Thánh I-nhã : Tự do để yêu mến và phục vụ (V)

Thánh I-nhã đã đến Navarrete đúng như đã nói với anh. Có lẽ trước khi cho hai gia nhân[24] về, ngài nhờ họ nhắn với người anh là là ngài đi Montserrat. Rồi một mình trên lưng la, ngài tiếp tục hành trình đã dự tính. Trước hết ngài phải vượt qua gần 400 km đường băng qua đồi núi về hướng đông, có lẽ theo lộ trình Logrono, Calahorra, Tudela, Zaragoza, Igualada, để đến Montserrat.

            Có hai điều được thánh I-nhã ghi nhận trên quãng đường này. Trước hết là việc hãm mình đền tội. “Khi nhớ đến một việc phạt xác các thánh đã làm xưa kia, kẻ ấy nghĩ mình cũng phải làm như vậy, và ngay cả hơn nữa. Tất cả mọi an ủi kẻ ấy có được đều xuất phát từ những ý tưởng như vậy. Kẻ ấy không hề chú tâm gì đến chiều sâu nội tâm, cũng chẳng biết thế nào là khiêm tốn, bác ái, kiên nhẫn, hay đức khôn ngoan là khuôn mẫu và thước đo các nhân đức ấy. Kẻ ấy chỉ có ý thực hiện những công to việc lớn bên ngoài, vì các thánh đã từng làm như vậy để tôn vinh Thiên Chúa mà không để ý gì đến những hoàn cảnh riêng của mỗi vị.”[25] Một mặt ngài theo quan niệm bình dân đương thời là sự thánh thiện được thể hiện qua sự khổ hạnh. Mặt khác, theo phong cách hiệp sĩ và tính khí riêng, ngài thích làm hơn cả cách thánh nữa. Nhưng chúng ta hãy nhìn vào trong lòng ngài: “đầy những ước nguyện nóng bỏng theo Chúa bất kỳ cách nào biết được”, cách ngài biết được lúc ấy là phạt xác, nhưng ngài làm “không chỉ để đền tội, mà chính là để làm vừa lòng Chúa và vui lòng Chúa”[26]. Bên trong việc phạt xác là một lòng yêu mến nóng bỏng muốn làm bất cứ điều gì để tôn vinh Thiên Chúa[27]. Ngài chỉ “tối tăm” phương thế thôi.

            Thứ đến là chuyện gặp người Môrô. “Kẻ ấy đang đi đường thì có một anh chàng Môrô cỡi la bắt kịp. Trong khi hai bên trao đổi với nhau chuyện này chuyện kia, họ nói đến Đức Mẹ. Anh chàng Môrô nói chắc Đức Mẹ thụ thai mà không cần đến người nam, nhưng không thể tin là khi sinh con, Đức Mẹ vẫn còn đồng trinh. Anh ta đưa ra những lý lẽ thuộc bình diện tự nhiên nảy sinh trong trí. Mặc dầu kẻ hành hương đem bao nhiêu luận cứ ra chống đỡ, nhưng vẫn không làm được anh ta thay đổi ý kiến. Anh chàng Môrô lúc ấy phóng nhanh lên trước rồi mất hút; kẻ ấy nghĩ lại những điều vừa diễn ra. Một số cảm xúc trỗi dậy trong kẻ ấy và gợi lên trong lòng sự bất bình, vì kẻ ấy có cảm tưởng đã không tròn bổn phận. Lòng đầy tức giận anh chàng Môrô, và tự cho là mình đã sai khi để anh ta xổ ra những lời lẽ như vậy về Đức Mẹ, kẻ ấy thấy nhất định phải bảo vệ danh dự cho Đức Mẹ. Phải đuổi theo anh ta và cho anh ta mấy nhát dao găm, vì đã nói như vậy. Ý tưởng này thúc đẩy kẻ ấy một lúc lâu, nhưng cuối cùng kẻ ấy lưỡng lự, không biết phải làm gì. Trước khi phóng lên mất hút, anh chàng Môrô đã nói là sẽ đến một nơi cách đó không xa, gần ngay đường lớn, nhưng đường lớn không chạy ngang qua. Mãi không biết nên làm thế nào thì hơn, không quyết định dứt khoát được, kẻ ấy quyết định thế này: thả lỏng dây cương trên cổ la, để nó đi đến chỗ ngã ba; nếu nó theo con đường vào làng, kẻ ấy sẽ đi tìm anh chàng Môrô và cho anh ta ăn dao găm; nếu nó theo đường lớn, không vào làng, thì sẽ bỏ qua cho anh ta. Nghĩ sao kẻ ấy làm vậy, nhưng Chúa đã muốn cho con la theo đường lớn chứ không theo đường vào làng, mặc dầu làng chỉ cách đó 30 hay 40 bước, mà đường vào làng vừa rộng vừa tốt”[28].

            Có lẽ sự kiện diễn ra tại làng Pedrola, cách Zaragoza khoảng 33 km về hướng đông bắc, nơi có đông người Môrô[29]. Tây Ban Nha bị người Arập Hồi Giáo cai trị suốt 7 thế kỷ. Trong thời gian ấy, có một số người Tây Ban Nha theo Hồi Giáo. Người Tây Ban Nha gọi tất cả những người theo Hồi Giáo là Mô-rô. Khi Tây Ban Nha được giải phóng vào thế kỷ XV, một số người Môrô theo Công Giáo, nhưng chỉ theo ngoài mặt. Có thể đó là trường hợp của người Mô-rô trong câu chuyện này. Có lẽ hai người hỏi thăm nhau, và thánh I-nhã cho biết ngài mới viếng Đức Mẹ Bụi Gai và đang đi viếng Đức Mẹ Đen ở Montserrat, thế là câu chuyện xoay quanh đề tài về Đức Mẹ. Theo kinh Koran của Hồi Giáo, Đức Mẹ thụ thai do quyền năng của Thiên Chúa, chứ không phải do người nam[30]. Nhưng trong khi người Công Giáo tin Đức Mẹ đồng trinh cả trong khi sinh và sau khi sinh Chúa Giêsu, người Hồi Giáo cho rằng khi sinh Chúa Giêsu, Đức Mẹ không còn đồng trinh nữa[31]. Thánh I-nhã lúc ấy chưa hiểu biết bao nhiêu về giáo lý, nên không “bênh vực” được Đức Mẹ. Sau đó, ngài suy nghĩ và phản ứng theo phong cách hiệp sĩ: người Môrô kia đã xúc phạm đến danh dự của Đức Mẹ, nên bổn phận của người là phải “bảo vệ danh dự cho Đức Mẹ”. Nhưng có lẽ ngài lại bối rối: Chúa có cho phép giết người không? Lưỡng lự mãi, cuối cùng ngài để cho con la quyết định! Phương pháp tìm ý Chúa dưới mức thô thiển! Thực ra không chỉ một mình thánh I-nhã làm như vậy. Thời Trung Cổ, nhiều người tin rằng loài vật biết thánh ý Thiên Chúa. Don Quijote của Cervantes cũng thả dây cương con Rocinante để tùy nó quyết định chủ phải theo hướng nào[32]. Thánh I-nhã kể chuyện này có ý minh họa điều ngài nói là lúc ấy ngài còn tối tăm. Sau này ở Manresa, ngài sẽ được soi sáng.

            “Đến một làng lớn trước khi tới Montserrat, kẻ ấy mua quần áo dự tính sẽ mặc để đi Giêrusalem. Kẻ ấy mua loại vải bố, dệt thô và nhám, rồi may một cái áo dài đến gót chân. Kẻ ấy cũng kiếm được một cái gậy và một bi đông, buộc tất cả vào cái yên trên lưng con la.”[33] Chắc thánh I-nhã nói đến làng Igualada, ngay dưới chân Montserrat, địa điểm nổi tiếng về vải vóc và may mặc cho giới bình dân. Ngài “quyết định tại đó sẽ cởi bỏ trang phục đang mặc để mang trang phục của Đức Kitô”[34]. Giờ đây ngài “đã có trong tay trang phục riêng của các hiệp sĩ Đức Kitô, những người muốn theo Vua và Chúa mình trong thanh bần tột bậc, cả trong tinh thần cũng như trong thực tế”[35]. Sau 20 ngày đường, vượt qua khoảng 550 km, giờ đây thánh I-nhã sẵn sàng ra mắt Đức Mẹ Đen.

           

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *