngài đáp: “Lửa hồng hay nước sôi cũng không dập tắt được tình yêu của tôi đối với Chúa Giêsu Kitô.” Trong lúc bị tra tấn, ngài không ngừng kêu tên Chúa Giêsu. Được hỏi tại sao, ngài đáp: “Danh hiệu ấy được viết trong tim tôi, nên tôi không thể không gọi được.” Sau khi ngài chết, những người đã nghe ngài nói như vậy thì muốn xem thực hư thế nào, nên đã móc tim ngài ra, cắt ngay chính giữa, và họ thấy quả thật tên Chúa Giêsu được viết trong tim ngài bằng những chữ vàng.
Có thể vì vậy thánh I-nhã kính mến ngài đặc biệt và muốn được gọi bằng tên của ngài.
Hai vị thánh lập dòng Phanxicô và Đaminh cũng đánh động ngài nhiều: “Thánh Phanxicô đã làm như thế, tôi cũng phải làm như thế; thánh Đaminh đã làm như vậy, tôi cũng phải làm như vậy.” Chắc chắn lúc ở Loyola, thánh I-nhã chưa có ý lập dòng như các ngài. Điều đánh động ngài có lẽ là hai vị thánh như “hai ngọn đuốc lớn” soi sáng Hội Thánh. Riêng truyện thánh Phanxicô Assisi được mở đầu bằng câu: “Cho đến năm 20 tuổi, ngài uổng phí thời giờ trong những chuyện phù phiếm”. Sau này thánh I-nhã sẽ mở đầu tập Hồi Ký bằng câu: “Cho đến năm 26 tuổi, kẻ ấy chỉ chạy theo những chuyện phù phiếm thế gian.”
Truyện thánh Ônôfrê không có trong bản dịch của G. Brunet nhưng hình như lại có trong bản dịch của Gauberto. Có thể vị thánh này không được kể trong bản nguyên thủy, nhưng được người sau thêm vào. Đó là một vị thánh ẩn tu ở sa mạc Ai Cập, suốt 70 năm, trên người chỉ đóng một cái khố, để tóc và lông che phủ hết cả người. Hằng ngày có một thiên thần mang bánh mì và thức ăn. Mỗi Chúa nhật thiên thần đem đến cho ngài Mình Thánh Chúa. Ngài nói: “Bỏ hết mọi lo âu thế gian, đặt tin tưởng nơi một mình Thiên Chúa, chúng ta sẽ không cảm thấy đói khát hay buồn phiền chi cả. Mỗi khi các ẩn sĩ nhớ đến người đời, thiên thần lại đưa lên Thiên Đàng để thấy Thiên Chúa sáng láng, thế là lại quên hết khó khăn nhọc nhằn và thêm hăng say trong đời sống khổ hạnh.” Có lẽ hình ảnh hết sức dị thường ấy được thánh I-nhã coi là anh hùng nên ngay tại Loyola ngài đã muốn bắt chước và thời gian đầu ở Manresa ngài thực hiện: đi chân không, chỉ ăn bánh mì và uống nước lã, để râu tóc và móng chân móng tay mọc bừa bãi…
Với vốn giáo lý ít ỏi, nhưng với trí tưởng tượng, óc mạo hiểm và lòng quảng đại, thánh I-nhã đã tiếp thu không ít điều từ cuốn sách ấy. Tuy nhiên, ảnh hưởng của bộ sách trên ngài thực sự không sâu và không bền. Hẳn là không phải vô tình mà trong Hồi Ký, ngài đặt Cuộc Sống Đức Kitô trước Tuyển Truyện Các Thánh.