Thánh I-nhã : Tự do để yêu mến và phục vụ (VI)

Chi tiết có vẻ ngây ngô này xem ra là một điều rất quan trọng đối với thánh I-nhã. A. Thiry viết: “Có lẽ đây không chỉ là nét cảm động của lòng sùng kính thánh I-nhã có đối với Ngôi Lời Nhập Thể. Hình như ngài muốn biết rõ Chúa Giêsu nhìn về phần nào của thế giới khi cử các môn đệ đi.”[56] Theo Ribadeneira gọi hành vi này là “hết sức thiếu khôn ngoan”[57]. Tuy nhiên, Braulio Manzano Martín lại cho đó là hành vi “đầy đức tin đơn sơ và lòng yêu mến tinh tiền đối với Đấng Cứu Thế.”[58] Chúng ta biết là theo truyền thuyết bình dân, khi lên trời, Chúa Giêsu để lại dấu chân trên một phiến đá ở núi Ôliu. Phiến đá vẫn được giữ nguyên ở đó. Dấu chân bên trái đã bị xóa gần hết vì khách hành hương hôn kính, nhưng dấu chân bên phải vẫn còn khá rõ. Thánh I-nhã tin như mọi người bình dân thời đó. Nhưng có lẽ không chỉ là ngài tò mò. Ngài kết thúc Linh Thao với mầu nhiệm Thăng Thiên, mà trước khi lên trời, Chúa Giêsu cử các tông đồ đi khắp cùng mặt đất. Ngài không muốn trở về như một người bị trục xuất, nhưng như một tông đồ được Chúa Giêsu cử đi. Chắc chắn khi biết không được phép ở lại Giêrusalem, và phải đi ngay hôm sau, thánh I-nhã vừa tiếc nuối vừa hoang mang. Hình như ngài muốn trở lại xem vết chân Chúa Giêsu để hiểu là Chúa nhìn về hướng nào và đòi ngài phải nhìn về cùng một hướng với Chúa. Ngài sẽ được chuẩn y khi bị bắt, bị dẫn đi và thấy Chúa Giêsu luôn ở với mình. Hướng Chúa muốn ngài theo sẽ là Hội Thánh, cụ thể là người Kitô hữu thắt đai (từ quen dùng để chỉ giáo dân người Syri giúp việc tu viện Núi Sion của dòng Thánh Phanxicô tại Giêrusalem) đang lôi ngài đi, và Chúa sẽ luôn luôn ở với ngài trong hướng ấy. Hướng này sau thị kiến La Storta sẽ một lần nữa không cho ngài đến Giêrusalem như ngài mong ước, mà đến Rôma, nơi có vị Đại Diện Đức Kitô trên trần gian.

Trên tàu từ Đất Thánh về Venezia, ngài chẳng quan tâm gì đến bao sóng gió ở bên ngoài, mà chỉ băn khoăn tự hỏi: Phải làm gì? “Từ khi nhận ra ý Chúa không muốn mình ở lại Giêrusalem, kẻ hành hương thường xuyên tự hỏi phải làm gì[59]. Cuối cùng, kẻ ấy cảm thấy nên dành thời gian học hành để có thể giúp đỡ các linh hồn, nên kẻ ấy quyết định đi Barcelona.”[60] Ngài dự định ở lại Giêrusalem để viếng các Nơi Thánh và để truyền giáo cho người Hồi Giáo, nhưng không được phép của giáo quyền, nên phần nào hụt hẫng. Ngài lại tiếp tục lần mò để tìm hiểu ý Chúa.

Đi đôi với cái nghèo là chia sẻ và sỉ nhục. “Một hôm, đang ở trong nhà thờ lớn tại Ferrara, sau khi kẻ ấy đã làm các việc đạo đức, có một người nghèo đến xin bố thí, kẻ ấy cho một đồng marchetto, trị giá 5 hay 6 quattrini. Rồi một người nghèo khác đến xin, kẻ ấy cho một đồng tiền mệnh giá lớn hơn. Rồi người thứ ba đến xin, kẻ ấy chỉ còn những đồng giulii, nên cho một đồng giulio. Những người nghèo thấy kẻ ấy bố thí nên kéo nhau đến xin, mãi đến khi kẻ ấy cho hết sạch. Cuối cùng kẻ ấy xin lỗi họ vì chẳng còn gì để cho nữa.”[61]

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *