Tâm sự của chim non

 

Tôi được sinh ra không như anh chị của mình, càng khác biệt hơn khi so với bầy đàn mà tôi thuộc về. Ngắm kỹ tôi cũng có bộ lông xen kẽ giữ màu xám tro và nâu đất, đôi mắt nhỏ thoăn thoắt quan sát thế giới quanh mình, cái mỏ nhọn và dài để gắp thức ăn, rỉa lông và bảo vệ bản thân. Nhưng điều khác biệt mà mãi cho đến khi anh chị em đồng trang lứa tập nhảy, tập bay, thì tôi không làm được như họ, vì … một chân bị dị tật.

Những ngày đầu với tôi quá chênh vênh, không đứng được dù chỉ là một chút. Chỉ cần rướn người trụ lên một chân là vội ngã nhào xuống, có hôm tôi suýt rơi từ chiếc tổ trên cành cây xuống đất, may mà mẹ tôi kịp đưa chiếc mỏ to khỏe gắp cái chân què của tôi và giữ lại. Nhìn mọi người từ lúc tập tành và sải cánh bay, tôi thèm được như họ, nhưng thay vào đó là sự tủi thân. Tôi tự nhủ mình: “Cho vừa cái thân mày – con chim què!”.

-“Anh Hai cõng em bay ra bầu trời xanh kia nha!”  Tôi năn nỉ người anh cả, với đôi chân to khỏe và đôi cánh dài lực lưỡng, nhưng anh đáp lại bằng sự từ chối:

-“Anh có hẹn với các bạn đi săn mồi, cõng em theo sao anh săn được! Thôi em ở nhà ngoan, anh sẽ đem thức ăn về cho em nha!” nói xong anh đập cánh bay ra bầu trời rộng lớn. Thoạt thấy người chị kế cũng sắp đi đâu đó, tôi vội xin:

-“Chị Ba cõng em đi chơi nha!” Chị tôi, đang rỉa lại bộ lông nâu của mình, cũng từ chối:

-“Thôi cưng! Chị hẹn với mấy chị chào mào, sáo sậu ra bờ suối tắm, phơi nắng, rỉa lông và thi hót, cõng cưng theo chị…” Chị cười hắc vài tiếng rồi bay đi, chẳng đếm xỉa gì tới chú chim què như tôi.

Mẹ bay đi kiếm thức ăn về, và không quên thưởng tôi vài chú giun to, béo. Thấy mẹ, tôi òa khóc:

-“Mẹ ơi! Sao con lại bị què? Sao mọi người khi dễ con? Sao chẳng anh chị nào cõng con đi chơi? Sao…? Sao…?”. Tôi rúc đầu vào cánh mẹ, mẹ lấy mỏ mổ nhè nhẹ lên đầu tôi an ủi, lặng lẽ chẳng nói gì, đôi mắt hướng ra bầu trời xa xăm. Chợt mẹ quay xuống nhìn tôi và hỏi:

-“Con muốn biết nhảy và bay như mọi người không?

Tôi vui mừng trả lời lập tức:

-“Dạ muốn! Dạ muốn!”

-“Nhưng con sẽ đau, con chịu chứ?” Mẹ phân vân hỏi tôi.

-“Dạ chịu! Miễn là bay được và đi được! Giá nào con cũng chịu”.

Bài học đi và bay của tôi chính thức bắt đầu. Mẹ là cô giáo của tôi. Mẹ dịu hiền nhưng cũng vô cùng nghiêm khắc, nhất là những lúc tôi nản chí vì quá đau, hoặc muốn bỏ cuộc, mẹ không ngần ngại hét vào tai tôi những lời nóng giận, rồi sau đó nhanh chóng dịu giọng mà khuyên nhủ.

Đầu tiên tôi học cách đứng. Nghĩ mà tội cho mẹ khi phải co một chân giả tàn tật như tôi, có hôm mẹ cũng suýt ngã nhào vì làm như thế. Ban đầu mẹ cho tôi giang hai cánh ra để bám vào hai nhánh cây nhỏ, dần dà bỏ bớt một bên cánh, và sau cùng là bỏ cả hai cánh. Lúc này, mẹ dạy tôi nhảy lò cò, phải cố bằng mọi cách giữ thăng bằng không té, tôi loạng choạng vì những bước đầu khó khăn. Sau mỗi lần tập mẹ lại nhỏ nước từ miệng ra xoa lên chỗ bị thương của tôi. Từ cánh tới chân và nhiều chỗ da bị rách, chỗ lông bị mất vì bị cây nhọn đâm trúng. Tôi khóc mẹ xoa. Sau vài tháng, tôi đứng và giữ thăng bằng được chút ít.

Bài học thứ hai là tập nhảy đúng hướng thay cho việc nhảy loạn xạ như trước đây. Cái thân to đùng đè lên cái chân lành lặn duy nhất của tôi, khiến việc giữ thăng bằng đã khó, nay còn di chuyển đúng hướng còn khó hơn biết bao nhiêu. Mẹ vào vai kẻ thù tấn công tôi, dùng chiếc mỏ nhọn mổ vào cái chân què co quắp của tôi tới tấp. Lúc đầu tôi đau quá giãy nảy, mẹ xoa xoa rồi … tiếp tục tấn công. Thậm chí mẹ làm chảy máu, rách da chân tôi nữa, năn nỉ mấy mẹ vẫn không ngừng lại, tôi đành đứng lên và nhảy thật nhanh tránh những cuộc tấn công như thế. Lúc ấy tôi ghét mẹ vì sao lại tàn nhẫn với tôi như thế.

Bài học thứ ba là tập đánh đu trên không. Dùng sợi dây gỗ rất dai tìm được trong rừng, mẹ cuốn chặt vào chân không què của tôi. Đầu dây kia mẹ cột vào nhánh cây đủ chắc, từ trên tổ, mẹ lấy mỏ hất tôi rớt xuống khoảng không. Ban đầu, tôi không biết thế trụ, đau quá hét toáng lên: “Mẹ ơi! Cứu con! Đau quá!” Mẹ vội bay xuống gắp tôi lên, nhưng mấy lần sau mẹ không giúp nữa. Những lần tập đầu tiên có lúc ngỡ hai chân tôi bị chẻ ra làm hai, đau đớn kinh khủng. Dưỡng thương vài hôm lành lặn, tôi xin mẹ cho miễn qua bài học này, mẹ cứng rắn không cho. Rút kinh nghiệm lần trước, lần này tôi không gồng mà thả người lỏng ra, vì nhận ra càng gồng càng đau, càng thả lỏng càng dễ thở và nhẹ nhàng hơn. Tôi năn nỉ mẹ gắp tôi lên, nhưng từ trên cây mẹ vọng xuống:

-“Con trai! Vỗ hai cánh bay lên đi!”

Ban đầu tôi lắc đầu vì không làm được. Vì bị treo quá lên trên dây, chân chuyển cơn đau dữ dội, mẹ từ trên cao bảo tôi bay nhưng tôi không tày nào dồn lực vào hai cánh được. Từ trên cây, mẹ bay xuống trợn mắt, sà chiếc mỏ mổ tôi tới tấp, tôi chẳng thấy đau nữa, vì đã lịm ngất rồi.

Bài học cuối cùng của tôi là học vỗ cánh bay lên. Sau khi lịm ngất, tôi tỉnh lại, mẹ đứng im nhìn xa xa, chẳng ngó gì đến tôi. Tôi cố di chuyển cái mỏ nhỏ xíu của mình gọi: “Mẹ! Mẹ ơi!”. Mẹ quay lại rầy la tôi trong tức giận:

-“Vì sao con không vỗ cánh bay lên? Sao con không cố gắng? Con muốn bị đồng loại coi thường à?” Nói xong mẹ khóc nức nở. Tôi lồm cồm lết lại gần mẹ, rúc vào nách mẹ mà khóc.

-“Bay lên! Bay lên đi con”

Từ trên cao mẹ khuyến khích tôi. Tôi dồn hết sức đập cánh. Đôi cánh mỏi nhừ vỗ mãi bay lên được đôi chút, khoảng nửa đường thì rớt xuống tư thế tòng teng trên không. Mẹ bảo tôi:

-“Con vỗ cánh đều vào, vỗ đều mới bay được! Làm lại đi con!”

Tôi thở dốc vì quá mệt và mỏi, lần nữa gượng đập cánh, hồi sau mới lên được chút xíu. Rồi nản chí rớt xuống. Mẹ từ trên cao trừng mắt, sà xuống định mổ tôi, tôi kêu lên thất thanh: “Mẹ ơi! Tha cho con! Con xin mẹ!” rồi tôi lấy hết sức mình đập cánh thật mạnh, vậy là tôi bay một hơi tới chiếc tổ trên cành cao. Từ phía dưới mẹ lại tiếp tục bay lên trừng mắt định mổ tôi tiếp tục, tôi lượn một vòng, vỗ cánh né cuộc tấn công của mẹ. Mẹ liền bay tới nhánh cây đang cột sợi dây giữ chân tôi, dùng mỏ mổ thật mạnh vào sợi dây, dây đứt và tôi tung cánh ra bầu trời rộng lớn. Tôi hét lên không trung:

-“Mẹ ơi! Con bay được rồi! Mẹ ơi! Con bay được rồi!”.

Tôi lượn thoắt thật nhanh ra bầu trời xanh thẳm, làn gió mát rượi lần lựa quyện vào lớp lông mỏng manh của tôi. Nhìn thấy ông mặt trời đang tỏa hơi ấm, thấy các bạn chim đang bay, thấy làn mây cuốn trôi từng tảng thật lớn, và thấy dòng suối như con rắn dài vô tận dưới kia. Tôi hạnh phúc khi ngắm nhìn cuộc sống bằng chính mình, chứ không phải nhờ anh Hai hay chị Ba cõng nữa.

Mặt trời gần xuống núi, tôi hòa cùng đàn bay về tổ, họ bất ngờ khi thấy tôi biết bay, tôi đã kể cho họ nghe mọi chuyện. Vừa về tới tổ, thấy anh Hai, chị Ba đứng cạnh mẹ – đang nằm yên bất động trong chiếc tổ nhỏ xíu – khóc nức nở. Lúc nãy khi tôi vừa bay đi, mẹ vì phần mệt nhọc sau những ngày tập cho tôi, phần vì kiệt sức do chưa có gì ăn, nên nằm thiếp trong tổ. Một chú rắn lục đã lén cắn vào người mẹ, mẹ ra đi vì nọc độc đã lan khắp thân thể nhỏ xíu cách nhanh chóng. May thay khi anh Hai, chị Ba trở về, vừa kịp thấy chú rắn định nuốt xác của mẹ, anh chị đã mổ chú rắn tới tấp để giành lại mẹ, giờ đây mẹ nằm trước anh chị em tôi, bất động.

Tôi mang ơn mẹ vì những gì mẹ đã làm cho tôi. Tôi nhớ mãi điều mà mẹ nói: “Cuộc sống này không hề đơn giản như con nghĩ, không yên bình như một chú chim tàn tật nằm yên trong tổ chờ mẹ mang thức ăn về”. Vâng! Đáng ra người phải chết là tôi chứ không phải mẹ, nhưng chính mẹ đã thúc tôi biết bay, thật nhanh, thật xa, để tránh khỏi những nguy hiểm chực chờ ấy. Giờ đây, mỗi khi nhấc chân, đập cánh … tôi nhớ mẹ.

Little Stream

Kiểm tra tương tự

Những trải lòng của một người đã vượt qua thói cầu toàn

Khi nói đến chủ đề cầu toàn, tôi có đôi điều muốn chia sẻ. Kinh …

10 điều người đàn ông nên tìm kiếm nơi một người phụ nữ

Nhan sắc bề ngoài quan trọng như thế nào? Dựa theo Kinh Thánh, đó không …

Một bình luận

  1. Cảm ơn bạn Little Stream! câu chuyện rất hay và ý nghĩa! Nó giúp mình là người đang bị tật tìm lại được chính mình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *