Thầy là tất cả của con

 

 

Ngày xưa, sau một thời gian dài thầy trò đồng cam cộng khổ trên con đường rao giảng nước trời, Chúa Giêsu đã muốn cho các môn đệ ý thức, định hướng và xác tín lần nữa về niềm tin của mình vào Ngài cách rõ ràng, kiên định hơn, khi nêu lên câu hỏi xem ra hơi ”dư”: ”Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”

Giờ đây, khi đọc câu hỏi này, tôi có cảm tưởng Chúa Giêsu đang hỏi chính tôi chứ không ai khác, khiến tôi đang vô tư rảo bước cùng Người, phải khựng lại, tự vấn, lục lọi trong tâm thức của tôi những kinh nghiệm từng trải với Người trong cuộc sống của mình từ bao lâu nay.

Vậy, THẦY LÀ AI đối với tôi, đáng để tôi từ bỏ mọi sự mà đạt cho bằng được?

 

Thầy là ngôi hai Thiên Chúa nhưng đã hạ mình mặc lấy xác phàm, nên giống tôi mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Người đã xuống thế làm người để cứu chuộc tôi khỏi tội lỗi, để làm mẫu mực cho tôi sống thánh thiện, để tôi được kết hợp với Ngài mà trở nên con Thiên Chúa cũng để tỏ cho tôi biết tình yêu của Thiên Chúa.

 

Qua giáo huấn và cuộc đời của Chúa Giêsu, tôi cảm nếm được tình yêu vô bờ của thiên Chúa Cha, người cha nhân hậu, dành cho riêng tôi, một đứa con hoang đoàng, nổi loạn, bất hiếu và ích kỷ.

Biết bao lần tôi đã làm cho Cha phải buồn phiền vì gây thương tổn cách này cách khác cho những người thân và bạn bè, cho những người tôi gặp gỡ trong đời. Biết bao lần tôi đã sống quay lưng, từ chối tình yêu của Cha đã dành cho tôi vì thói vô ơn, bạc bẽo; trong những toan tính có lợi cho mình, không quan tâm đến cảm nhận và lợi ích của kẻ khác. Biết bao lần tôi tưởng rằng những gì mình có, những thành công mình đạt được là do tài năng của mình làm nên, mà quên chính Cha đã ban cho tôi vì yêu thương tôi.

Cha vẫn không ngừng yêu thương tôi cho dù tôi bất xứng, không ngừng chờ đợi, trông ngóng tôi quay trở về trong vòng tay tha thứ luôn rộng mở của Người: những lúc tôi đi trên con đường xa cách Cha, như đã xảy ra với đứa con hoang đàng (x.Lc15,11-32). Cha vẫn tìm kiếm tôi, ngay cả khi tôi không kiếm tìm Người (x.Lc15,4-7); vẫn thấy vẻ đẹp của tôi khi cả thế giới ghét bỏ, xa lánh và khinh chê tôi (x.Lc19,1-10).

Một trong những kinh nghiệm gần gủi khiến tôi nhận ra lòng yêu thương tha thứ của Cha và muốn hối cải:

Có lần tôi đã bực tức, nổi loạn và buông ra những lời lẽ thiếu tế nhị với mẹ tôi. Vì giận dỗi nên suốt mấy tuần liền, tôi chẳng buồn nói chuyện hay ngó ngàng gì đến cảm nhận của bà. Dù vậy, ngày ngày mẹ tôi vẫn quan tâm chăm sóc tôi cách gián tiếp, tránh làm phiền tôi. Ngày tôi ra phi trường trở về Đức, hình ảnh cha mẹ tôi đứng trước sân nhà dõi theo tôi khuất dạng cuối con đường, với ánh mắt lưu luyến, thương yêu tha thứ; đến bây giờ vẫn còn hiện rõ trong tâm trí tôi. Lòng tôi luôn cảm thấy hối hận về những lỗi lầm đã làm mẹ phiền lòng và cảm thấy bất xứng với những hy sinh, lao nhọc mẹ đã làm vì tôi.

Thiên Chúa là Cha luôn tôn trọng tự do của tôi. Tuy nhiên, chính vì không biết dùng sự tự do này cho chính đáng, khiến tôi nhiều khi rơi vào những hoàn cảnh khó khăn, cực khổ hoặc những vấp ngã trong cuộc sống của mình. Thế nhưng, Người không bỏ rơi tôi mà luôn bênh vực, che chở, bảo vệ tôi…

 

Như một người anh

Chúa Giêsu đã ngăn cản những hòn đá cay nghiệt, vô cảm của những lời xúc phạm, dèm pha, đay nghiến ném vào tôi. Trong những tranh chấp mà phần thua thiệt tưởng chừng nghiêng về phía tôi, Người đã biến dữ hóa lành, dắt tôi an toàn vượt qua mà còn có được những thứ mà lòng tôi chưa hề nghĩ đến. Cũng có lúc tôi bị loại trừ, hay bị bẹp dí dưới sức nặng ngàn cân của những tranh đua, ghen ghét; Người đã nâng tôi dậy, chuốt nhọn cây bút chì tôi và dùng nó vẽ những bức tranh của Người. Khi tôi phải đối mặt với những quyết định quan trọng trong đời, Người đã giúp tôi phân định và hướng tôi theo đường ngay lành để giải quyết vấn đề cho thỏa đáng.

Không chỉ thế, Chúa Giêsu còn là…

 

Một người bạn

Phải nói là một người bạn tín trung của tôi. Trong những lúc tôi buồn phiền, chán nản và mệt mỏi, Người sẵn sàng là bờ vai để tôi tựa đầu và cảm nhận được cái ấm áp của yêu thương, cảm thông. Bên Người, tôi được tâm sự, được an ủi, được khích lệ, và được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Nơi Người, tôi học được sự hiền hòa và lòng khiêm tốn giúp tôi vượt qua được những vấn nạn trong cuộc sống và vững bước đi tiếp trên con đường phía trước cách vui vẻ, an bình (Mt 11, 28-30).

Chúa Giêsu quả là người bạn trung thành, tốt bụng, không biết phiền lòng, luôn kiên nhẫn lắng nghe và khích lệ tôi. Người vẫn đi bên tôi và mãi ở cạnh tôi trên những con đường Emmau trong cuộc sống để chia sẻ ngọt bùi và giúp đỡ tôi (Lc 24, 13-35). Thế mà, tôi vô tâm, hờ hững lúc Người cần tôi (Mc 14, 32-40); thậm chí phản bội và trốn chạy để không bị vạ lây khi Người bị bắt bớ (Mc 14, 43-52); lại còn nhẫn tâm chối bỏ Người (Mc 14, 66-70).

Người không chê bai xuất thân không tốt của tôi, vẫn kết bạn với tôi cho dù bị miệng đời dèm pha (Lc 15,1-2). Làm bạn với tôi, Chúa Giêsu chỉ nhận được thiệt thòi, nhưng sao Người cứ vẫn luôn ở đó, trung thành trong tình bạn với tôi?

 

Nơi Thầy Giêsu, một bậc thầy uyên bác và đáng kính, tôi học được nhiều điều để có thể sống tốt ở đời này và chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc sống viên mãn đời sau. Người đã dạy tôi những điều nhân nghĩa trong các bài giảng trên núi (Mt 5-7), làm kim chỉ nam cho đời sống của tôi hướng đến chân thiện mỹ. Người mời gọi tôi ”từ bỏ” những tham, sân, si trong cuộc sống tạm bợ, chóng qua này; ngay cả mạng sống và cùng Người đi vào con đường hẹp dẫn đến Gôn-gô-tha, đỉnh cao vinh quang, cũng là cửa ngõ dẫn về Nhà Cha.

Thầy Giêsu đã dành trọn cuộc đời mình để sống những điều Người đã dạy tôi và đã chết để minh chứng cho những điều ấy. Người đã sống trọn vẹn cho tình yêu và đã chết vì tình yêu.

 

Cũng là Giêsu, một lương y tốt lành, đã chữa tôi khỏi mọi tật bệnh (Lc4, 40-41) để tôi nhìn thấy, đứng thẳng, lành mạnh bước đi và được hội nhập vào đời sống bình thường như bao người khác trong thế giới này.

Bàn tay mềm mại, ấm áp tình thương của Người, từng đụng chạm vào tôi để chữa lành, xoa dịu nỗi đau của bệnh tật; ngờ đâu lại bị tôi dùng đinh nhọn của tội lỗi đóng chặt vào thân gỗ sần sùi, khô rám một cách phũ phàng, không thương tiếc. Bạc bẽo thay tình đời!

 

Có những lúc tôi đi trên con đường xa cách Thiên Chúa, như đã xảy ra với đứa con hoang đàng; hoặc là trong sự cô đơn, tôi cảm thấy bị bỏ rơi trong thế giới; hay khi bướng bỉnh ở lì trong tội lỗi. Trong những lúc này, tôi vẫn có thể tìm thấy sức mạnh để cầu nguyện bằng cách bắt đầu với từ “Cha ơi” với tâm tâm tình của một người con hoang đàng. Người là Cha sẽ không dấu mặt đối với tôi; Người sẽ không khép mình trong sự im lặng, nhưng sẽ nói rằng Người không bao giờ ngừng dõi theo tôi, và Người luôn ở đó, trung thành với tình yêu dành cho tôi. Bởi vì Chúa Giêsu còn là người anh che chở bảo vệ tôi khỏi bị ức hiếp, là người bạn trung thành và tốt bụng cho tôi mượn bờ vai ấm áp để tựa khi tôi mệt mỏi, chán nản; là người thầy kính yêu đã dạy tôi những điều thiện hảo giúp tôi sống và cư xử tốt với tha nhân; và Thầy Giêsu còn là lương y tốt lành chữa tôi khỏi mọi bệnh tật và xoa dịu những nỗi đau của tôi.

 

Với tình yêu cao đẹp đó, đối với tôi Thầy là tất cả, là gia nghiệp đời tôi. So với tình yêu cao đẹp đó, tôi cảm thấy mình quá bất xứng: bạc bẽo, vô ơn, dễ thay đổi, tội lỗi…; lòng tôi dâng lên một cảm xúc hối hận và thương mến Thầy Giêsu thật nhiều. Xác định được vị trí của Thầy Giêsu trong lòng tôi, và tình yêu của Người, từ nay, tôi vững bước đi theo Thầy, cùng Thầy vượt qua những lũng tối cuộc đời can trường hơn.

Tôi tự nhủ, từ nay trong cuộc sống tôi sẽ luôn trả lời câu hỏi: ”Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” để dung mạo yêu thương của Chúa Giêsu luôn khắc sâu đậm nét trong tâm hồn tôi, nhắc nhở tôi phải sống sao cho xứng đáng với mối tình thật đẹp của Người dành cho tôi, và biết đem tình yêu ấy chia sẻ với những anh em bé mọn quanh tôi, làm chứng nhân tình yêu sống động giữa đời.

 

 

Cecilia lê Thị Thu Thủy

Kiểm tra tương tự

4 vị thánh giúp bạn đối phó với nỗi lo âu

Ngoài việc các thánh là những người bạn của chúng ta trên thiên đàng, các …

Để đức tin thấm vào văn hóa

Hội nhập văn hóa (inculturation) là thuật ngữ không mới trong từ điển truyền giáo …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *