Trở nên môn đệ

Trở nên môn đệ

Ngắm nhìn và lắng nghe : nhìn từ nơi Thiên Chúa làm việc, dìm mình trong suối nguồn tình yêu Thiên Chúa tuôn trào nơi con tim của Đấng chịu đóng đinh, lòng bừng cháy lửa hồng của Thánh Thần, chân bước nhanh…Dễ quá, nhưng sao nhiều người môn đệ vẫn  dậm chân tại chỗ ?

Dễ lắm !

Khi một người được sai đi loan báo Tin Mừng thì Cộng đoàn hoặc người đại diện cộng đoàn “giao phó người đó cho ân sủng Chúa” (x.Cv 15,40). Lời chào lúc chia tay luôn là “phó thác anh (chị) em cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người” (x. Cv 20,32). Từ đó, người môn đệ trên đường trở thành “chứng nhân cho Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa” (Cv 20, 24).

Đúng là quá dễ rồi nhé. Chính Thiên Chúa sẽ khuôn đúc để người được sai đi có được cung cách Tin Mừng, cung cách của Giêsu, Con Thiên Chúa làm người ở cùng chúng ta.

Một khi có Giêsu ở với tôi và trong tôi, cùng tôi tiến bước, thì đương nhiên tôi sẽ trở nên hiền lành, khiêm tốn, đơn nghèo và giầu lòng xót thương, một lòng tin tưởng, vững vàng cậy trông và tràn đầy lửa mến. Ngang qua những gặp gỡ, con tim của tôi mỗi ngày trở nên mềm mại, dễ thương, biết lắng nghe và thân thiện, và đặc biệt là quen dần với những nghịch lý.

Thực ra, trên con đường sứ vụ của đời môn đệ, Chúa chỉ dậy tôi từng chút, cứ như một học trò nhỏ.

Thú thật, có những chuyện khó hiểu lắm, chẳng hạn như tôi cứ thắc mắc tại sao bà con sắc tộc lại chiều chuộng con cái đến thế, xin gì cũng ráng kiếm cho được dù phải vét đồng xu cuối cùng. Lạ lắm, cha mẹ chiều con tới bến, chỉ cần thấy con cười là cha mẹ vui rồi, làm vậy khác nào tập cho con cái hư thân. Nhưng khi nhìn lên Chúa, tôi thấy có cái gì hao hao tương tự: Thiên Chúa dựng nên con người, vui thích ở giữa con người, cho con người tự do vâng nghe lời Chúa hay bất tuân cũng được… Dĩ nhiên là có lắm kẻ không nghe, và Chúa lại phải đuổi theo mời gọi, năn nỉ, dỗ dành, thương xót, chăm sóc… rồi chờ đợi  mà chưa bao giờ thấy Chúa mất kiên nhẫn.

Quả thật, tôi nhìn thấy nơi Chúa một con tim đầy quyền năng đủ để yêu cho đến cùng. Thế thì tôi là ai mà lại không bước theo Chúa cho đến cùng, trên con đường của  tình yêu đến cùng. Vì cái thế giới tàn bạo đã giết Con Thiên Chúa chỉ có thể trui luyện bằng lửa hồng thập giá.

Trên con đường được sai đến với người nghèo, tôi cứ hay nghĩ quẩn: cho rằng khi đối diện với những người nghèo đói thì phải lo cho họ chén cơm, gói mì, quần áo. Tôi không nghĩ rằng, miếng ăn cần thật đấy, nhưng chưa phải thứ cần nhất và quan trọng nhất. Nhớ đến cảnh anh què ngồi ăn xin ở cửa đẹp đền thờ, mong có được chút tiền ấm thân, tông đồ Phêrô đưa anh đi xa hơn “…Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Na-da-rét, anh đứng dậy mà đi!”

Thật tuyệt vời, khi ngươì môn đệ nhân danh Giêsu, trao cho người con tim của tình bạn, cùng với cử chỉ trìu mến, thì phép lạ diễn ra.

Được sai đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo, các sứ giả thường quên “Nước Thiên Chúa là của họ”. Thật trớ trêu, đứng trên vùng đất Thiên Chúa mà các sứ giả chỉ trao được mấy ký gạo với thùng mì tôm thôi sao! Phải làm gì đây ?

Đến với mọi người bằng một cặp mắt nhìn thấu ngai tòa Thiên Chúa giữa nhân gian nhờ Thánh Thần.

Gặp gỡ nhân danh Giêsu, với một con tim biết lắng nghe, và một con tim của tình bạn.

Bước vào từng cảnh đời trước sự hiện diện của Thiên Chúa,

Lần dở từng trang Kinh Thánh mà lòng bừng cháy vì đã chạm vào  Lời ban sự sống.

Người được sai đi loan báo Tin Mừng đã quen nghe Thiên Chúa kể chuyện qua Thánh Kinh, về cách thế Thiên Chúa tìm đến với con người và ở với con người trong dòng lịch sử, qua nhiều cảnh đời, cá nhân cũng như tập thể.

Tuy nhiên, ngang qua những nẻo đường khác nhau, trong khi bước vào từng ngôi nhà, đặc biệt những  lần gặp những phận đời éo le, thê thảm, đáng thương, thì phải nói gì đây để an ủi, vỗ về cho vơi bớt khổ đau!

Hơn bao giờ hết, đây là lúc để chiêm ngắm và lắng nghe, hòa mình vào cuộc trò chuyện giữa Thiên Chúa với phận đời của một con người hoặc một gia đình, một cuộc trò chuyện nhận chìm tất cả vào trong khoảng không thinh lặng chứa đầy sự hiện diện của Thiên Chúa, từ đó con người với con người nhận ra những dấu ấn của Thiên Chúa, là bằng chứng cho thấy Người vẫn hằng nâng niu, ấp ủ và dẫn dắt những con người này trên đôi tay quyền năng của Người.

Hòa mình trong những cảnh đời này, cho đến một lúc người được sai đi loan báo Tin Mừng không còn là ngưới ngoài cuộc, mà là nhập cuộc với Giêsu và trong Giêsu.

Khi tất cả được nhận chìm trong Danh Thánh Giêsu, thì điều ký diệu diễn ra. Hoàn cảnh trước mắt vẫn vậy mà không phải vậy: nơi những cảnh đời xem ra chỉ là những câu chuyện trong nhiều câu  chuyện bình thường, nhưng khi câu chuyện được ngắm nhìn và được kể lại  trong quyền năng Thiên Chúa, thì không còn là chuyện đơn thuần của một đời người, nhưng là chuyện Thiên Chúa trong cảnh đời của từng cá nhân và gia đình: PHÉP LẠ LÀ ĐÂY… một cảnh đời mang dấu ấn Giêsu, làm thành một chuyện kể nhân danh Giêsu, và tất cả tràn ngập tiếng reo vui vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Đaminh Trần Văn Tân, SJ.

Kiểm tra tương tự

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …