Thinh lặng là ngôn ngữ của Thiên Chúa!

 

Đây là một điều mà tôi cảm nghiệm sâu sắc hơn về cuộc đời mình trong tương quan đối với Thiên Chúa cũng như đối với tha nhân và chính bản thân tôi. Khi thinh lặng, tôi sẽ có những giây phút nhìn lại những biến cố đã trải qua và từ đó tôi cũng rút ra nhiều bài học cho những chặng đường kế tiếp. Điều đặc biệt nhất là tôi nhận ra điều mà Thiên Chúa muốn nói với tôi qua những biến cố đó. 

Thứ nhất, cuộc sống của tôi đang có là do chính Thiên Chúa ban cho và tôi là một cá vị đặc biệt chẳng giống một ai cả. Tôi là chính tôi và chính cái riêng biệt đó giúp tôi đến gần với Chúa hơn, gắn kết mật thiết với Ngài hơn và thuộc về Ngài cách hoàn toàn hơn. Vì thế, Chúa có thể lấy lại tất cả nơi tôi và kể cả mạng sống của tôi. Đó là một điều vô cùng bình thường. Từ đó, tôi phải cố gắng mỗi ngày sống thật tốt và ‘trọn vẹn’ hình ảnh mà Thiên Chúa đã ban tặng nơi chính tôi. Đồng thời, tôi phải luôn sống trong thái độ tỉnh thức và đón nhận tất cả.

Thứ hai, trần gian là nơi để tôi thanh luyện bản thân, là nơi tạm bợ và cũng là nơi Chúa mời gọi tôi sống thuộc trọn về Ngài – nghĩa là sống theo tinh thần của Phúc Âm. Xã hội ngày nay, con người chúng ta chạy theo thế giới vật chất và quyền lực. Kể cả trong đời sống thánh hiến cũng vậy, các ‘môn đệ’ của Thầy Giêsu dường như đã quên lời Thầy mình đã dạy: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. Đừng kiếm vàng bạc hay tiền đồng để giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giày dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn” (Mt 10, 8-10). Chúng ta hãy nghĩ đến sự chết, ta thấy thế nào? Có ai mang theo được của cải hay quyền lực gì không hay tất cả chỉ là bụi đất? Vì thế, chúng ta hãy cố gắng tìm kiếm và sở hữu những giá trị của nước Trời. Tài sản đó không ai có thể lấy đi mặc dù chúng ta đã chết đi.

Thứ ba, chúng ta không thể đi một mình trên con đường trần thế này nhưng chúng ta phải đi cùng với anh em và đặc biệt cùng với Thiên Chúa. Trong bài Tin Mừng nói về Chúa Giêsu đi cùng hai môn đệ trên đường Emmau (Lc 24, 13-35), Chúa chủ động tiến lại gần để lắng nghe hai môn đệ chia sẻ và sau đó Chúa giúp các ông nhận ra Người. Qua đó, mỗi chúng ta cũng phải luôn biết chủ động đến với anh em mình, đặc biệt là những người anh em nghèo khó, đau khổ, vô gia cư, v.v.. để lắng nghe, để cùng chia sẻ và cảm thông cùng với họ về vật chất cũng như tinh thần. Còn có biết bao cảnh đời, biết bao anh chị em đang chờ đợi mỗi chúng ta.

Tóm lại, cảm nhân được điều Thiên Chúa nói là một ân ban vô cùng to lớn nhưng chỉ dừng lại đó thì chưa đủ mà chúng ta hãy biến tất cả cảm nhận đó trở thành hành động. Vì ngày nay, “người ta cần chứng nhân chứ không cần thầy giảng” và trong thư của thánh Giacôbê cũng đã nói: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Nguyện xin Chúa Thánh Thần luôn gìn giữ, đồng hành và hướng dẫn chúng con mỗi ngày luôn là “môn đệ” của Chúa trong chính cuộc sống mỗi ngày của chúng con.

Đôminicô Võ Văn Phong

Linh Thao Giới Trẻ Tại Vũng Tàu

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *