Tiếp kiến chung với ĐTC: Tha thứ – biểu hiện cụ thể của Lòng Thương Xót của Thiên Chúa

ANSA914947_ArticoloVATICAN. Điều đẹp lòng Thiên Chúa hơn trong Năm Thánh này là mọi người hãy tha thứ cho nhau vì đó là biểu hiện cụ thể cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Đây là sứ điệp của ĐTC Phanxicô trong bài huấn dụ tại buổi tiếp kiến chung sáng 10.12.2015 tại quảng trường Thánh Phêrô trước sự hiện diện của đông đảo khách hành hương.

Sau đây là nội dung chính bài huấn dụ của ĐTC, Ngài nói:

“Ngày hôm qua, tại đây tôi đã khai mở Cửa Thánh Năm Thánh Lòng Thương Xót tại Đền thờ Thánh Phêrô, sau khi tôi đã mở Cửa Thánh tại Nhà thờ Chính Toà tại Bangui, ở Trung Phi. Hôm nay, tôi muốn chúng ta suy gẫm cùng nhau về ý nghĩa của Năm Thánh này, bằng cách trả lời câu hỏi sau: nhưng tại sao lại là một Năm Thánh của Lòng Thương xót? Điều này có nghĩa là gì?”

Giáo Hội cần khoảnh khắc ngoại thường này. Tôi không nói: thật là tốt cho Giáo Hội vì khoảnh khắc ngoại thường này…Không, không! Tôi nói: Giáo Hội cần giây phút ngoại thường này. Trong thời đại với những biến động sâu sắc của chúng ta, Giáo Hội được kêu gọi để dâng hiến phần đóng góp cụ thể của mình, thực hiện những dấu chỉ hữu hình cho sự hiện diện và gần gũi của Thiên Chúa. Và Năm Thánh là một khoảng thời gian thích hợp cho tất cả chúng ta, ngõ hầu có thể chiêm ngắm Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, vốn siêu vượt mọi giới hạn nhân loại và chiếu sáng trên sự mờ tối của tội lỗi, chúng ta có thể trở nên chứng nhân xác tín và hiệu quả hơn. Quay lại hướng nhìn Thiên CHúa, Cha giàu lòng thương xót, và những anh chị em đang khao khát lòng thương xót, có nghĩa là chú tâm đến nội dung thiết yếu của Tin Mừng: Đức Giêsu, Lòng Thương Xót đã trở thành nhục thể, sẽ hữu hình hoá trước mắt chúng ta mầu nhiệm diệu vợi của Tình Yêu Ba Ngôi của Thiên Chúa. Cử hành một Năm Thánh của Lòng Thương Xót tương xứng với đặt lại trọng tâm của đời sống cá nhân và cộng đoàn của chúng ta nhắm vào nét đặc thù của đời sống Kitô hữu đó là: Đức Giêsu Ki tô là Thiên Chúa thương xót.

Một Năm Thánh, vì thế, để sống lòng thương xót. Vâng, anh chị em rất thân mến, Năm Thánh này được dành để chúng ta có thể trải nghiệm trong đời sống của chúng ta sự động chạm ngọt ngào và êm ái của lòng thương xót của Thiên Chúa, sự hiện diện của Ngài ở gần bên chúng ta và sự gần gũi của Ngài trên hết trong mọi giây phút cần kíp nhất. Năm Thánh này, tóm lại, là một cơ hội vinh dự bởi vì Giáo Hội học biết chọn lựa duy nhất “điều đẹp lòng Thiên Chúa hơn”. Và “điều đẹp lòng Thiên Chúa hơn” có nghĩa là gì? Thưa là tha thứ cho con cái của mình, tỏ lòng thương xót với họ, để rồi chính họ cũng có thể đến phiên mình tha thứ cho anh em, cháy sáng như ngọn đuốc của lòng Thương Xót của Thiên Chúa cho trần gian”.

ĐTC nói thêm: “Đây là điều đẹp lòng Thiên Chúa hơn. Thánh Ambrogio trong một tác phẩm thần học viết về A-đam, đã chọn trình thuật sáng tạo vũ trụ và nói rằng Thiên Chúa mỗi ngày, sau khi đã làm ra một thứ gì đó – như ánh sáng, mặt trời và muông thú – đã nói: “Ta đã nhìn thấy điều này thực tốt đẹp”. Nhưng khi tạo dựng nên người nam và người nữ, Kinh Thánh kể rằng: “Thiên Chúa nhận thấy điều này rất là tốt đẹp”. Thánh Ambrogio tự hỏi: “Nhưng tại sao Thiên Chúa lại cho như thế là rất tốt đẹp?” Có phải bởi vì Thiên Chúa rất hài lòng sau khi đã dựng nên người nam và người nữ chăng? Thực ra lý do là bởi vì Thiên Chúa đã muốn có một ai đó để tha thứ. Thật là đẹp phải không? Niềm vui của Thiên Chúa là tha thứ, hiện hữu của Thiên Chúa là lòng thương xót. Vì thế trong năm nay chúng ta phải mở rộng cõi lòng, để tình thương này, niềm vui này của Thiên Chúa có thể tuôn đổ trào tràn lòng thương xót này trên tất cả chúng ta.

Năm Thánh sẽ là một thời gian thích hợp cho Giáo Hội nếu chúng ta biết học để chọn “điều đẹp lòng Thiên Chúa hơn”, để không thúc thủ trước cám dỗ suy nghĩ rằng có một điều gì đó khác quan trọng và ưu tiên hơn. Không có gì quan trọng hơn để chọn lựa “điều đẹp lòng Chúa hơn”, đó chính là lòng thương xót, tình yêu, tình âu yếm, vòng tay ôm và sự vuốt ve của Thiên Chúa.

Ngay cả công việc cần thiết của việc canh tân các thể thức và cơ cấu của Giáo Hội cũng là một phương thế phải dẫn đưa chúng ta đến việc thực thi kinh nghiệm sống động và tích cực của lòng thương xót của Thiên Chúa, là Đấng duy nhất, có thể đảm bảo cho Giáo Hội có thể trở nên thành trì được xây dựng trên núi và không thể nào che giấu được (Mt 5, 14). Chỉ có một Giáo Hội thương xót mới có thể toả sáng! Nếu chúng ta, chỉ vì một khoảnh khắc nào đấy, lãng quên rằng lòng thương xót là “điều đẹp lòng Thiên Chúa hơn”, thì tất cả những nỗ lực của chúng ta sẽ vô ích, bởi vì chúng ta sẽ trở nên những nô lệ cho những thể thức và cơ chế của chúng ta, và như thế càng cải tổ thì lại càng vô ích. Nhưng chúng ta sẽ luôn là những nô lệ.

Cảm nhận cách sâu sắc trong chúng ta niềm vui được Đức Giêsu tìm thấy, như Mục Tử nhân lành đã đến để tìm kiếm chúng ta bởi vì chúng ta đã thất lạc”: đây là mục tiêu Giáo Hội đề ra cho Năm Thánh này. Nhờ đó chúng ta có thể củng cố chính mình với sự chắc chắn mà lòng thương xót có thể đóng góp thực tế cho công trình kiến tạo một thế giới nhân bản hơn. Đặc biệt trong thời đại này của chúng ta, là lúc sự tha thứ luôn là một vị khách hiếm gặp trong môi trường sống của con người, lời gọi của lòng thương xót đã trở nên khẩn cấp hơn, và điều này cần ở khắp mọi nơi: trong xã hội, trong các trường học, nơi làm việc và thậm chí ngay cả trong gia đình.

Ắt hẳn, ai đó có thể phản đối rằng: ‘Nhưng, cha ơi, Giáo Hội, trong Năm Thánh này, không cần phải làm gì khác hơn sao? Đúng là cần chiêm ngắm lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng cũng có biết bao nhu cầu khẩn cấp khác!’ Đúng là có nhiều việc cần phải làm, và tôi trên hết không bao giờ mệt mỏi để ghi nhớ điều này. Tuy nhiên cũng cần ghi nhận là, ngay tại gốc rễ của việc bỏ quên lòng thương xót, luôn khởi đi từ sự yêu mình. Trong thế gian, điều này ở dưới dạng thức của việc tìm kiếm duy chỉ những lợi lộc cá nhân, những điều vui thích và danh dự đi liền với ý muốn tích luỹ sự giàu có, trong khi cuộc sống của các Kitô hữu luôn luôn nguỵ trạng với sự giả hình và não trạng thế gian. Tất cả những điều này đối nghịch với lòng thương xót. Những động lực của sự yêu mình làm cho lòng thương xót trở nên xa lạ với thế giới, đến nỗi có rất nhiều và hằng hà sa số người vẫn thường xuyên không nhận ra chúng như là những giới hạn và như là tội. Như thế cần thiết phải nhận ra mình là tội nhân để có thể củng cố trong mình sự chắc chắn của lòng thương xót của Thiên Chúa.”

ĐTC nói thêm: “‘Lạy Chúa, con là kẻ có tội; xin hãy đến thương xót con. Đây là một lời nguyện thật đẹp. Dễ mà phải không?”

Và rồi, ĐTC kết thúc bài huấn dụ của mình như sau: “Anh chị em rất thân mến, trong Năm Thánh này, tôi cầu chúc rằng mỗi người chúng ta cảm nghiệm được lòng Thương xót của Thiên Chúa, để trở nên những chứng nhân của “điều đẹp lòng Thiên Chúa hơn”. Thật là ngây thơ khi tin rằng điều này có thể thay đổi thế giới phải không? Vâng, thật là nhân đạo khi nói những điều này với những người điên , nhưng “những điều rồ dại của Thiên Chúa thì vẫn khôn ngoan hơn con người, và những điều yếu đuối của Thiên Chúa thì vẫn mạnh mẽ hơn con người” (1 Cr 1, 25).

Chuyển dịch: Jos. Nguyễn Huy Mai

Kiểm tra tương tự

Đức Thánh Cha: “Một Kitô hữu không can đảm” là “một Kitô hữu vô dụng’

Trong Buổi Tiếp Kiến Chung hôm thứ Tư, 10.04.2024 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô …

Đức Thánh Cha: Dù chúng ta dù có thất bại thế nào, Chúa vẫn chờ chúng ta

Chiều thứ Năm Tuần Thánh, ngày 28/4/2024, Đức Thánh Cha đã đến chủ sự Thánh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *