“Trở Thành Giáo Lý Viên Đã Làm Tôi Thay Đổi”

Chào chị, xin 2chị “bật mí” một chút về bản thân và gia đình của chị?

Tôi sinh ra nơi một vùng quê ở Bình Thuận. Xứ đạo của tôi nhỏ nên thiếu cả linh mục chứ nói gì đến trường giáo lý bài bản. Vì Bố rối đạo nên tôi chẳng được rửa tội và cũng không biết gì đến việc học giáo lý. Thế nhưng, nhờ Bà ngoại mà tôi còn tin Chúa, còn biết đến nhà thờ khi tôi phải xa nhà vào Sài gòn để mưu sinh. Lúc đó là năm 1995, khi tôi được 18 tuổi. Từ giáo xứ Hiển Linh, tôi bắt đầu học giáo lý Dự tòng để trở thành một người Kitô hữu thực sự. Chính vì vậy, tôi ước mơ một ngày nào đó được chia sẻ giáo lý cho những người Dự tòng, đặc biệt nơi vùng quê của tôi, bằng những điều tôi được học và kinh nghiệm tôi đã sống. Hy vọng rằng điều đó sẽ giúp ích cho họ hơn. Tuy nhiên, khó khăn của tôi lúc này là khó để tiếp tục chương trình cao đẳng Giáo lý viên (GLV) ở trung tâm mục vụ vì đường xa mà tôi lại không biết đi xe máy… Những bạn đồng hành giờ đã tốt nghiệp hết, nên tôi chỉ còn một mình.

Từ một tân tòng đến trở thành GLV, việc dạy giáo lý cho các em đã ảnh hưởng gì đến cuộc đời chị?

Việc dạy giáo lý đã thay đổi đời tôi khá nhiều. Trước nhất là tôi có thể giúp một chút gì đó cho giáo xứ chứ không chỉ đến đi lễ. Rồi tôi cảm nhận được niềm vui khi thấy các em thiếu nhi biết Chúa hơn và sống tốt hơn. Về phần mình, nhờ làm GLV mà đời sống của tôi đỡ tệ hơn; nếu không đi dạy, tôi sẽ chẳng ý thức việc sống Lời Chúa, nên mỗi ngày sẽ tệ hơn một chút và cuối cùng sẽ rất tệ.

Bên cạnh đó, từ lúc trở thành một GLV tôi đã cảm thấy một sự giằng co giữa những điều mình dạy và những gì mình sống. Tôi dạy các em sống Lời Chúa nhưng tôi cảm thấy thật thách đố để sống được điều đó trong gia đình và nơi xã hội mà mình phải bươn chải để kiếm sống. Tôi dạy các em về sự tha thứ nhưng tôi cảm thấy thật khó để im lặng nhẫn nhịn khi bực mình. Tôi dạy các em sự trung thực và yêu thương nhưng môi trường làm việc buộc tôi phải đạp lên đầu người khác để đi lên, thương người khác là làm hại đến bản thân và cả công việc chung, “nếu muốn tu thì lên chùa mà tu, chốn này không hợp”. Điều này làm tôi khó xử, một bên tôi muốn có tiền để phụ giúp gia đình còn khó khăn, một bên tôi muốn được bình an, được sống với điều mình dạy. Nhưng nếu tôi ra đi, tôi chẳng có gì, tuổi đã hơn ba mươi, trình độ mới lớp 9, chuyên môn chẳng rõ ràng…cũng chẳng biết điều gì phía trước. Cuối cùng, tôi quyết định nghỉ việc sau hơn mười năm làm việc ở đây. Rồi tôi cũng kiếm được một chân công nhân may với mức lương bằng 1/3 lương cũ, cộng với những lời thắc mắc, dèm pha từ người thân và bạn bè. Tôi không ân hận với quyết định của mình, bởi lẽ không thể vừa muốn được ơn Chúa vừa muốn sống sung túc được.

Sau vài năm đứng lớp, chị nghĩ gì về cách dạy giáo lý của mình ?

Cách thức tôi tâm đắt nhất khi dạy giáo lý là: dạy các em sống Lời Chúa hơn là buộc các em thuộc lý thuyết. Đặc biệt nhất là qua việc các em tự kiểm thảo đời sống của mình trước mặt Chúa. Chẳng hạn, tôi và các em, mỗi người xem xét những việc tốt hay việc chưa tốt của mình trong ngày bằng việc bỏ vào hay lấy ra những hạt gạo. Số lượng hạt gạo còn lại mỗi tháng không quan trọng cho bằng các em đã tự tập luyện từng điều bé nhỏ đó trong sự chân thật. Chỉ điều đó thôi cũng đủ làm tôi vui rồi.

Xin cảm ơn vì những chia sẻ rất chân thành của chị.

(Trích buổi phỏng vấn chị GLV Maria Têrêxa Trần Thị Danh)

Paul Linh S.J. thực hiện

Kiểm tra tương tự

Nói chuyện với trẻ em về các thánh tử đạo

Ngày lễ Các Thánh: Cách nói chuyện với trẻ em về các thánh tử đạo …

Bài học từ cha tôi!

  Quan sát một ông cụ 82 tuổi sửa máy hút bụi gợi mở một …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *