Tôn sùng phép lạ hay tôn sùng Thập Giá ?

 

 

 

Ngồi trong phòng chờ đợi của bác sĩ, lật trang sách đọc được vài hàng thật thấm thía của Đức Tổng Giám Mục Timothy Dolan: “Nhiều người theo Chúa đến chỗ bẻ bánh, nhưng ít người muốn uống chén đau khổ của Người. Nhiều người tôn sùng phép lạ nhưng ít người tôn sùng thập giá”.

 

Bạn và tôi có bị nhột không, khi đọc câu này?

 

Soi mình vào lời trên, bạn và tôi tháo mặt nạ xuống và chân nhận khuôn mặt thật của mình: “Tôi và bạn là người thích dự tiệc bẻ bánh, nhưng trước khi chén đắng trao tay, ta đã ra về an phận? Bạn và tôi là người luôn xin xỏ và đôi khi nài ép Chúa làm phép lạ, nhưng khi thấy bóng dáng của thập giá, thì ta vội quay đi với bước chân nhanh nhảu trên đường thẳng băng không ổ gà?”

 

Nếu ta là kiểu người như vậy, thì ta đã xứng đáng trở nên môn đệ đích thật của Chúa Giêsu?

 

Trong biến cố Chúa hiển dung, Môsê và Êlia đã xuất hiện và họ đã đàm đạo với Chúa Giêsu về chuyện gì? Các Ngài nói về cuộc xuất hành Chúa Giêsu sắp hoàn thành tại Giêrusalem (x.Lc 9,31). Như thế, đề tài đàm đạo của các Ngài là thập giá, nhưng hiểu ngầm là cả cuộc “xuất hành của Chúa Giêsu” phải diễn ra tại Giêrusalem. Thập giá Chúa Giêsu là cuộc xuất hành, vượt qua biển Đỏ của cuộc khổ nạn, và tiến đến vinh quang Phục Sinh.

 

Hành trình Chúa đi cần phải đón nhận chén đắng, đón nhận khổ đau như là điều thiết yếu không thể thiếu – sine qua non. Ý thức điều đó, Chúa Giêsu đến chỗ bẻ bánh, cầm bánh lên và ăn, Ngài rót rượu vào chén và uống cạn chén rượu đắng cay đầy hương vị khổ đau.

 

Trong khi Chúa uống chén đắng, còn ta thì thế nào khi gặp khó khăn, khổ đau và thử thách? Chắc chắn Chúa không thích thú kiểu tôn sùng phép lạ và đòi Chúa bằng mọi cách phải làm phép lạ, như là Chúa bắt buộc phải xuống khỏi thập giá, thì mới tin.

Chúng ta đừng quên rằng, chính khi chịu đóng đinh trên thập giá đớn đau, Chúa đã làm phép lạ cứu linh hồn của anh trộm lành thống hối ăn năn.

 

Chén đắng Chúa uống cạn, thập giá Chúa vác trọn, tất cả vì cứu độ chúng ta, vì tình yêu dành cho chúng ta. Vì thế, với sự trưởng thành Đức Tin, bạn và tôi không thể chỉ thích bẻ bánh mà chối từ chén đắng, không thể chỉ thích phép lạ cả thể, nhưng lại xin Chúa cho mình đừng phải mang thập giá.

 

Có một vị thánh nữ đã đi trọn vẹn con đường khổ đau với Chúa Giêsu, ngài chịu bách hại bởi Phát xít Đức, bị đi đày tại một trại tập trung và bị giết chết trong sự ác độc của bàn tay ác nhân, ngài đã để lại lời thật tuyệt: “Ai thuộc về Chúa Kitô thì phải sống trọn cuộc đời của Chúa Kitô trải qua. Người đó phải lớn lên và đạt được mức độ trưởng thành của người Kitô hữu, nghĩa là một ngày nào đó người đó phải bắt đầu bước đi trên con đường thập giá, tiến đến vườn Ghếtsêmani và đồi ngôtha (Thánh nữ Edith Stein).

 

Xin Chúa cho bạn và tôi được ơn đón nhận mọi chén đắng, mọi khổ đau, mọi thập giá đến với ta trong từng khoảnh khắc, và sẵn sàng mang vác, uống chọn chén đắng, vác thập giá cho trọn, như Chúa Giêsu.

Henri Nouwen trong tập sách “Con có thể uống chén đắng này?” đã diễn tả tâm tình sâu lắng của Chúa: “Đức Giêsu không nhường bước trước tuyệt vọng và không đẩy lui chén đắng. Người cầm chén chắc nịch trong tay, muốn uống đến giọt cuối cùng. Đó không phải là một hành vi biểu lộ ý chí trước thử thách hay biểu lộ tính anh hùng, nhưng hành vi xuất phát từ sâu thẳm tâm hồn, đó là tiếng ‘vâng’ với Abba, thiết tha vì tình yêu của một quả tim tan vỡ. Giữa lời cầu xin lo lắng của Đức Giêsu, có một giai đoạn làm dịu lòng. Và chỉ trong Phúc âm của thánh Luca là có nhắc đến: ‘Bấy giờ có thiên sứ từ trời hiện đến tăng sức cho Người’ (Lc 22,43).

Trong đau khổ có an ủi, trong bóng tối có ánh sáng, trong tuyệt vọng có hy vọng, giữa thành Babylone có ánh sáng đến từ Giêrusalem, giữa lực lượng của ma quỷ có thiên thần an ủi. Chén đắng chứa nỗi buồn phiền của chúng ta cũng là chén mang đến vui mừng…

Niềm vui và buồn phiền không bao giờ lìa nhau. Trong chén cuộc đời, hạnh phúc và bất hạnh, lạc thú và ưu phiền, vui sướng và tang tóc tròng tréo nhau. Nói cách khác, chén này thật khó uống. Chính vì thế mà chúng ta phải cầm chén một cách cẩn thận, tìm niềm vui che giấu trong buồn phiền”.

 

Nhìn vào cuộc đời của bạn và tôi, chúng ta sẽ nhận ra nhiều chén đắng cần được nhận và uống và nhiều thập giá cần phải vác với tất cả tâm hồn. Chén đắng và thập giá đó có thể là cơn bệnh thể lý không hẹn mà tới, chén đắng thập giá đó có thể là một sự hiểu lầm và rồi cố chấp của đời sống vợ chồng tạo nên một bầu khí lạnh lẽo trong mái ấm gia đình, chén đắng thập giá có thể là sự bội phản của người bạn đời để đi theo một bóng hồng khác để lại đau thương cho vợ và cho con cái, chén đắng thập giá đó có thể là một biến cố đau thương xảy ra cho cha mẹ, khi người con yêu dấu đang còn tuổi cắp sách tới trường bị tai nạn và lìa xa cõi đời, chén đắng thập giá đó cũng có thể là sự chối từ khinh chê của người khác, là vết thương tâm hồn ta mang qua một hành động tệ hại của người ta gặp trong đời. Chén đắng và nhiều chén đắng ít hay nhiều, thập giá và nhiều thập giá lớn hay nhỏ tiếp tục nối đuôi nhau lại đến, cho đến khi ta nhắm mắt lìa đời.

Nhưng dù chén đắng và thập giá lớn hay nhỏ, nỗi đau nặng hay nhẹ, cùng Chúa ta đón nhận và trong ân sủng của Chúa chén đắng, thập giá và nỗi đau có thể biến thành ơn ích và phúc lành cho ta.

Henri Nouwen đã chia sẻ rất thâm thúy về “Nỗi đau và thập giá” như sau: “Nỗi đau của bạn luôn đâm rễ sâu và sẽ không biến mất. Nó làm nên nét độc đáo nơi bạn, vì được liên kết với những trải nghiệm đầu đời của bạn. Bạn được kêu gọi mang nỗi đau đó “về nhà mình”. Chừng nào vết thương ấy còn xa lạ với con người trưởng thành của bạn, thì nỗi đau ấy sẽ còn tiếp tục làm cho bạn cũng như làm cho những người khác bị tổn thương. Đúng thế, bạn phải kết hợp nỗi đau ấy vào bản thân mình và để cho nó đơm hoa kết trái trong trái tim bạn cũng như trong trái tim của những người khác.

Đây là điều Chúa Giêsu muốn nói khi Ngài yêu cầu bạn vác thập giá của mình. Ngài khuyến khích bạn nhận ra và chấp nhận nỗi đau khổ độc đáo của bạn và tin tưởng rằng con đường cứu độ của bạn nằm ở đó. Vác lấy thập giá của mình trước hết có nghĩa là làm bạn với những vết thương của bạn và để chúng mặc khải cho bạn biết sự thật của chính bạn.

Có những nỗi đau khổ lớn lao trên thế giới. Nhưng khó chịu nhất đối với bạn vẫn là nỗi đau của chính bạn. Một khi bạn đã vác lấy thập giá đó, bạn sẽ có thể nhìn thấy rõ ràng những thập giá mà người khác đang phải vác, và bạn sẽ có thể chỉ cho họ những phương cách của riêng họ để họ đạt được niềm vui, bình an và tự do.

Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời. (2 Cr 4,17)”.

 

Xin Chúa cho bạn và tôi có thể nhận ra được giá trị cao quý của thập giá ẩn đàng sau biết bao đau khổ trong đời, để ta không sống để chỉ tôn sùng phép lạ, chờ đợi phép lạ, bắt Chúa làm phép lạ, mà trên hết và trong mọi lúc, ta tôn sùng Thánh Giá và Đấng Chịu Đóng Đinh trên đó. Ngài chính là nguồn sống, nguồn ơn cứu độ, nguồn bình an, nguồn ánh sáng ở cửa thiên đàng đang soi chiếu từng bước chân ta tiến đến đó, quê hương vĩnh cửu, chốn ẩn thân ta được ở bên Chúa muôn đời.

 

 

 

Nürnberg, Trước ngưỡng cửa tuần thánh 2023.

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

 

 

Kiểm tra tương tự

Mến Yêu Hằng Ngày, 20-01-2025

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 2, 20-01-2025 (Mc 2,18-22) Bấy giờ các môn đệ ông …

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …