Thầy ơi: “Giá mà…”


Vào một chiều nắng nhạt, con bé Đước gọi vào số điện thoại cộng đoàn để xin tôi một cái hẹn. Ít lâu sau đó, Đước và tôi gặp nhau. Đang hỏi thăm ngon lành, tự dưng con nhỏ quay qua khóc tồ tồ như thể ông trời mưa chưa đủ để sỏi đá hóa mềm. Ngồi lắng nghe chuyện của nó một hồi, con nhỏ kết luận một câu chắc nịch: “giá mà ai cũng đơn giản như mình thì hay biết mấy”.

Tôi biết Đước trong lần đi thực nghiệm ở mãi Bình Phước vào năm thứ nhất của nhà Tập. Tôi gọi con bé là Đước là theo ước nguyện của nó chứ tên thật của Đước là Gia Hân. Chẳng biết trời xui đất khiến thế nào mà Gia Hân lại thích cái tên Đước.
Trong một lần đi hành hương cùng giáo xứ, em nó được nghe, nhìn và sờ vào trái đước ở tận miệt đất mũi Cà Mau. Trái đước với thân hình dài, nhọn. Những trái đước chín sẽ phát triển rồi nảy mầm ngay trên cây để chờ ngày rời cành mà rơi tủm xuống nước. Nước cuốn những mầm sống đi muôn nơi và đến đâu đó thì trái đước cắm mình vào vũng sình mà vươn mình giữ đất.

Năm nay, Đước lên Sài Gòn học ngành luật dân sự. Em hẹn tôi ra để tám chuyện trên trời dưới đất với lý do đơn giản “lâu rồi không gặp thầy” và tiện thể báo tin em được đi học tiếp đại học. Suốt 15 phút, hai thầy trò nói về cuộc sống Sài Thành. Đước kể chuyện ở nơi nhà trò, chuyện trên lớp, chuyện bạn bè và coi tôi như chỗ trút nỗi bực dọc những chuyện khó xử với bạn bè bằng trận khóc của mưa rào tháng 5.

Gặp lại em, em mang cho tôi một chuẩn mực đã lâu rồi mới nghe lại: “giá mà ai cũng đơn giản như mình”. Tôi cũng bị khựng lại sau khi nghe được câu nói ấy của Đước vì mỗi một quyết định, mỗi một chia sẻ muốn nói ra thì đầu tôi lại rối tù mù những suy nghĩ trước sau. Sống vậy mới gọi là biết sống, mới gọi là trưởng thành. Vậy mà khi tôi nghe Đước nói về lối sống đơn giản lại làm tôi thót tim lung lạc quá xá.

Lướt lướt vài vòng trên Facebook, Đước lại bảo: “đăng mấy dòng trạng thái bây giờ cũng suy nghĩ lắm thầy, lạng quạng là không xong đâu, giá mà người ta cũng đơn giản như mình”. Đước nói chuyện phòng trọ, “giá mà người ta cũng đơn giản giống mình thì đâu có chuyện 1 phòng chia ra 4 ngăn, cơm 4 giấc riêng đâu thầy”. “Giá mà người ta cũng đơn giản giống mình, người ta sẽ không hoạch họe nhau về một câu nói đơn giản”. Cứ sau mỗi lần Đước kể về đời sống Sài Thành, em lại ké thêm cái chuẩn mực của mình: “giá mà người ta đơn giản như mình”.

Nghe một hồi lâu, tôi chợt thấy lòng mình như nhặt lại những mảnh vụn của thời xa xưa ấy. Một thời con người ta sống với những ước mơ vĩ đại mà không bị đánh giá được mất, với những cảm xúc bồng bột không ngại bị đánh giá và một thời để sống cho những lý tưởng trẻ con không cần được chúc tụng. Lắng nghe những cái “giá mà” của Đước cũng làm tôi thấy chạnh lòng với em. Cuộc sống vẫn mãi xuôi dòng chảy của nó và kéo con người ta phải lớn lên. Con người ta đâu mãi sống với những ngây ngô và đơn giản mãi được. Đời khiến cho con người ta phải suy nghĩ nhiều hơn, đắn đo nhiều hơn, suy xét nhiều hơn từ những cái vụn vặt. Có khi đời bắt người ta phải mường tượng ra kết cục của một quyết định của mình. Với Đước, nó thấy càng lớn và học càng nhiều lại khiến con người ta khó sống đơn giản hơn. Ăn cũng phức tạp, ngủ cũng phức tạp, nói cũng phức tạp và cả đi đứng ra sao cũng phức tạp. Phức tạp đến nỗi chỉ cần một câu nói bâng quơ nào đó thôi cũng có thể làm tri kỷ hóa người dưng.

Trong thế giới riêng của Đước là một khoảng trời xanh ngắt nơi xóm nghèo Bình Phước. Nơi đó, Đước có thể thỏa sức bày tỏ mình cho đám bạn đen thui thủi thùi thui khét nắng. Những ý kiến của Đước có khi châm ngòi cho một cuộc cãi cọ của đám con nít trong xóm. Có khi năm bảy đứa lao vô choảng nhau rách đáy quần rồi bo bo xì nghỉ chơi khi ý đứa này không giống ý đứa kia. Ấy vậy mà chiều đến, người ta lại thấy tụi nó đang túm tụm nhau ở bìa rừng để cùng lấy tổ ong ruồi như thể buổi trưa đó chẳng có gì xảy ra. Bo bo xì rồi chơi lại là phim dài tập của thời con nít. Ngay cả những lần có dịp gặp lại sau này, con bé vẫn một niềm tin sắt đá của mình vào: “giá mà người ta đơn giản như mình…”

Xã hội nhào nặn nên lối sống của mỗi người và mang đến cho họ một góc nhìn về cuộc sống để đối chiếu, so sánh. Tôi cứ ngỡ rằng cái suy nghĩ rào trước đón sau, cẩn tắc sẽ vô áy náy của mình bấy lâu là một thành lũy vững chắc để bảo vệ bản thân khỏi những điều đáng tiếc. Vậy mà khi đứng trước triết lý của nhỏ Đước, suy nghĩ của tôi lại vỡ tung như vừa bị đánh lựu mìn. Ngay cả việc tôi ngồi đây và phân tích đúng sai cho con nhỏ từ những điều vụn vặt khi sống chung nhà trọ cũng trở nên vô duyên vì với Đước đơn giản sống là bằng cả cái tình hơn là sống bằng đầu.

Thấm thoát thoi đưa, Đước cũng học xong năm đầu. Hôm tiễn em ra bến xe để về lại quê ăn tết với gia đình, lòng tôi vui như hội bởi biết được rằng rồi đây em sẽ được về với cái thiên đường giản đơn của em. Em lại được đắm mình vào trong cái thật thà, chất phác của những con người lấy ruộng rẫy làm niềm vui. Nhìn em lên xe về quê mà như chính tôi được bỏ lại những phức tạp của đời để về vùng đất thần tiên của sự đơn giản.

Rồi tết cũng qua, Đước trở lại thành phố học vào một buổi chiều nắng vàng. Em đến nhà Dòng thăm tôi kèm theo mấy món quà quê. Hỏi thăm chút đỉnh về những ngày tết, em cằn nhằn: “hôm về quê em bực mình muốn chết được thầy ạ! Mấy cái ông anh nói chuyện kì khôi dễ sợ. Người ta là con gái mà chọc như thể đồ bỏ đi không bằng. Giá mà người ta suy nghĩ thêm một chút thì có phải hay hơn không?”

Tôi dành cho em một ánh mắt ngạc nhiên lắm. Em tiếp tục chia sẻ: “giá mà người ta nghĩ chậm một chút, lựa lời hơn một chút thì có phải vui hơn nhiều chứ. Trên này chẳng ai nói chuyện như thế bao giờ”. Vậy là cái triết lý đơn giản của em cũng bị cái phức tạp “trên này” nuốt chửng mất rồi. Vậy là cái đơn giản bên trong không còn được tỏ ra bên ngoài một cách thuần khiết và thô kệch nữa rồi. Cái đơn giản đành phải nhường chỗ cho những đắn đo, suy nghĩ và lựa chọn hơn bởi con người ta phải lớn lên. Dẫu sao con người ta cũng phải ăn theo thuở và cũng cần ở theo thời. Đâu thể sống đơn giản mãi được.

Khi lặng nhìn Đước lớn lên và e dè hơn trong cuộc sống của em, tôi thấy mừng cho em. Nhưng sao tôi thấy lòng mình có chút gì man mác buồn vì tôi đã neo cái hy vọng vào một cô bé quê giản đơn giữa lòng đời phức tạp của ngày trước như chút gì để mơ tưởng về một thời đã xa.

Tu sĩ. JB Nguyễn Phi Long, S.J.

Kiểm tra tương tự

Cách tiếp cận đặc biệt của nền giáo dục Công giáo

  Mô hình giáo dục Công giáo rất độc đáo trong hướng tiếp cận tổng …

Nhà thơ vô gia cư được vinh danh tại tang lễ của chính mình

  Lễ tang được tổ chức tại nhà nguyện Thánh Monica, tuy nhỏ nhưng vô …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *