Chẳng ai muốn làm_ ” kẻ dại khờ ” khi yêu
Dối trái tim mình cho những điều day dứt
Thành kẻ điên cuồng sợ mình bị trói chặt
Có nghĩa lý gì cho một trái tim si?
Khi yêu, ta muốn điều gì?
Chẳng phải là ” tình yêu chung nhịp đập ”
Một nửa tim này là một nửa tim kia
Say đắm, ngọt ngào, điên cuồng, tha thiết…
” Dại khờ ” có phải là một đặc tính của tình yêu? Vì khi yêu đến nỗi quên cả chính bản thân mình, người ta nhận được cảm giác khoan khoái, hạnh phúc, một cảm giác khó tả mà chỉ người đang yêu cảm nhận được.
Khi yêu ai, dù bản thân người nam hay người nữ, người ta đều muốn mình thuộc quyền sở hữu của người khác, là một phần không thể thiếu trong trái tim người khác, ta với họ như “cá với nước”, như “chim với biển”, luôn song hành và gắn bó với nhau. Tình yêu làm cho con người ta “yếu đuối” hẳn ra, “thụ động” hẳn ra, chẳng còn kiểm soát được bản thân mình nữa, ta “quyến luyến” thứ tình cảm độc vị, duy nhất, “bất an” khi người này làm trái lòng người kia, “ghen” khi một ai khác theo đuổi “một nửa trái tim mình”.
Đôi khi, tình yêu làm chính ‘nô lệ’ của nó cảm thấy bị “hấp dẫn về thể lý” mãnh liệt, luôn ước muốn được đụng chạm, được ôm ấp và được “phá trái cấm” trong “hàng rào phòng thủ”. Những người trẻ có vẻ thường theo xu thế của xã hội hiện đại, ưu tiên vai trò “cá nhân hoá” để thoả mãn dục vọng nhưng lại không lường trước được hệ luỵ để lại phía sau.
Chuyện sex_ theo sinh học, là một vấn đề của nội tiết tố. Trong cơ thể của người nam, nội tiết tố testosterone cao hơn người nữ gấp 20%. Nên tự bản chất, người nam khó kiểm soát bản thân mình trong chuyện sex hơn người nữ. Và theo một nghiên cứu, “sex” chỉ gây cảm giác thích thú ban đầu, và kéo dài trong vòng 2 năm. Sau 2 năm đó, nội tiết tố gây hưng phấn sẽ giảm, và người ta không còn cảm giác thích thú như ban đầu nữa, cảm xúc tình yêu cũng theo đó mà giảm dần (theo chia sẻ từ bác sĩ Lan Hải).
Người ta ví tình yêu giống như ly bia, một ly bia không bọt chỉ giống như ly trà, không có gì thu hút hết. Nhưng thêm bọt vào, bia chẳng phải trông “ngon” hơn sao? Muốn “nhiều bia ít bọt” thì hãy rót thật chậm, còn muốn “bia ít nhiều bọt” thì rót nhanh hơn. Nhưng này, người ta uống bia chứ đâu uống bọt? Bọt chỉ là một vị cảm xúc, và bia mới chính là tình yêu. Và phải chăng, tình yêu muốn nhiều thì phải chậm rãi, cần thời gian tìm hiểu, gắn bó và chấp nhận cá tính của nhau. Muốn bền lâu trong một mối quan hệ, thì việc “chờ đợi” để tìm hiểu và chấp nhận nhau rất quan trọng. Người nam phải tự chủ và người nữ phải cương quyết trong cảm xúc của chính mình.
Không nên sống thử, cũng đừng cố gắng “vượt rào” để “hái trái cấm”. Con người không phải là hàng hoá có thể thử trước, không vừa thì trả lại. Phụ nữ không phải là “ổ khoá hư” để “chìa khoá vạn năng” nào cũng có thể mở được. Phụ nữ có giá trị riêng cho chính mình.
Trong tình yêu, tôi hiểu rằng người trẻ chúng tôi cần luôn tỉnh thức và bao dung cho nhau, tôn trọng nhau và sống trọn trong ân nghĩa với Thiên Chúa và với chính mình.
Têrêsa Lê Thị Hương
(cảm nghiệm sau buổi chia sẻ của bác sĩ Lan Hải với các bạn sinh viên Công giáo ngày 28/12/2019)
(nguồn ảnh: internet)