Thánh I-nhã : Tự do để yêu mến và phục vụ (V)

Có thể nói kinh nghiệm của thánh I-nhã phần nào tương tự kinh nghiệm Chúa Giêsu cảm thấy bị Thiên Chúa bỏ rơi trên thập giá: “Lạy Thiên Chúa! Lạy Thiên Chúa! Sao Ngài bỏ rơi con ?” (Mc 15,34). Chúng ta cũng có thể nghe vang vọng lời cầu xin của người lâm cơn cùng khốn: “Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa” (Tv 129,1). Cảm nghiệm vực thẳm là một chặng đường rất quan trọng để một người biết đặt trọn tin tưởng nơi một mình Thiên Chúa. Khoa sư phạm của Chúa: dồn người muốn tiến tới trên đường thiêng liêng đến chỗ phải nhìn nhận bản thân không tự cứu được mình (tự độ), mà mọi người khác cũng không ai cứu được mình (tha độ), để người ấy tìm ơn giải thoát nơi một mình Thiên Chúa. Như thánh Phaolô: “Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 7,25).

            “Kẻ ấy nhớ đến chuyện một vị thánh, vì muốn xin Chúa ban một ơn vị ấy rất mong ước, nên đã nhịn đói nhiều ngày cho tới khi nhận được ơn. Nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng kẻ ấy quyết định cũng làm như vậy: tự nhủ sẽ không ăn không uống gì cho tới khi Chúa giải cứu, hoặc thấy mình đã gần đất xa trời. Vì nếu thấy mình bị nguy tử, nghĩa là nếu không ăn thì chẳng bao lâu nữa sẽ chết, kẻ ấy sẽ xin bánh mì để ăn. Làm như lúc nguy tử còn xin và ăn được![106] Một hôm Chúa Nhật, sau khi rước lễ, kẻ ấy bắt đầu nhịn đói. Suốt một tuần, không bỏ một miếng gì vào miệng, nhưng kẻ ấy vẫn giữ các việc đạo đức thường lệ như dự các giờ kinh thần vụ, quì gối cầu nguyện, thức dậy nửa đêm v.v… Chúa Nhật sau đó, kẻ ấy đi xưng tội như thường làm. Vì vẫn quen trình với cha giải tội chi li mọi điều mình làm, nên kẻ ấy cũng cho cha biết suốt tuần chưa ăn gì. Cha giải tội ra lệnh cho kẻ ấy chấm dứt việc nhịn đói. Mặc dầu thấy mình vẫn khỏe, kẻ ấy vâng lời cha. Hôm ấy và hôm sau, kẻ ấy thấy mình thoát được các bối rối. Nhưng đến hôm thứ ba, cũng là ngày thứ ba trong tuần, đang lúc cầu nguyện, kẻ ấy lại nhớ đến tội cũ, rồi từ chuyện này sang chuyện nọ, kẻ ấy nghĩ hết tội này đến tội khác trong đời sống quá khứ, và cảm thấy phải đi xưng tội lại. Nghĩ mãi, kẻ ấy thấy mình hết sức chán ngán cuộc sống đang theo đuổi và bị cám dỗ bỏ cuộc rất mạnh. Chúa đã chọn cách ấy để đánh thức kẻ ấy khỏi cơn mê. Lúc này đã có đôi chút kinh nghiệm về các tác nhân, nhờ Chúa đã dạy cho, nên kẻ ấy bắt đầu suy xét ý tưởng ấy đã đến với mình thế nào. Thế là hoàn toàn sáng suốt, kẻ ấy quyết định không xưng lại bất cứ tội cũ nào nữa. Từ đó về sau, kẻ ấy được giải thoát khỏi các bối rối.”[107]

            Nhờ hết người này đến người khác giúp, ngài vẫn không thoát khỏi được những bối rối. Chúa Giêsu nói có những thứ quỷ chỉ trừ được nhờ ăn chay và cầu nguyện, nghĩa là chỉ còn trông chờ vào sức mạnh thần linh. Cuốn Tuyển truyện Các Thánh, mà thánh I-nhã đọc ở Loyola, có thuật chuyện thánh Anrê Tông đồ nhịn ăn để cầu xin Chúa thương một kẻ tội lỗi. Một ông già tên là Nicôla đến gặp thánh Anrê: “Thưa thầy, suốt 60 năm qua, tôi luôn luôn ham mê sắc dục. Tôi đã nghe được Tin Mừng và xin Chúa ban ơn thanh sạch. Nhưng ý tưởng xấu vẫn luôn luôn ở trong đáy lòng tôi, nên khi bị cám dỗ, tôi lại ngựa quen đường cũ. Một hôm, dục vọng bừng lên, tôi quên mất Tin Mừng vẫn mang trên mình, tôi đến nhà chứa, gặp một cô gái xấu, nhưng cô này nói ngay: ‘Ông già, đi ra khỏi đây, đừng đụng vào tôi. Không được bước qua cửa, vì tôi thấy nơi ông những điều kỳ diệu.’ Rất ngạc nhiên về lời cô gái, tôi nhớ có mang Tin Mừng trong người. Giờ đây, thầy là bạn của Thiên Chúa, xin cầu nguyện cho tôi.” Nghe vậy, thánh Anrê bắt đầu cầu nguyện, từ giờ thứ ba đến giờ thứ chín. Khi chỗi dậy, ngài không muốn ăn và tự nhủ: “Tôi sẽ không ăn gì hết cho tới khi biết Chúa thương đến ông già ấy.” Sau khi nhịn ăn 5 ngày, ngài nghe có tiếng nói: “Anrê, con xin ơn cho ông già được rồi đấy; nhưng cũng như con đã hãm mình bằng việc ăn chay, nếu muốn được cứu, ông ấy cũng phải thanh luyện bằng việc kiêng thịt và đền tội.” Trong sáu tháng, ông già chỉ ăn bánh mì và uống nước lã. Sau đó, đầy công phúc, ông ấy đã được an nghỉ. Còn thánh Anrê thì nghe có tiếng nói: “Nhờ lời cầu nguyện của con, Ta đã tìm lại được người đầy tớ đi lạc.” Thánh I-nhã muốn bắt chước để được Chúa ban ơn.

            “Chắc chắn nhờ lòng từ bi của Chúa mà kẻ ấy đã được giải thoát”[108]. Như dân Do Thái trong cuộc xuất hành tin tưởng được giải thoát hoàn toàn do quyền năng của Thiên Chúa, thánh I-nhã thấy rõ chính mình cũng như không ai khác làm được gì: ngài xác tin chính Chúa đã thương giải thoát ngài. Có thể so sánh tâm trạng của ngài với tâm trạng của người bị lưu đày được Chúa giải thoát: “Khi Chúa dẫn tù nhân Sion trở về, ta tưởng mình như giữa giấc mơ. Vang vang ngoài miệng câu cười nói, rộn rã trên môi khúc nhạc mừng” (Tv 125,1-2).

            “Thiên Chúa đối xử với kẻ ấy như một thầy giáo đối xử với một học trò: Thiên Chúa dạy, kẻ ấy học.”[109] Người ta thường chia thời gian thánh I-nhã ở Manresa thành ba giai đoạn: trước hết là giai đoạn bình an và phấn khởi; rồi đến giai đoạn bối rối và chiến đấu nội tâm; cuối cùng là giai đoạn những ân huệ trọng đại[110]. Chúng ta biết vốn học vấn và giáo lý của thánh I-nhã lúc đến Manresa chỉ là những điều cơ bản, như Laínez nói: “một người đơn sơ, chỉ biết đọc biết viết tiếng phổ thông”[111]. Giờ đây, ngài được Thiên Chúa đích thân dạy dỗ. Ngài kể ra mấy “bài học” và một “ơn lớn”.

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *