[Tối Thứ Sáu Tuần Thánh] Giảng sự thương khó Đức Chúa Giêsu (số 7)

Lời người đánh chữ

Nhân dịp Tuần Thánh, xin giới thiệu đến quý độc giả vài trích đoạn trong cuốn “Giảng sự thương khó Đức Chúa Giêsu” của cha Jeronimo Maiorica. Đây là một trong rất nhiều sách ngài đã viết vào khoảng những năm 1625-1640 bằng chữ Nôm.
Chúng tôi xin dùng bản phiên âm của linh mục Nguyễn Hưng, xin tự ý thêm vào những dấu chấm, phết, ngoặc kép, v.v. cho phù hợp với cách chấm câu hiện đại, với mong muốn giúp độc giả dễ nắm bắt ý câu văn hơn.
Đây là những áng văn cổ, quý báu hơn vàng, đã được gìn giữ suốt 400 năm qua, mà ngày nay khi đọc lại, vẫn còn nguyên khí chất của tinh thần đạo đức đã giúp tổ tiên cha ông chúng ta vượt qua các cuộc bách hại trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam.
Bản văn này là nguồn cho các sách Giảng Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu được viết vào các thế kỷ XIX và XX sau này. Cốt lõi của những điều được viết trong sách này, kể cả cốt truyện, từ ngữ, hình ảnh, v.v. được tóm lại trong các bản Phép Ngắm 15 Sự Thương Khó, vốn là các bản kinh ngắm đứng của các giáo phận cho tới ngày nay.
Thiết nghĩ, dùng các bản văn này làm chất liệu suy niệm và cầu nguyện trong những ngày này, chúng ta sẽ tìm được sự nối kết không chỉ với Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn của Người, mà còn với các thế hệ người Công giáo Việt Nam trong suốt 400 năm qua, đã làm hạt giống mục nát gieo xuống để Giáo Hội sinh nhiều bông hạt ngày nay.

Nguyễn Hai Tính, SJ.

 


ĐỨC CHÚA GIÊSU
Quyển Chi Bát
Giê-su Hội Sĩ Giê-rô-ni-mô Mai-ô-ri-ca thuật
[viết bằng chữ Nôm, cách nay khoảng 400 năm]

Đoạn Thứ Hai Mươi Lăm
Cất xác Đức Chúa Giê-su trong hang đá.

Khi Đức Mẹ cùng các đầy tớ còn khóc thương làm vậy, thì hai ông ấy [ông Giu-se và ông Ni-cô-đê-mô] khuyên Người rằng: “Chớ khóc nữa làm gì, để cho chúng tôi được cất xác, kẻo tối”. Bấy giờ Đức Mẹ thưa rằng: “Xin phô ông [quý ông] để cho ẵm xác con tôi một chút nữa, khiến mẹ lìa con kíp làm chi? Khi con còn trên Câu-rút, xin một bát nước uống mà chẳng ai đưa lên cho, bây giờ mẹ lấy nước mắt này mà tẩm xác con tôi. Ví bằng phô ông chẳng cho ẵm xác con lâu, thì xin chôn mẹ cùng con làm một. Ví bằng tôi được sự ấy thì lấy làm ơn trọng lắm”.

Phô ông ấy nghe lời Đức Mẹ nói thì càng thương Người. Song le ông thánh Giu-ong trình rằng: “Xin Đức Mẹ xét, vì để cho lâu thì tối, cất chẳng kịp chăng”. Bấy giờ Đức Mẹ mới để cho hai người ấy đem xác con đi nơi khác mà tắm cùng xức của thơm, đoạn lấy khăn dài mà quấn hết cả và mình [toàn thân]. Thoạt chốc, lót [trót, trọn] hình Đức Chúa Giê-su liền in vào trong khăn, rầy thì để ở thành Tu-roanh [Torino, bên Ý] trong nước I-ta-li-a, còn xem hình tượng ấy.

Gần núi Ca-la-va-ri-ô có vườn kia, mà trong vườn ấy thì có hang đá là nơi ông Giu-se đã khoét lâu sẵn, để dành ngày sau cất xác mình, mà ông ấy để cất xác Đức Chúa Giê-su nơi hang đá ấy. Bề cao sáu thước, từ săng cho đến đất một thước rưỡi, từ núi chuộc tội cho đến nơi ấy thì kể được một trăm tám bước. Nơi ấy Đức Chúa Trời chọn mà táng xác Con, cho nên dưới thế gian lấy chốn ấy làm nơi sang trọng lắm. Vua thiên hạ mọi nước đến viếng cùng nhớ đến sự thương khó Chúa mình xưa chịu vì tội thiên hạ.

Vậy Đức Mẹ thấy đá che xác con cùng là đá lấp cửa hang, thì lòng Đức Mẹ như cất trong hòn đá ấy, vì chẳng còn thấy mặt con, thì Người than rằng: “Hỡi ôi, ớ mồ rất thánh, ớ đá cực trọng hơn mọi ngọc thế gian, ớ núi có lộc hơn mọi vật, vì chứa được mỏ trọng hơn vàng bạc, là xác Con Đức Chúa Trời, chớ gì mẹ nên như là đá ấy mà chứa được xác con tôi”.

Đến khi đã rồi mọi việc, thì Đức Mẹ giả ơn người cất xác con, lại toan trở lại ban đêm, đợi nơi mồ cho thấy con sống lại. Song le suy rằng, người nữ ở gần các quan thì chẳng nên, vì quan dạy những quân giữ mồ, kẻo ai lấy trộm xác Người đi, mà nói cùng người ta rằng đã sống lại chăng. Vậy Đức Bà nghe lời ấy mà về, qua nơi núi Ca-la-va-ri-ô thì bái Câu-rút còn đứng, vì bởi con mình chết trên ấy, đã nên bậc thang cho người ta được lên thiên đàng.

Đức Mẹ cùng các đầy tớ về thành Giê-ru-sa-lem, lòng thì còn ở trong mồ chứa của trọng hơn mọi của trên trời dưới đất. A-men.

Kiểm tra tương tự

Tại sao lễ Chúa Hiển Linh được coi là lễ hội ánh sáng?

  Lễ Chúa Hiển Linh tập trung cách đặc biệt vào thực tại Chúa Giêsu …

Facebook năm thứ 20: Tình Bạn đang thay đổi thế nào?

  Giống như khi một người hàng xóm lâu năm làm ta ngạc nhiên, chúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *