Ngược trở lại hơn 2000 năm trước, tôi mon men đi theo gia đình Na-za-rét lên Đền thờ Giê-ru-sa-lem, để dâng hiến cậu bé Giê-su cho Thiên Chúa. Trẻ hơn, nhanh hơn chú Giu-se và cô Ma-ri-a, tôi tới Đền thờ trước, gặp được cụ già Si-mê-on, vốn tò mò, tôi phải hỏi cụ cho ra nhẽ mới được: Tại sao cụ nghèo mà lại vui? Cụ cười nhẹ: Nếu con muốn, ta sẽ kể cho con niềm vui rất lạ này.
Nghèo là bị Thiên Chúa chúc dữ
Đối với dân tộc ta, biến cố Thiên Chúa giải phóng dân khỏi Ai-cập (1250 tr.cn) là quan trọng nhất. Ngay sau đó, Ngài ký kết với dân, qua trung gian Mô-sê, một giao ước: Ngài là Chúa duy nhất của dân, và dân là dân riêng của Chúa; cụ thể là Mười Điều Răn. Trước đây, Chúa đã gọi Áp-ra-ham (1800 tr.cn) và hứa dòng dõi ông sẽ thành một dân đông đảo. Đến thời Mô-sê, lời hứa ấy mới thành sự.
Từ kinh nghiệm Xuất Hành, dân Chúa đọc lại toàn bộ quá khứ, ngược trở về thời Áp-ra-ham, thời Sáng Thế, và họ nhận ra bàn tay Chúa dẫn dắt họ. Họ nhận thấy, nếu họ sống tốt, Thiên Chúa sẽ thưởng họ giàu sang; nếu họ phạm tội, Thiên Chúa sẽ phạt họ. Nghèo là kết quả của việc Thiên Chúa phạt.
Nghèo là phó thác vào Thiên Chúa
Thời vua Đa-vít (1000 tr.cn) có lẽ là lúc thịnh vượng nhất của dân Ít-ra-en. Nhưng sau thời con của Đa-vít, vương quốc bị chia thành hai: Bắc và Nam.
Ở phía Bắc, ngôn sứ A-mốt tố cáo bất công xã hội và tội ác của những kẻ giàu sang quyền lực, họ tự coi mình là được Thiên Chúa chúc phúc vì đời sống đạo hạnh, và ông bênh vực kẻ nghèo hèn. Dù có người nghèo là do lười biếng, do tội lỗi, nhưng cũng có người nghèo tốt lành.
Ở phía Nam, ngôn sứ I-sai-a I nhấn mạnh mối tương quan giữa con người và Thiên Chúa, và cho đây mới là điều quan trọng, chứ không căn cứ vào giàu hay nghèo. Ông gọi những người phó thác vào Thiên Chúa, một mực sống lương thiện bất chấp cảnh đời dù giàu hay nghèo, là những “người nghèo của Chúa.”
Thế là, giàu nghèo không còn là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá con người nữa. Người giàu chưa hẳn là tốt, người nghèo chưa hẳn là xấu.
Khổ nỗi, hai vương quốc Bắc và Nam lần lượt sụp đổ, toàn dân bị đi lưu đày sang Ba-bi-lon (587-537 tr.cn). Câu hỏi lớn bao trùm toàn dân là: Tại sao? Chẳng lẽ toàn dân phạm tội lớn quá, đến mức ra nông nỗi này? Các ngôn sứ vừa đe dọa dân và vạch rõ các tội dân đã phạm, để mời gọi họ sám hối; vừa an ủi họ và cho thấy Thiên Chúa vẫn hứa tương lai tươi sáng phía trước. Nhưng chẳng lẽ kẻ giàu người nghèo bị đánh đồng sao? Hay nói chính xác hơn, người tốt kẻ xấu cũng như nhau hay sao?
Nghèo là trung thành với Thiên Chúa
Dân tộc ta tin rằng: những người sống sót sau cực khổ của cuộc lưu đầy, sẽ là người tốt lành vì họ được Chúa thương đặc biệt. Nhưng rồi họ cũng vỡ lẽ, trong số những người còn lại, vẫn có kẻ xấu người tốt. Thế là, họ nhận thấy, điều quan trọng nhất phải là: trung thành với Thiên Chúa. Nhưng nghĩ cho kỹ, ai có thể trung thành với Thiên Chúa, vì ai cũng phạm tội, cả dân cũng bất trung nhiều lần. Thế nên, ngôn sứ I-sai-a II cho thấy, họ cần một ai đó như Người Tôi Trung của Thiên Chúa, là người vô tội và có thể chịu thay cho người khác, có thể chuộc tội.
Sau thời lưu đày, các bậc hiền nhân tiếp tục hỏi: Tại sao trung thành với Thiên Chúa như ông Gióp, lại bị đau khổ? Thật là “bất công quá” khi ông bất hạnh cả đời. Vào thời của Gióp, người Do-thái chưa có niềm tin vào sự sống sau khi chết. Trước đó, ngôn sứ Ê-dê-ki-en mới chỉ loan báo về việc “sống lại” của dân theo nghĩa phục hồi dân. Nhưng, chắc hẳn Thiên Chúa phải thưởng công cho người lương thiện trong đời họ chứ, ít ra là vào cuối đời, hay ít nhất là lúc họ gần chết. Câu trả lời dường như “bế tắc”. Có những bậc hiền nhân đã trách nhau rằng, chúng ta là gì mà dám cả gan thăm dò tư tưởng của Chúa.
Dù sao, câu hỏi về cái nghèo vẫn chưa đến mức cực độ gay cấn. Thời Hy-lạp hóa, dân Chúa bị hoàng đế An-ti-ô-khô (164 tr.cn) ngược đãi, bắt phải bỏ việc thờ phượng Thiên Chúa. Câu hỏi lên tới đỉnh điểm: Trung thành với Thiên Chúa và cái nghèo liên hệ gì với nhau?
Từ đây, dân Chúa đã tiến một bước nhảy vọt trong niềm tin và ý nghĩa cuộc sống, họ chấp nhận đau khổ và cái chết vì trung thành với Thiên Chúa, vì tin rằng, Thiên Chúa mới là chủ đích thực của sự sống và Ngài sẽ ban lại cho họ sự sống sau khi họ chết (trong Kinh Thánh, Đa-ni-en là sách đầu tiên viết về niềm tin này). Nghèo khổ họ đang chịu đâu phải do Thiên Chúa, cũng không trực tiếp do tội của họ, nhưng do thế gian gây ra. Họ rất thiết tha với cuộc sống, nhưng không vì thế mà bị cuộc sống trói buộc.
Cụ ơi, có phải cụ vui vì có niềm hy vọng ấy? Đúng vậy, nhưng ta chẳng tự sinh ra được niềm tin ấy, ta cũng chẳng dễ dàng đón nhận được niềm tin này. Thế nhưng, đây mới chỉ là vui trong hy vọng thôi! Ta vẫn đang ôm ấp một niềm hy vọng lớn. Ngay giờ ấy, mắt cụ sáng lên, nhìn ra xa xăm… Tôi nhìn theo. Ôi, cô Ma-ri-a đến rồi! Cụ ẵm lấy cậu bé Giê-su với niềm vui không tả nổi. Lạ quá, sao cụ lại vui đến thế! Tôi và chú Giu-se tròn mắt nhìn nhau.
Sách tham khảo:
[1]. Kinh Thánh Cựu Ước: các sách được trích dẫn cách gián tiếp, xoay quanh chủ đề NGHÈO trong thời Cựu Ước. (tr.cn: nghĩa là trước công nguyên).
[2]. Kinh Thánh Tân Ước: đối với tôi, cụ già Si-mê-on (Lu-ca 2,22-40) là con người tiêu biểu cho Cựu Ước, sống nơi mình tất cả những nét cao quý nhất của “tâm hôn nghèo khó”, như lời chúc phúc của Chúa Giê-su trong bài giảng trên Núi (Mát-thêu 5,3).
[3]. Giáo hoàng học viện Pi-ô X, Điển ngữ thần học Thánh Kinh, (Đà Lạt, 1973).
Bộ sách 4 tập với các chủ đề được tham khảo:
Tập I: Chúc dữ, Đau khổ, Công chính.
Tập II: Giao ước, Luật, Khiêm nhường, Lưu đày.
Tập III: Nghèo, Phân tán, Nhóm còn lại, Người, Sống lại.
Tập IV: Tôi tớ Thiên Chúa, Trách nhiệm, Thử thách/Cám dỗ, Thưởng/Phạt
[4]. Etienne Charpentier, How to Read the Old Testament
Vinh Sơn Vũ Tứ Quyết, S.J.