Tranh về Thánh Matthêô Tông đồ, tác giả Tin Mừng

Ngày 21 tháng 9, Giáo hội kính Thánh Matthêô Tông đồ, tác giả Tin Mừng và là Thánh Tử vì đạo. Ngày này, tuy mới chính thức được xác lập từ thế kỷ thứ VIII, nhưng trước đó rất lâu, từ thế kỷ thứ V, việc tôn kính Thánh Matthêô đã có. Hình tượng Thánh Matthêô, bởi vậy, cũng đã xuất hiện rất sớm trong icon, gắn liền với việc thờ kính này…(1)

Kể từ thời Phục hưng, tác phẩm hội họa kể lại cuộc đời và công nghiệp của vị Thánh này ngày càng nhiều. Trong đó, có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng của nhiều họa sĩ danh tiếng như Caravaggio, Hendrick Terbruggen, Reni, Rubens, Rembrandt v.v…

Tuy nhiên, nổi tiếng nhất, là bộ ba tác phẩm “Công nghiệp Thánh Matthêô” mà Caravaggio vẽ cho nhà nguyện Contarelli trong nhà thờ của cộng đoàn nói tiếng Pháp San Luigi dei Francesi, ở Rôma, theo yêu cầu của Đức Hồng Y Matteo Contarelli, trong khoảng thời gian từ 1599 đến 1602.

Ba tác phẩm về Thánh Matthêô của Caravaggio đặt liền kề trong nhà nguyện Contarelli này, đương thời, đã vô cùng nổi tiếng, đã tạo nên những ảnh hưởng lớn – mở đường cho hội họa Baroque…, và cho đến ngày nay, vẫn được xem là những đỉnh cao “vượt thời gian” của nghệ thuật Công giáo.

Dưới đây chúng ta sẽ lần lượt “khảo sát” từng tác phẩm.

1. “Kêu gọi Matthêô”

“Kêu gọi Matthêô”

1599-1600
Sơn dầu trên vải, 322 x 340 cm
Caravaggio
Contarelli Chapel, San Luigi dei Francesi, Rôma
Hình ảnh trong tranh thể hiện sự kiện Chúa Giêsu cùng Thánh Phêrô vào nhà người thu thuế Lêvi (tên của Thánh Matthêô trước khi ông trở thành Tông đồ) và kêu gọi ông hãy từ bỏ tất cả mà theo mình. Trong bức tranh này, Caravaggio đã sử dụng các thủ thuật tương phản để nhấn mạnh chủ đề. Trước hết, là sự tương phản của những hình ảnh phân biệt sang, hèn trong cách nhìn nhân gian. Lêvi và các cộng sự đều ăn mặc sang trọng, đang ngồi đếm tiền, trong khi, cả Chúa Giêsu lẫn Thánh Phêrô đều đi chân đất và có dáng dấp không khác bất cứ người Do Thái nghèo hèn nào. Sự tương phản như vậy đã làm sáng tỏ ý nghĩa của sự “từ bỏ” nơi Thánh Matthêô. Tương phản tiếp theo là ánh sáng. Ánh sáng trong tranh, vừa hết sức tự nhiên, vừa như mới thoát ra từ khung cửa sổ nào đó cùng với sự xuất hiện bất chợt của Chúa. Ánh sáng nơi cánh tay Chúa Giêsu và nơi bàn tay Thánh Phêrô hướng về Lêvi, cùng ánh sáng thuận chiều như đang biểu hiện cho ý nghĩa của ơn “Kêu gọi”… Thêm nữa, theo nhiều nhà phê bình đương thời, cánh tay đưa ra của Chúa Giêsu khiến gợi nhớ đến cánh tay “ban phát sự sống” của Đức Chúa Trời trong phần tranh thể hiện cảnh tạo thành Ađam mà Michelangelo đã vẽ trên vòm nhà nguyện Sistine trước đó…(2)

“Trong dáng vẻ nghèo hèn, Thiên Chúa đã mang lại ánh sáng và sự sống!” – đó là điều có thể khái quát từ hình ảnh trong tranh

2. “Ơn linh hứng của Thánh Matthêô”

“Ơn linh hứng của Thánh Matthêô”
1602
Sơn dầu trên vải, 292 x 186 cm
Caravaggio
Contarelli Chapel, San Luigi dei Francesi, Rôma
Đây là bức tranh thứ hai mà Caravaggio phải vẽ về chủ đề này sau khi bức tranh thứ nhất đã gây nên quá nhiều tranh cãi và đã bị Đức Hồng Y Del Monte – nhà bảo trợ chính của Caravaggio ở Rôma – phản đối gay gắt. Ngay dưới đây là hình ảnh bức tranh thứ nhất đó.
“Thánh Matthêô và thiên thần”
1602
Sơn dầu trên vải, 232 x 183 cm
Caravaggio
Formerly Kaiser-Friedrich-Museum, Berlin
Đặt hai tác phẩm này bên nhau, chúng ta dễ nhận thấy, sự khác nhau trong cách nhìn nhận sự kiện Thánh Matthêô viết “Tin mừng” (và cả sự khác nhau trong quan niệm về cái đẹp, về nghệ thuật). Ở bức tranh đầu, Caravaggio muốn đặt một cách nhìn “hiện thực”. Theo ông, Thánh Matthêô là một người cục mịch, vụng về trong chữ nghĩa. Ông không thể tự mình viết “Tin mừng”. Ông đã viết “Tin mừng” dưới sự cầm tay – cũng không kém phần chật vật – của Thiên thần. Bức tranh bị cho là đã tước đoạt mất “thần tính” của vị Thánh. Thậm chí bị cho là báng bổ, và đã bị từ chối. (Bức tranh, sau đó, được một chủ ngân hàng giàu có tên Vincenzo Giustiniani mua lại và đưa về bảo tàng Kaiser Friedrich ở Berlin, Đức. Đến cuối chiến tranh thế giới lần thứ II, nó đã bị phá hủy hoàn toàn. Bởi vậy mà ngày nay, chúng ta chỉ còn được nhìn thấy qua tấm ảnh đen trắng này…).

Caravaggio đã miễn cưỡng vẽ bức tranh thứ hai. Vẽ theo cách truyền thống – thể hiện Thánh Matthêô như một bậc cao minh đang ngẩng cao đầu đón nhận thông điệp từ Thiên sứ đến từ trời cao. Tuy được vẽ một cách miễn cưỡng, nhưng bức tranh này, dù sao cũng là tác phẩm của một thiên tài hội họa. Bởi vậy, mà ngay từ khi mới hoàn thành, tác phẩm đã được tán thưởng nhiệt liệt. Peter Robb, người viết tiểu sử Caravaggio, đã viết: “Đức Hồng Y Del Monte đã vô cùng hài lòng”.

Trong sử sách nghệ thuật về sau, các nhà nghiên cứu cũng đã nói nhiều về hai tác phẩm này. Theo E.H. Gombrich, người đã nhìn thấy cả hai tác phẩm gốc cho rằng: “Cả hai, tuy đặt ở hai cách nhìn khác nhau, nhưng cả hai, đều là những tuyệt tác. Nó khiến người xem phải tự hiểu, trước tác phẩm nghệ thuật, cần hơn hết là một cái nhìn cởi mở. Bởi, chỉ với sự cởi mở, mới có thể nhận thấy và có được niềm vui trước những cái đẹp khác nhau…”

3. “Thánh Matthêô tử vì đạo”

“Thánh Matthêô tử vì đạo”
1599-1600
Sơn dầu trên vải, 323 x 343 cm
Caravaggio
Contarelli Chapel, San Luigi dei Francesi, Rôma
Chúng ta đã biết, Thánh Matthêô đã bị giết chết theo lệnh của ông vua độc ác Lusted ở Ethiopia trong khi Ngài đang cử hành Thánh Lễ tại bàn thờ. Bức tranh diễn tả cảnh náo động của cuộc giết chóc đó. Thánh Matthêô đã ngã xuống và kẻ giết người chuẩn bị ra tay. Những người chung quanh hốt hoảng bỏ chạy. Chỉ có Thánh Matthêô như đã sẵn sàng đón nhận cái chết “vinh danh Thiên Chúa”. Cánh tay mà kẻ giết người đang cầm chặt của Ngài như đang vươn lên đón nhận cành cọ Thiên sứ mang xuống từ trên cao… Cũng theo người viết tiểu sử Caravaggio là Peter Robb, Đức Hồng Y Del Monte – nhà bảo trợ chính của Caravaggio ở Rôma – đã hết lời khen ngợi tác phẩm: “Sự tài giỏi của họa sĩ, là đã thể hiện được trong tranh, không phải là khoảnh khắc của sự sợ hãi, mà là khoảnh khắc của niềm vui. Đó là biểu hiện tuyệt vời của đức tin và lòng dâng hiến”Xin nói thêm đôi dòng về ý nghĩa của cành cọ: theo truyền thống văn hóa Hy Lạp có từ thời cổ đại, cành cọ, là biểu tượng sự chiến thắng của sự sống trước cái chết, và theo truyền thống Công giáo Tây phương, cành cọ còn là biểu tượng của Thiên đường…

Còn nhiều điều có thể nói về bộ ba tác phẩm này của Caravaggio. Chẳng hạn như những đóng góp mới mẻ trong sự phát triển của ngôn ngữ nghệ thuật thể hiện trong tác phẩm. Chẳng hạn như tầm ảnh hưởng của chúng lên các nghệ sĩ đương thời. Và, vô số những giai thoại có liên quan. V.v… Tuy nhiên đây là những vấn đề nằm ngoài chủ định của bài viết này. Tôi sẽ quay lại, trong một bài viết khác, bàn về sự vận động phát triển của nghệ thuật Công giáo.

Nguyên Hưng

Ghi chú:

(1) Một icon tiêu biểu thể hiện Thánh Matthêô

(2) Cảnh tạo thành Ađam mà Michelangelo đã vẽ trên vòm nhà nguyện Sistine

Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20110922/12719

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Tàn sát trẻ thơ vô tội

Guido Reni vẽ vào năm 1611. Hiện được trưng bày trong Pinacoteca Nazionale di Bologna. …

Câu chuyện đằng sau bức tượng hình nón thông cao gần 4 mét tại Vatican

Bức tượng hình nón thông có từ thế kỷ thứ 2 được Dante Alighieri nhắc …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *