Năm Sự Sáng
Thứ nhất thì ngắm:
“Đức Chúa Giê-su chịu phép rửa tại sông Gio-đan”
(Mt 3, 13 – 17)
13 Bấy giờ, Đức Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình.
14 Nhưng ông một mực can Người và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi! “15 Nhưng Đức Giê-su trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.” Bấy giờ ông Gio-an mới chiều theo ý Người.
16 Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người.17 Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
- Một khởi đầu mới trong mầu nhiệm Nhập Thể (c. 13)
- “Bấy giờ, Đức Giê-su từ miền Galile đến sông Gio-đan”
Nhìn ngắm Đức Giê-su: Đức Giê-su kết thúc thời gian 30 năm dài sống bình thường như mọi người chúng ta, thời gian mà chúng ta gọi là đời sống ẩn dật của Đức Giê-su, để bắt đầu giai đoạn mới, giai đoạn hoạt động công khai. Chúng ta hãy nhìn ngắm Đức Giêsu rời bỏ làng quê, gia đình, những người thân yêu để lên đường đến sông Gio-đan. Từ một nơi êm ấm, Ngài đến một dòng sông. Dòng sông gợi lên trong chúng ta điều gì? Không an toàn, bỏ ngỏ, nhiều người xa lạ, không ổn định… Đó là một cuộc ra đi sau 30 năm sống ẩn dật. 30 năm sống ẩn dật, là mầu nhiệm mà chúng ta đã dành cả ngày hôm nay để chiêm ngắm. Chúng hãy cảm nhận hết sức nặng của 30 năm dài này: nặng tình nặng nghĩa, nặng kỉ niệm, nặng kinh nghiệm sống, nặng dấu ấn của các lứa tuổi, tuổi thơ, tuổi thiếu niên…
Đây là một khởi đầu: không chỉ cho một giai đoạn mới trong cuộc đời của Ngài, nhưng còn là một khởi đầu mới trong qúa trình mầu nhiệm Nhập Thể, trong tiến trình Thiên Chúa mặc khải chính mình cho con người nơi Đức Giêsu, trong sứ vụ loan báo Nước Trời và ơn cứu độ của Thiên Chúa, và qua sứ vụ này, Đức Giê-su mặc khải căn tính thần linh của Ngài, là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa. Vì thế, khởi đầu này đã loan báo mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giê-su rồi, giống như mầu nhiệm Giáng Sinh. Vì thế, đây là một khúc quanh trong cuộc đời của Đức Giê-su, một khúc quanh có tính quyết định. Chúng ta hãy dừng lại để khám phá ra tất cả ý nghĩa của tính quyết định liên quan đên biến cố này của cuộc đời Đức Giê-su.
Trong cuộc đời của chúng ta cũng có nhiều khúc quanh; chúng ta có thể nhớ lại. Trong những khúc quanh đó, đã có khúc quanh nào mang tính quyết định chưa? Nếu chưa, bây giờ là lúc, Chúa mời gọi chúng ta, cùng với Chúa, tạo ra một khúc quanh quyết định, nhất là qua kinh nghiệm thiêng liêng “lựa chọn” ơn gọi, hay làm mới lại cho suốt đời.
- “… Gặp ông Gioan, để xin ông làm phép rửa”
Quan sát dáng đi và hướng đi của Ngài. Chúng ta hãy hình dung khung cảnh Đức Giê-su hòa nhập vào với dòng người nhận mình là tội nhân, đến với Gioan để xin chịu phép rửa (đọc Pl 2, 5-11). Trong khi đó, như ông Gioan một mực can ngăn và nói, chính loài người tội lỗi chúng ta mới cần được Ngài làm phép rửa. Như thế, Đức Giê-su muốn đồng hóa mình với các tội nhân là chính chúng ta, như Ngài sẽ làm trong giai đoạn rao giảng TM, và một cách tận căn trên Thập Giá.
Lắng nghe lời của Đức Giê-su nói với ông Gioan, để xin ông làm phép rửa cho Người. Cũng giống như mầu nhiệm Giáng Sinh: mặc khải lớn, nhưng Chúa lại thực hiện ngang qua những lựa chọn rất nhỏ bé và khiêm tốn. Thật vậy, trong mầu nhiệm Giáng Sinh, Chúa đã sinh ra như một em bé, và hơn nữa, trong một hoàn cảnh thật đơn sơ và khó nghèo; thì ở đây, khởi đầu giai đoạn mới của hành trình nhập thể, Đức Giê-su bắt đầu bằng việc xin ông Gioan làm phép rửa cho mình.
- Đức công chính của Thiên Chúa (c. 14-15)
Trong cầu nguyện, chúng ta có thể dừng lại để chiêm ngắm thánh Gio-an Tẩy Giả: sinh ra, lớn lên, sống tu hành trong hoang mạc, thi hành sứ vụ dọn đường cho Đức Giê-su, làm phép rửa. Chúng ta hãy hình dung ra sự ngỡ ngàng của Gioan, khi gặp Đức Giê-su giữa dòng người tội lỗi và nhất là khi nghe lời xin của Đức Giê-su: “Ông một mực can Người và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!”
Lắng nghe lời đối thoại giữa Gioan Tẩy Giả và Đức Giê-su. Gioan bất ngờ về cung cách của “Đấng phải đến” mà ông rao giảng và có sứ vụ chuẩn bị đường đi cho Ngài và chuẩn bị lòng người ta để đón rước Ngài. Chúng ta cũng luôn để mình bị bất ngờ như thế, mỗi khi nhận ra Chúa. Ngay hành vi đầu tiên của một cuộc khởi đầu mới, Đức Giê-su đã bị phản đối. Bởi vì cung cách và lời nói của Đức Giê-su hay “ngược đời”, vượt ra ngoài lối suy nghĩ bình thường của chúng ta: lớn trở thành bé, đứng đầu phải phục vụ như tôi tớ, đưa luôn má kia, móc mắt, chặt tay, từ bỏ, vác thập giá, cầu nguyện cho kẻ thù nghịch… Bây giờ Gioan phản đối, và sau này nhiều người cũng sẽ phản đối cách hành xử của Ngài:
- Các môn đệ: khi loan báo và dạy về mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh; gần gũi với trẻ em, với các phụ nữ (Ga 4), đi Giê-su-salem; rửa chân…
- Những người khác: tiếp đón và ăn uống với những người tội lỗi, thu thuế, chữa bệnh ngày Sa-bát…
- Và sẽ có những người phản đối đến cùng, là tìm cách loại trừ Ngài.
Đức Giê-su trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính”. Hãy dừng thật lâu ở lời này của Chúa. Lời này của Chúa giải thích không những biến cố chúng ta đang chiêm ngắm, nhưng mọi hành vi và lời nói trong cuộc đời của Chúa. Bởi lẽ, Đức Giê-su muốn sống và bày tỏ cho chúng ta một đức công chính, khác với đức công chính mà Gioan đã rao giảng (có tính cách đe dọa; c. 7-12) và loài người thường hiểu và sống. Thực vậy, Ngài nói với Gioan: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.” Và đức công chính mà Ngài muốn sống và bày tỏ cho chúng ta là đức công chính của chính Thiên Chúa: “vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa,24 nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Ki-tô Giê-su” (Rm 3, 23-24).
Hành động theo lề luật để được nên công chính, vẫn chưa đủ, vẫn chưa phải là toàn vẹn sự công chính: “Nếu sự công chính của anh em không vượt lên trên sự công chính của các kinh sư và Biệt Phái…” (Mt 5, 20). Đó chính là sự công chính mà chính hành vi dìm mình xuống nước của Đức Giê-su muốn diễn tả. Như thế, sự công chính mới của Nước Trời mà Chúa sẽ rao giảng, chính Ngài đã đích thân hoàn tất.
- Một khởi đầu mới trong tương quan với Thiên Chúa: Ba Ngôi mới (c. 16-17)
Nhìn ngắm Ba Ngôi để nhận ra đó là “Ba Ngôi Mới”: Chính khi Ngài hạ mình, trong mầu nhiệm phép rửa, và sau này trong mầu nhiệm Thập Giá, lại là lúc Ngài được tôn vinh. Thậy vậy,
- chính khi Ngài hòa nhập với các tội nhân, để xin chịu phép rửa; như sau này, Ngài sẽ bị bắt, bị lên án và bị đóng đinh như là tội nhân và ở giữa các tội nhân,
- chính khi Ngài để mình bị dìm mình xuống dòng nước; như sau này, Ngài không xuống khỏi TG, nhưng để cho Tội của loài người chúng ta “dìm” đến cùng, vùi dập đến cùng, là giết chết Ngài trên Thập Giá,
Thì chính lúc đó, khi Ngài lên khỏi nước, và cũng như sau nay, khi Ngài bước ra khỏi cõi chết, Ngài được Chúa Cha và Chúa Thánh Thần nhìn nhận, tôn vinh và mặc khải căn tính đích thật của Ngài: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”. Chúng ta hãy nhìn ngắm một lần nữa quang cảnh thật lớn lao, loan báo mầu nhiệm Vượt Qua: chết và phục sinh. Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô và của từng người chúng ta:
- Đức Giê-su ở dưới nước lên
- Các tầng trời mở ra
- Thần Khi Thiên Chúa, chim bồ câu; tiếng từ trời: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”.
Từ dưới nước lên diễn tả Đức Giê-su bước ra khỏi sự chết; các tầng trời mở ra diễn tả sáng tạo mới; và trong sáng tạo mới có sự hiệp thông trọn vẹn của Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng là một “Ba Ngôi Thiên Chúa mới”, bởi vì Ngôi Lời Nhập Thể mang trong mình và mang theo mình một “đàn em đông đúc”, là loài người và từng người chúng ta.
Nghe lời của Chúa Cha: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”. Đó là Lời nhìn nhận và tuyển chọn của Trời Cao đối với Đức Giê-su. Truyền thống của Giáo Hội hiểu lời này của Chúa Cha về Đức Giê-su như là một “biến cố sinh ra”. Và điều này rất phù hợp với kinh nghiệm sống của chúng ta. Vì khi bố mẹ sinh ra thân thể chúng ta thì vẫn chưa đủ để chúng ta là con của bố mẹ, sau này chúng ta còn cần được bố mẹ nói với chúng ta trước mặt mọi người là: “Đây là con của chúng tôi” và còn phải làm giấy chứng nhận nữa, đó là “giấy khai sinh”. Không có giấy khai sinh, trước mặt mọi người và trên bình diện xã hội, chúng ta không là con của ai hết! Giấy khai sinh, chính là Lời nhìn nhận và tuyển chọn vượt lên trên tương quan máu mủ. Để sống có ý nghĩa ở trên đời, ai trong chúng ta cũng cần được nghe đi nghe lại một lời như thế cách minh nhiên hoặc mặc nhiên từ bố mẹ hay những người thân yêu của chúng ta: “Con là con yêu dấu của mẹ, mẹ hài lòng về con”. Thánh Giu-se không sinh ra Đức Giê-su, nhưng Ngài dâng hiến cả cuộc đời để “làm giấy khai sinh” cho Đức Giê-su, nhìn nhận Ngài là con của mình; và trong hành trình nhập thể, Đức Giê-su cần một lời “xin vâng” như thế.
Như Đức Giê-su, chúng ta cũng cần được Chúa Cha “sinh ra” như thế, nghĩa là cần được Chúa Cha công bố: “Trong Đức Giêsu Kitô, Thánh Tử Duy Nhất của Cha, con, con là con của Cha, Cha hài lòng chọn con”. Vì đó là lời tái sinh chúng ta và làm nên căn tính Kitô hữu và ơn gọi riêng của chúng ta. Nhưng chúng ta đã nghe được một Lời như vậy từ Thiên Chúa Cha chưa? Bởi lẽ, Đức Giê-su làm tất cả những điều đó, là để phục hồi và chia sẻ phẩm giá làm con Thiên Chúa của Ngài cho chúng ta, để chúng ta cũng có thể nói với nhau: “Em là em yêu dấu của chị (anh), chị (anh) hài lòng về em.”
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc