Thứ năm sau CN XI TN

Ngày 16 tháng 6 năm 2011
Thứ năm sau CN XI TN

Mt 6, 7-15

1. “Đừng như những người giả hình”

– Bố thí, cầu nguyện và ăn chay là ba việc đạo đức căn bản không chỉ của Do Thái giáo, nhưng trong mọi tôn giáo, trong đó có Kitô giáo của chúng ta.

  • Bố thí diễn tả tương quan của chúng ta với tha nhân.
  • Cầu nguyện diễn tả tương quan của chúng ta với Thiên Chúa.
  • Ăn chay diễn tả tương quan của chúng ta với chính mình.

– Trong các bài TM hôm qua và hôm nay, Đức Giêsu mời gọi chúng ta một cách thật mạnh mẽ: anh em đừng bố thí, cầu nguyện và ăn chay như những người giả hình (c. 2.5.16); giả hình là chỉ có bề ngoài thôi, không có bên trong, không có sự thật. Thật vậy, người “đạo đức”, trong mọi tôn giáo và thuộc mọi thời, thường thực hành những việc này một cách phô trương; phô trương là làm vì người khác và tìm sự chú ý của người khác. Hoàn toàn không có chiều kích “thiêng liêng”, nghĩa là vì Thiên Chúa và hướng về Thiên Chúa.

– Thay vì phô trương, Đức Giêsu đều mời gọi chúng ta thực hành các việc đạo đức một cách kín đáo. Không phải để thi thố sự khiêm nhường, nhưng để trở nên giống Cha của mình là Thiên Chúa, Đấng hiện diện nơi kín đáo và hành động một cách kín đáo. Thiên Chúa, Cha của Đức Giêsu là “Đấng kín đáo” và Ngài mời gọi chúng ta cũng trở nên “những người con kín đáo” như Cha của mình.

– Chúng ta cứ nghiệm lại mà xem: Thiên Chúa hiện diện và hành động kín đáo biết bao trong sáng tạo, trong lịch sử loài người, nơi cuộc đời chúng ta và nhất là nơi Thập Giá của Đức Giêsu.

2. “Đừng như những người ngoại”

– Trong ba việc đạo đức, Đức Giêsu nói về cầu nguyện cách đặc biệt nhất: trước hết, việc cầu nguyện có vị trí trung tâm, không chỉ ở trung tâm của bộ ba bố thí, cầu nguyện và ăn chay, nhưng còn ở trung tâm của toàn bộ “Bài Giảng Trên Núi”; và ngoài ra, Đức Giêsu nói về cầu nguyện dài nhất, trong đó có lời nguyện “Lạy Cha của chúng con”, vang lên trên môi miệng của chúng ta nhiều lần trong ngày. Và đó nội dung bài TM chúng ta vừa nghe (c. 7-15).

– Lời dạy của Đức Giêsu về cầu nguyện còn có một điểm đặc biệt nữa, đó là Ngài không chỉ nói: “khi anh em cầu nguyện, đừng trở nên như những người giả hình” (c. 5), nhưng còn nói: “anh em đừng lải nhải như dân ngoại!” (c. 7) Thực vậy, lời nguyện của chúng ta không được trở thành những lời lải nhải chỉ qui về mình, nghĩa là nhằm thỏa mãn nhu cầu, hoặc như những âm thanh vô hồn, nhưng phải là một lời ca tụng dựa trên tương quan thiết thân Cha-Con. Vì thế, trong lời nguyện “Lạy Cha của chúng con”:

  • Chúng ta được mời gọi ra khỏi mình để đi vào tương quan phụ-tử với Thiên Chúa, là Cha của chúng ta.
    • Ra khỏi mình để quan tâm trước hết đến Danh của Cha, đến Nước của Cha, đến Ý của Cha.
    • Và sau đó mới quan tâm đến sự sống của mình, nhưng không phải sự sống mà mình muốn, nhưng là sự sống đích thật mà Thiên Chúa muốn: đó là sự sống được xây dựng trên những ơn huệ: ơn huệ lương thực, ơn huệ giải thoát khỏi sự dữ và ơn huệ thứ tha.

– Và nếu chúng ta để ý lắng nghe bài TM, chúng ta sẽ nhận ra rằng Đức Giêsu đặc biệt nhất mạnh đến ơn tha thứ, vì con người không thể sống nếu không có ơn tha thứ: tha thứ của Cha nhân hậu và sự tha thứ mà chúng ta trao ban cho nhau.

3. “Hãy tha thứ cho nhau”

– Thực vậy, sau khi dạy những lời chúng ta cần ngỏ với Chúa Cha (c. 9-13), Đức Giêsu nhắc lại một điểm đã được nêu trong những lời này, đó là sự tha thứ: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta…” Như thế, sự tha thứ có tầm quan trọng đặc biệt. Chúng ta không thể sống với nhau nếu không tha thứ cho nhau (kinh nghiệm được bố mẹ và các anh các chị tha thứ khi chúng ta còn bé), và chúng ta cũng không thể “sống với” Chúa, nếu không được Ngài tha thứ.

– Lời Đức Giêsu nhấn mạnh đặc biệt đến việc chúng ta cần tha thứ cho nhau, đến độ, tha thứ cho nhau là “điều kiện” cho ơn tha thứ của Thiên Chúa. Ngài nói về điều này 2 lần, một lần xác định và một lần phủ định: “Nếu…”.

– Tuy nhiên, theo lời nguyện “Lạy Cha” ơn tha thứ của Thiên Chúa không “tự động” rơi xuống trên chúng ta một khi chúng ta đã tha thứ cho nhau. Chúng ta vẫn phải xin: “Xin tha tội cho chúng con, như chính chúng con đã tha thứ (động từ ở thì quá khứ) cho những người có lỗi với chúng con”. Bởi lẽ ơn tha thứ không bao giờ là “tự động”, ơn tha thứ chỉ có thể được trao ban trong một tương quan nhìn nhận nhau, đón nhận nhau (x. dụ ngôn Người Con Hoang Đàng; và bí tích hòa giải cũng diễn tả tương quan này). Hơn nữa, nợ người ta mắc với chúng ta thì ít, còn nợ của chúng ta mắc với Thiên Chúa thì quá lớn (x. dụ ngôn nhỏ trong Lc 7). Tuy nhiên, chúng ta không thể xin Thiên Chúa tha thứ, trong khi mình đã không tha thứ hay sẵn sàng tha thứ cho người khác.

– Nhưng ai trong chúng ta cũng cảm thấy khó tha thứ cho nhau. Vì thế, kinh nghiệm lòng thương xót, sự bao dung và sự tha thứ của Thiên Chúa nơi bản thân mình chính là nguồn sức mạnh để chúng ta có thể tha thứ cho nhau.

 

Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

Kiểm tra tương tự

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Bạn biết gì về Ngai tòa thánh Phêrô?

  Theo truyền thống, chiếc ghế nhỏ này từng được Thánh Phêrô sử dụng khi …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *