Thương xót tha nhân

46822_876891042425567_6554252222963093790_n

Chạnh lòng trước nỗi đau của một ai đó là bài học nhân bản thật cần thiết cho chúng ta! Sự chạnh lòng làm cho chúng ta biết thông phần với anh em mình, biết tìm gặp được chính mình trong những lúc đau khổ, biết nhận ra mối dây liên kết trong tình người. Sự chạnh lòng luôn hướng chúng ta đến một hành động nghĩa hiệp, một nghĩa cử bác ái, một sự sẻ chia thật ý nghĩa.

Đứng trước sự khó xử của đôi tân hôn tại tiệc cưới Cana, Đức Giêsu đã chạnh lòng trước sự ngỏ lời của Đức Maria và Ngài đã ra tay. Sự ra tay của Ngài đã làm cho cái tệ hại nhất được trở nên cái tuyệt vời nhất của buổi tiệc: Rượu ngon tràn trề. Nhìn đám đông dân chúng theo Ngài như bầy chiên không người chăn dắt, Ngài đã chạnh lòng thương họ. Phép lạ hóa bánh ra nhiều để cứu đói cho ngần ấy con người đã vượt quá sự mong đợi của những kẻ đang đói, đang khát. Biết bao biến cố trong hành trình rao giảng của Đức Giêsu đã làm cho những con người bần cùng, đói rách, bệnh tật, lầm than, cơ cực được đụng chạm đến lòng thương xót hải hà của Ngài.

Ngày nay, chúng ta không được diễm phúc mắt thấy, tai nghe những gì mà Thiên Chúa thể hiện lòng thương xót của Ngài cách trực tiếp trên chúng ta. Nhưng qua chính những trung gian, trong đó có cả từng người chúng ta, mà Thiên Chúa thực hiện quyền năng của Ngài. Điều quan trọng là chúng ta có biết đáp lại lời mời gọi của Ngài hay không. Cái thiếu thốn vẫn diễn ra hằng ngày xung quanh chúng ta, Ngài mời gọi chúng ta hãy bắt chước gương của Đức Maria: Biết ngỏ lời với Thiên Chúa và với tha nhân. Chúng ta hãy biết xin Ngài ghé mắt nhìn đến những cảnh cơ cực ấy, xin Ngài chỉ dạy chúng ta cần phải làm gì, xin Ngài hãy ra tay cứu giúp. Chúng ta cũng hãy biết góp công, góp sức của mình với tất cả lòng yêu mến, để thực hiện những gì mà Thiên Chúa mong muốn. Như vậy, chúng ta đã biết hợp tác với Thiên Chúa để xây dựng tình yêu tha nhân, và làm cho hình ảnh tươi đẹp của Thiên Chúa là Đấng Giàu Lòng Thương Xót được rõ nét nơi anh em mình.

Xung quanh chúng ta còn có những khổ đau tinh thần cần phải được xoa dịu! Thiên Chúa cần lắm ở nơi chúng ta những lời an ủi ngọt ngào không dối trá, những ân cần chia sẻ không giả hình, những khích lệ tinh thần không bay bướm, những đồng cảm với tấm lòng thật chân thành. Những lời nói của chúng ta phải thật sự xuất phát từ trái tim yêu thương và từ những mách bảo của Thiên Chúa. Chúng ta hãy biết xin Ngài dạy chúng ta nói mỗi khi đến với tha nhân, vì chỉ có lời của Ngài mới làm vơi đi mọi sầu khổ và đem lại chân lý cho những người đau khổ mà thôi.

Xã hội của chúng ta cũng đầy những sai trái làm cho chính chúng ta phải đau khổ! Chúng ta hãy nhìn lên Đức Giêsu trên thập giá: Ngài là bằng chứng cho sự kết án hoàn toàn sai trái của xã hội thời đó. Ngài đã phản ứng như thế nào? Chúng ta hãy học nơi Ngài bài học tha thứ, để biết tha thứ cho những ai đang làm cho chúng ta đau khổ. Cái đau khổ của chúng ta nhiều khi chỉ bắt đầu từ những chuyện tầm phào vu vơ, hay từ những gì chúng ta phải chứng kiến nó xảy ra hằng ngày mà không có giải pháp nào, hoặc những chuyện lớn hơn làm ảnh hưởng đến cả nền kinh tế, chính trị… của đất nước. Cần lắm ở nơi chúng ta một sự chạnh lòng cảm thông trước những bất toàn của con người! Cần lắm ở nơi chúng ta một sự đóng góp xây dựng trong tình huynh đệ, bác ái! Cần lắm ở nơi chúng ta sự thể hiện hình ảnh của một Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót khi chúng ta tiếp xúc, trò chuyện, giải quyết vấn đề với tha nhân! Trên hết mọi sự là sự cần thiết của việc cầu nguyện để xin Chúa chữa lành mọi vết thương trong lòng ta! Chúng ta đừng làm cho vết thương ấy ngày một to lớn, bởi vì khi nó càng lớn, chính nó sẽ làm cho chúng ta đau đớn hơn nhiều và với thời gian sẽ trở nên khó cứu chữa. Chúng ta hãy biết xin Thiên Chúa thương xót chúng ta, vì lòng thương xót của Ngài sẽ là phương thuốc hữu hiệu chữa lành cho chúng ta.

Khi nào chúng ta còn chạnh lòng thương anh em, khi đó chúng ta mới thực sự là con cái của Đấng Giàu Lòng Thương Xót. Khi nào chúng ta còn bận tâm với nỗi khổ của anh em, khi đó chúng ta mới là chi thể của Đấng Tự Hủy Thân Mình để cứu chúng ta. Khi nào chúng ta còn chung tay góp sức để xây dựng tình anh em, khi đó chúng ta mới trở nên bạn hữu của Đấng Chí Thánh, Đấng Chung Thủy. Thiên Chúa không ngơi nghỉ nhìn đến con cái của Ngài, Ngài mong muốn chúng ta cũng đừng làm ngơ trước anh em mình. Đó chính là cách chúng ta sống xứng đáng với tình thương xót vô hạn mà Ngài đã trao tặng cho chúng ta, và đó cũng là lời tuyên xưng mạnh mẽ của chúng ta về Thiên Chúa là Đấng Hằng Thương Xót!

Therese Trần Thị Kim Thoa

Kiểm tra tương tự

Các sự kiện quan trọng trong Năm Thánh 2025

  Năm Thánh diễn ra 25 năm một lần, sẽ được đánh dấu bằng một …

Năm Thánh, lịch sử và nguồn gốc từ Thánh Kinh

  Trên tờ L’Osservatore Romano, Đức hồng y Ravasi, học giả Kinh Thánh, truy tầm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *