Quan điểm phổ biến cho rằng doanh nghiệp chủ yếu được thúc đẩy bởi lợi nhuận vừa có hại vừa không chính xác. Quan điểm này có hại ở chỗ nó làm lệch hướng chính sách công theo hướng có lợi cho những người chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền. Quan điểm này không chính xác ở chỗ động cơ chính của bất kỳ doanh nhân nào xứng đáng với tên gọi này là đạt được kết quả có giá trị nhân văn. Lợi nhuận sẽ luôn là thước đo thành công thiết yếu trong bất kỳ doanh nghiệp nào; tuy nhiên, nếu đó là mục tiêu chính, thì rất có thể nó sẽ trở thành một cỗ máy bóc lột cả khách hàng và nhân viên. Mối liên hệ giữa tư tưởng kinh doanh và giá trị nhân văn không chỉ là một lý tưởng cao quý. Nó làm nổi bật giá trị của doanh nghiệp trong xã hội loài người. Chẳng có xã hội nào phải mang ơn những người chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền mà thôi. Ngược lại, doanh nhân có vai trò không thể thay thế trong việc thúc đẩy lợi ích chung.
Mục đích của bài viết này là chỉ ra rằng những hiểu biết sâu sắc của Thông Điệp Laudato Si’ (LS) có thể giúp các doanh nghiệp thay đổi cái nhìn về chính mình. Điều này hệ tại ở việc chuyển đổi từ mô hình hiện tại khi lấy lợi nhuận làm động lực sang mô hình toàn diện hơn khi có thể phục vụ nhu cầu của nhân loại, và đặc biệt là có thể thúc đẩy việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, dưới sự giám sát của một nền chính trị đúng đắn. Chính sách công có vai trò quan trọng trong việc thực thi sứ mạng thay đổi này. Đồng thời, khi những người chịu trách nhiệm định hình chính sách coi lợi nhuận là mục đích tự thân thì họ đang từ bỏ vai trò giám sát này. Nếu không có vai trò giám sát này, các doanh nhân có trách nhiệm sẽ gặp bất lợi nghiêm trọng và lợi ích chung sẽ bị phá hoại.
Vai trò chính của doanh nghiệp là cung cấp hàng hóa và dịch vụ. Đây cũng là nhà cung cấp việc làm chính. Ngang qua hai vai trò này, doanh nghiệp định hình cuộc sống xã hội một cách toàn diện. Các nhà lãnh đạo trong giới kinh doanh có ảnh hưởng vượt xa chức năng kinh tế mà chúng ta thường nghĩ. Cách họ hiểu những gì họ làm có ảnh hưởng sâu sắc đến phần còn lại của xã hội. Điều này giải thích tại sao trong những thập kỷ gần đây các cuộc tọa đàm của giới lãnh đạo doanh nghiệp về động cơ lợi nhuận lại có tác động tai hại đến vậy.
Bức tranh về doanh nghiệp được mô tả trong Laudato Si’ thoạt nhìn giống như một lời kinh cầu lên án về hiện tượng ô nhiễm, tích trữ nguồn cung cấp nước, việc xả chất thải độc hại, nạn thất nghiệp, gây ra sự suy thoái xã hội (LS 20; 46; 51). Với xu thế hiện tại, thế giới kỹ thuật số đang phá hoại các tương quan liên đới của con người (xem LS 47). Tuy nhiên, Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng nói về doanh nghiệp như “một ơn gọi cao quý, hướng đến việc tạo ra của cải và cải thiện thế giới của chúng ta” (LS 129).
Khi Đức Giáo hoàng Phanxicô nói về ơn gọi hay lời mời gọi, ngài đang ám chỉ đến mối bận tâm nhằm đưa chúng ta vượt ra khỏi biên giới của lợi ích cá nhân. Ví dụ điển hình là một giáo viên hoặc y tá giỏi là những người bận tâm đến chất lượng công việc của họ. Những người như vậy giành được sự ngưỡng mộ của chúng ta. Chúng ta không thường đồng nhất ơn gọi cao quý đó với giới kinh doanh hiện nay, nhưng chúng ta được Laudato Si’ mời gọi xem xét khả năng đó.
Mục đích của kinh doanh là khai thác tài nguyên của trái đất theo hướng thúc đẩy sự thịnh vượng của con người. Điều này thể hiện rõ nhất trong các hoạt động kinh tế căn bản như nông nghiệp, đánh bắt cá và khai thác mỏ, nhưng tất cả các ngành công nghiệp và dịch vụ khác cuối cùng đều phụ thuộc vào ba ngành công nghiệp cổ xưa nhất này. Đã có nhiều ví dụ trong nhiều thời đại về việc đất đai bị tàn phá, và toàn bộ các nền văn minh bị tan rã cũng bởi đó mà ra. Vì thế, đã đến lúc chúng ta phải nghĩ về kinh doanh theo hướng khai thác thay vì bóc lột.
Thật là phi lý nếu nghĩ việc khai thác một loài động vật chỉ với một lần duy nhất mà thôi. Khi khai thác một loài động vật, chúng ta được mời gọi để phát triển mối quan hệ với một sinh vật sống khác vượt ra ngoài phạm vi chức năng đơn thuần của nó. Chúng ta cần phải cẩn trọng khi đối phó với sự sống, và đây là vấn đề của con tim cũng như vấn đề lợi ích cá nhân. Cảm thức về sự gắn bó và mối bận tâm này thực sự có vai trò rất giá trị khi một doanh nghiệp muốn xây dựng sự ổn định tại một nơi nào đó mà dựa trên mạng lưới các mối quan hệ của con người. Một tổ chức kinh doanh không có cảm thức này vẫn có thể có lãi, nhưng khó có thể cung cấp bất kỳ giá trị nào mang tính dài lâu. Vì thế, các nhà hoạch định chính sách cần nhận thức được yếu tố gốc rễ này theo định hướng phát triển kinh doanh bền vững.
Tuy nhiên, việc khai thác và cảm thức này chỉ là một mặt của câu chuyện. Tư tưởng kinh doanh là về việc khởi xướng các dự án mới và điều này sẽ luôn đi kèm với rủi ro. Điều này đòi hỏi một yếu tố trực giác đem lại cho những người chấp nhận rủi ro một sự tôn trọng đúng mức về mặt phi lý tính hay thiêng liêng trong kinh nghiệm nhân sinh. Các doanh nhân không có lựa chọn nào khác ngoài việc coi mình là một phần của điều gì đó mà họ không thể kiểm soát nhưng lại thấy mình có thể “hòa hợp”.
Lời chỉ trích của Đức Giáo Hoàng Phanxicô hiện tượng “sống vội” có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh này. Ngài nói tới việc sống chậm lại trong bối cảnh của một “sự nghỉ ngơi mang tính chiêm nghiệm”. Không những thế, hoạt động của con người sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu thiếu vắng sự nghỉ ngơi này (xem LS 237).[1] Kẻ đầu cơ bận tâm đến việc kiếm càng nhiều tiền càng tốt trong khoảng thời gian nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, doanh nhân được mời gọi để chuyển sang lãnh địa mà sự hướng dẫn cuối cùng duy nhất là cảm thức về trực giác được nói trên đây. Trực giác về điều gì đó mà chỉ có thể đạt được bằng cách hòa hợp với thực tại bao quát hơn.
Thành công trong kinh doanh sẽ luôn mang lại lợi nhuận, nhưng nó cũng mang lại sự mãn nguyện sâu sắc hơn mà không thể tìm thấy trong bảng cân đối kế toán. Một chủ khách sạn có thể hài lòng khi nhìn vào báo cáo tài chính của doanh nghiệp mình vào cuối năm, nhưng anh ta có thể hài lòng hơn khi thấy mọi người an toàn trong công việc của mình. Một nhà phát triển bất động sản có thể hài lòng với một số quyết định đầu tư, nhưng có thể hài lòng hơn khi thấy một tòa nhà, vốn không tồn tại cách đây vài năm, lại mang đến những cơ hội mới để mọi người gặp gỡ và làm việc chung với nhau.
Kinh nghiệm nhân sinh này phản ánh một giá trị khác được Đức Giáo Hoàng Phanxicô thúc đẩy trong chính tiêu đề của thông điệp Laudato Si’ – “hãy ca ngợi”. Với những người chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền thì việc nói câu “điều này thật tốt!” khi đạt được một thành tựu cụ thể là điều rất xa lạ, nhưng nó lại là bản tính thứ hai của những doanh nhân vốn thấy kế hoạch của họ đang đơm hoa kết trái.
Trong bối cảnh kinh doanh, thái độ ca ngợi này không thể tồn tại nếu bỏ qua những kết quả thực tế. Nếu không có các tổ chức được quản lý tốt, cảm giác mãn nguyện, đáng được ca ngợi, sẽ không thể tồn tại. Quản lý tốt cần lưu ý tới tính thực dụng của hành vi và động lực của con người. Cũng giống như đầu tư, nó đòi hỏi một yếu tố trực giác mà không có một sự hợp lý và phép toán nào có thể thay thế được. Kinh nghiệm này là một lý do bổ sung cho ảnh hưởng của doanh nghiệp đối với các nhà hoạch định chính sách khi đề cập tới bản tính con người. Để tồn tại trong vai trò của mình, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải phát triển một ý thức khôn ngoan về cách thức mà hành vi của con người tương tác với các thực tại của nền kinh tế và xã hội. “Cảm thức kinh doanh” này không thể bị bỏ qua một cách dễ dàng, nhưng nó cũng có thể mất đi khi sau thành công của một thế hệ hoạt động kinh doanh mà lại dẫn đến sự tâng bốc và mất đi góc nhìn phê phán.
Cách để duy trì góc nhìn thực tế hơn đó là phải đồng điệu với những thay đổi luôn diễn ra trong xã hội loài người. Trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, những hiểu biết sâu sắc của thế giới kinh doanh, vốn tập trung đúng mức vào những thách thức sắp tới, sẽ có nhiều điều để cung cấp. Một đặc điểm của doanh nghiệp tốt là sẵn sàng đối mặt với những vấn đề phức tạp do bản chất đen tối và đáng sợ hơn của con người đặt ra. Có một sự phi lý bẩm sinh trong hành vi của con người mà luôn phải được giải quyết để đạt được bất kỳ thành tựu quan trọng nào. Chính phủ có thể kiểm soát sự phi lý này bằng cách trừng phạt tội phạm. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải tìm ra những cách không mang tính cưỡng bức để giải quyết thách thức của sự phi lý đó.
Tuy nhiên, sự hiểu biết về chính kinh doanh như trước đây, nghĩa là như một hoạt động tạo ra lợi nhuận, vẫn chiếm ưu thế; và vì lý do đó, những người ủng hộ nó được hưởng một số lợi thế nhất định. Trước hết, thái độ tiềm ẩn của họ khiến họ có xu hướng nói về sự bóc lột hoặc lợi thế, và coi thường hoặc bỏ qua bất kỳ cuộc tọa đàm nào về việc khai thác và chăm sóc. Điều này phản ánh cách hiểu đang thịnh hành về kinh doanh, và mang lại cho họ ảnh hưởng không thể nghi ngờ đối với cả các nhà hoạch định chính sách cũng như dư luận xã hội. Thứ đến, họ không thấy cần phải thay đổi các mô hình tư duy và thực hành vốn đã định hình nên mối quan hệ lâu đời với các công chức, những người coi họ là ân nhân của xã hội; và do đó, xã hội nhìn họ với sự tôn trọng tương xứng.
Thêm nữa, khi nhìn vào số lượng người mà kế sinh nhai của họ phải phụ thuộc vào các ngành công nghiệp khai thác carbon chuyên dụng mang tính truyền thống, chúng ta có thể cảm nhận được bản chất của cuộc đấu tranh liên quan đến việc thay đổi quan điểm về kinh doanh mà ở đó cùng đích của họ hệ tại ở khẩu hiệu “hãy để chúng tôi kiếm tiền và tất cả các bạn sẽ có việc làm”. Cách minh nhiên, khẩu hiệu này hàm ý: “Đừng nghe bất kỳ ai ngoại trừ chúng tôi”. Họ nói rằng họ là những người kiếm được tiền và do đó, biết tất cả về thế giới thực.
Bất kỳ ai thách thức quan điểm của họ về mọi thứ đều bị coi là không đáng tin cậy. Điều này cho thấy không phải vì họ không trung thực, mà vì họ không nắm bắt được thực tế. Ngược lại, vì họ biết cách kiếm tiền, họ tự cho mình là biết tất cả những gì cần biết. Nhà kinh tế học người Canada, J.K. Galbraith, rất quen thuộc với bản chất ảo tưởng của những thái độ như vậy khi ông nói về một loại “ấn tượng công khai thường thấy khi cho rằng trí thông minh… song hành chặt chẽ với việc sở hữu tiền bạc”. [2] Ảnh hưởng của sự giàu có không chỉ đến từ những của cải có thể làm ra, mà còn từ cách thức mà sự giàu có đòi hỏi sự tôn trọng và làm suy yếu năng lực phê phán.
Những thay đổi đang diễn ra trong xã hội mang tính phổ quát được Laudato Si’ đề cập tới là một chuỗi các thách thức về mặt xã hội, tâm linh, giáo dục, chính trị, kinh tế và đạo đức, nhưng chúng cũng được trình bày như một câu chuyện mới. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc đến “Mẹ Trái Đất” – người “bây giờ đang kêu cứu chúng ta vì những tổn hại mà chúng ta đã gây ra cho Trái đất khi sử dụng tài nguyên cách vô trách nhiệm và sự lạm dụng những kho tàng mà Chúa đã ban tặng cho Trái đất” (LS 2). Ngài trích dẫn quan điểm của vị tiền nhiệm, tức Đức Benedict XVI, khi viết: “Những sa mạc bên ngoài trên thế giới đang lớn dần, vì những sa mạc bên trong đã trở nên quá rộng lớn.”[3] Ngài nói về một phong trào đang phát triển mà sức mạnh chủ yếu nằm ở cảm thức chung. Bản thân ngài đưa ra một trong những lời giải thích hết sức tinh tế về ảnh hưởng ngày càng tăng của nó. “Một nhân loại đích thực… dường như đang cư ngụ giữa nền văn hóa công nghệ của chúng ta, nhưng nó gần như không được chú ý, nó giống như một làn sương mù nhẹ nhàng thấm qua bên dưới một cánh cửa đóng kín” (LS 112).
Có lẽ yếu tố thương cảm nơi những cảm thức chung này được phác họa ra để kêu gọi sự quảng đại của người nghe và vì thế đánh thức tinh thần đoàn kết và trách nhiệm. Thương cảm là một yếu tố quan trọng làm nên nhà lãnh đạo chính trị, nhưng tiếc thay, ít nhà lãnh đạo chính trị ngày nay nhận thức được điều này. Yếu tố này cũng có vị trí trong giới kinh doanh, những người muốn truyền cảm hứng cho người khác bằng một cảm thức về sự tận tâm cho một dự án vốn khả thi về mặt thương mại chỉ vì giá trị nhân văn của dự án đó.
Yếu tố thương cảm này liên kết chặt chẽ với một trí tưởng tượng mang tính trực quan để đi tới quyết định đầu tư. Số tiền hiện đang được đầu tư vào công nghệ xanh là một ví dụ cho nhãn quan này. Những người tham gia vào lĩnh vực đầu tư đang phát triển cách nhanh chóng này chắc chắn sẽ hướng đến một mối lợi tài chính từ các dự án của họ, nhưng họ cũng đang chấp nhận rủi ro. Câu nói “tương lai thuộc về năng lượng tái tạo” là chưa đủ. Những người đầu tư vào tương lai phải xác định công thức nào sẽ được sử dụng, nguồn năng lượng và quy trình nào sẽ mang lại hiệu quả cao nhất và chương trình nghiên cứu nào cần thiết cho dự án của họ. Có rất nhiều yếu tố vô định trong chi tiết của những quyết định như vậy, và do đó, rủi ro là không thể tránh khỏi. Quyết định cuối cùng của nhà đầu tư chỉ có thể đạt được nhân danh niềm hy vọng, trong đó sự thương cảm sẽ góp phần tạo nên một cú húc mạnh mẽ và hấp dẫn.
Có một rủi ro khác mà các nhà đầu tư vào công nghệ xanh phải chấp nhận. Chỉ cần hướng dẫn đến một tương lai không có các ngành công nghiệp thải nhiều carbon, họ còn đặt ra thách thức cho chính những lợi ích mà họ đã thiết lập trước đó, chứ không chỉ thách thức những người vốn chỉ hướng tới lợi nhuận. Khi mọi người phải đối mặt với viễn cảnh về một ngành công nghiệp mà không còn sử dụng họ nữa, thì đó không chỉ là vấn đề mất việc, mà vấn đề là ở chỗ toàn bộ thế giới của họ sẽ được thay thế. Có lẽ chẳng mấy ai không sợ hãi khi phải hình dung ra viễn tưởng như vậy; và những người sợ hãi điều đó sẽ dễ dàng bị thao túng. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp khi đối diện với vấn đề này cần phải hiểu được sức mạnh của niềm hy vọng nếu muốn vượt qua sự thao túng đó.
Đầu tư vào công nghệ xanh là nhắm tới một tương lai mà ở đó cuộc đấu tranh hiện tại trong giới kinh doanh sẽ được giải quyết theo chiều hướng có lợi cho những người chủ yếu coi trọng giá trị nhân bản hơn là lợi nhuận. Những diễn biến như ‘Thỏa Thuận Xanh của Châu Âu’ (European Green Deal) và những diễn biến tương tự ở cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều hướng đến cùng một mục tiêu, nhưng điều đó không có nghĩa là tiến trình hướng tới tính bền vững là điều tất yếu. Những lưu tâm dành cho “dân công và người lao động dễ bị tổn thương trong tiến trình chuyển đổi”[4] của Thỏa thuận Xanh tập trung vào cuộc đấu tranh này, vì tâm trí của những người tọa đàm về tiến trình chuyển đổi lại khiến chúng ta cảm thấy hoang mang và phản bội.
Việc thiết lập ‘Cơ chế chuyển đổi công bằng’(Just Transition Mechanism)[5] là một tuyên bố quan trọng, nhưng tự thân nó là chưa đủ. Nếu thông điệp cơ bản là ‘thảm họa đang đến gần’, thì đây không phải là cách chữa trị cho nỗi lo lắng của những người phải đối mặt với thực tại bất ổn của tiến trình chuyển đổi. Thật khó để đánh giá cao quá mức về cảm giác mắc kẹt có thể tồn tại giữa những người đang phải đối diện với nguy cơ là văn hóa làm việc của họ có sẽ tan biến. Vì thế, cảm thức về niềm hy vọng và lời mời gọi về sự quảng đại là rất cần thiết, nhưng ngay cả việc sử dụng những từ như vậy trong bối cảnh này cũng chỉ tạo ra một sự cười nhạo mà thôi.
Ai trong chúng ta muốn sử dụng những thuật ngữ như vậy thì nên lắng nghe suy nghĩ của Đức Giáo hoàng Phanxicô về hiện tượng “sống vội”. Đây là một trạng huống đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận giới hạn của chính mình. Nó đòi hỏi một sự lắng đọng trong thái độ tôn trọng và khiêm nhường, kết hợp với sự nhạy bén trước những cơ hội có thể mở ra cho việc đối thoại. Thực tế là đôi khi sự chia rẽ sâu sắc lại được vượt qua trong những cuộc gặp gỡ và khoảnh khắc không ngờ tới. Sự ưu ái dành cho vấn đề tâm linh và nhu cầu hoán cải cá nhân trong Laudato Si’ không phải là sự thoái lui trước những thách thức mang tính toàn cầu. Để đối mặt với thách thức đó một cách hiệu quả, chúng ta sẽ phải tiếp cận chính động lực thâm sâu nhất nơi lòng mình.
Tâm linh sẽ trở thành một bài tập về chủ nghĩa ái kỷ nếu nó không nuôi dưỡng được tinh thần quảng đại. Trong bối cảnh chuyển đổi sang nền kinh tế và xã hội xanh thì trọng tâm rõ nét của tinh thần quảng đại như vậy là vì thế hệ tiếp theo. Việc hỏi cha mẹ về cách con cái họ sẽ định hình tương lai của chúng cũng như cách thức để giúp chúng thực hiện được ước mơ đó đặt ra một thách thức mà không ai lại có thể dễ dàng bỏ qua.
Sau cùng, chúng ta phải tìm ra cách để vượt qua sự chia rẽ và nghi ngờ; sự nhấn mạnh vào đối thoại trong Laudato Si’ có thể chỉ cho chúng ta hướng đi đúng đắn. Trong chương năm, với tựa đề “Các đường hướng tiếp cận và hành động” (LS 163-201), thuật ngữ “đối thoại” được sử dụng bao hàm cộng đồng quốc tế, chính sách quốc gia và địa phương, chính trị và kinh tế, tính minh bạch trong việc ra quyết định cũng như tương quan giữa các tôn giáo và khoa học. Đức Giáo Hoàng Phanxicô không đề cập cụ thể tới việc đối thoại với doanh nghiệp, nhưng lời mời đối thoại của ngài rõ ràng là không có hồi kết. Ngài nói về “một cuộc trò chuyện bao gồm tất cả mọi người” (LS 14). Cuối cùng, việc đối thoại hệ tại ở niềm hy vọng. Có hai sự lựa chọn đặt ra cho chúng ta hiện nay; một là giữa việc bám víu vào những gì quen thuộc của một thế giới mà giờ đây đang dần mất đi, hai là đối mặt với một tương lai hoàn toàn khó hiểu và xa lạ nhưng lại rất ít hy vọng.
Các nhà đầu tư vào các công nghệ thay thế có một vị thế tốt để đáp ứng thách thức này. Trước hết, họ đã tuyên bố về niềm hy vọng của mình vào một tương lai mang tính thay thế, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động đầu tư. Thứ hai, khoản đầu tư của họ vào các hình thức công nghệ mới có thể mở ra cơ hội cho các hình thức việc làm mới. Thách thức này sẽ tạo ra một không gian mới cho cả nhà đầu tư và công nhân, và có thể cung cấp một khung chương trình đối thoại có lợi cho cả hai bên. Hơn nữa, việc lưu tâm tới tính thực tiễn của hành vi của con người, vốn là đặc điểm của doanh nghiệp tốt, đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư vào công nghệ xanh có thể có sự đóng góp cách tinh tế vào cuộc đối thoại cần thiết với những người dễ bị tổn thương do quá trình chuyển đổi này.
Đối thoại thành thử ra là cuộc gặp gỡ của những câu chuyện. Niềm tin được xây dựng thông qua đối thoại thành công không đến từ những gì được nói ra mà từ cách những người tham gia đối thoại nhận thức hành động của nhau. Ngôn và hành của họ có nhất quán không? Và có lẽ quan trọng hơn là họ có khả năng thừa nhận sự chỉ trích và thay đổi hành vi của mình cho phù hợp không? Trong chương sáu – “Giáo dục và linh đạo môi sinh” (LS 202-246) – Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh rất nhiều vào cách thức linh đạo định hình hành động. Ngài liên kết chặt chẽ nó với đạo đức khi chỉ ra rằng sự suy yếu trong việc thực hành một nhân đức nào đó cuối cùng cũng có thể ảnh hưởng đến môi trường (LS 224). Ngài chỉ ra rằng những thay đổi trong lối sống cá nhân có thể gây áp lực lên các nhà hoạch định chính sách. Việc chiêm nghiệm sẽ ngăn chặn xu thế muốn trở nên như máy móc của con người, và giúp chúng ta có thể đạt tới một sự nhạy cảm mới về quyền của người khác (LS 237).
Ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên khắp thế giới chấp nhận rằng lợi nhuận vì lợi nhuận, nghĩa là không quan tâm đến môi trường và không quan tâm đến sinh kế của người khác, là sự tự hủy diệt. Nhiều người ngày càng có xu hướng thấy được ý nghĩa của việc quan tâm đến các nguồn tài nguyên của trái đất và chịu trách nhiệm về chúng. Cam kết chăm sóc trái đất này đang được đón nhận như một phần của mối quan hệ tin cậy giữa khách hàng và đối tác mà mọi doanh nghiệp đều lấy làm gốc. Mối quan hệ này mang lại phần thưởng riêng (về tài chính và các mặt khác), nhưng những người tự hào về những thành tựu như vậy phải đối mặt với một thách thức khác. Thách đức đó là việc mối quan tâm ngày càng tăng đối với trái đất của họ lại không được các chính sách công hỗ trợ.
Thỏa thuận Xanh của Châu Âu chắc chắn đã chuyển trọng tâm theo đúng hướng, nhưng các mục tiêu chính sách đầy tham vọng của nó càng tiến gần đến quá trình hiện thực hóa thì chúng càng trở thành một sa trường của hai quan điểm không thể hòa giải về bản chất kinh doanh. Sẽ có một cuộc đấu tranh mà tỷ lệ cược cho cả hai bên thực sự rất cao; và ở đó giới kinh doanh chứ không phải dịch vụ công, chính trị hay khoa học sẽ là chiến trường chính. Những người chống lại sự thay đổi sẽ làm như vậy nhân danh một doanh nghiệp tốt. Họ sẽ chỉ ra những công ăn việc làm mà họ cung cấp. Họ sẽ để mắt đến bất kỳ một nhóm dễ bị tổn thương nào đang bị bỏ qua trong quá trình chuyển đổi, và họ sẽ tự nhận mình là người đang bênh vực những người đó. Họ sẽ tìm cách để làm suy yếu độ tin cậy của bất kỳ nghiên cứu nào thách thức lợi ích của họ. Sự ám ảnh của họ với những lợi ích đó cũng sẽ giữ cho thế giới quan của họ không phức tạp và dễ bảo vệ.
Những người tìm kiếm sự thay đổi sẽ có một nhiệm vụ gai góc hơn bởi sự đa diện của cuộc khủng hoảng mà họ phải đối mặt. Họ sẽ phải hóa giải cấu trúc phức tạp của các động cơ vốn ẩn mặt để kiếm lời ngắn hạn. Họ sẽ phải thuyết phục các nhà quản lý công về tác hại do nhiều chính sách tốt trước đó đã gây ra. Những tác động có hại của các chính sách như vậy ngày càng được chấp nhận, nhưng ít nhà lãnh đạo chính trị nào có xu hướng đứng lên đối mặt với một thách thức chưa từng gặp phải bên ngoài cuộc chiến này. Nói về tham vọng và các mục tiêu dài hạn là một chuyện, chuyển chúng thành những thay đổi trong cả chính sách và tình cảm của công chúng lại là chuyện khác.
Janez Potocnik, trong lời tựa của ông cho cuốn ‘Kinh Doanh và Trái Đất- Một Gợi Hứng từ Laudato Si’[6] đã vẽ nên một bức tranh hết sức ảm đạm về trái đất. Gần một triệu loài đang có nguy cơ tuyệt chủng. Bảy mươi lăm phần trăm hệ sinh thái trên cạn bị thay đổi cách đáng kể, trong khi 29 phần trăm đất đai bị thoái hóa trên toàn cầu, với hơn 3 tỷ người phải đối diện với nguy hiểm. Ô nhiễm không khí đang gây ra 6 đến 7 tỷ ca tử vong sớm mỗi năm.[7] Những rủi ro nghiêm trọng này là do “việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách lãng phí, kém hiệu quả và thiếu bình đẳng”.[8]
Potocnik là đồng chủ tịch của Ủy Ban Tài Nguyên Quốc Tế về Chương Trình Môi trường của Liên Hợp Quốc. Chính lời tựa này của ông là một thực hành về đối thoại, của một nhân vật toàn cầu trong cuộc đấu tranh cho một thế giới mang tính bền vững, dựa trên những hiểu biết sâu sắc về học thuyết xã hội của Hội Thánh Công Giáo. Ông tiếp tục một chủ đề đã được phát triển trong văn bản chính của cuốn sách về việc kinh doanh lành mạnh trong việc khai thác các nguồn tài nguyên của trái đất. “Bạn không thể khai thác một con vật mà không chăm sóc nó chu đáo, tôn trọng cả giới hạn về khả năng của nó, và đảm bảo rằng nó được cho ăn và nghỉ ngơi đầy đủ… Trái đất của chúng ta hiện nay giống như với một con vật đang mang gánh nặng; nếu chúng ta bóc lột trái đất thì là lúc chúng ta sẽ hủy diệt nó; và nếu chúng ta hủy diệt trái đất, chúng ta sẽ tự hủy diệt bản thân mình.”[9]
Khi bình luận về cuốn sách, ông nói: “Một luận điểm thật đơn giản và rõ ràng: Khi giới kinh doanh đi vào cuộc đối thoại với toàn bộ trải nghiệm của con người; họ có vai trò không thể thay thế trong sự phát triển của con người, và khi giới kinh doanh không làm được điều này, nó sẽ trở thành một lực lượng mang tính hủy diệt.” [10]
Cần có hai hình thức đối thoại mang tính bổ túc cho nhau. Trước hết, toàn bộ giới kinh doanh đang phản ứng ở những mức độ khác nhau đối với quá trình chuyển đổi đầy thách thức này. Động thái này hệ tại ở việc chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình mới mà ở đó chúng ta xem môi trường là một phần không thể thiếu của hoạt động kinh doanh lành mạnh, cũng tương tự như việc tránh các hành vi gian lận. Điều này sẽ đòi hỏi một quá trình phản tỉnh vốn được rút ra từ cuộc đối thoại với những quan điểm vốn không thuộc giới kinh doanh, chẳng hạn như học thuyết xã hội của Hội Thánh Công Giáo. Cuộc đối thoại này cũng sẽ diễn ra với giới kinh doanh nói chung.
Thứ đến, trong giới doanh nhân thương mại, có những người khởi xướng sự thay đổi chứ không chỉ đơn thuần là phản ứng lại xu thế này. Một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã tập trung tại Nghị viện Châu Âu vào ngày 25 tháng 9 năm 2019 để tham gia vào một cuộc tọa đàm mà thành quả cuối cùng là cuốn sách ‘Kinh Doanh và Trái Đất’. Họ thuộc về nhóm những người tiên phong này. Họ không có lợi ích chung nào có thể thấy được từ việc thuộc về một ngành công nghiệp nhất định. Nhóm họp tại Nghị Viện Châu Âu có những mối quan tâm rất đa dạng – từ nhôm đến mỹ phẩm, quần áo, khai thác mỏ, đồ chơi, thực phẩm, hóa chất; nhưng rõ ràng là họ có chung lợi ích trong việc thách thức các chính sách hiện hành dựa trên nhãn quan về sự bền vững. Ở đây, Giáo hội có thể góp sức mình trong việc mời những người tiên phong trong kinh doanh mang tính bền vững này đi vào cuộc đối thoại để cùng nhau đưa ra quan điểm về vai trò của họ. Quan điểm về một sự phát triển mang tính bền vững này sẽ thay thế những lối mòn trong suy nghĩ của giới kinh doanh và xã hội nói chung khiến họ không nhận ra các giá trị nhân bản.
Trong lời bạt của cuốn sách, Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich đã chỉ ra rằng không có hình thức trí tuệ nào của con người bị bỏ qua trong phản ứng của chúng ta đối với cuộc khủng hoảng sinh thái. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp sẽ cần phải “tự nhận thức về nền văn hóa nhân loại mà họ là một phần trong đó.”[11] Giới kinh doanh là một nền văn hóa riêng biệt, nhưng là nền văn hóa kết nối với thực tại bao quát hơn của con người. “Giới kinh doanh sẽ luôn mạnh mẽ; các nhà lãnh đạo doanh nghiệp sẽ luôn có ảnh hưởng mang tầm vĩ mô thông qua cách họ thể hiện bản thân và sự hiểu biết của họ về những gì họ làm.”[12]
Những suy nghĩ này sẽ bị coi là không thích hợp đối với những người mà trọng tâm trong kinh doanh của họ chủ yếu là vì lợi nhuận, nhưng chúng sẽ được hoan nghênh bởi những người coi lợi nhuận là một thước đo khả thi trong nhiệm vụ chung là khai thác các nguồn tài nguyên của trái đất theo cách có trách nhiệm và mang tính bền vững.
Nguồn: https://www.laciviltacattolica.com/
Tác giả: Edmond Grace, S.J.
Dịch giả: Phêrô Đào Anh Tuấn
[1] Cf. E. Grace, Business and the Earth, A reflection on Laudato Si’, Brussels, Jesuit European Social Center , 14f (www.uniapac.org).
[2] J. K. Galbraith, A Short History of Financial Euphoria, London, Penguin, 1994, 106.
[3] Benedict XVI, Homily for the Solemn Inauguration of the Petrine Ministry, April 24, 2005, quoted in LS 217.
[4] European Commission, The European Green Deal, Brussels, December 11, 2019, 18.
[5] Ibid.
[6] E. Grace, Business and the Earth…, op. cit., 5.
[7] Ibid.
[8] Ibid., 6.
[9] Ibid.
[10] Ibid., 7.
[11] Ibid., 59.
[12] Ibid.