Phụ trang 11
Cuộc sống Đức Kitô
(Vita Jesu Christi của Ludolphô de Saxe)
Cuốn Vita Jesu Christi e quatuor Evangeliis et sciptoribus orthodoxis concinnata (Apud Cictoram Palmé M.DCCC.LXV), bằng tiếng Latinh, là một quyển sách lớn: hơn 800 trang khổ 25 cm x 37,5 cm.
Tác giả là đan sĩ Ludolphô, dòng Chartreux (nên thường được gọi là le Chartreux), quê ở miền tây bắc nước Đức (lúc ấy thuộc miền Saxe, nên thường được gọi là de Saxe); sinh khoảng năm 1300; vào dòng Đaminh lúc còn trẻ; tốt nghiệp cử nhân thần học; vào dòng Chartreux ở Strasbourg năm 1340; làm bề trên tu viện Koblenz (1343-1348); chuyển đến Mainz năm 1348; năm 1368 trở về ở Strasbourg cho đến khi qua đời ngày 10.4.1378. Các tác phẩm cho thấy tác giả đề cao hoạt động tông đồ, đặc biệt việc rao giảng Lời Chúa.
Cuộc Sống Đức Kitô được viết bằng tiếng Latinh và được chia thành hai phần: phần I có 92 chương, phần II có 89 chương. Thời gian sáng tác: khó xác định chính xác, nhưng có lẽ trong khoảng 1348-1368, lúc ở Mainz. Tuy nhiên, có thể tác giả đã chuẩn bị từ lúc còn ở dòng Đaminh. Đây không phải là một cuốn lịch sử cuộc đời Chúa Giêsu, nhưng là những bài suy niệm dựa trên cuộc sống của Chúa Giêsu, không chỉ cuộc đời trần thế, mà cả từ muôn thuở cho đến muôn đời.
Theo Walter Baier (Dictionnaire de Spiritualité IX, Ludolpe de Saxe), thể loại suy niệm cuộc đời Chúa Giêsu do thánh Bênađô và thánh Bonaventura khởi xướng đã đạt tới đỉnh cao và tính cách độc đáo trong Cuộc Sống Đức Kitô của Ludolphô. Tác giả (1) tự chọn các trình thuật về cuộc đời Chúa Giêsu; (2) lược bỏ một phần những thêm thắt do truyền khẩu; (3) nêu lên thực tại khách quan; (4) sau đó làm cho phong phú bằng việc vận dụng giáo huấn của các giáo phụ, các tác giả được nhìn nhận trong quá khứ cũng như đương thời, để giải thích theo thần học. Cả trước cũng như sau Ludolphô, không ai đã đem toàn bộ nội dung Tin Mừng làm đề tài suy niệm dưới hình thức ấy và mở rộng ra như vậy. A. Wilmart[1]: “Thật không quá đáng khi gọi đó là một trong những tác phẩm hay nhất và thông thái nhất thời Trung Cổ để lại… Gần như toàn bộ các giáo phụ được ghép vào đó.’
Tác phẩm được phổ biến rộng rãi trong giới mộ mến đời sống thiêng liêng trong thế kỷ XV và XVI, lúc đầu bằng các bản chép tay, sau đó bằng các bản in. Ảnh hưởng chắc là quan trọng, mặc dầu không rộng rãi như Tuyển Truyện Các Thánh, nhưng có thể sâu xa hơn. Tuy nhiên, đến nay chưa có nghiên cứu đầy đủ để kết luận chính xác. Ở Tây Ban Nha có hai bản dịch: (1) tiếng Catalan do Rois de Corella, xuất bản ở Velenccia năm 1495-6; (2) tiếng Castilla do Ambrosio de Montesino, xuất bản ở Alcala năm 1502-3. Chính đây là bản dịch thánh I-nhã đọc tại Loyola, năm 1521.
Cấu trúc chung của các bài suy niệm gồm ba phần: đọc (lectio), suy (meditatio) và nguyện (oratio). Các bài suy niệm về cuộc Tử Nạn thêm phần thấm (conformatio) trước phần nguyện. Kết thúc mỗi bài là một lời nguyện. Trong mỗi chương (thường khá dài, chỉ đọc cũng mất 15-20 phút), tác giả mời gọi người đọc dừng lại để chiêm ngắm (contemplatio): đó có thể là (1) nhìn xem những điều đang diễn ra, (2) ngạc nhiên, (3) cảm nhận. Mở đầu mỗi chương, tác giả giới thiệu đề tài. Trong mỗi chương, tác giả khai triển bằng ý kiến của các bậc thông thái hay của chính mình. Cuối mỗi chương, tác giả gợi ý để đào sâu đề tài.
Mục đích các bài suy niệm là làm mới lại hình ảnh Thiên Chúa đã bị bóp méo trong con người. Phương pháp: vận dụng ký ức để nhớ lại, vận dụng trí hiểu để học hỏi và vận dụng ý chí để yêu mến. Muốn đạt tới mục đích ấy, phải tiến hành (lectio) chậm rãi, hằng ngày và theo thứ tự của đề tài. Người suy niệm phải: (1) bỏ mọi bận tâm, xáo động, tất cả những gì đi ngược lại những điều đang suy niệm; (2) cố gắng đón nhận Lời Chúa và để Lời Chúa thấm nhập lòng mình; (3) hình dung sợi dây nối kết điều đang diễn ra với toàn bộ công cuộc cứu độ; (4) đặt mình trước mặt Chúa Giêsu để nghe Người nói gì và xem Người làm gì; (5) trong lòng coi mình là nhân chứng và đồng hành với các nhân vật thánh trong Tin Mừng, để cùng sống mầu nhiệm với các nhân vật ấy.
Trong khi khai triển, đương nhiên tác giả hiểu và chú giải Kinh Thánh theo quan niệm thời ấy với cái nhìn tiền phê bình phần nào ngây thơ và cố rút ra những bài học cụ thể cho đời sống đức tin và tu trì. Thí dụ chuyện các đạo sĩ: Ba đạo sĩ, vừa là vua vừa là tư tế, đại diện 3 người con của Noe, tức là thay cho toàn thể nhân loại. Ba lễ vật là vàng, để nói lên quyền năng của Chúa, nhũ hương để nói lên thiên tính của Chúa, và mộc dược để nói lên nhân tính của Chúa sẽ được mai táng, không phải hư nát. Rồi tác giả mời gọi: “Hãy dâng cho Chúa ba lễ vật: vàng là lòng mến, hương là kinh nguyện, mộc dược là những đau khổ.” Về việc Chúa Giêsu ở lại một làng Samari hai ngày (Ga 4,40): “Xin ở lại với con hai ngày trong cuộc sống này, để dạy con hai giới răn trọng đại là mến Chúa và yêu người. Đến ngày thứ ba, xin cho con được ở trong vinh quang muôn đời của Chúa.”
Theo tác giả, chiêm niệm và hoạt động không đối kháng. Chính bổn phận đòi người ta phải chiêm niệm hay hoạt động, tùy người và tùy thời điểm. Người hoạt động tông đồ vẫn có thể và phải chiêm niệm. Người sống đời chiêm niệm cũng phải hoạt động tông đồ khi nhu cầu Hội Thánh đòi hỏi. Chẳng những trong việc chọn chiêm niệm hay hoạt động, mà cả trong đời sống chiêm niệm cũng như trong đời sống hoạt động, vẫn cần phải nhận định thần loại: (1) sợ hãi kéo dài là dấu hiệu của thần xấu; (2) thần xấu có thể giả dạng thần ánh sáng để lấy điều có vẻ tốt cám dỗ con người, nhằm ngăn cản họ tiến tới trên con đường hoàn thiện.
Có thể thấy được toàn bộ linh đạo của tác giả và tác phẩm ngay trong câu mở đầu: “Không ai được đặt một nền móng nào khác, ngoài nền móng đã được đặt sẵn là Chúa Giêsu Kitô, như thánh Phaolô nói (1 Cr 3,11)”.
Có lẽ ở Loyola, thánh I-nhã không đọc hết Cuộc Sống Đức Kitô, vì dài và khó. Tuy nhiên, chúng ta nhận thấy tác phẩm đã ảnh hưởng không ít trên đời sống ngài nói chung và Linh Thao nói riêng.
Trước hết, chúng ta xem qua một số chi tiết.
“Đặt mình trong các cảnh của Tin Mừng, nhìn xem các nhân vật như thể chính tôi có mặt.” Tác giả không dừng lại ở chỗ suy nghĩ trên bản văn, nhưng dẫn đến một kinh nghiệm thiêng liêng sống động. Trong Linh Thao, trước các bài tập, thánh I-nhã thường đề nghị người tập đặt mình vào khung cảnh của bài suy ngắm.
Trong bài chiêm niệm mầu nhiệm Giáng Sinh: (1) “Hãy giúp thánh Giuse trong việc lo cho Đức Mẹ và Chúa Giêsu.” Xem Linh Thao số 114. (2) “Cảnh nghèo hang đá… Con cáo có hang…Chúa Giêsu bắt đầu dùng gương sáng để dạy chúng ta sống hoàn thiện: khiêm tốn, khắc khổ, nghèo khó. Xem Chúa nghèo thế nào và những nơi Chúa đã ở. Trước hết là trong lòng Đức Mẹ; thứ đến là ở hang đá; rồi trên thập giá; cuối cùng là trong ngôi mộ của người khác.” Ở đây chúng ta thấy thấp thoáng Thập giá. Linh Thao số 116 sẽ nói rõ hơn.
Chúa Giêsu từ Nadarét đi Giođan (Mc 1,9): “Chân không, đi bộ, một mình, Chúa vượt qua một quãng đường dài. Không có kỵ binh hay ngựa hộ tống, không có người nào đi trước để dọn chỗ, không có môn đệ hay bất kỳ ai khác; không được hoan hô hay đón rước… Tại sao chúng ta cứ miệt mài tìm kiếm và bám lấy danh dự và những hào nhoáng, những điều hư nát và phù phiếm?… Hỡi những kẻ ham mê phù phiếm, tại sao coi phù phiếm là chân thật, coi hư nát là bền vững, coi đời tạm là vĩnh cửu?” Chắc thánh I-nhã được đánh động và sau này ngài sẽ noi gương Chúa trong cuộc hành hương Giêrusalem.
Trong bài suy ngắm Chúa Giêsu bị cám dỗ, tác giả viết: “Con rắn địa ngục có đầu là những gợi ý xấu, có mình là sự ưng thuận và có đuôi là việc làm.” Sau này trong Hồi Ký thánh I-nhã mấy lần bị con rắn cám dỗ, và trong Linh Thao, ngài nói phải để ý phát hiện đuôi con rắn.
Trong bài suy niệm Chúa Giêsu bị bắt, tác giả nói Chúa “giấu thiên tính”. Xem Linh Thao số 223.
“Nói về nơi Chúa Giêsu lên trời, một giám mục tại Giêrusalem cho biết sau đó người ta đã xây một nhà thờ, nhưng không sao lát đá được nơi Chúa Giêsu đã đứng trước khi lên trời, đá cứ đập vào mặt người lát. Đó là dấu rõ ràng Chúa Giêsu đã đặt chân trên đất ở chỗ đó, vì người ta vẫn còn thấy dấu chân.” Sau này trong cuộc hành hương Giêrusalem, thánh I-nhã sẽ thăm đi thăm lại nơi Chúa để lại vết chân trước khi lên trời: xem Hồi Ký số 47.
Nhiều lần tác giả cho thấy có cái nhìn rất tinh tế về đời sống thiêng liêng. Thí dụ (1) “Khiêm tốn chứ không phải là sỉ nhục. Nhiều người chịu sỉ nhục nhưng không hề khiêm tốn. Khiêm tốn thật là chịu sỉ nhục để trở thành khiêm tốn. (2) “Trong cuộc sống hiện nay của chúng ta, các tín hữu không có dịp để chịu tử đạo, nhưng tất cả chúng ta phải chịu những bách hại do chính lòng mình và do kẻ thù.”
Vẫn theo Walter Baier, “Cũng như thi thể Đức Kitô được đưa từ Golgotha đến mộ mà không chống cự chi hết, tu sĩ phải tuân phục bề trên như xác chết, không tranh luận” (Vita Christi II, c. 66; xem Hiến Chương Dòng Tên số 548 [số 547 thì đúng hơn], đặc biệt bản tiếng Tây Ban Nha). Tuy nhiên, tác giả Cuộc Sống Đức Kitô chỉ viết: “Cũng như người chết được di chuyển mà không phản đối, tu sĩ không được cưỡng lại bề trên, nhưng phải tuân phục trong mọi sự.” Tác giả không dùng từ xác chết (cadaver) như thánh I-nhã dùng trong Hiến u1Tên.
Một chi tiết: “Kitô là danh hiệu của ân sủng; Giêsu là danh hiệu của vinh quang. Nhờ ân sủng phép rửa chúng ta được gọi là Kitô hữu; trong vinh quang thiên quốc, chúng ta sẽ được gọi là Giêsu hữu, nghĩa là những người được cứu độ nhờ Đấng Cứu Độ.” Hình như đây là lần đầu tiên từ Giêsu hữu xuất hiện trong văn học.
Nhưng đặc biệt có lẽ Cuộc Sống Đức Kitô đã ảnh hưởng đáng kể trên thánh I-nhã: (1) linh đạo qui Kitô; (2) các bài tập Linh Thao. Những ảnh hưởng của Cuộc Sống Đức Kitô trên thánh I-nhã không ồn ào và dễ thấy như những ảnh hưởng của cuốn Tập Truyện Các Thánh, nhưng sâu hơn và bền hơn.