Thứ ba, sau CN XIV TN – Mt 9, 32-38

8/07/2011
Thứ ba, sau CN XIV TN
Mt 9, 32-38

1. “Khi quỉ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được”

Phép lạ Đức Giêsu chữa lành một người câm bị quỉ ám, được kể lại thật ngắn gọn, có lẽ không thể ngắn hơn: “Khi quỉ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được”. Nhưng nếu dừng lại suy niệm, chúng ta sẽ nhận được nhiều ánh sáng.

Câm là do điếc. Vì không nghe thấy gì, cho nên không nói được, thậm chí không phát âm được. Kinh nghiệm học ngoại ngữ, hay nghe những gì chúng ta không hiểu. Ở trường câm điếc Lái Thiêu: các em la ó, chứ không phải phát ra âm thanh có cung có điệu. Nguyên nhân bệnh điếc là do bẩm sinh, hay do tai nạn hoặc bệnh tật lúc còn rất bé.

Điều lạ lùng trong bài Tin Mừng của chúng ta, là quỉ làm cho điếc-câm, chứ không phải do bẩm sinh hay bệnh tật, tai nạn. Như thế, chắc chắn trường hợp này không phải là điếc và câm thể lí.

2. Không nghe được “tiếng Chúa”, không nghe được “tiếng nhau”

Tai của chúng ta là bình thường, nghĩa là nghe được tiếng động, âm thanh, âm nhạc; có khi còn nghe “thính” nữa. Nhưng chúng ta có nghe được tiếng Chúa đâu, hoặc ít nhất là cũng không luôn luôn nghe được; bằng chứng là chúng ta đã không thực sự nói được với Chúa, nghĩa là nói với Chúa như một ngôi vị, hiện diện sống động trong lòng mình, trong đời mình, trong Sáng Tạo và trong lịch sử con người. Vì không nghe được tiếng Chúa, nên chúng ta nói với Chúa cho có, cho qua, nói như đọc diễn văn…; vì không nghe được tiếng Chúa, nên chúng ta nói với Chúa “tầm bậy tầm bạ”, như những người Pharisiêu: “ông ấy dựa thế quỉ vương mà trừ quỉ”. Những người này mới là điếc thật, là câm thật!

Nhiều khi chúng ta cũng đâu có nghe được “tiếng” của nhau, không nghe được tiếng của con tim, tiếng của cõi lòng, tiếng của lòng ước ao sâu thẳm. Bằng chứng là chúng ta đã không luôn luôn thực sự nói được với nhau, nói với nhau những lời cảm thông, những lời đón nhận, những lời bao dung, những lời tha thứ, những lời yêu thương. Chúng ta không thể sống, nếu không có những lời như thế này, nhất là trong gia đình, trong cộng đoàn tu trì.

Xin Chúa mở tai chúng ta, để chúng ta nghe được Lời Chúa, nghe được Lời của nhau. Nhất là xin Chúa cho chúng ta nghe được “Lời của Thánh Giá”, “Lời của Đức Kitô chịu đóng đinh”, vì chính ở đây Thiên Chúa nói con người chúng ta nhiều nhất, nhưng lại trong một sự Thinh Lặng lớn nhất.

 

Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

Kiểm tra tương tự

“Tết Con Kể Mẹ Nghe” – Trở về với Tình Thương

Tết này, bạn đã có một nơi để trở về, nơi mà có người vẫn …

Khóa học: “Cầu nguyện bằng Lời Chúa”

  Bạn thân mến!   Thư Chung năm 2022 của Hội Đồng Giám Mục Việt …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *