Chuyện trên đường vác thánh giá
« Chúng dẫn Người đi đóng đinh vào thập giá. Lúc ấy có một người ở ngoài đồng về, đi ngang qua đó, tên là Si-mon, người Ky-rê-nê. Ông là cha của ông A-lê-xan-đê và ông Ru-phô. Chúng bắt ông thập giá của Đức Giê-su ». Mc cho thấy ông Si-mon và cả gia đình là những người quen thuộc trong cộng đoàn tín hữu. Các môn đệ bỏ trốn hết. Một người qua đường bỗng trở thành môn đệ theo nghĩa đen của điều kiện làm môn đệ : vác thập giá. Mc làm chúng ta lúng túng khi nói « thập giá của Người [Đức Giê-su] ». Điều kiện làm môn đệ Chúa đưa ra là « vác thập giá của mình ». Chúa mang lấy tội lỗi của tôi và chết cho tôi, nên thập giá trên đó Chúa chịu đóng đinh là thập gía của tôi. Ông Si-mon trở thành hình tượng [icon] đích thật của người môn đệ rồi.
Chuyện trên đồi Gôn-gô-ta
« Chúng đưa Người lên một nơi gọi là Gôn-gô-ta, có nghĩa là Cái Sọ. Chúng trao rượu pha mộc dược cho Người, nhưng Người không uống. » Từ lúc này chúng ta nghe vọng các thánh vịnh 22 ; 38 và 69 là những thánh vịnh diễn tả nỗi đau đớn khắc khoải của người công chính bị bách hại. Rượu pha mộc dược là thứ để giảm đau, nhưng gợi lên Tv 69,22 : « Thay vì đồ ăn chúng trao mật đắng, con khát nước lại cho uống giấm chua ».
« Chúng đóng đinh Người vào thập giá, rồi đem áo người ra bắt thăm mà chia nhau xem ai được cái gì ». Chúng thực hiện lời thánh vịnh 22,19) : « Áo mặc ngoài chúng đem chia chác, còn áo trong cũng bắt thăm luôn ».
« Lúc chúng đóng đinh Người là giờ thứ ba (tức 9 giờ sáng). Bản án xử tội Người viết rằng : « Vua dân Do Thái». Thế là Phi-la-tô biến câu chuyện « xử tử bât đắc dĩ » này thành công trạng của ông ta trước mặt thiên hạ : ông đóng đinh được vua dân do Thái ! Để cho trọn lời sách Is 53,12, họ đóng đinh hai tên cướp hai bên Chúa Giê-su. Nhưng trong cái tính toán chính trị, Phi-la-tô lại vô tình xác nhận lời tung hô của dân chúng và lời loan báo Đấng Mê-si-a là người kế vị vua Đavit.
Chúa bị đóng đinh trên thập giá, thì kẻ qua người lại tự do phỉ báng. Họ đem lời Chúa dùng hình ảnh Đền thờ để nói về cuộc thương khó và phục sinh mà chế giễu. Các thượng tế và kinh sư đắc thằng đem danh hiệu « Ki-tô, Vua It-ra-en » ra mà chế giễu, thách Chúa xuống khỏi thập giá. Thậm chí hai kẻ gian phi cùng chịu đóng đinh ở hai bên cũng sỉ vả Chúa. Quả là : « Thấy con ai cũng chê cười – lắc đầu, bỉu mỏ buông lời mỉa mai » (Tv 22,8).
Giữa những tiếng nhạo cười, chế giễu Chúa Giê-su vẫn im lặng. Nhưng vào giờ thứ sáu bóng tối bao phủ khắp mặt đất mãi đến giờ thứ chín. Nghỉa là từ giữa trưa tới 3 giờ chiều, lúc Chúa Giê-su tắt thở. Trong bóng tối ấy Chúa Giê-su lớn tiếng cầu nguyện bằng câu mở đầu thánh vịnh 22. Những kẻ đứng đó nghe láng máng như Chúa gọi ông Ê-li-a và chế giễu. Có kẻ dùng miếng bọt biển đưa giấm lên cho Chúa uống, nhưng Chúa kêu một tiếng lớn rồi tắt thở. Trước khi đóng đinh họ cho uống rượu pha mộc dược, Chúa không uống. Bây giờ họ đưa giấm lên, vô tình làm trọn câu Tv 69,22 : « Thay vì đồ ăn chúng trao mật đắng, con khát nước lại cho uống giấm chua ». Ba yếu tố quan trọng ở đây là bóng tối, Chúa cầu nguyện bằng lời thánh vịnh 22 và tiếng kêu lớn. Liên kết ba yếu tố này với nhau trước khi Chúa tắt thở rồi sau đó là lời tuyên xưng của viên sĩ quan chỉ huy hành quyết, chúng ta nhận ra sự hiển linh của Thiên Chúa khi Chúa Giê-su ở trên thập giá.
Tiếng kêu lớn trong bối cảnh Chúa chịu đóng đinh thập giá có thể gợi lại Tv 38,9 : « Bị suy nhược, nát tan, kiệt sức, tim thét gào thì miệng phải rống lên ».
Thánh vịnh 18 diễn tả cảnh người lâm cơn ngặt nghèo cầu cứu và Thiên Chúa hiển linh cứu độ : « Lúc ngặt nghèo tôi kêu cầu Chúa, kêu lên Người là Thiên Chúa của tôi ; từ thánh điện, Người đã nghe tiếng tôi cầu cứu, lời tôi khấn nguyện vọng đến tai Người… Chúa nghiêng trời ngự xuống, chân đạp lớp mây mù… Chúa dùng bóng tối làm màn bao phủ, lấy mây đen nghịt làm trướng che Người… Chúa nổi sấm vang trời, Đấng tối cao lớn tiếng » (Tv 18,7.12).
Mc cho chúng ta thấy thập giá là nơi vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện và nối với Đền Thờ : Thiên Chúa đến ôm lấy Con của mình trên thập giá nên bóng tối bao trùm mặt đất. Trong vòng tay của Cha, Con đang đau khổ tột cùng kêu lên : « Sao Chúa bỏ con ! », và chính lúc ấy Con được tôn vinh. Tiếng kêu lớn không nội dung, là tiếng của Thiên Chúa vang lên từ miệng Con : « Tiếng Chúa thật hùng mạnh ! Tiếng Chúa thật uy nghiêm !… » Đáp lại tiếng oai hùng của Chúa : « Còn trong thánh diện Người, tất cả cùng hô : Vinh Danh Chúa ! » (Tv 29,4.9) Kết quả : « bức màn trướng trong Đền thờ liền xé ra làm hai, từ trên xuống dưới ». Bức màn trướng xé ra vì từ nay con người và Thiên Chúa đã gặp nhau trong Chúa Giê-su Ki-tô Con Thiên Chúa, không còn ngăn cách nữa.
Trong bối cảnh hiển linh của Thiên Chúa thì tiếng kêu lớn còn là tiếng Thiên Chúa rống lên như sư tử để qui tụ con cái bốn phương trong Giao ước Mới, theo lời hức trong sách Hô-sê-a : « Người sẽ rống lên như sư tử. Quả thật Người sẽ rống lên, và từ phía tây, con cái sẽ vui mừng chạy tới. Chúng sẽ chạy tới lẹ như chim từ Ai-Cập, như bồ câu từ Át-sua, và Ta sẽ cho chúng cư ngụ trong nhà của chúng » (Hs 11,10-11).
Viên sĩ quan chỉ huy cuộc hành quyết là người phải chứng thực tử tù bị hành quyết đã chết (ngày nay người chỉ huy bắn phát súng ân huệ là để bảo đảm chết thật rồi), nên ông phải đứng đối diện Chúa Giê-su : « Thấy Người tắt thở như vậy liền nói : « Quả thật người này là Con Thiên Chúa ». Thốt ra lời ấy, ông hiểu như thế nào thì chúng ta không biết, nhưng với người tín hữu nghe hay đọc chuyện thì Mc đã trình bày xong « Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô Con Thiên Chúa », với hai lời tuyên xưng của thánh phê-rô và của viên sĩ quan.
« Cũng có mấy phụ nữ đứng nhìn từ đàng xa… Các bà này đã đi theo và phục vũ Đức Giê-su khi Người còn ở Ga-li-lê. Lại có nhiều bà khác đã cùng với Người lên Giê-ru-sa-lem, cũng có mặt tại đó ». Vị trí của các bà cũng cho thấy lời thánh vịnh ứng nghiệm : « Con bị tai ương, người thân kẻ nghĩa chẳng tới gần, bà con ruột thịt cũng đứng xa » (Tv 38,12). Tuy vậy Mc còn tiếp tục cho thấy nhóm phụ nữ như là cái gạc nối từ Ga-li-lê tới Gôn-gô-ta và ngôi mộ.
(xin mời đọc trang tiếp theo)