Trả cho Thiên Chúa môi trường tươi đẹp

“Làm hòa với thiên nhiên” hoặc “hoán cải sinh thái” là cụm từ chúng ta có thể nghe trong vài năm trở lại đây. Số là tình trạng ô nhiễm môi trường, ngôi nhà chung đang bị tàn phá. Hậu quả của nó ai cũng thấy. Tệ hơn, ai cũng bị tác động vì những thay đổi của hệ sinh thái. Về phía Giáo Hội, tạ ơn Thiên Chúa rằng chúng ta đang cố gắng trả lại cho Thiên Chúa môi trường tươi đẹp.

Trong nỗ lực đó, Laudato Si’[1] ra đời như một thông điệp có tính ngôn sứ. Trong đó, Giáo Hội trình bày những hiện trạng đau lòng của môi trường. Ngoài ra, tài liệu còn cho thấy những mặt trái của cách hành xử: từ nền kinh tế sai lầm cho đến hệ thống chính trị không quan tâm đến môi trường. Đó là những tác động vĩ mô khiến môi trường đang gặp khủng hoảng. Bên cạnh đó, Giáo Hội còn mời gọi mỗi người: hãy chung tay bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta. Bước đầu, Giáo Hội hy vọng mỗi người hãy hoán cải chính mình để giao hòa với Thiên Nhiên.

Hoán cải là việc sửa chữa lỗi lầm, thay đổi cách sống để trở nên tốt hơn. Theo định nghĩa này, rõ ràng cả tầm mức vĩ mô cho tới khía cạnh cá nhân, hoán cải thực sự cần thiết trong vấn đề môi sinh[2]. Hơn nữa trong Tân Ước, hoán cải còn là trở về với Thiên Chúa. Nơi đó, chúng ta được Ngài mời gọi để hành động cụ thể, thay đổi đời sống. Thiết tưởng đó là chìa khóa để mỗi người mạnh dạn sáng tạo tái thiết lại ngôi nhà đang bị xuống cấp.

Thú vị là Tin Mừng Chúa Nhật 29 hôm nay[3] đã cho chúng ta chìa khóa trên. Số là vài người đến chất vấn Đức Giêsu: có được phép nộp thuế cho Xê–da hay không? Nộp cũng chết mà không nộp cũng chẳng xong! Nếu nộp, đương nhiên Đức Giêsu chấp nhận chính sách thuế của đế quốc Rôma, vốn đang đô hộ quê hương của Ngài. Còn không nộp, dĩ nhiên ngài đang phạm tội trốn thuế! Giải pháp sau đây giúp ngài thoát được cả hai. Ngài xin một đồng tiền, trên đó có hình của Xê–da. Ai cũng thấy hình ấy. Trong bối cảnh này, Đức Giêsu đã nói một câu để đời cho đến ngày nay: “Của Xê–da, trả về Xê–da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” (Mt 22,21).

Hẳn nhiên công trình tạo dựng chưa bao giờ là của riêng con người. Trái đất và muôn loài trong đó luôn thuộc về Thiên Chúa. “Lạy Chúa Tể là Đấng yêu sự sống, vì mọi loài đều là của Chúa.” (Kn 11,26). Kể cả con người cũng là loài thụ tạo Thiên Chúa dựng nên một cách đặc biệt. Sau đó Thiên Chúa ưu ái cho con người chăm sóc, bảo vệ và phát triển hành tinh này. Thiên Chúa đã yêu cầu chúng ta cai trị trái đất nhân danh Người (x. St 1,28). Trong khi “canh tác” có nghĩa là cày xới hoặc làm việc, “canh giữ” có nghĩa là bảo vệ và giữ gìn. (LS, 67). Phải nhìn nhận rằng nhiều ngàn năm trước, con người đã thành công thực thi sứ mạng này. Ngôi nhà trái đất thời ấy cứ tuần hoàn theo quy luật của đất trời. Tiếc là nhiều thập niên trở lại đây, chính con người đã tác động tệ hại đến mọi góc gách của hệ sinh thái.

Vậy, hãy trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. Chúng ta chỉ là người quản trị chứ không phải ông chủ của trái đất. Thực tế là với não trạng ông chủ, chúng ta đã bóc lột và tra tấn Thiên Nhiên[4]. Vì làm ăn kinh tế hoặc đồng tiền bắt gạo mà người ta bất chấp tác động đến môi trường. Khỏi cần nói ra, chắc ai cũng thấy giữa kinh tế và môi trường phải có liên hệ với nhau. Hoặc nói như Đức Giáo Hoàng Phanxicô, mô hình kinh tế bệnh tật (ví dụ bất công) thờ ơ với những thiệt hại gây ra cho ngôi nhà chung. Nền kinh tế ấy không mấy chăm sóc cho ngôi nhà chung. Chúng ta đang ở ngưỡng cửa hậu quả nghiêm trọng và không thể phục hồi: từ việc đánh mất sự đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu đến mực nước biển dâng cao và rừng nhiệt đới bị tàn phá. Bất bình đẳng xã hội và suy thoái môi trường đi đôi với nhau và có cùng một gốc rễ. (x. Laudato si’, 101).

Thực ra nhiều người đã nhận thấy vấn đề trên. Thế giới cũng đã quan tâm, nhưng dường như đó chỉ là tiếng nói yếu ớt. Với biến cố dịch bệnh Covid–19, cả thế giới thực sự bừng tỉnh để nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc hơn. Hoặc ít ra, “Chỉ cần chân thành nhìn thực tại để thấy có một sự suy thoái trầm trọng trong ngôi nhà chung của chúng ta.” (LS, 61). Thiết tưởng đây cũng là thời cơ để chúng ta hoán cải. Thiên Chúa cần chúng ta tôn trọng Thiên Nhiên, trả lại cho Ngài quyền làm chủ, chúng ta là những người thừa hưởng và chăm sóc. Thay mặt Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ ra lựa chọn của chúng ta:

“Sau khủng hoảng, phải chăng chúng ta sẽ tiếp tục với hệ thống kinh tế bất công xã hội, xem thường việc chăm sóc môi trường, công trình sáng tạo, ngôi nhà chung? Xin cho các cộng đoàn Kitô hữu của thế kỷ XXI có thể làm sống lại thực tại này: chăm sóc công trình sáng tạo và công bằng xã hội, và như thế làm chứng cho sự Phục sinh của Chúa. Nếu chúng ta chăm sóc của cải mà Đấng Tạo hóa ban tặng cho chúng ta, nếu chúng ta đặt tất cả những gì chúng ta sở hữu làm của chung để không ai bị thiếu thốn, thì chúng ta có thể thực sự khơi dậy hy vọng tái tạo một thế giới lành mạnh và công bằng hơn.”[5]

Ước chi trong và sau đại dịch này, chúng ta đi cùng với nhau. Các quốc gia biết hợp tác để chữa lại những lỗi lầm đã gây ra cho ngôi nhà chung này. Mỗi người cũng nhắc nhau và chính mình góp phần bảo vệ môi trường. Bởi đơn giản, đằng sau những hành động ấy là thái độ biết ơn Thiên Chúa. Biết ơn vì Ngài đã trao mọi điều tốt đẹp cho con người sử dụng và chăm sóc. “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp.” (St 1,31). Hơn nữa thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II khẳng định rằng: “Không phải chỉ có trái đất được Thiên Chúa ban cho con người và con người phải sử dụng nó trong sự tôn trọng ý hướng nguyên thủy, tốt đẹp của Đấng Tạo Hóa, nhưng cả con người cũng được Thiên Chúa ban cho chính mình và như vậy con người phải tôn trọng cấu trúc tự nhiên và luân lý mà mình đã lãnh nhận.” (Thông điệp Centesimus Annus, số 38).

Nếu giờ đây Ngài nhìn vào mặt địa cầu này, chắc ngài phải thốt lên rằng: “Ta đã quyết định giờ tận số của mọi xác phàm, vì tại chúng mà đất đầy bạo lực.” (St 6,13). Bởi theo lẽ tự nhiên, nếu chúng ta chống lại quy luật của đất trời, thiên nhiên, chắc chắn con người phải nhận hệ quả ê chề. Đây là lúc chúng ta hoán cải và xin Chúa trợ giúp để làm mới lại quả địa cầu[6]. Đây cũng là ngày chúng ta hãy trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài.

Lời cầu nguyện cho trái đất của chúng ta[7]:

Lạy Thiên Chúa toàn năng,

Cha đang hiện diện trong toàn thể vũ trụ

và trong các loài thọ tạo nhỏ bé nhất của Cha.

Cha ôm lấy tất cả mọi sự đang hiện hữu

bằng sự dịu dàng của Cha.

Xin đổ tràn trên chúng con sức mạnh của tình yêu Cha,

để chúng con có thể bảo vệ sự sống và vẻ đẹp.

Xin đổ tràn đầy sự bình an trên chúng con,

để chúng con có thể sống như những anh chị em,

mà không làm hại một ai.

Ôi lạy Thiên Chúa của người nghèo, xin giúp chúng con

biết cứu người bị bỏ rơi và bị lãng quên của trái đất này,

vốn quá quý giá trước mắt Cha.

Xin mang lại sự chữa lành cho cuộc sống của chúng con,

để chúng con có thể bảo vệ thế giới

mà không tận diệt thế giới,

để chúng con có thể gieo vẻ đẹp,

chứ không phải sự ô nhiễm và huỷ diệt.

Xin chạm đến những tâm hồn

của những người đang chỉ biết tìm lợi ích

bằng cái giá của người nghèo và trái đất.

Xin dạy chúng con biết khám phá giá trị của từng sự vật,

để được lấp đầy bằng sự kính sợ và chiêm niệm,

để nhận biết rằng chúng con được hiệp nhất sâu sắc

với mọi loại thọ tạo

trên hành trình tiến về ánh sáng vô biên của Cha.

Chúng con xin tạ ơn Cha

vì đã hiện diện với chúng con mỗi ngày.

Xin khích lệ chúng con, khi chúng con cầu nguyện,

trong cuộc chiến của chúng con

cho công lý, tình yêu và hoà bình.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

………………

[1] Laudato si’ có nghĩa là: Chúc tụng Thiên Chúa. Đó là tên chính của Thông điệp được Đức Giáo Hoàng Phanxicô công bố ngày 18 tháng 6 năm 2015. Bên dưới Thông điệp có phụ tựa: Chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.

[2] “Ngài không bỏ rơi chúng ta, Ngài không bỏ mặc chúng ta đơn độc, vì Ngài đã tháp nhập vĩnh viễn với trái đất của chúng ta, và tình yêu của Ngài luôn thúc bách chúng ta tìm kiếm những cách thế mới để tiến bước”  (Laudato Si’, số 245).

[3] Chúa Nhật 29 Mùa TN. Mt 22,15–21.

[4] “Nhiều khi từ chối nhìn nhận Thiên Chúa như nguyên ủy của mình, con người cũng phá đổ trật tự phải có để đạt tới cùng đích của mình và đồng thời phá vỡ mọi hòa hợp nơi chính bản thân cũng như đối với những người khác và với mọi loài thụ tạo.” (Gaudium et Spes, số 13).

[5] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020–08/dtc–phanxico–tiep–kien–chung–kinh–te–dai–dich–ngoi–nha–chung.html.

[6] “Nếu cuộc khủng hoảng sinh thái hiện nay là một dấu hiệu bên ngoài của cuộc khủng hoảng đạo đức, văn hoá và tinh thần của thời hiện đại, thì chúng ta không thể giả vờ chữa lành mối tương quan với thiên nhiên và môi trường mà không chữa lành tất cả các mối tương quan nhân loại nền tảng.”  (Laudato Si’, số 119)

[7] Trích trong thông điệp Laudato Si’số 246.

Kiểm tra tương tự

Trong Chúa, chúng ta là những người bạn đích thực

Trong tâm tình chờ đón Đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, Học Viện Thánh Giuse …

Tìm lại ý nghĩa đích thực của Mùa Vọng

  Đôi khi, chúng ta nỗ lực hoàn thành danh sách những việc phải làm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *