Thánh I-nhã : Tự do để yêu mến và phục vụ (IV)

Bước đầu một cuộc sống mới. Điều thu hút trọn vẹn con người ngài là Thiên Chúa. Ngài đọc sách và ghi chép: không chỉ để giết thời giờ, nhưng dùng mực xanh mực đỏ và nét chữ nắn nót để miệt mài chép lại những điều đọc được thành “khoảng 300 trang giấy khổ lớn viết kín hết”. Cũng cần lưu ý là ngay cả các thánh giờ đây cũng nhường chỗ cho Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Rồi ngài cầu nguyện. Cách cầu nguyện của ngài khá đặc biệt: “sốt sắng nhất khi nhìn lên trời và các vì sao”“thường nhìn như vậy và nhìn lâu giờ”. Chắc chắn Thiên Chúa của ngài là một Thiên Chúa siêu việt, nhưng lại nhận biết được qua thụ tạo. Rồi ngài nói chuyện của người nhà, không phải là tán gẫu hay bàn chuyện gia đình, nhưng “chỉ nói những điều về Thiên Chúa, nhằm mưu ích cho linh hồn họ”. Thay vì làm thơ để lấy lòng quý nương, ngài nói đơn sơ về Thiên Chúa để mưu ích cho người nghe. Thánh I-nhã “bắt đầu đứng lên và đi lại trong nhà được rồi”: chắc chắn ngài chỉ có ý nói về sức khỏe phần xác, ngài chúng ta có thể hiểu cả về đời sống thiêng liêng. Rồi ngài sẽ “đi lại” khắp nơi.

            “Khi suy tính mình sẽ làm gì sau khi đi Giêrusalem về, để luôn luôn làm việc hãm mình đền tội, kẻ ấy dự tính sẽ lui vào đan viện Chartreux ở Sevilla[52], không cho ai biết mình là ai, để người ta khỏi kính nể, và chỉ ăn rau cỏ thôi. Nhưng vào những lúc khác, khi suy nghĩ đến việc đi khắp thế giới để làm những việc đền tội kẻ ấy ước ao thực hiện, ước muốn vào dòng Chartreux của kẻ ấy nguội lạnh đi: kẻ ấy sợ ở đó không được tự do thể hiện sự thù ghét mình có đối với bản thân[53]. Dầu vậy, lúc ấy có một gia nhân phải đi Burgos[54], nên kẻ ấy bảo người ấy đến hỏi cho biết luật lệ dòng Chartreux, và thấy luật ấy hay. Tuy nhiên, vì lý do nêu trên, và vì kẻ ấy hoàn toàn bị hút vào chuyến đi sắp thực hiện, còn việc kia thì sau khi về sẽ tính, nên không quan tâm bao nhiêu.”[55]

Chắc lúc này thánh I-nhã đã đi lại được chẳng những ở trong nhà mà cả bên ngoài nữa. Ngài “hoàn toàn bị hút vào chuyến đi sắp thực hiện”, tức là chuyến hành hương Giêrusalem. Vấn đề chỉ còn là sau đó sẽ làm gì. Ngài phân vân giữa hai ý tưởng: “lui vào đan viện Chartreux ở Sevilla”“đi khắp thế giới để làm những việc đền tội”. Có lẽ ngài đã đến đan viện Santa Cueva dòng Chartreux ở ngoại ô Sevilla và thấy đời sống các đan sĩ ở đó thật anh hùng, nên ý nghĩ đầu tiên của ngài về cuộc sống mai sau là đến chia sẻ nếp sống ở đó. Nhưng gương các thánh ngài đọc được cho thấy các vị ấy, chẳng hạn thánh Ônôfrê[56], còn anh hùng hơn các đan sĩ nữa. “Sau khi về sẽ tính”: ngài phải thực hiện chuyến hành hương Giêrusalem đã. Ngài không hoàn toàn bỏ ngỏ tương lai, mà chỉ chưa quyết định sẽ chọn điều nào trong hai ý tưởng.

            “Thấy mình đã phần nào khỏe mạnh, khởi hành được rồi, kẻ ấy thưa với anh: “Anh biết đó, công tước Nájera[57] đã biết là em khỏi rồi. Chắc em phải đi Navarrete.” (Lúc ấy, ông công tước đang ở đó.) Ông anh dẫn kẻ ấy từ phòng này sang phòng khác, tỏ nhiều dấu cho thấy sự ngạc nhiên, và xin kẻ ấy đừng uổng phí một đời: phải nghĩ đến người ta kỳ vọng nơi mình thế nào, và giá trị của mình thế nào, và những lời tương tự. Nhưng kẻ ấy trả lời khéo, không sai sự thật vì kẻ ấy đã rất sợ nói sai, và thoát được người anh.”[58]

            Đọc Hồi Ký, chúng ta có cảm tưởng thánh I-nhã không biết gì đến những chuyện bên ngoài nữa. Sự thật có lẽ không phải như vậy. Ngoài tin tức về việc tái chiếm Pamplona cuối tháng 6 năm 1521, còn một số tin tức khác đến với ngài.

Alonso de Montalvo, bạn đồng song của ngài tại Arévalo, cho biết đã đến thăm ngài lúc ngài bị thương. Có người nghĩ là hai người gặp nhau ở Pamplona, nhưng vì lúc ấy quân đội hai bên còn giao tranh, chúng ta có thể chắc là hai người chỉ gặp nhau được tại Loyola. Lúc ấy Alonso de Montalvo đang trên đỉnh cao danh vọng. Có thể thánh I-nhã được bạn hứa giúp đỡ để tiếp tục con đường công danh. Chắc ngài không khỏi băn khoăn và trăn trở.

Ngày 27.8.1521, gia đình Loyola và linh mục Juanes Anchieta ký kết một thoả hiệp quan trọng chấm dứt 15 năm bất hòa nặng nề. Một người trong dòng họ Loyola tên là Catalina đã thành lập tu viện Thánh Phanxicô tại Azpeitia. Tu viện này bị linh mục chánh sở chống đối, nhưng được gia đình Loyola hận thuẫn. Sự kiện năm ngày lễ Hóa Trang năm 1515 cũng nằm trong bối cảnh bất hòa giữa hai bên. Bất hòa này lên đến cực điểm năm 1519 khi linh mục García Anchieta, cháu củ linh mục chánh sở bị giết, ít lâu sau linh mục Pero Lopez, anh thánh I-nhã được đặt làm chánh sở. Theo thỏa hiệp, khi chế cả hai bên cùng được chôn trong nhà nguyện tu viện Thánh Phanxicô. Chắc thánh I-nhã có ảnh hưởng trong thỏa hiệp này.

Cũng ngày 27.8.1521, nhưng chắc phải ít lâu sau thánh I-nhã mới biết, Don Antonio bị cách chức phó vương Navarra, mặc dầu ông vẫn quy trách nhiệm về việc mất pháo đài Pamplona cho tư lệnh quân đội không chịu gởi quân tiếp ứng. Về tài sản, suốt gần 2 năm, ông không được triều đình trợ cấp đồng nào, ông “mất hết tài sản và khánh tận”[59]. Buồn tủi, ông lui về Nájera và Navarrete gần như ở ẩn. Tuy ông không buồn đến chết như Don Juan, nhưng chắc thánh I-nhã thêm thấm thía về những phũ phàng trong cuộc sống.

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *