Đối thoại với người truyền giáo

Giuse BCD

Nhân cơ hội được nghe cuộc đối thoại của một vài tu sĩ với một người đang làm sứ vụ truyền giáo, người viết ghi vội lại và chia sẻ cho mọi người cùng nghe và suy tư.

Tu sĩ (TS): Là một tu sĩ, tôi ý thức bản thân và sứ vụ chính yếu của mình là truyền giáo, là phục vụ các linh hồn, nhất là những linh hồn chưa biết Chúa, chưa nghe biết Tin Mừng. Gần đây, tôi cũng được thôi thúc bởi lời mời gọi “ra đi” của Đức Thánh Cha Phanxicô. Thế nhưng, không hiểu sao tôi chưa thể sống ơn gọi và căn tính của mình như một thừa sai, một tông đồ của Chúa, một môn đệ sẵn sàng lên đường đến với muôn dân?

Người truyền giáo (NTG): Thực ra, nhiều người trong chúng ta thường đối diện với những vấn đề tương tự, tức là có ý thức về truyền giáo, về căn tính của ơn gọi, nhưng để “đứng lên và ra đi” khỏi căn phòng riêng, khỏi bốn bức tường của dòng tu hoặc của cộng đoàn, của giáo xứ… là một thách đố. Nói một cách chân thành và thẳng thật, theo tôi, nguyên do của vấn đề này hệ tại ở việc “thiếu lửa” truyền giáo, thiếu Lời Chúa. Như thế, cần có người châm lửa hoặc thổi bùng lên ngọn lửa này, và cũng cần Lời Chúa, để Lời Chúa thấm đượm mảnh đất tâm hồn và dẫn dắt chúng ta lên đường.

TS: Nói như thế có vẻ chưa chuẩn xác, bởi vì tu sĩ chúng tôi vẫn cầu nguyện với Lời Chúa mỗi ngày, dành nhiều giờ cho việc thiêng liêng. Vâng, có thể, bản thân tôi đang thiếu lửa truyền giáo, nhưng tôi vẫn chưa hiểu tại sao lại thiếu Lời Chúa?

NTG: Vâng, chúng ta có thể cầu nguyện với Lời Chúa mỗi ngày, thường xuyên nghe Lời Chúa, nhưng để thấm nhuần Lời Chúa, sống và thực thi Lời Chúa lại là một chuyện khác. Tôi lấy một ví dụ: Chúa Giêsu Phục Sinh mời gọi chúng ta: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16:15), thế nhưng thử hỏi có bao nhiêu tu sĩ, môn đệ Chúa Kitô, sẵn sàng đi khắp tứ phương thiên hạ để truyền giáo? Chúng ta thường viện đủ mọi lý do để thoái thác lời mời gọi này cho một số ít người trong Hội Thánh mà thôi.

TS: Thực ra, tu sĩ chúng tôi rất muốn đi khắp nơi để loan báo Tin Mừng, nhưng một nữ tu, ngay cả nam tu sĩ, thường vướng vào đời sống cộng đoàn, các phận vụ trong cộng đoàn, thậm chí là cơ chế đời tu khắt khe…. làm sao có thể tự tung tự tác ra đi khắp nơi?

NTG: Vâng, đúng là như thế. Tuy nhiên, trong mọi hoàn cảnh, nếu có lòng khao khát và yêu mến sứ vụ truyền giáo, chúng ta có thể thực hiện được. Như thánh Phaolô khuyên các tín hữu Rôma rằng “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8:28). Chúng ta không thể đi truyền giáo như các nhà truyền giáo khi xưa, nghĩa là dấn thân toàn bộ thời gian và sẵn sàng chung sống giữa những lương dân, nhưng chúng ta có thể sáng đi tối về, thỉnh thoảng có thể xin phép bề trên cho ngủ lại qua đêm tại vùng truyền giáo để gần gũi với anh chị em lương dân và hiểu hơn về văn hóa và phong tục của họ. Tất nhiên, nếu một tu sĩ được giao sứ vụ truyền giáo, thì mọi ưu tiên sẽ là việc truyền giáo, mọi sứ vụ khác chỉ là để hỗ trợ cho sứ vụ chính mà thôi.

TS: Bên cạnh vấn đề cơ chế đời tu và dòng tu, chúng tôi còn bận tâm đến vấn đề tài chánh. Làm sao có thể lên đường nếu cộng đoàn thiếu nguồn thu tài chánh? Truyền giáo cũng cần tài chánh để bản thân đổ xăng đi đường và ăn uống, đồng thời giúp anh chị em tân tòng học Giáo lý, mua Sách Kinh Thánh, mua tượng ảnh và chuỗi hạt Mân Côi, v.v.. Như thế, lấy tiền ở đâu để lo những việc phát sinh trong truyền giáo?

NTG: Người đời thường nói “có thực mới vực được đạo”, nhưng Lời Chúa thì nói “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Lc 4:4). Chúa Giêsu cũng nói: “Đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc… Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà, Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng… Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salomôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy” (Mt 6:25-29). Thực thế, người truyền giáo rất cần có tài chánh để lo cho tiêu dùng cá nhân và cho công cuộc truyền giáo, nhưng tất cả những thứ đó đều là thứ yếu. Điều quan trọng nhất là cần có “lửa truyền giáo”, có Lời Chúa trong tâm trí. Có hai điều này ắt sẽ có lòng tín thác vào Chúa. Thực ra, người truyền giáo chỉ là cộng tác viên của Chúa trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Có lẽ, đây là lý do Chúa Giêsu đã quả quyết: “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6:33). Dưới kinh nghiệm nhỏ bé của bản thân, tất cả những lo toan về cơm áo gạo tiền thường là những thứ gây cản trở cho bước đường truyền giáo, tạo ra những ngụy biện cho hành vi biếng nhác lên đường, bởi vì thực tế, người truyền giáo khó có thể chết đói vì chính những lương dân và những người thành tâm thiện chí sẽ nuôi sống họ. Qua đó, đôi khi tôi tự hỏi rằng không biết các nhà truyền giáo khi xưa có lo lắng về tiền bạc giống các tu sĩ, linh mục hôm nay không nhỉ?! Thánh Phaolô đã tự làm lụng kiếm ăn để có sức khỏe đi truyền giáo (x. Cv 20:33-35), thậm chí ngài còn nhắc nhở môn đệ Timôthê rằng “cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc” (1Tm 6:10) và “hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hòa” (1Tm 6:11). Chúa Giêsu thì căn dặn: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bì, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo” (Lc 9:3). Có lẽ điều Chúa muốn người môn đệ cần thủ đắc làm hành trang lên đường là lòng tín thác vào Chúa: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37:5), “Hãy trút nhẹ gánh lo vào tay Chúa, Người sẽ đỡ đần cho” (Tv 55:23). Môn đệ chỉ là người cộng tác với Chúa. Chúa mới là tác nhân chính trong mọi sự. Thánh Phaolô nói: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1Cr 3:6). Tóm lại, Lời Chúa đã quá rõ ràng, hiển nhiên như ban ngày, không úp mở… Như thế, nguyên nhân của mọi sự lo toan nơi người môn đệ Chúa phải chăng chính là sự thiếu vắng Lời Chúa?

TS: Trong trường hợp chúng tôi không thể lên đường truyền giáo trực tiếp, chúng tôi vẫn có thể truyền giáo gián tiếp qua việc dạy trẻ, phục vụ các em học sinh nội trú hoặc các bệnh nhân tại trạm xá, v.v..

NTG: Vâng, việc dạy trẻ, phục vụ các em học sinh nội trú hoặc các bệnh nhân tại trạm xá, v.v. là những việc phục vụ khá cao đẹp. Đó cũng có thể xem là một việc làm truyền giáo gián tiếp. Tuy nhiên, tại sao chúng ta không tiến thêm một bước nữa là truyền giáo trực tiếp, mà chỉ dừng lại ở việc truyền giáo gián tiếp? Nếu ai cũng nghĩ như thế, thì ai sẽ làm công việc truyền giáo trực tiếp? Bên cạnh đó, việc truyền giáo gián tiếp có hoa trái như thế nào, có bao nhiêu người nhận biết Chúa và trở về với Người? Thiệt là lý tưởng và cao đẹp biết bao, nếu chúng ta không dừng việc truyền giáo ở các trường mầm non, các nhà nội trú hoặc lưu xá, các bệnh viện hoặc trạm xá, các học viện Triết học và Thần học, v.v.. nhưng chúng ta sẽ lên đường tiếp cận gia đình của họ, thân nhân của các em học sinh và bệnh nhân. Sau mỗi giờ tan việc hoặc vào các ngày nghỉ cuối tuần, chúng ta đi thăm gia đình họ, khởi đi từ những cuộc điện thoại thăm hỏi hoặc những giây phút làm quen khi tiếp xúc ngắn ngủi với họ. Có Đức Cha của một Giáo phận kia nảy ra sáng kiến độc đáo là tài trợ cho các sơ nấu xôi đi bán cho các dân làng chưa biết Chúa vào ban sáng, để rồi ban chiều lại đi vào làng thăm hỏi, trò chuyện với họ. Truyền giáo khởi đi từ nồi xôi. Các cô giáo nhà trẻ thấy thiếu vắng một em học sinh, liền gọi điện thăm hỏi, sau đó đi gặp gỡ phụ huynh và thăm viếng gia đình họ. Dần dần, mối tương quan trở nên gần gũi, hương thơm sống Đạo lan tỏa, cuốn hút các linh hồn đi tìm kiếm cội nguồn của hương thơm ấy. Như thế, thực ra truyền giáo gián tiếp là bước khởi đầu của truyền giáo trực tiếp. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở “truyền giáo gián tiếp” thì công cuộc loan báo Tin Mừng sẽ khó khởi sắc và phát triển nhanh được!

TS: Khi truyền giáo cho người dân tộc thiểu số, phải chăng điều đầu tiên cần làm là học ngôn ngữ và văn hóa của họ?

NTG: Điều này luôn cần thiết, nhưng còn cần xem xét bối cảnh và không gian. Lấy ví dụ, nếu tôi đi tới một quốc gia nào đó, buộc phải dùng ngôn ngữ của họ, nếu không biết ngôn ngữ thì không thể câu thông, thì tôi buộc phải học ngôn ngữ và văn hóa mới. Ngược lại, nếu tôi sống tại quê hương mình, nhưng lại là một quê hương đa sắc tộc, thì lúc này tôi cần xem xét nhiều thứ. Nếu người sắc tộc thiểu số chỉ biết dùng ngôn ngữ bản địa của họ, thì hiển nhiên tôi cần học ngôn ngữ của họ. Tuy nhiên, hiện nay khá nhiều người dân tộc thiểu số biết tiếng phổ thông (tiếng Kinh), nên việc học ngôn ngữ của họ không còn là điều kiện tiên quyết để truyền giáo nữa. Tôi đã từng tham dự một số Thánh Lễ của người thiểu số và được nghe cha giảng bằng tiếng bản địa, dâng lễ tiếng bản địa. Tôi cảm thấy thán phục các ngài. Tuy nhiên, sau Thánh Lễ hoặc vào dịp trò chuyện nào đó với người bản địa, tôi có hỏi họ rằng “Cha giảng, bà con có hiểu gì không?”. Họ trả lời: “Nếu Cha giảng bằng tiếng Kinh thì dễ hiểu hơn”. Nói như thế không có nghĩa tôi phủ nhận việc học một ngôn ngữ mới, ngôn ngữ của người bản địa. Học ngôn ngữ và thấm nhuần văn hóa, phong cách sống của anh chị em thiểu số là điều rất tốt, nhưng không còn là điều kiện tiên quyết để thực thi lệnh truyền loan báo Tin Mừng nữa. Dưới lăng kính truyền giáo, tôi nhận thấy rằng người truyền giáo cần có một thần thái, một phong thái truyền giáo đủ mạnh để đi vào một nền văn hóa mới. Phong thái ấy chính là tình yêu, sự nhẫn nại và lòng cảm thương những con người và số phận mà tôi gặp gỡ, tiếp xúc. Tôi cần yêu mến họ. Tôi cần kiên nhẫn với họ. Tôi cần cảm thương họ, động lòng trắc ẩn trước số phận nghèo khổ và dường như không thấy tương lai của họ. Có thể vì không hiểu ngôn ngữ của họ, tôi không biết họ nói gì và cũng chẳng biết diễn tả cho hết ý hết lời tôi muốn nói. Thế nhưng, họ có thể nhận biết tôi thuộc về họ qua tình yêu, sự nhẫn nại và lòng cảm thương tôi dành cho họ. Họ có thể nhận ra tôi là người anh em của họ, là bạn bè chí thiết của họ. Giai đoạn đầu, tôi chưa thể câu thông với họ, nhưng tôi sẽ tìm một người trong số họ làm thông dịch viên. Sau này, hầu chắc nếu muốn dấn thân lâu dài và sinh nhiều hoa trái, tôi cần làm chủ ngôn ngữ và văn hóa của họ.

TS: Nếu lên đường truyền giáo, việc đầu tiên tôi cần làm là gì khi lần đầu gặp gỡ người chưa biết Chúa?

NTG: Đây là câu hỏi của rất nhiều người đặt ra với tôi. Nhiều người cứ hiểu lầm rằng truyền giáo là phải nói về Chúa, giới thiệu Chúa cho người chưa biết Chúa, nên khi gặp họ là lập tức mời gọi họ theo Chúa, theo Đạo, nói về Chúa cho họ nghe ngay. Thực ra, chúng ta chỉ nói về Chúa, giới thiệu Chúa cho người chưa biết Chúa, sau khi đã có mối tương quan thân tình, đủ tin tưởng để đối thoại mà thôi. Nếu quá vội vàng, muốn truyền giáo ngay, coi chừng họ không muốn gặp chúng ta nữa. Cho nên, công việc đầu tiên cần làm là làm quen họ, ngồi chơi với họ. Sau khi thân quen, chúng ta hãy quan tâm đến họ, hoàn cảnh sống của họ và gia đình, con cái họ. Có thể tìm cách giúp họ cách này cách khác để thay đổi cuộc sống vật chất của họ, như san sẻ gạo, mì, thuốc men, đưa đi bệnh viện khám chữa bệnh, phụ giúp sửa nhà cửa, giúp cải thiện đời sống nông nghiệp và chăn nuôi, v.v.. Một khi tạo dựng được sự tin tưởng lẫn nhau, việc đối thoại đức tin ắt sẽ đến. Lúc đó, chúng ta giới thiệu Chúa cho họ. Bên cạnh đó, việc giới thiệu Chúa là một nghệ thuật, cần có phương pháp và kỹ năng. Người ta thường nói “nghề dạy nghề”. Càng xả thân làm việc trên cánh đồng truyền giáo thì sẽ sớm trở thành một thợ gặt lành nghề và chuyên nghiệp mà thôi.

TS: Giả sử người tu sĩ không thể truyền giáo theo nghĩa hẹp, ra đi mở đường dẫn lối cho những người chưa biết Chúa được biết Chúa, chúng tôi cần làm gì để đóng góp cho sứ mạng này với một cách thức khác?

NTG: Câu hỏi này làm tôi liên tưởng tới một câu hỏi trước đó về vấn đề truyền giáo gián tiếp, cũng như những trở ngại bởi cơ chế đời tu. Tuy nhiên, vấn đề của câu hỏi này hơi khác chút xíu, có thể hiểu theo nghĩa “tái truyền giáo” và “tân phúc-âm-hóa”. Đối với cánh đồng truyền giáo Tây Nguyên chẳng hạn, đây thực sự là một nhu cầu lớn. Sau một thời gian dài, các nhà thừa sai đem Tin Mừng đến cho anh chị em sắc tộc thiểu số, với sự thiếu hụt về nhân sự (linh mục, tu sĩ, giáo lý viên) và giáo dục đức tin, hiện nay nhiều người dần xa Chúa, bất chấp luật Hội Thánh, bỏ Đạo hoặc theo đạo khác, v.v.. Vì lẽ đó, theo phán đoán và cảm nhận của tôi, hiện nay Hội Thánh tại vùng đất Tây Nguyên rất cần có một lượng nhân sự đáng kể để làm công việc tái truyền giáo. Đây cũng là điều mà Thánh Phaolô đã từng làm trong các hành trình truyền giáo của ngài, nghĩa là thỉnh thoảng ngài quay trở lại thăm viếng, gặp gỡ những nơi và những người đã từng nghe ngài rao giảng Tin Mừng, được chịu Phép Rửa, để củng cố đức tin và đời sống cộng đoàn của họ (x. Cv 14:21-26; các thư Phaolô). Như thế, có thể quý tu sĩ khó lên đường truyền giáo như thánh Phaolô và các Tông đồ thuở Giáo hội sơ khai, như các nhà thừa sai đã từng đem Tin Mừng đến dân tộc Việt Nam hoặc cho bà con dân tộc thiểu số Tây Nguyên, nhưng có thể cùng nhau cứ từng hai người một đi tới những làng mạc đã từng được nghe biết Tin Mừng mà nay đang dần bỏ Chúa, đang lạc mất đức tin. Đối với người ít học, kém văn minh, chúng ta không thể giúp họ theo cách của người được ăn học, sống văn minh; ngược lại chúng ta cần “tân phúc âm hóa”, tìm kiếm những cách thức mới mẻ, gần gũi, có sức cuốn hút… để giúp bà con hiểu và sống Tin Mừng cách sống động hơn.

Cuối cùng, vì thời giờ hạn chế, tôi trộm nghĩ rằng những trao đổi của chúng ta sẽ thế nào, có thay đổi cái nhìn và cách hành động của chúng ta với lời mời gọi “Ad Gentes” hay không? Những gì sẽ còn đọng lại sau cuộc gặp gỡ này? Liệu chúng ta sẽ cộng tác với Chúa Thánh Thần, để Lời Chúa dẫn dắt chúng ta bước tới những biên cương mới hoặc sẵn sàng cộng tác củng cố đời sống đức tin cho các cộng đoàn đang thiếu vắng mục tử, thiếu các sinh hoạt đức tin hằng ngày?

Chân thành cảm ơn quý vị đã lắng nghe và cầu chúc quý vị luôn là những thợ gặt lành nghề trên cánh đồng truyền giáo của Chúa!

Hẹn gặp quý vị vào dịp khác, và xin Chúa cho chúng ta có nhiều thời gian trò chuyện hơn.

Thân ái trong Chúa Kitô!

Phố Núi, đêm Mùa Chay

Người viết

Giuse BCD

Kiểm tra tương tự

App Hành hương Dòng Tên có phiên bản tiếng Việt

App Hành hương Dòng Tên (Jesuit Pilgrimage), được phát hành từ cuối năm 2022 để …

Kinh “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng” sẽ mang đến cho bạn niềm hân hoan Phục Sinh trong tích tắc

Bắt nguồn từ thế kỷ thứ 6, tương truyền kể lại rằng lời kinh “Lạy …

2 Bình luận

  1. con có một vấn nạn nhờ cha giúp được không ạ. Vấn nạn đặt ra cho con đó là: ” Bạn nghĩ gì về tầm quan trọng của việc đối thoại với người lương dân? Cách thức đối thoại với họ như thế nào để được đón nhận và có những kết quả khả quan?”. Xin cha cùng với ơn Chúa, bằng kinh nghiệm và những kiến thức của mình giúp con được hiểu hơn về vấn nạn này. Con xin chân thành cảm ơn cha nhiều !

  2. Khi được sai đến một địa điểm truyền giáo với người lương dân thì cách thức đối thoại với họ phải như thế nào để mang lại kết quả tốt? Xin cha giải đáp giúp con

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *