Thoáng nhìn về 210 năm Dòng Tên hiện diện và phục vụ tại Giáo Hội Việt Nam – giai đoạn 1975 đến nay (2009)

GIAI ĐOẠN 1975 – ĐẾN NAY (2009)
HOÀ MÌNH VỚI GIÁO HỘI TRONG BỐI CẢNH XÃ HỘI MỚI

Tháng 03 năm 1975, vì tình hình chiến sự trở nên căng thẳng, các giáo sư Giáo Hoàng Học Viện cũng như các học viên Học Viện Dòng Tên phải tản cư về Sàigòn. Ngày 03.04.1975, Đà Lạt giải phóng. Đến tháng 05 thì tất cả trở về lại Đà Lạt. Với việc các Giêsu hữu ngoại quốc phải ra đi vào ngày 30.08.1975, Giáo Hoàng Học Viện được trao lại cho Đức Cha Nguyễn Sơn Lâm, Giám Mục Đà Lạt,  quản trị thay mặt Hội Đồng Giám Mục.

Ngày 30.4.1975, kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước, 41 Giêsu hữu người ngoại quốc phải rời khỏi Việt Nam theo yêu cầu của chính quyền mới. Số Giêsu hữu Việt Nam còn lại vào cuối năm 1975 là 30 người gồm 11 linh mục, 10 học viên, 1 tu huynh, 8 tập sinh và khoảng 15 ứng sinh.

Mùa Chay năm 1976, sau khi cầu nguyện và nhận định chung, Miền Dòng quyết định, theo truyền thống của cha anh năm xưa, tiếp tục sống hòa mình vào xã hội Việt Nam mới. Để động viên tinh thần và mở hướng cho các các anh em trẻ bước vào giai đoạn mới, trong một lá thư vào Mùa Chay năm 1976, gởi cho các học viên và tập sinh, cha Trưởng Miền Giuse Nguyễn Công Đoan đã nhắn nhủ: “Anh em hãy duy trì và phát triển tinh thần cởi mở và tâm hồn sẵn sàng. Nếu người Giêsu hữu là người sẵn sàng để được sai đi, thì chúng ta biết chúng ta đang được sai vào trong lòng một dân tộc đang tiến đến xã hội chủ nghĩa. Anh em hãy đề cao tinh thần thích ứng, vốn gắn liền với ơn gọi của Dòng: điểm thiết yếu cho chúng ta hôm nay là tinh thần cởi mở để nhìn ra giá trị của xã hội mình đang sống và khát vọng sâu xa của những người đang sống quanh ta, để nhập vào cuộc sống với họ, bằng tất cả con người đã thấm nhuần Chúa Kitô”.

Với tình hình nhân sự ít ỏi, không thể quản lý và sử dụng hết số cơ sở và trang thiết bị hiện có, Miền Dòng đã trao cho Nhà Nước cơ sở và máy móc của Trung tâm truyền hình Đắc Lộ.

Cuối thập niên 1970, phong trào nghĩa vụ quân sự và thanh niên xung phong phát triển mạnh. Tiếp tục theo đường hướng vạch ra, một số anh em trẻ trong Miền dấn thân, lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự, gia nhập TNXP hoặc lao động tại Nông trường lô 6 Củ Chi. Những anh em ở nhà vừa phải học vừa phải lao động sản xuất tại chỗ hoặc làm việc trong các xí nghiệp quốc doanh.

Biến cố xảy ra vào ngày 12.12.1980 tại Trung Tâm Đắc Lộ đặt cho Miền Dòng những thách đố không nhỏ, cả về nhân sự lẫn cơ sở hoạt động. Nhưng bàn tay yêu thương và quyền năng của Chúa lại được cảm nhận rõ nét hơn bao giờ hết. Sống mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu, sống bậc khiêm nhường thứ ba của Linh Thao, đó là những ơn lớn mà Dòng nhận được khi bước theo Đức Kitô nghèo khó, khiêm hạ và vác thập giá.

Tính cho đến năm 1986, Nhà Nước đã tiếp quản cơ sở do Dòng đảm trách là Giáo Hoàng Học Viện (13 Đinh Tiên Hoàng, Đà Lạt) – hiện nay được dùng làm cư xá cho nhân viên viện hạt nhân Đà Lạt cũng như làm cơ sở của Đại Học Dân Lập Yersin mới thành lập – và các cơ sở của Dòng: Học Viện Dòng Tên (09 Cô Giang, Đà Lạt), hiện nay là Khu Vật Lý trị liệu thuộc bệnh viện Y Học Dân Tộc Lâm Đồng; Trung Tâm Đắc Lộ (161 Lý Chính Thắng, TP HCM); Trụ Sở Bề Trên Miền Dòng Tên (105 Trần Quốc Toản, Quận 3, TP.HCM); Nhà Tập Dòng Tên (Thủ Đức) nay là Trường Kỹ thuật Công Nghiệp Thủ Đức; Trung Tâm Sinh Viên Xaviêtrường Trung Học Tín Đức (hai cơ sở này ở Huế). Miền Dòng chỉ còn lại khu nhà đất Hiển Linh và một phần nhỏ khu nhà đất Tam Hà, bởi phần lớn khu đất này cũng đã bị trưng dụng.

Cuối thập niên 1980, các anh em trẻ dấn thân trở về sau nhiều năm phục vụ công ích. Người phục vụ dài nhất khoảng 12 năm (cha Giám Tỉnh Tôma Vũ Quang Trung hiện nay). Trở lại với Dòng, trở lại với việc học đã bị gián đoạn trước đây quả là một thách đố lớn với các anh em trẻ. Một số anh em hoàn tất chương trình triết và thần học trong sự thiếu thốn sách vở cũng như giáo sư. Một số khác rời Dòng và trở về lại với đời sống Kitô hữu giáo dân.

Năm 1991, Năm Thánh kỷ niệm 500 năm ngày sinh thánh I-nhã, Tổ phụ Dòng, Dòng Tên được nhiều người biết hơn, qua một số hoạt động mục vụ được tổ chức tại Nhà thờ Chính Tòa Sàigòn cũng như tại các giáo xứ nhỏ do Dòng đảm trách. Trong năm ấy, cùng với việc tổ chức lại các đơn vị của Dòng tại Đông Nam Á, Miền Dòng Việt Nam trở thành Miền Độc Lập, trực thuộc Bề Trên Tổng Quyền.

Qua chính sách đổi mới của Nhà Nước, từ năm 1993, một số anh em dấn thân ngày trước được chấp nhận lãnh nhận tác vụ linh mục. Các anh lớn trong Miền cũng theo đó trở lại sinh hoạt với các anh em trẻ sau một thời gian dài vắng bóng. Các hoạt động tông đồ và mục vụ của Miền Dòng cũng từ từ được chấp thuận. Để duy trì và phát triển Dòng, Miền đã cố gắng thiết lập những cơ sở tuy còn thiếu thốn nhưng tạm ổn định để đón nhận người mới vào Dòng. Tuy con số này không nhiều, nhưng cũng đủ để nối tiếp ngọn lửa truyền lại từ 40 năm qua.

Năm 1995, Tổng Hội Dòng Tên nhóm họp tại Rôma. Cha Giuse Nguyễn Công Đoan đại diện anh em Việt Nam tham dự Tổng Hội, nối lại tình liên đới với Dòng quốc tế sau nhiều năm gián đoạn. Các cuộc gặp gỡ của anh em trong Miền Dòng bắt đầu được tổ chức đều đặn như ngày xưa, anh em muốn sống với nhau như trong một gia đình. Từ đó tên gọi “Gia Đình Miền” trở thành tên gọi tập thể của anh em Giêsu hữu Việt Nam.

Những năm cuối cùng của thế kỷ 20, Dòng bắt đầu có nhiều ơn gọi mới, năng động và nhiệt thành. Được Nhà Nước chấp thuận, một số linh mục trong Dòng lên đường du học ở vài nơi trên thế giới, nhằm canh tân chất lượng phục vụ của Dòng cho Giáo Hội và xã hội tại Việt Nam. Trước thềm thiên niên kỷ mới, Miền Dòng lại một lần nữa cầu nguyện và nhận định chung để tái khám phá ơn gọi của Dòng tại Việt Nam và tìm hướng đi cho những năm tháng đầy hứa hẹn sắp tới.

Năm 2003, Cha Giuse Nguyễn Công Đoan được Cha Bề Trên Tổng Quyền, Kolvenbach, gọi về Roma làm phụ tá cho Vùng Dòng Đông Á-Đại Tây Dương. Cha Tôma Vũ Quang Trung thay thế cha Nguyễn Công Đoan trong trách vụ Bề Trên Miền Dòng. Cùng thời điểm ấy, sự hiện diện của Dòng trên Đất Việt được chính thức nhìn nhận. Anh em Giêsu hữu từ đây có điều kiện sinh hoạt và phục vụ như bao công dân, tu sĩ và linh mục khác. Năm 2007, kỷ niệm 50 năm sau ngày các Giêsu hữu trở lại Việt Nam, nhận thấy quá trình hội nhập, thử luyện và phát triển đã giúp anh em Miền Dòng trưởng thành, Trung ương Dòng đã nâng Miền Dòng lên Tỉnh Dòng, được công bố ngày 14.07.2007, với tên gọi là Tỉnh Dòng Phanxicô Xaviê. Đây là Tỉnh Dòng thứ 86 của Dòng Tên trên thế giới. Cha Tôma Vũ Quang Trung là vị Giám Tỉnh đầu tiên của Tỉnh Dòng Việt Nam.

Lựa chọn chính yếu của Dòng Tên Việt Nam hiện nay là huấn luyện các Giêsu hữu, nhất là những anh em trẻ, để họ có khả năng tiếp bước cha anh đi trước, dấn thân phục vụ Giáo Hội và con người thời đại ngày nay một cách đắc lực và hiệu quả hơn, theo gương Đức Giêsu nghèo khó, khiêm hạ và vác thập giá, hầu luôn làm vinh danh Thiên Chúa hơn trong mọi hoàn cảnh.

Hướng dẫn Linh Thao cho các chủng sinh, linh mục, tu sĩ và giáo dân (bình quân mỗi năm có 120 khoá); giảng huấn cho các linh mục, chủng sinh, tu sĩ và giáo dân; đồng hành thiêng liêng; suy tư thần học; phục vụ các bạn trẻ di dân; hướng dẫn sinh viên; phục vụ giáo xứ – tại 3 giáo xứ: Hiển Linh Thủ Đức, Thiên Thần (Gp. Sàigòn) và Tạo Tác (Gp. Đà Lạt); truyền giáo cho người dân tộc tại Đắc Lắc, Gia Lai, Kontum; truyền giáo ở Đông Timor và ở Lào. Đó là những hoạt động tông đồ và mục vụ của các Giêsu hữu Việt Nam trong thời gian qua cho tới nay.

 

Thoáng nhìn lại chặng đường 394 năm qua, kể từ khi các anh em Giêsu hữu đầu tiên đặt chân đến Việt Nam, để giới thiệu Tin Mừng với xã hội này, và 210 năm hiện diện và phục vụ Giáo Hội Việt Nam và quê hương này, trải qua bao sóng gió và thăng trầm của lịch sử, bao đau thương và mất mát, Dòng Tên đã cố gắng hết sức để hoà mình vào xã hội Việt Nam.

Trong giai đoạn 1615-1773, hơn 155 Giêsu hữu thuộc 20 quốc tịch khác nhau cùng với 33 Giêsu hữu Việt Nam đã truyền giảng Tin Mừng cho người Việt, mở đường và đặt nền vững chắc cho việc khai sinh Giáo Hội tại Đàng Trong và Đàng Ngoài, sáng tạo ra chữ Quốc ngữ mới, viết sách giáo lý bằng tiếng Việt, đem Tin Mừng hoà nhập vào văn hoá Việt, thích nghi lối sống đạo theo phong tục và tập quán của người Việt, viết sách và nghiên cứu lịch sử, xã hội, địa lý, văn hoá Việt, v.v., để giới thiệu Việt Nam cho phương Tây.

Trong giai đoạn 1957-1975, đáp lại lời mời gọi của các Giám Mục Việt Nam, các Giêsu hữu đã trở lại Việt Nam để góp phần huấn luyện đội ngũ trí thức trẻ tại các trường đại học Y Khoa và Văn Khoa và tại Trung Tâm Đắc Lộ, đào tạo các giáo sĩ cho Giáo Hội tại Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Đà Lạt. Ngoài ra, các Giêsu hữu còn quan tâm đến việc giáo dục quần chúng bình dân nghèo qua các chương trình truyền hình.

Trong giai đoạn 1975 đến nay, đất nước đổi thay, các Giêsu hữu đã và đang hoà mình với Giáo Hội Việt Nam trong bối cảnh xã hội mới theo tinh thần thích ứng của Dòng. Một số Giêsu hữu trẻ đã dấn thân làm chứng cho Tin Mừng trong môi trường bộ đội và TNXP, phục vụ tại các nông trường. Ngoài việc tập trung huấn luyện nhân sự cho những sứ vụ mới của thời đại mới với những thay đổi và biến chuyển sâu rộng về mọi mặt, các Giêsu hữu đã và đang tích cực dấn thân làm việc tông đồ, mục vụ và truyền giáo, đặc biệt là giúp các chủng sinh, tu sĩ, linh mục và giáo dân về đời sống thiêng liêng bằng phương pháp Linh Thao.

Xin được mượn lời của cha Giám Tỉnh Vũ Quang Trung, trong Lời ngỏ của tập Kỷ Yếu mừng 50 năm Dòng Tên trở lại Việt Nam, 2007, trang 14 để kết thúc bài viết:

“Thấm thoát đã 392 năm, kể từ khi các anh em Giêsu hữu thuộc thế hệ thứ nhất đặt chân đến Cửa Hàn, Đà Nẵng (1615), Dòng Tên đã khởi đầu sự hiện diện trên Đất Việt với sứ vụ loan báo Tin Mừng. Sau gần hai thế kỳ vắng bóng, trên Đất Việt do Dòng Tên bị giải thể trên toàn thế giới, các Giêsu hữu đã trở lại để phục vụ Giáo Hội tại Việt Nam vào năm 1957. Kể từ ngày ấy đến nay, … trải dài qua bao biến cố và những đổi thay của hoàn cảnh xã hội và đất nước. Từ niềm vui được phục vụ Hội Thánh với sứ mạng loan báo Tin Mừng trong an bình, yêu thương, đến những đêm tăm tối của đức tin đầy thử thách đòi một sự thanh luyện triệt để, anh em Dòng Tên vẫn cảm nhận sâu xa tình thương yêu và quyền năng của Thiên Chúa, Đấng kêu gọi anh em tận lực tận tâm bước theo Chúa Kitô để phục vụ Hội Thánh dưới bóng cờ Thập Giá giữa bao thăng trầm thế sự”.

 

 

Lm. F.X. Nguyễn Thanh Hoài, S.J.


[1] Hiện nay, Dòng Tên có hơn 19.000 Giêsu hữu hiện diện và phục vụ tại 133 quốc gia trên thế giới. Bề Trên Tổng Quyền đương nhiệm là cha Adolfo Nicolás (1936), vị Tổng Quyền thứ 30 của Dòng, người Tây Ban Nha.

[2] Thánh Phanxicô Xaviê (1506-1552) đến Ấn Độ năm 1542, đến Nhật Bản năm 1549.

[3] Vì phải chịu những sức ép mạnh mẽ của các thế lực căm ghét, hiềm khích, chê bai, chống lại Dòng Tên ở Châu Âu, trong cũng như ngoài Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng Clêmentê XIV buộc phải ký đoản sắc Dominus Ac Redemptor giải thể Dòng Tên ngày 16.08.1773. 23.000 Giêsu hữu trên thế giới phải “tan gia bại sản”! Sau 41 năm bị giải thể, ngày 07.08.1814, Đức Giáo Hoàng Piô VII đã ra trọng sắc Sollicitudo Omnium Ecclesiarum tái lập Dòng Tên. Bấy giờ chẳng còn có cựu Giêsu hữu nào còn sống để hồi phục Dòng Tên tại Việt Nam. Có lẽ vì Dòng mang tên Giêsu, nên cũng được nên đồng hình đồng dạng với Đấng đã chết và đã sống lại. Mãi cho đến ngày 24.05.1957, Dòng Tên mới trở lại đất nước này sau 184 năm vắng bóng.

[4] An Tôn Đuốc Sáng, Texas, đã cho in cuốn này năm 2006 với 615 trang A5. Rất tiếc là hiện nay cha Đỗ Quang Chính – người đã viết và biên soạn nhiều sách vở và tài liệu có giá trị về lịch sử Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt thế kỷ XVII & XVIII – đã già yếu và đang đau bệnh nặng tại Nhà Hưu Dòng Tên, Thủ Đức.

[5] Cf. Đỗ Quang Chính, S.J., Dòng Tên trong xã hội Đại Việt, 1615-1773, (Bản thảo để xin phép xuất bản), Tp. HCM, 1998, trang 8-9: “Dấu vết Tin Mừng ở Việt Nam bắt đầu với Thánh giá trên cù lao Chàm năm 1523, được ông Duarte Coelho, người BĐN, khắc trên một phiến đá; hoặc nhà giảng đạo Inikhu năm 1533 tại Quần Anh, Ninh Cường, Trà Lũ (Phú Nhai) …. Vào  thế kỷ 16, đôi lúc có một vài lm Dòng Đa Minh hay Dòng Phanxicô đến đây, nhưng khi các Giêsu hữu bắt đầu đưa Tin Mừng giới thiệu …, có lẽ lúc ấy mới được coi là Tin Mừng “chính thức” đến với người Việt Nam”.

[6] Kể từ năm 1600, Việt Nam mặc nhiên bị chia thành ba “nước”: Đàng Trong (Xứ Nam, Xứ Hoá, Xứ Quảng, Nam Hà) từ sông Gianh trở xuống do nhà Nguyễn cai trị; Đàng Ngoài (Đông Kinh, Bắc Hà, Xứ Bắc) từ sông Gianh trở vào do nhà Trịnh nắm quyền; Đàng Trên hay cũng gọi là xứ  Bao hoặc Cao Bằng do nhà Mạc thống lĩnh tử vùng Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Cả Đàng Trong và Đàng Ngoài đều công nhận vua Lê, ngự ở Thăng Long, nhưng chẳng có quyền hành gì cả. (X. Đỗ Quang Chính, S.J., sdd., trang 9-10) – Dân số Đàng Trong thời bấy giờ khoảng 2.000.000 người và Đàng Ngoài 4.000.000.

[7] Cf. Đỗ Quang Chính, S.J., sđd, trang 21.

[8] Cách thành Qui Nhơn thời đó trên 10km về phía đông, nay gọi là An Nhơn.

[9] Cách Hội An về phía Đông khoảng 7km.

[10] Cf. Đỗ Quang Chính, S.J., sđd., trang 71.

[11] Cha Pina, người Bồ Đào Nha, đến Đàng Trong đầu năm 1617. Đến năm 1620, ngài đã thành thạo tiếng Việt. Đáng tiếc là ngài đã bị chết đuối tại hải phận Hội An ngày 15.12.1625. Năm 1620, ở Hội An, một cuốn giáo lý bằng “tiếng bản địa”, “chữ Đàng Trong” được soạn thảo, thiết tưởng đó là nhờ cha Pina và một số người tân tòng Việt Nam.

[12] Cf. Đỗ Quang Chính, S.J., sđd., trang 81-109.

[13] Cf., Ibid., trang 80-81.

[14] Cf. Ibid., trang 76-78 – Sau khi bị chém, đầu của Anrê được cha Đắc Lộ giữ lại, rồi mang về Rôma năm 1649. Ngay sau khi Anrê tử đạo, cha Đắc Lộ đã thu thập các chứng cứ nhãn tiền. Rồi ngay khi về tới Rôma năm 1649, ngài đã xúc tiến thủ tục xin lập hồ sơ xin phong Chân Phước cho Anrê. Mãi tới ngày 05.03.2000, Anrê Phú Yên mới được ĐTC Gioan Phaolô II phong Chân Phước.

[15] Ibid., trang 221.

[16] Đỗ Quang Chính, S.J., sđd, trang 218-219.

[17] Ibid., trang 137.

[18] Cf. Đỗ Quang Chính, S.J., sđd, trang 141-142.

[19] Ibid., trang 151.

[20] Cf. Đỗ Quang Chính, S.J., sđd., 166

[21] Cf. Ibid., trang 167.

[22] Cf. Đỗ Quang Chính, S.J., sđd., trang 214.

[23] Ibid., trang 488.

[24] Đỗ Quang Chính, S.J., sđd., trang 490.

[25] Cf. Ibid., trang 493-495.

[26] Cf. Đỗ Quang Chính, S.J., sđd., trang 537-557.

[27] Cf. Ibid., trang 542-543.

[28] Ibid. trang 543.

[29] Cf. Ibid., trang 548. Các thầy khấn lần đầu được gọi là kẻ giảng; khấn lần cuối mới lên bậc thầy giảng.

[30] Cf. Đỗ Quang Chính, S.J., sđd., trang 546.

[31] Ibid., trang 555

[32] Ibid., trang 555.

[33] Ibid., trang 557.

[34] Ibid., trang 561.

[35] Cf. Ibid., trang 71-76.

[36] Cf. Đỗ Quang Chính, S.J., sđd., trang 152

[37] Ibid., trang 215.

[38] Cf. Ibid., trang 563.

[39] Đỗ Quang Chính, S.J., sđd, trang 5.

[40] Viết theo Kỷ Yếu mừng 50 năm Dòng Tên trở lại phục vụ tại Việt Nam 1957-2007 [Kỷ Yếu Dòng Tên], trang 60-64. 89-90.

[41] Để hiểu rõ hơn về lịch sử hình thành Giáo Hoàng Học Viện, có thể xem Kỷ Yếu Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Đà Lạt, 50 năm nhìn lại 1958-2008[Kỷ Yếu Giáo Hoàng Học Viện], đặc biệt là bài của cha Micae Trần Đình Quảng, Vài nét về Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Đà Lạt, trang 18-23.

[42] Phần này dựa theo bài viết của cha Trần Đình Quảng, Kỷ Yếu Giáo Hoàng Học Viện, trang 18.

[43] Felipe Gomez, S.J., Kỷ yếu Dòng Tên, trang 107.

[44] Theo cha Trần Đình Quảng, Kỷ Yếu Giáo Hoàng Học Viện, trang 22.

Kiểm tra tương tự

Phỏng vấn linh mục Đỗ Quang Chính về cuốn sách Lịch sử chữ Quốc ngữ

Tính đến nay, chữ Quốc ngữ đã có một lịch sử hình thành và phát …

Hồi sinh

  Cụ Tổ của chúng tôi đã tắt thở cách đây trên 300 năm rồi, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *