Tiếp kiến chung ĐTC: Tôn trọng người cao tuổi

vlcsnap-2013-05-02-10h21m33s74-620x348VATICAN. “ Ðừng bỏ qua chuyện các vị cao niên kể lại, vì chính các ngài đã học hỏi nơi tổ tiên mình; nhờ học với các ngài mà con có được sự hiểu biết, và khi cần, con biết đưa ra câu trả lời thích hợp.” (Hc 8,9). Lấy cảm hứng từ sách Huấn Ca, ĐTC đã chia sẻ về người cao niên trong bài giáo lý của buổi tiếp kiến chung diễn ra tại Quảng Trường Phêrô, Vatican, hôm thứ tư ngày 4.3 vừa qua.

Cách đối xử với người già phản ánh trình độ văn minh

Nhờ sự phát triển của y học mà đời sống của con người được bảo đảm và kéo dài hơn. Số lượng người già càng ngày càng nhiều. Thế nhưng, xã hội ngày nay dường như không dành cho họ một chỗ phù hợp, không tôn trọng họ đủ và không quan tâm đến những yếu đuối và nhân phẩm của họ xứng đáng.

ĐTC cũng trích lời của Đức Biển Đức XVI khi ngài viếng thăm một nhà hưu dưỡng, rằng: “Chất lượng của một xã hội, tôi có ý nói đến sự văn minh, sẽ được đánh giá qua việc người già được đối xử như thế nào và vị trí nào người ta dành cho họ trong đời sống cộng đồng”. Quả vậy, sự quan tâm dành cho người cao tuổi làm nên sự khác biệt của một nền văn minh.

Não trạng về người già

Tại Phương Tây, các học giả cho biết rằng thế kỷ này là thế kỷ của sự “lão hóa”: giới trẻ thì ít đi, mà người già thì tăng lên. Sự mất cân bằng này chất vấn chúng ta và cho thấy một thách đố lớn trong xã hội đương đại. Nền văn hóa trục lợi này đã xem người già như là một gánh nặng, vì họ chẳng làm được gì nữa. Người ta không nói điều này cách công khai, nhưng người ta đã quan niệm như thế.

ĐTC cũng chia sẻ kinh nghiệm của ngài khi còn làm việc ở Buenos Aires. Ngài cũng gặp phải vấn nạn này. Đó là cảnh người già bị bỏ rơi, không chỉ trong việc chu cấp vật chất tạm thời, nhưng còn là bởi sự ích kỷ, không quan tâm đến những giới hạn của họ. Người ta cho rằng chỉ có người trẻ là hữu dụng.

Giáo huấn của Giáo Hội

ĐTC chia sẻ rằng truyền thống của Giáo Hội xem người già là kho tàng chứa đựng sự khôn ngoan, như sách Huấn Ca có nói đến. Giáo Hội không thể và không muốn hùa theo não trạng không tôn trọng, hay dửng dưng hay khinh thường người già. Chúng ta phải khơi dậy cảm thức chung về lòng biết ơn, kính ngưỡng, đón tiếp để làm cho người già cảm thấy mình là một phần của đời sống cộng đồng.

Người già là những người đi trước chúng ta trên cùng một con đường, trong cùng một nhà. Ta đã nhận lãnh từ họ rất nhiều. Họ không phải là những người xa lạ. Rồi mai đây, hết thảy chúng ta đều sẽ trở thành những người già cho dù ta có thể không muốn nghĩ đến. Nếu chúng ta không biết đối xử tốt với người già, các thế hệ sau cũng sẽ không đối xử tốt với chúng ta.

Tất cả mọi người lớn tuổi đều yếu ớt, nhưng có một số người yếu hơn. Đó là những người cô đơn, hay bị bệnh. Họ cần người khác chăm sóc. Một xã hội không có sự kề cận, lòng biết ơn và lòng thương cảm là một xã hội lệch lạc. Giáo Hội không thể dung thứ cho sự suy thoái này. Không thể có một cộng đoàn Kitô hữu nào đích thực mà lại không có lòng biết ơn. Nơi nào không có lòng tôn trọng dành cho người già, nơi ấy cũng không có tương lai cho giới trẻ.

Lược dịch và tóm ý: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Lễ Hiển Linh và Sternsinger là chương trình gì ?

  Các bài Thánh Kinh trong Lễ Hiển Linh giúp ta nhìn thấy các nhà …

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình Thế …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *