Thánh Giuse: Thinh lặng để tiếng Con vang lên

Cha đã sống thinh lặng trọn vẹn cả một đời để có thể nghe được tiếng Chúa và thi hành thánh ý Ngài. Thế nhưng, sự thinh lặng của cha không chỉ để nghe, đó còn là cơ hội để tiếng Đức Giêsu, Con nuôi của cha vang lên.

Nhớ lại hôm Giêsu được sinh hạ, cha âm thầm bên Mẹ nơi hang đá (x. Lc 2,16). Cha thinh lặng để nghe tiếng khóc chào đời của Hài Nhi. Đó quả là giây phút ngỡ ngàng. Cha được nghe tiếng Thiên Chúa Ngôi Hai vẳng khóc trong xác phàm nhân loại. Chắc cha cũng mường tượng được nếu không có tiếng khóc ấy, thế gian sẽ cứ hoài khóc than. Ngày Giêsu tròn 12 tuổi, độ tuổi trưởng thành đối với người Do Thái, nơi Đền Thánh Giêrusalem, cha nhận ra rõ hơn sứ mạng thinh lặng của mình. Từ đó trở đi, chẳng còn ai nhắc đến cha như thể cha là một nhân vật chính của câu chuyện nữa. Cha rút vào khoảng vắng để Con cha lớn lên. Thế nhưng tên cha vẫn đôi lần được những kẻ tiếp cận Con cha nhắc đến. Họ bảo nhau: “Ông Giêsu này chẳng phải là con ông Giuse đó sao?” (x. Ga 6,42, Lc 3,23). Thật ra, tên cha luôn được xướng lên cùng Con của cha. Điều này nhắc nhớ về bản tính nhân loại của Đức Giêsu. Nhưng dầu người ta có nhắc đến tên cha trên nẻo đường Con cha dấn bước, thì quan trọng hơn cả, điều cha mong là Lời Con cha được vang lên giữa đời, vọng lại trong lòng những kẻ lắng nghe. Xem ra cha đã sống qua kinh nghiệm của thánh Gioan Tẩy Giả trước khi ngài thừa nhận: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3,30).

Cha đã thinh lặng để nghe tiếng Chúa, và có lẽ Chúa muốn cha thinh lặng để nhường lời cho Con nuôi của cha. Vị thế của cha trong kế hoạch cứu độ của Đức Giêsu không hề nhỏ, nhưng cha biết Đức Giêsu mới là nhân tố thiết yếu duy nhất của công trình cứu độ. Cha biết mình là ai. Cha khiêm tốn đặt mình vào địa vị dành cho cha. Địa vị đó không gì khác hơn là sự thinh lặng.

Cha cho con một bài học thấm thía: Thinh lặng không chỉ để nghe, thinh lặng còn để người khác có cơ hội cất lời. Thú thật, con cảm thấy không thoải mái khi đi cùng người nói nhiều. Họ cứ nói và nói, họ không cho con cơ hội diễn tả mình. Oái ăm thay, chính con lại trở thành kẻ nói nhiều. Con không ý thức anh em con cũng chẳng vui gì khi con dành hết phần nói của họ. Sự thường ai cũng có chính kiến riêng mình và muốn thể hiện chính kiến đó trước người khác. Nhu cầu được nói là một thực tế ít ai phủ nhận. Thế nên giữ thinh lặng để người khác được nói là một điều không dễ chút nào. Đó là cả một sự hạ mình, khiêm tốn và rộng lượng.

Khốn cho một thể chế, một quốc gia không cho công dân của mình nói lên tiếng nói tìm kiếm công lý. Nếu một tiếng nói là đơn độc và chủ quan, tiếng nói thứ hai sẽ góp phần dung hòa và cân bằng tình thế. Vấn đề sẽ được khách quan hóa nhiều hơn. Quả thật, không ai tự mình và một mình cầm giữ chân lý. Tiếng nói phê phán tuy không dễ đón nhận nhưng lại vô cùng giá trị trong việc tìm kiếm và tiến gần đến chân lý. Điều này cần đến sự khiêm tốn của tập thể, của ý thức hệ dám mở ra và đón nhận ý kiến trái chiều.

Cám ơn cha vì sự thinh lặng của cha, một sự thinh lặng trọn hảo để tiếng Chúa Giêsu vang lên giữa đời. Sự thinh lặng của cha cách nào đó đã thông dự vào tiếng nói cứu độ của Đức Giêsu. Không chỉ bằng công lao dưỡng dục và bảo vệ, cha đã cộng tác vào công trình cứu độ bằng sự thinh lặng của cha. Và sự thinh lặng ấy cũng giúp cha hòa vào cõi thinh lặng vô biên của Thiên Chúa.

Jos. Nguyễn Minh Vương

Xem bài 1: https://dongten.net/2021/09/02/thinh-lang-cua-cha-1-thinh-lang-de-lang-nghe-tieng-chua/

Kiểm tra tương tự

Ai tín: Ông cố Phê-rô Nguyễn Duệ, thân phụ linh mục Phê-rô Nguyễn Xuân Anh, SJ

Anh em Dòng Tên Việt Nam Tỉnh Dòng Phanxicô Xaviê xin kính báo:      …

Dám dìm sâu với Chúa | Suy tư TM CN lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa năm C

  Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa DÁM DÌM SÂU …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *