Từ “Sách Kinh Thánh”, “Sách Thánh”, ‘Kinh Thánh” xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ. Ta Biblia (τὰ βιβλία) trong tiếng Hy Lạp là danh từ số nhiều, có nghĩa là “những quyển sách” hay “những cuộn sách”. Khi từ này được tiếng Latinh dùng lại, nó chuyển nghĩa thành danh từ số ít và có nghĩa là “quyển sách”. Do đó, nguồn gốc của từ này cho ta biết rằng Kinh Thánh là một bộ sưu tập nhiều quyển sách; nhưng đồng thời, từ này cũng cho thấy đây là một quyển sách quan trọng đến nỗi không có từ nào khác có thể chuyển tải được ý nghĩa ngoài từ “Quyển Sách”.
Kinh Thánh chia làm mấy phần và tỉ lệ giữa các phần đó như thế nào trong Kinh Thánh?
Kinh Thánh Kitô giáo được chia thành 2 phần chính: Cựu Ước và Tân ước. Từ “ước” có nghĩa là giao ước. Những quyển sách đầu tiên của Kitô giáo đề cập đến giao ước “cũ” hay giao ước “đầu tiên” giữa Thiên Chúa và dân của Người là Israel, và giao ước mới. Cựu ước gồm những diễn tả tương quan giữa Thiên Chúa và dân người suốt nhiều thế kỷ trước khi Chúa Giêsu đến. Tân Ước diễn tả tương quan mới mà Thiên Chúa đã khởi sự với con người ngang qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu và thiết lập giáo hội nhờ Chúa Thánh Thần.
Khi chúng ta để ý đến tỉ lệ phân chia giữa Cựu Ước và Tân Ước, ta thấy rằng, Cựu Ước dài hơn Tân Ước ít nhất 3 lần. Cựu Ước là một bộ gồm 46 sách riêng biệt vốn được viết trong nhiều thế kỷ.Tân Ước có 27 quyển và chỉ được viết trong một vài thập kỷ.
Công Tùng SJ
Chuyển ngữ theo Stephen J. Binz, A Catholic Guide to Studying Scripture