Với lối sống hiện đại, ai cũng có thể thấy lợi thế của tính năng động. Sự thay đổi nhanh chóng của thời đại, đặc biệt với sự trợ giúp của kỹ thuật tân tiến, làm cho người ta phải cố tận dụng mọi cơ hội để bắt kịp đà tiến ấy của xã hội. Tuy nhiên, sự năng động như thế sẽ không còn giá trị nếu nó chỉ đơn thuần là một cuộc chạy đua và chạy theo. Cuộc sống không chỉ là một đường thẳng hay một đường đua đã được vạch sẵn, nhưng nó luôn có những điều thú vị và bất ngờ qua những ngã quanh co. Vì thế, nhận ra những dấu chỉ đổi thay như thế thì quan trọng hơn cứ mãi chạy mà không biết mình đang chạy đi đâu. Làm sao ta có thể nhận ra những dấu chỉ đó nếu không có một sự thinh lặng?
Nếu nói về sự hoạt động, ai có thể chê Chúa Giê-su được về điểm này, Ngài làm việc đến nỗi không có giờ nghỉ ngơi, Ngài đi hết nơi này đến nơi khác như thể không biết mệt mỏi, và đến nỗi người thân nghĩ là Ngài đã bị điên. Đức Giê-su là một con người hoạt động, nhưng Ngài cũng là một con người của thinh lặng. Ngài luôn dành những giây phút quý giá nhất trong ngày cho Cha và cho chính Ngài. “Từ sáng sớm Ngài đã ra nơi hoang vắng mà cầu nguyện”, “chiều đến Ngài lên núi một mình mà cầu nguyện.” Với Giê-su, cầu nguyện trong thinh lặng là nguồn để làm mới lại sức năng động của Ngài và của Tin Mừng mà Ngài rao giảng.
Hoạt động và thinh lặng trái ngược nhau nhưng không xung khắc nhau, thực tế nó bổ sung cho nhau. Nếu ví con người như là một bình chứa năng lượng thì hoạt động tiêu xài năng lượng, còn thinh lặng nạp lại năng lượng. Vì thế, thật không ngạc nhiên khi sự đột phá và sáng tạo thường xuất phát từ những môi trường đủ yên tĩnh. Ngược lại, tính hoạt bát làm cho sự thinh lặng thêm giá trị nhờ những chất liệu của nó. Không ít người ngạc nhiên vì nhiều bạn trẻ năng nổ, hoạt bát lại tìm đến các dòng kín, dòng chiêm niệm để xin gia nhập. Không phải họ chạy trốn thực tại năng nổ của họ, nhưng họ cảm nhận được nhu cầu quân bình cuộc sống từ tiếng gọi sâu thẳm của con tim.
Môi trường có thể giúp người ta thinh lặng, nhưng nó không quyết định thinh lặng cho họ. Thinh lặng không đơn thuần chỉ là không nói, vì lắm lúc ta không nói gì nhưng lại không thinh lặng chút nào. Dù sao, thinh lặng bên ngoài cũng tạo điều kiện cho thinh lặng bên trong. Nhưng con người chỉ thật sự nghỉ ngơi để nạp lại năng lượng khi họ có được một thinh lặng nội tâm đúng nghĩa. Nếu không, sự nghỉ ngơi ấy chỉ là nghỉ mệt của thân xác chứ chưa phải làm mới lại cả con người.
Hơn nữa, có một điều nghịch lý nhưng rất thật là, sự thinh lặng giúp ta gặp gỡ người khác cách tròn đầy. Công nghệ hiện đại giúp mọi người trên thế giới trở nên gần gũi nhau như trong một ngôi làng, và người ta có thể huyên thuyên chuyện trò với nhau như thể đang gần nhau. Tuy nhiên, nó cũng có nguy cơ phá tan ngôi nhà nội tâm của mỗi người bởi sự hối hả của nó, khiến ta không đủ thinh lặng để cảm nhận tương quan mà mình đang có, và có thể những người ngồi cạnh nhau lại không gần nhau. Tương quan bên ngoài cũng cần nội tâm hoá bên trong, tương quan ấy mới gẫn gũi và vững bền. Công nghệ có thể thay con người chuyển những sứ điệp tương quan, nhưng nó không thể thay con người thinh lặng để cảm nhận tương quan.
Thoáng nghĩ thinh lặng là điều dễ làm vì đâu cần phải làm gì để thinh lặng! Tuy nhiên, thực ra nó không đơn giản như thế. Một website mới ra đời mang tên “không làm gì trong 2 phút” (http://www.donothingfor2minutes.com) với một giao diện mời gọi người dùng chỉ thinh lặng, nghe nhạc và thư giãn trong 2 phút, và đừng chạm gì đến chuột hay bàm phím. Đơn giản là thế, vậy mà không ít người đã thú nhận là họ không thể không làm gì dù chỉ trong 2 phút. Họ đã thất bại. Website này chỉ là một ví dụ. Bao nhiêu dịp khác trong cuộc sống, chúng ta đã không cho phép mình dành thời gian cho chính mình. Dù đơn giản, nhưng thinh lặng cũng cần được tập và cần kiên nhẫn để tập nó!
Quan trọng hơn, với cuộc sống dường như quá vội vã ngày nay, Giê-su cũng mời chúng ta thinh lặng với Ngài; mà đôi khi, đơn giản chỉ là ngồi đó với mình và với Chúa để cảm nhận giá trị của cuộc sống. Thiên Chúa đã ban cho con người biết bao cơ hội để sống cách tròn đầy cuộc sống của mình, và chúng ta chỉ có thể đón nhận và phát huy cơ hội ấy cách sâu xa trong thinh lặng, bên ngoài cũng như nội tâm của chính mình.
Ước gì cuộc sống của chúng ta không chỉ là thành tích, nhưng nó còn trở nên một nơi để cảm nhận thành tích ấy trong tương quan với tha nhân và với Thiên Chúa, Đấng đã ban cho chúng cho chúng ta!
Hà Thanh Bình
Cám ơn Quý Cha Và Quý Thầy Dòng Tên. Những bài viết hay và có ý nghĩa. Con có thể dùng để nguyện ngắm, chia sẻ trong cộng đoàn?