Thứ năm, ngày 30/06/2011

Thứ năm, ngày 30/06/2011
Sau CN XII Thường Niên

Mt 9, 1-8

1. Tình liên đới

– Khi hình dung ra những gì mà bài TM chúng ta vừa được nghe công bố, chúng ta không thể không được đánh động bởi hình ảnh một người bại liệt, được bốn người khiêng ; và chắc chắn chung quanh còn có nhiều người nữa. Và điều đánh động chúng ta nhất, có lẽ không phải là tình cảnh người bại liệt, nhưng là sự liên đới của nhiều người đối với tình cảnh người bại liệt. Hình ảnh này vẫn còn rất phổ biến trong đời sống của chúng ta, nhất là ở bệnh viện và ở những trung tâm hành hương : người bệnh không bao giờ đi một mình và cũng không thể đi một mình ; và cũng không nên, hay thậm chí không được, để người bệnh đi một mình.

– Và trong cuộc sống, chúng ta cần tình liên đới biết bao ; thậm chí, chúng ta không thể sống mà không có tình liên đới. Thật vậy, trong cuộc sống, nhất là trong đời sống cộng đoàn, chúng ta được mời gọi mang vác nhau, nhất là mang vác những anh em, chị em đau yếu, và rộng hơn, những anh em hay chị em yếu đuối hay yếu kém hơn. Và một ngày kia, và ngày này không thể tránh được, chính chúng ta, chúng ta cũng sẽ được anh em hay chị em của chúng ta mang vác, mang vác loanh quanh, và rồi cuối cùng là mang vác đến trước mặt Đức Giê-su ; và lúc ấy, chúng ta chỉ có thể cậy vào lòng tin của mọi người, nhất là những người thân yêu của chúng ta mà thôi. Thực ra, mỗi người trong chúng ta cũng đã từng được mang vác đấy thôi, khi chúng ta còn bé ; và chúng ta vẫn được Chúa và anh em, chị em, những người thân yêu mang vác mỗi ngày ; có điều là chúng ta nhiều khi mù quáng không nhận ra.

– Sự liên đới này được kể lại khắp nơi trong các TM và đã khiến cho Đức Giê-su, Con TC, phải động lòng, như bài TM hôm nay kể lại. Và một ngày kia, chính Đức Giê-su cũng sẽ để cho người khác mang vác.

2. Lòng tin

– Trong bài TM, không chỉ có tình liên đới, nhưng còn có lòng tin. Và một lòng tin mãnh liệt đến độ sáng tạo ra những phương thế lạ lùng và táo bạo, khi gặp trở ngại, theo TM Mac-cô : « Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống » (Mc 2, 1-12). Đó một lòng tin mạnh đến độ có thê nhìn thấy được. Và quả thực, Đức Giê-su đã nhìn thấy lòng tin của họ.

– « Lòng tin của họ », nhưng họ đây là những ai ? Là những người khiêng vác người bại liệt, là những người tỏ tình liên đới với người bại liệt. Như thế, lòng tin không chỉ có thể cứu chính mình, như Đức Giê-su hay nói : lòng tin của con đã cứu con, nhưng còn có thể cứu người khác nữa, như trường hợp ở đây, và nhiều trường hợp khác nữa trong các TM. Chính vì thế mà chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho nhau, những người con sống, cũng như những người đã qua đời. Bởi vì, Chúa cũng mến thương những người chúng ta thương mến.

3. Tội lỗi và bệnh tật

– Nhưng còn có một điều đáng ngạc nhiên khác nữa, mà bài TM đặc biệt nhấn mạnh, đó là ơn tha thứ Đức Giê-su ban cho người bại liệt : « Này con, tội con đã được tha tội rồi » ;  trong khi tất cả mọi người, trong đó có người bệnh và cả chúng ta nữa hôm nay nghe bài TM này, đều chờ đợi một điều khác, đó là phép lạ chữa lành thể lí. Hơn nữa, chữa lành thể lí mới là khẩn cấp và gây ấn tượng cho người xem. Ngoài ra, nếu Đức Giê-su chữa lành ngay, thì sẽ không gây cớ cho người ta xì xầm, thậm chí lên án : « Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa? »

– Bình thường Đức Giê-su chữa bệnh rồi mới tha tội ; nhưng trong trường hợp này, tại sao Ngài cố ý tha tội trước rồi mới chữa bệnh, và lại còn so sánh hai hành động này nữa : « Trong hai điều…, điều nào dễ hơn? » Trong bài TM không có câu trả lời, chính là để cho người đọc, là chính chúng ta trả lời. Quả thực. có người mau mắn trả lời rằng, bảo người bại liệt đứng dậy mà đi thì khó hơn. Đó là vì người này chỉ nhìn vấn đề ở khía cạnh thể lí và bề ngoài thôi, và chưa hiểu hết được tầm mức nhân linh và thiên linh của lời tha thứ. Trước hết về thiên linh, qua lời tha tội, Đức Giê-su mặc khải chính căn tính thần linh của mình, chính tương quan duy nhất của Ngài với TC. Đúng như những người Pha-ri-sêu và luật sĩ đã nghĩ : « Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa? » ; và Đức Giê-su công bố : « Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội ».

– Về nhân linh, chữa lành thể lí đúng là việc khẩn cấp, mọi người đều muốn và gây ấn tượng. Con người thời nay cũng vậy, hay chạy theo những cách chữa bệnh lạ lùng. Được lành bệnh, phục hồi sức khỏe, cho dù là quan trọng cho cuộc sống, nhưng đâu có thể giải quyết hết được mọi vấn để của cuộc sống, nhất là những vấn đề sâu xa như những vết thương lòng, cảm thức tội lỗi, không bình an và bị « bại liệt » với bản thân, với người khác và nhất là với TC. Và giả như, phép lạ chữa lành có xẩy ra, thì sức khỏe đâu có tồn tại mãi. Người bại liệt được Đức Giê-su chữa lành ; nhưng một ngày kia, anh lại bị « liệt » trở lại, và lần này sẽ mãi mãi không thể đứng dậy được.

4. Ơn tái tạo

– Vỉ thế khi nhìn ngắm hình ảnh người bại liệt đứng dậy vác giường đi về nhà, bằng lời của ĐGS, đôi mắt của chúng ta được mời gọi nhận ra một ân huệ lớn hơn, Chúa muốn ban cho mỗi người chúng ta. Bởi vì chính chúng ta cũng đã từng bị bại liệt, trong tương quan với mình, với Chúa và với nhau. Bại liệt này vô hình, nhưng lại có hiệu quả hữu hình : chúng ta im lặng, tiêu cực, lẩn trốn, tẩy chay… Chính Lời bao dung tha thức của Chúa làm chúng ta đứng dậy, chữa lành, tái tạo chúng ta để chúng ta có sức mạnh và tình yêu để đảm nhận gánh nặng (hình ảnh tự vác giường, thay vì để cái giường nó vác mình), đi về nhà, nghĩa là tái hòa nhập với những người thân yêu trong hòa giải và hiệp nhất.

– Khi ban ơn tha thứ cho người bại liệt, Đức Giê-su muốn dẫn anh đi xa hơn việc tìm lại được sức khỏe, đó là đi vào trong sự sống đích thật ; đồng thời, Ngài cũng mặc khải chính căn tính của Ngài là Con TC. Nhưng khi làm như thế, Ngài đánh liều chính sự sống của mình.

 

Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

Kiểm tra tương tự

Đại kết và hòa giải dân tộc

    Trong sắc lệnh mới nhất về Năm Thánh 2025, Hy vọng không làm …

Đức Thánh Cha Phanxicô: Hy vọng là biết vui cười

“Hy vọng” – Cuốn tự truyện dày 400 trang của Đức Thánh Cha Phanxicô, được …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *