Thánh Phanxicô Xavier (II): Chân dung một vị thánh

  1. NHỮNG GIỚI HẠN

Là con người, ai cũng có những giới hạn, trước hết do chính bản chất một thụ tạo, sau nữa do hoàn cảnh thời gian và không gian, cuối cùng do khả năng tiếp thu tùy thuộc giáo dục và kinh nghiệm. Chúng ta có thể tóm tắt những giới hạn về nhận thức thần học của thánh Phanxicô Xavier, cũng như của mọi người đương thời, trong châm ngôn: “Bên ngoài Hội Thánh, không có ơn cứu độ. ” Ngày nay chúng ta hiểu câu này là ‘bất cứ ai được Thiên Chúa cứu độ thì cũng được cứu độ trong Hội Thánh’. Nhưng vào thế kỷ XVI, và cả mấy thế kỷ sau nữa, người ta đã hiểu là hễ ai không thuộc về Hội Thánh hữu hình thì không được hưởng ơn Thiên Chúa cứu độ. Điều này khiến thánh Phanxicô Xavier một phần thì hăng say truyền giáo, một phần khác lại có thái độ thiếu khoan dung đối với những người theo các tôn giáo khác, hoặc không theo tôn giáo nào.

Trên đường truyền giáo, thánh Phanxicô Xavier gặp ba tôn giáo lớn đã ăn rễ sâu vào văn hóa Châu Á: Ấn giáo ở Ấn Độ, Hồi giáo ở Maluku, và Phật giáo ở Nhật Bản. Thực lòng mà nói, ngài không hiểu biết gì về các tôn giáo ấy. Quan niệm bên ngoài Hội Thánh không có ơn cứu độ đưa ngài đến thái độ dứt khoát ngay từ đầu: các tôn giáo khác là trò của ma quỉ, các vị lãnh đạo tinh thần trong các tôn giáo khác là tay sai của ma quỉ, quần chúng tín đồ là nạn nhân của ma quỉ cần được giải thoát. Những điều ngài để cho trẻ con ở Bờ Biển Parava làm đối với các tượng thần ấn giáo đúng là quá đáng. Ớ Malindi, ngài nói với vị lãnh đạo Hồi giáo là Thiên Chúa không thích gì người ngoài Kitô giáo và không nghe lời họ cầu khẩn; ở Maluku, ngài gọi Hồi giáo là giáo phái xấu xa. Ở Nhật Bản, ngài gọi Đức Phật Thích Ca và Đức Phật Adiđà là ma quỉ. Tất cả những cách đối xử thiếu hiểu biết và thiếu bác ái có vẻ thuộc về thời Cựu Ước hơn là thời Tân Ước, ngày nay không ai chấp nhận được. Thực ra, chúng ta phải thông cảm, vì vào thời ấy, ai cũng làm như vậy, thí dụ các nhà sư Nhật Bản gọi Thiên Chúa là tướng quỉ, hoặc cho rằng Deusu (thánh Phanxicô Xavier nhật hoá từ Deus nghĩa là Thiên Chúa trong tiếng Latinh) hay daiuzu (nghĩa là đại bịp) thì cũng là một. Chẳng những vậy, ở nhiều nơi, Kitô giáo còn bị bách hại dã man như ở Nhật Bản đầu thế kỷ XVII, ở Việt Nam trong thế kỷ XIX… Ngày nay, chúng ta hiểu được là trong các nền văn hoá và các tôn giáo, Thiên Chúa đã gieo sẵn những hạt giống Tin Mừng để chuẩn bị các văn hoá và các tôn giáo ấy đón nhận Đức Kitô. Vì thế, thái độ của Hội Thánh là chân thành đối thoại và hợp tác, không có hậu ý kéo người ta ra khỏi tôn giáo của họ. Đây là một thành quả sau nhiều thế kỷ trăn trở, trong đó đặc biệt các Giêsu hữu như Mateo Ricci ở Trung Hoa, Roberto Nobili ở Ấn Độ, và Alexandre de Rhodes (hay Đắc Lộ) ở Việt Nam đã có phần đóng góp rất quan trọng.

Vì sao các Giêsu hữu ấy đã làm được điều mà thánh Phanxicô Xavier trước đó không làm được? Chúng ta có thể trả lời là do hai điểm nhấn khác nhau trong Linh Thao. Hai bài tập có thể nói là độc đáo và then chốt nhất của Linh Thao là bài suy niệm Hai Cờ Hiệu (Lt 136-148) và bài chiêm niệm Để sống Trong Tình Yêu Chúa (Lt 230-237). Thường người ta để ý nhiều đến bài suy niệm, nhưng chú tâm không đủ đến bài chiêm niệm. Thánh Phanxicô Xavier là một trường hợp điển hình.

Trong huấn thị cho J. Bravo, thánh Phanxicô Xavier nhấn mạnh đến ‘tìm kiếm chịu sỉ nhục và khiêm tốn trong mọi sự’ là giáo thuyết tiêu biểu của bài Hai Cờ Hiệu, nhưng không đả động gì đến bài Để Sống Trong Tinh Yêu Chúa. Trong chính đời sống của thánh Phanxicô Xavier, chúng ta thấy điều ấy rất rõ. Ngài coi thế giới là một chiến trường, nơi diễn ra cuộc tranh đấu quyết liệt giữa hai thủ lãnh, một bên là Chúa Giêsu, một bên là những gì không thuộc về Chúa Giêsu mà ngài gọi là ma quỉ. Bản thân ngài làm nổi lên rất rõ cờ hiệu của Chúa Giêsu: nghèo khó, sỉ nhục, khiêm tốn. Tuy nhiên, chúng ta không thấy được nổi bật lên những nét của bài Để Sống Trong Tinh Yêu Chúa. Trong các bút tích, chúng ta không một lần thấy ngài mô tả cảnh đẹp thiên nhiên của một làng quê, một ngọn núi, một con sông, một buổi bình minh trên biển… Điều lạ là vị thánh bổn mạng của ngài, thánh Phanxicô Assisi, gọi mặt trời là anh, mặt trăng là chị…, còn chính ngài chẳng quan tâm gì đến các anh chị ấy, ngoại trừ thấy sóng lớn đe dọa, hay núi lửa tàn phá, thì ngài gọi là ma quỉ tác oai tác quái. Cũng vậy, ngài không thấy cái hay, cái đẹp trong nếp sống hay nếp tu Ấn giáo, Hồi giáo, Phật giáo, mà coi tất cả là trò của ma quỉ. Có thể nói thay vì cố gắng để thấy Chúa trong mọi sự thì ngài lại thấy ma quỉ trong mọi sự. Dĩ nhiên chúng ta không quên được việc ngài kết thân với thiền sư Ninjit ở Kagoshima, nhưng vẫn với hậu ý giúp vị ấy bỏ Phật giáo để theo Kitô giáo.

Đặc biệt từ thế kỷ XX, các Giêsu hữu đã để ý hơn đến bài chiêm niệm Để Sống Trong Tinh Yêu Chúa của Linh Thao hơn. Tiêu biểu cho khuynh hướng này phải kể đến cha Pierre Teilhard de Chardin. Có thể nói cuốn cảnh Vực Thần Linh (Milieu Divin) chính là bài Để sống Trong Tình Yêu Chúa được khai triển cho những người sống trong thế kỷ XX. Thấy quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa trong mọi người và trong mọi sự, cả vũ trụ trở thành cảnh vực thần linh cho con người. Cái nhìn này đã đưa đến việc nhìn nhận những thực tại trần thế, đánh giá cao những nền văn hóa và các tôn giáo ngoài Kitô giáo, và sẵn sàng đối thoại với mọi người. Cái nhìn ấy cũng dành cho các nghệ sĩ có chỗ đứng xứng đáng trong linh đạo Dòng Tên. Nói tóm lại, bên ngoài Hội Thánh, người Giêsu hữu nói riêng, và người tập Linh Thao nói chung, không chỉ thấy bàn tay lông lá của ma quỉ thọc vào khắp nơi, nhưng còn thấy rõ bàn tay kỳ diệu và trái tim nhân hậu của Thiên Chúa trong mọi người và mọi sự. Một Giêsu hữu nói riêng, và cả Dòng Tên nói chung, không được dừng lại ở suy niệm nhưng phải đạt tới chiêm niệm. Từ thánh Phanxicô Xavier qua Ricci, Nobili và de Rhodes đến Teilhard de Chardin, dần dần chính các Giêsu hữu khám phá ra gia sản phong phú Thiên Chúa đã ban cho Dòng Tên và Hội Thánh qua Linh Thao của thánh I-nhã. Do đó, Đại Hội 34 của Dòng Tên (1995) coi việc hội nhập văn hoá và đối thoại tôn giáo là hai chiều kích của ơn gọi và sứ mạng Giêsu hữu, cùng với hai chiều kích truyền thông là phục vụ đức tin và thăng tiến công bình. Hiến chế Vui Mừng và Hi Vọng của Công đồng Vaticanô II đã thực tế phê chuẩn và cổ võ cái nhìn đầy thiện cảm đối với nhân loại và vũ trụ mà Linh Thao đã nêu lên từ gần 500 năm trước.

Thực ra, thánh Phanxicô Xavier đã ra lệnh cho anh em Dòng Tên ở Ấn Độ phải nói thứ tiếng Bồ Đào Nha của người nô lệ khi đến giúp họ. Hơn nữa, khi đến Nhật Bản, ngài và các bạn đã tự nguyện ăn chay trường như các nhà sư để sứ điệp Tin Mừng dễ được dân chúng tiếp nhận hơn. Đấy là những bước khởi đầu rất đáng khích lệ. Nhưng phải chờ cả trăm năm sau mới có được một Ricci, một Nobili, một de Rhodes, rồi mấy trăm năm sau mới có được một Teilhard de Chardin. Đến đây chúng ta thực sự phải thán phục thánh I-nhã là người đã mở đường ngay từ đầu, nhưng các đồ đệ chỉ nhận ra từ từ. Vấn đề chủ yếu là phải tiến từ suy niệm đến chiêm niệm. Như vậy càng thấy rõ hơn quan niệm của thánh I-nhã về Dòng Tên: đó là một đoàn người đang trên đường, tiến bước theo Chúa Giêsu, dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Và Linh Thao không chỉ được dành riêng cho Dòng Tên.

Châu Á muôn thuở huyền bí là điều hoàn toàn xa lạ với thánh Phanxicô Xavier. Những điều Marco Polo kể về Phương Đông có lẽ chỉ đủ gợi lên cho người Châu Âu óc tò mò muốn khám phá và chinh phục. Tuy nhiên, cả những tò mò và tính toán của con người vẫn có thể được Thiên Chúa dùng để thực hiện chương trình cứu độ của Người. Điều cần là tìm cho ra những người dám đặt hết tin tưởng nơi Thiên Chúa. Thánh Phanxicô Xavier chính là một con người Thiên Chúa mong đợi. Với ngài, Thiên Chúa bắt lại được nhịp cầu nối Hội Thánh Công Giáo với Châu Á, mở được những con đường cho các thế hệ sau. Không những nên thánh, có thể nói ngài còn làm sống động lại mệnh lệnh truyền bá Tin Mừng của Chúa Giêsu trong cả Hội Thánh. Chỉ Chúa mới biết được những thư ngài viết từ Phương Đông đã đưa đuợc bao nhiêu người ra đi truyền giáo, đặc biệt thư ngày 15.1.1544 viết tại Ấn Độ:

Vì thiếu người lo những việc đạo đức và thánh thiện, nên nhiều người ngoại đáng lẽ có thể theo đạo mà không theo được.

Kiểm tra tương tự

3 lý do chúng ta rất cần Đức Maria là Mẹ chúng ta

  Sự sống mà chúng ta đang sống là chính Đức Giêsu Kitô, Đấng là …

5 cách để mừng lễ Thánh Gia Thất

  Lấy cảm hứng từ các sách Phúc âm, chúng tôi chia sẻ năm cách …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *