Chương V: ƠN GỌI TÔNG ĐỒ
Khoảng cuối tháng 2 hay đầu tháng 3 năm 1522[1], thánh I-nhã rời Loyola, ra đi mà không hẹn ngày về. Đang cuối mùa đông, cảnh vật chung quanh chẳng có gì tươi vui[2]. Tại sao người chọn thời điểm ấy? Trước hết, chắc chắn vì ngài “thường xuyên nghĩ đến quyết tâm đã có và ước gì mình khỏi hoàn toàn rồi để lên đường”[3]. Mặt khác, chắc ngài đã âm thầm tính ngày giờ để đến Montserrat tham dự đại hội hằng năm vào cuối tháng 3. Ngoài ra, có thể ngài cũng muốn tránh gặp đoàn của Đức Giáo Hoàng tân cử Adrianô VI[4] sắp từ Vitoria đi Rôma. Chân ngài còn hơi đau và khập khiễng. Ngài mặc trang phục quý tộc, cỡi la. Trong túi hành trang có cuốn vở 300 trang chép tay[5], cuốn Các Giờ Kinh Đức Mẹ[6], và bút mực. Cùng đi với ngài có người anh linh mục[7] và hai gia nhân.
Nơi đầu tiên ngài muốn đến là đền Đức Mẹ Aránzazu. Pedro de Leturia cho rằng điều này cho thấy thánh I-nhã vẫn theo lòng mộ mến của dân chúng địa phương[8].Thực vậy, mặc dầu đền Đức Mẹ Aránzazu chưa phải là lâu đời, nhưng đã ăn sâu vào đời sống dân chúng và các tầng lớp xã hội trong khu vực[9]. Hai điều quan trọng cần ghi nhận ở đây. Trước hết, ngài thuyết phục được người anh linh mục cùng đi và cùng canh thức với ngài. Thứ đến là 33 năm sau ngài viết cho thánh Phanxicô Borja: “Khi Thiên Chúa ban ơn cho tôi thay đổi đời sống, tôi nhớ là đã nhận được một số ích lợi cho linh hồn tôi khi canh thức một đêm ở nhà thờ ấy.”[10] Diego Laínez cho biết vì sợ nhất là sa ngã vào tội dâm ô, trên đường thánh I-nhã đã khấn khiết tịnh với Đức Mẹ[11]. Trước đó, ngài từng bị tấn công và gục ngã vì thói xấu xác thịt; nhưng từ đó Chúa ban ơn khiết tịnh ở mức độ rất cao, nên ngài rất ít gặp khó khăn[12]. Điều này có gì mới so với thị kiến ở Loyola? Về lần trước, thánh I-nhã nói từ đó ngài “không bao giờ mảy may ưng thuận với những cám dỗ xác thịt”. Về lần này, từ đó người rất ít gặp khó khăn về đức khiết tịnh. Nói cho chi li thì với lần trước, ngài có thể còn gặp nhiều khó khăn, mặc dầu không bao giờ ưng thuận; với lần này, ngài tiến thêm một bước là rất ít gặp khó khăn. Tuy nhiên, so với cả cuộc đời còn lại của ngài là 43 năm, khoảng cách vài tháng phải được coi là không đáng kể. Điều cần lưu ý là nhờ trung gian của Đức Mẹ mà ngài được ơn khiết tịnh.
Luis Gonçalves da Câmara ghi nhận: “Từ ngày rời bỏ gia đình, đêm nào cha cũng đánh tội.”[13] Đối với thánh I-nhã, chắc chắn đây là điều mới. Tuy nhiên, một lần nữa, chúng ta thấy ngài vẫn theo thói quen thời ấy trong đời sống đạo đức: tự đánh mình để đền tội hoặc để tránh tội, đặc biệt theo gương các thánh ngài đọc được trong sách. Thực ra, mục đích chính của việc đánh tội không chỉ là tiêu cực, tự phạt mình vì đã phạm tội, nhưng cũng rất tích cực: để có thể tự chủ, không chiều theo cám dỗ, và hơn nữa thắng được bản thân để theo ý Chúa. Sau này, trong Linh Thao, ngài sẽ viết: “Linh Thao để tự thắng mình và tổ chức cuộc đời cho có trật tự mà không quyết định theo một tình cảm lệch lạc nào”[14]. Điều cần ghi nhận là muốn theo Chúa, ngài phải chiến thắng bản thân, vì thế ngài vận dụng phương thế của nền tu đức đương thời để đạt tới mục đích. Ngày nay, chắc không ai đánh tội nữa, nhưng vấn đề “thắng mình” để theo Chúa là vấn đề muôn thuở: phương thế có thể thay đổi, nhưng mục đích vẫn là một.
Sau đêm canh thức ở Aránzazu, ngài chia tay người anh để đi Navarrete[15]. Hai anh em mỗi người theo một hướng và hình như không còn dịp nào gặp lại nhau nữa[16]. Navarrete cách Aránzazu khoảng 100 km đường núi về hướng nam[17]. Chắc ngài tránh đi qua Vitoria vì Đức Giáo Hoàng tân cử đang ở đó và hẳn là có đông người đến chúc mừng hoặc chuẩn bị tháp tùng ngài sang Rôma. Trong thời gian ngài dưỡng bệnh, Don Antonio đã “cho người đến thăm mấy lần”[18], nên khi bình phục, ngài phải đi thăm để cám ơn. Ngài kể: “Kẻ ấy nhớ là vị công tước còn nợ mình một số tiền, nên viết một hóa đơn cho viên quản lý. Người này cho biết ông không còn tiền để trả. Được tin ấy, vị công tước cho biết ông có thể thiếu tiền bất kỳ ai khác, nhưng không được thiếu một người thuộc gia đình Loyola. Vì những công trạng kẻ ấy đã lập được trong quá khứ, vị công tước còn muốn trao cho kẻ ấy một chức vụ quan trọng, nếu kẻ ấy muốn nhận. Kẻ ấy nhận tiền, thanh toán nợ nần, phần còn lại để sửa sang và trang hoàng một ảnh tượng Đức Mẹ đã cũ kỹ.”[19] Lúc ngài đến Navarrete, Don Antonio đang ở Nájera: hai người có gặp nhau không? Paul Dudon cho là không với câu hỏi: “Để làm gì?”[20] Tuy nhiên, Ricardo García-Villoslada cho là chắc Don Antonio đã gặp thánh I-nhã tại Navarrete[21].
Thiết nghĩ điều quan trọng là nội dung trao đổi giữa hai người như thánh I-nhã kể lại. Thánh I-nhã xin được hưởng số lương mà có lẽ ngài chưa lãnh. Vị công tước đã khánh tận và bị cách chức phó vương, nên viên quản lý trả lời là không còn tiền để trả. Chắc đó là câu trả lời chung cho mọi người đến đòi thanh toán tiền bạc. Nhưng thánh I-nhã được hưởng luật trừ. Sau khi thanh toán nợ nần, ngài cho sửa sang và trang hoàng một ảnh hay tượng Đức Mẹ, có thể ở nhà thờ Navarrete hay ở một ẩn viện gần đó. Don Antonio cũng muốn trao cho ngài “một chức vụ quan trọng”[22], nhưng ngài tỏ ra hoàn toàn thờ ơ. Ngài “không mơ tưởng gì đến danh lợi nữa”[23].