Thánh Phanxicô Xavier (II): Chân dung một vị thánh

3. ĐỪNG TƯỞNG TƯỢNG HAY SUY ĐOÁN THÁI QUÁ

Chắc chắn là có những việc thánh Phanxicô Xavier đã làm được, mà với sức thường của loài người, khó ai làm được, vì ngài có sức mạnh của Thiên Chúa. Tuy nhiên bình thường chúng ta hay có khuynh hướng thích tưởng tượng hoặc suy đoán thái quá về các vị thánh. Chúng ta không phủ nhận những phép lạ, nhưng cũng đừng coi phép lạ là điều tất yếu phải có trong đời sống các thánh. Sau đây chúng ta lưu ý đặc biệt mấy trường hợp liên hệ đến thánh Phanxicô Xavier.

Tại Malacca, vào tháng 11 năm 1556, trước toà điều tra chuẩn bị tuyên thánh cho thánh Phanxicô Xavier, ông Antonio Pereira đã thề và khai, theo viên thư ký ghi lại: “Ông ấy nói rằng cha Phanxicô đến đâu là chỉ sau rất ít ngày có thể nói được tiếng ở đó, chẳng hạn ở Malabar, ở Maluku, và Nhật Bản. Ông ấy, tức là nhân chứng, thông thạo các ngôn ngữ ấy, và cả tiếng Mã lai nữa, và đã từng nói chuyện với cha Phanxicô bằng các thứ tiếng ấy. ” Dựa vào những lời này, nhiều người đã phóng đại lên là đi đến đâu, thánh Phanxicô Xavier không cần học cũng nói được thông thạo ngôn ngữ ở đó. Sự thật là ngài chủ trương phải dùng tiếng nói của người địa phương, nên đến đâu ngài cũng cố gắng học. Có thể chỉ trong vài ngày là ngài nói được vài câu thông thường. Đó là điều hầu như ai cũng có thể làm được. Nhưng nói thông thạo và hiểu thấu đáo lại là việc khác. Trong thư ngày 15.1.1544, ngài viết cho anh em Dòng Tên ở Rôma: “Vì họ không hiểu tôi, mà tôi củng không hiểu họ, họ nói tiếng Malabar còn tôi nói tiếng Basco, nên tôi tập họp những người hiểu biết hơn…” Lúc viết thư này, thánh Phanxicô Xavier đã ở với dân Parava hơn một năm rồi. Thực tế là đi đến đâu ngài cũng phải dùng thông ngôn. Tệ hại hơn nữa là ngài dịch kinh Tin Kính cho dân Parava đọc, sau hơn một năm ngài phải sửa lại: “Thay vì nói venutn thì phải nói vichuam, vì venum nghĩa là tôi mong ước, vichuam mới nghĩa là tôi tin kính. Nói ‘tôi tin kính Thiên Chúa’ thì đúng hơn là nói ‘tôi mong ước Thiên Chúa’. ” Tuy nhiên, vichuam vẫn chưa có nghĩa là tôi tin kính mà chỉ nghĩa là sự tin kính. Cũng vậy, sau năm mươi ngày ở Nhật Bản, ngài cho biết: “Hiện nay chúng tôi ở giữa họ như những bức tượng, vì họ nói năng, trao đổi nhiều điều về chúng tôi, nhưng chúng tôi im lặng, vì chúng tôi không hiểu tiếng”. Sau này, ngài dùng từ Dainichi để gọi Thiên Chúa, nhưng mãi rồi mới biết là từ ấy chỉ có nghĩa là mặt trời lớn, không bao hàm ý nghĩa về một Đấng linh thiêng nào.

Chuyện con cua trả lại cây Thánh Giá cho thánh Phanxicô Xavier thì ai cũng biết. Đó là điều ông Fausto Rodrigues, người Bồ Đào Nha, khai trước toà điều tra. Một hôm đang di chuyển từ Ambon đến đảo Serang, ở Inđônêxia, thuyền của thánh Phanxicô Xavier bị sóng gió rất mạnh. Ngài lấy cây Thánh Giá dài chừng một ngón tay, đeo ở cổ, cầm lấy dây đeo, thả Thánh Giá xuống nước. Nhưng sợi dây tuột khỏi tay ngài và Thánh Giá bị sóng biển nuốt mất. Ngài tỏ ra rất buồn. Hôm sau, hai mươi bốn giờ sau, ngài đến đảo Serang. Lúc ngài cùng với ông Fausto Rodrigues đi bộ dọc theo bờ biển đến làng Tomalo, bỗng dưng cả hai người cùng thấy một con cua, từ biển lên, hai càng cắp cây Thánh Giá, đến trước mặt thánh Phanxicô Xavier thì dừng lại. Thánh Phanxicô Xavier quì xuống nhận lấy cây Thánh Giá. Xong việc, con cua lập tức trở lại biển. Ngài hôn cây Thánh Giá cả ngàn lần, rồi ôm vào ngực. Ngài cùng với ông F. Rodrigues quì gối trên bờ biển tạ ơn Chúa chừng nửa giờ về phép lạ đặc biệt này. Chuyện này có đáng tin không? Trước hết, chúng ta biết là loài cua có thể cắp bất cứ cái gì. Người kể chuyện này không nói rõ cây Thánh Giá con cua đem đến có đúng là cây Thánh Giá ngài đã làm rơi xuống biển trước đó không. Nếu là một cây Thánh Giá khác, hay cái gì hình Thánh Giá, thì câu chuyện không có gì lạ lắm. Nếu đúng là cây Thánh Giá thánh Phanxicô Xavier đã làm rơi trước đó hai mươi bốn giờ thì quả là chuyện lạ. Nhưng chuyện này chỉ một mình F. Rodrigues kể, chính thánh Pnanxicô Xavier không nhắc đến bao giờ. Ngài từng kể chuyện con dê đực đẻ con và có sữa. Hẳn là nếu chuyện con cua trả lại Thánh Giá mà có thật, một điều thu hút anh em đến xứ truyền giáo, thì ngài phải kể cho anh em Dòng Tên ở Châu Âu. Phần F. Rodrigues, tại sao suốt sáu mươi năm ông chưa kể chuyện ấy cho ai, mãi đến trước tòa án mới kể? Chúng ta không dám nói ông khai gian, nhưng một người đã trên tám mươi tuổi kể về một chuyện xảy ra sáu mươi năm trước, mà không ai kiểm chứng được, thì có hoàn toàn đáng tin không? Vả lại, theo sát hành trình của thánh Phanxicô Xavier, chúng ta không thấy có lần nào ngài đến đảo Serang hay một đảo nào khác gần Ambon cả. Cha J. Brođrick kết luận: chuyện hoang đường.

Ở Việt Nam, nhiều người tin là chuyện con cua trả lại cây Thánh Giá cho thánh Phanxicô Xavier xảy ra tại Thanh Hoá, và ngài ban phép lành cho nó, nên loài cua này mang hình Thánh Giá trên mai. Nhân đây chúng ta có thể đặt câu hỏi: thánh Phanxicô Xavier có đặt chân đến Việt Nam không? Trong thư 90, đoạn 5, ngài viết: “Trước khi đến Trung, Hoa, chúng tôi đến một xứ tên là Cochinchina… vào hôm trước ngày lễ thánh Mađalêna. ” Cochinchina là từ người Bồ Đào Nha thời ấy dùng để chỉ Đàng Trong, tức là phần đất từ Sông Gianh ở Quảng Bình đến Đèo Cả ở giữa Phú Yên và Khánh Hoà. Theo như mạch văn, thuyền vẫn ở trên biển chứ không vào đất liền. Vậy không chắc ngài ghé vào Việt Nam. Trong thời gian ấy, Cù Lao Chàm, ngoài khơi Hội An, tỉnh Quảng Nam, là nơi các tàu thuyền di chuyển giữa Ấn Độ với Trung Hoa và Nhật Bản thường ghé lại để lấy nước, lấy củi, mua lương thực… Hơn nữa, từ năm 1523, một người Bồ Đào Nha tên là Duarte Coelho đã khắc dấu Thánh Giá trên một phiến đá ở Cù lao Chàm, ngoài khơi tỉnh Quảng Nam, nơi tàu bè Bồ Đào Nha ngược xuôi Biển Đông của Việt Nam thời ấy thường ghé lại tránh bão hay để tiếp tế lương thực, nên có thể trong ba lần vượt Biển Đông, thuyền của thánh Phanxicô Xavier phải ghé vào đó lần nào chăng. Cha Philipphê Bỉnh trong cuốn Truyện Nước An Nam Đàng Trong (viết tay tại Lisbõa năm 1822) cho biết trong chuyến đi năm 1549, thánh Phanxicô Xavier đã ‘vào đất Quảng (Đàng Trong) cho được chữa tàu lại’. Tuy nhiên, vì ngài chỉ nhắc đến một lần duy nhất một điạ danh liên quan đến Việt Nam, nên chúng ta không biết gì hơn.

Trên đây là mấy chuyện tiêu biểu, có thể là ít xít ra nhiều, bé xé ra to, mà vì quá hâm mộ thánh Phanxicô Xavier người ta đã truyền tụng từ đời này sang đời khác. Tác giả các ngụy thư trong Tân Ước cũng kể những chuyện lạ lùng về Chúa Giêsu thời thơ ấu, chỉ vì quá yêu mến Chúa và muôn cho người ta tin Chúa. Nhưng nếu Chúa Giêsu đã ‘nên giống anh em mình về mọi phương diện’ (Dt 2,17), ‘chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta’ (Dt 4,15), thì thực sự thánh Phanxicô Xavier cũng đã chung thân phận con người yếu đuối như chúng ta. Điều làm cho ngài nên cao cả không phải là những phép lạ ngài làm được, mà là những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã thực hiện được qua con người yếu đuôi của ngài, cả về thành tích tông đồ của ngài cũng vậy. Cha Manuel Texeira, sử gia Dòng Tên, người sống đồng thời với thánh Phanxicô Xavier tại Ấn Độ, đã viết cho cha Pedro Ribadeneira, người sống ở Rôma, kể chuyện thánh Phanxicô Xavier trong sách Hạnh thánh I-nhã thế này: “Trong tập IV, chương 7, cha nói ngài (thánh Pìianxicô Xavier) đã làm được hơn bốn mươi nhà thờ trên Bờ Biển Ngư Dân. Thực ra trên cả hai bờ biển, Ngư Dân và Travancore, hiện nay số nhà thờ vẫn chưa được bấy nhiêu, ấy là một số đã được làm sau khi cha Phanxicô qua đời. Ngài không làm một nhà thờ nào ở bờ biển Travancore… ”. Chúng ta cũng có thể tìm thấy nhiều điều không hoàn toàn phù hợp với sự thật như vậy trong truyện nhiều vị thánh do các tác giả cổ. Đã đến lúc chúng ta không nên tưởng tượng và suy đoán thái quá về các thánh nói chung, về thánh Phanxicô Xavier nói riêng, để trả lại cho các ngài niềm vui được làm thánh trong những hoàn cảnh rất bình thường, và cũng rất thật, của con người.

Kiểm tra tương tự

3 lý do chúng ta rất cần Đức Maria là Mẹ chúng ta

  Sự sống mà chúng ta đang sống là chính Đức Giêsu Kitô, Đấng là …

5 cách để mừng lễ Thánh Gia Thất

  Lấy cảm hứng từ các sách Phúc âm, chúng tôi chia sẻ năm cách …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *