Trôi…

(Truyện ngắn)

1.

Con Sáu bưng cái mẹt chất đầy mấy thứ bánh trong đó. Bánh pía, bánh in, bánh đậu xanh, bánh phục linh… và nhiều thứ bánh linh tinh khác. Mỗi thứ bánh được cho vô một cái bọc nilon nhỏ và được cột chặt bằng sợi dây thun đủ màu xanh, đỏ, vàng. Mồ hôi nhễ nhại, nó lấy tay áo quệt thấm mồ hôi. Sợi quai nón lá và chiếc khẩu trang y tế đã ướt đẫm mồ hôi của Sáu tưởng như có thể túm lại và vắt ra thành những vệt nước trên đường. Nắng vẫn rọi chang chang, đội cái nắng miệng vẫn rao:

-“Ai… bánh in, pía, đậu xanh, phục linh… hông?”

Thường ngày, Sáu lặn lội từ sớm ở các điểm trường học để bán cho mấy đứa học trò. Mấy đứa nhỏ khoái ăn bánh Sáu bán lắm. Nhưng từ hôm dịch bùng lên khiến tụi nhỏ nghỉ học, Sáu chỉ làm mỗi ngày một ít bánh đủ bán lai rai trong ngày, vậy mà vẫn ế. Bánh in và bánh pía có lớp nhưn đậu xanh bên trong cũng muốn chảy ra nước vì cái nóng oi bức giữa trưa. Sáng giờ mới bán được vài bịch bánh phục linh nhỏ.

-“Điệu này chắc ăn bánh thế cơm quá!”

Sáu chậc lưỡi rồi miệng vẫn rao: “Ai… bánh hông?”

2.

-“Con Sáu đâu rồi? Trả tiền nhà tháng này coi!”

Sáu lúi húi mở cửa. Chiếc cửa sắt nhiều chỗ gỉ sét cót két réo lên, khuôn mặt hốc hác xanh xao có chút sợ hãi của Sáu dần xuất hiện. Mới cúi đầu chào bà chủ của dãy nhà trọ, chưa kịp nói lời gì thì bà đã nói:

-“Mấy tháng rồi mày! Trả tao để tao có cái để sống chớ! Tao cũng ăn cơm chớ đâu phải ăn không khí mà bây cứ khất hoài khất quỷ.”

Sáu khiêm tốn cúi mặt nói nhỏ nhẹ: “Dì Chín thông cảm…”

-“Thông cái con khỉ! Thông gì mà thông, cảm gì mà cảm. Tao thông cảm cho mày rồi ai thông cảm cho tao. Cho thuê mười mấy phòng, mà mấy tháng dịch đòi tiền muốn khô nước miếng có ai trả đâu.” Bà chủ ngắt ngang lời của Sáu.

-“Dạ! Dì Chín đợi con vài hôm! Mấy rày bán bánh ế ẩm quá con gom không đủ tiền. Đợi vài hôm con đủ tiền con trả Chín nha!”

Cò kè hồi lâu bà chủ “hứ!” một tiếng rồi bỏ đi. Dáng đi và giọng nói của bà khiến Sáu ám ảnh. Sáu khép cửa rồi lấy cây sắt móc ngang chỗ khóa. Mắt bắt đầu đỏ lên. Chợt nhớ mẻ bánh đang nướng Sáu chạy cái rột xuống bếp.

3.

-“Hai chục, ba chục… ba trăm… năm trăm… một triệu… hai triệu.” Sáu lấy ngón tay thấm nước trên đầu lưỡi rồi đếm đi đếm lại nhiều lần cọc tiền lẻ vì sợ đếm nhầm. Sau đó, túm trọn số tiền gọn gàng vào lớp bọc nilon. Lấy mấy sợi thun cột lại cho kỹ. Sáu cầm lá thư viết sẵn bỏ vào bì thư. “Mai gửi tiền về quê cho ba má với thằng Tí!”

Bỏ tiền và thư vào tủ khóa lại, Sáu lấy chén bới miếng cơm trắng, chan ít nước lã và cầm vài cục muối để cắn thay cho đồ ăn. Mấy rày không buôn bán được gì nên chi xài cũng eo hẹp. Sáu không dám xài tiền mà để dành gửi về quê.

Sáu xa quê ngót nghét cũng chục năm. Vốn là con gái nhà quê giỏi giang và khéo tay, cô biết làm nhiều thứ bánh khác nhau với độ ngon khó ai cưỡng lại khi đã thử ăn một lần. Nhưng ở quê cuộc sống khó khăn quá, trong khi ba má tuổi ngoài tám mươi đâu làm gì để kiếm ra tiền. Là con gái một trong nhà, cô quyết định lên Sài Gòn đi làm. Cũng tiếp tục với nghề làm bánh và bưng mẹt đi bán. Ban đầu Sáu bán khá chạy. Học sinh mê mẩn những món bánh của Sáu. Đầu giờ học, ra chơi và ra về là chúng bu quanh mẹt bánh của Sáu, thoáng nửa buổi đã hết sạch.

Thằng Tí là con của Sáu với… Sáu hổng muốn nhắc tới ba đứa nhỏ vì để lại ký ức buồn. Chỉ biết sau vài năm lên Sài Gòn, Sáu dắt đứa nhỏ biết đi chập chững về. Ngay hôm sau dắt đứa nhỏ ra xã làm khai sinh. “Nguyễn Văn Tí”, Sáu đặt tên cho đứa nhỏ theo họ của mình, tên cha đứa nhỏ để trống. Ba má thấy Sáu buồn cũng không hỏi gì thêm về chuyện này. Chỉ nhớ lời Sáu dặn: “Ba má đừng bao giờ nhắc tới từ ‘ba của thằng Tí’, ‘chồng của con Sáu’ trước mặt thằng nhỏ nhen! Con lên Sài Gòn làm rồi gửi tiền về cho ba má và lo cho thằng Tí giùm con.” Dòm Sáu đội nón lá và xách cái giỏ toòng teng dưới nắng chiều, gió bạt ngược làm đuôi tóc Sáu bay phấp phới, má nhìn ba rồi nhìn về phía Sáu đang đi xa dần mà lắc đầu ngán ngẫm.

4.

-“Làm gái hông? Tiền hơi bị nhiều đó!”

Sáu cười và trả lời cách mỉa mai:

-“Cho bị si-đa chết hả gì bà?”

Mấy cô phụ nữ trọ cùng dãy xí hoắc Sáu, đáp lời cũng với giọng mỉa:

-“Đây thấy đó dễ thương, không trắng trẻo nhưng cũng có chút duyên nên mới rủ. Bộ làm gái hổng phải cái nghề hả gì? Hổng làm thì thôi! Nghèo mà còn chảnh!”

Sáu không thèm để ý lời mấy cô nói, chỉ chăm chú cột miệng mấy bịch bánh chuẩn bị đi bán. Thấp thoáng tiếng mấy người vừa đi vừa vọng lại:

-“Đ.M.! Ngu gì mà ngu dữ! Làm gái đi khách một đêm bằng mấy tháng bán bánh!”

Sáu lẳng lặng chẳng hồi đáp gì.

5.

Bán ế ẩm triền miên. Cách vài hôm Dì Chín lại tới đòi tiền. Cái dáng quen thuộc với khuôn mặt bạnh ra lại xuất hiện. Sáu không định trốn tránh mà chủ đích ngồi ngay cửa đợi. Vẫn câu quen thuộc và thậm chí chửi còn nặng hơn. Bề ngoài Sáu vẫn năn nỉ, nhưng lòng sục sôi tự ái. Dì Chín bỏ đi nước một với những câu chửi: “Đồ lì như trâu! Dai như đỉa!”. Sáu khóc tức tưởi ngay trước cửa phòng trọ, chẳng biết trách ai mà tiếng nói nghẹn ngào: “Trời ơi! Tui là con người chứ con thú đâu mà đối với tui ác dữ vậy nè!”

Tối hôm đó, Sáu gác tay lên trán rồi lăn qua lăn lại, không chợp mắt được. Ngẫm về cuộc đời khổ cực của mình, Sáu lại khóc. Chợt nhớ ba má và thằng Tí ở quê, muốn cuốn gói về quê, nhưng “lấy gì ăn?”, Sáu sực giật mình nghĩ. Cố lục tìm cách nào đó để đổi đời nhanh nhất, dường như trong đầu Sáu lúc này không gì ngoài tiếng chửi của mấy cô phụ nữ hồi ban sáng: “Đ.M.! Ngu gì mà ngu dữ! Làm gái đi khách một đêm bằng mấy tháng bán bánh!”. Sáu chậc lưỡi phân vân vì cái nghề ấy dính tới đàn ông.

6.

“Đàn ông” – hai tiếng đối với Sáu là nỗi kinh hoàng. Nhiều lúc thăm nhà, Sáu thấy thằng Tí thì lại muốn bóp cổ cho nó chết quách cho rồi, vì càng lớn nó càng giống cái người “đàn ông” phụ bạc ấy. Sáu ngán ngẫm điều này bởi thấy đàn ông quá đỗi khủng khiếp. Nói thương đó, yêu đó rồi bỏ đó. Nói thương vừa dứt tiếng, rồi nói bỏ cái rột, mặt cho hậu quả để lại là gì. “Khốn nạn!” Sáu chửi đổng trong đêm tối khó ngủ, “quân khốn nạn!”

Càng chửi, Sáu càng day dứt. Day dứt vì nhớ cái hồi quỳ mọp lạy người đàn ông kia thương cho thằng Tí đương trong bụng, vậy mà người ta trả lời nước một: “Con mày mày nuôi, mắc gì tới tao!”. Trời! Con người ta dốt tới mấy cũng biết đàn bà một mình làm gì đẻ được con. Vậy mà người đàn ông vô trách nhiệm trả lời vô duyên hết hết chỗ nói. Sáu ghét điên lên chỉ tay phát một: “Mày đi đi! Đi đi! Đừng bao giờ cho tao gặp mày một lần nữa!”, Sáu với tay cầm cây dao định xán tới gần đâm hắn, nhưng hắn kịp chạy, không quên ngoái lại chửi: “Đồ con điên!”. Hết nước để nói.

Nhớ đêm đó Sáu ấp thằng Tí mới tượng hình trong bụng khóc cả đêm. Trong bụng mẹ an toàn nên thằng Tí đâu biết gì. Chỉ có mỗi mẹ của nó là thút thít và gặm nhấm nỗi đau một mình trong căn phòng lạnh. Đêm nay, Sáu cũng nằm gặm nhấm nối buồn đau một mình, càng nghĩ tới cảnh đi làm gái – càng nghĩ tới đàn ông – Sáu càng đau hơn bao giờ hết.

7.

-“Chị… Cho em hỏi…”

Một trong những phụ nữ hôm trước gợi ý rủ Sáu đi làm gái hỏi lại:

-“Gì cưng! Đồng ý rồi hả?”

Tiếng nói nhão nhoẹt, dầu thơm trộn lẫn mùi mồ hôi và áo quần nhăn nheo, sắc mặt phờ phạc… hình như hệ quả sau một đêm đi khách còn để lại trên người phụ nữ chắc hơn Sáu tầm chục tuổi gì đó.

-“Bộ đi khách nhiều tiền thiệt hả chị?”

Người phụ nữ móc trong bóp ra một cọc tiền toàn tờ năm trăm ngàn mới toanh. Giọng nói hồ hởi như khoe chiến tích:

-“Tối qua tới giờ chị đi hai khách, được nhiêu nè cưng thấy hông? Gấp mấy lần bán bánh phải hông cưng?”

Người phụ nữ vừa nói vừa vỗ cọc tiền vào gò má và mũi của Sáu. Mùi tiền còn bay nồng nặc với mùi dầu thơm hòa cùng mùi chua loét của mồ hôi khiến tâm trí Sáu muốn nói gì đó:

-“Chị… Chị…”

Sáu lắp bắp không nói ra tiếng chắc vì ngại và sợ.

-“Cưng muốn gì nói nhanh, chị còn về nghỉ. Đi khách cả đêm mệt thấy mẹ!”

Dường như có gì nảy lên trong suy nghĩ của Sáu ngăn ngay họng không để cô thốt ra thành tiếng. Sáu bỏ chạy vô nhà đóng cửa khá mạnh. Lưng dựa vào mặt cửa khóc thút thít. Tiếng người phụ nữ vẫn vang xa và nhỏ dần:

-“Suy nghĩ cho kỹ nha cưng!”

8.

Chuyến xe về quê đã lăn bánh. Sáu ôm túi đồ đựng vài bộ quần áo cũ, vài cái bánh, ít đồ chơi và ít tiền cho ba má. Sáu cũng không quên mua ít sữa loãng xương cho ba má vì mùa mưa sắp về, chắc trời lạnh cũng khiến xương khớp hai người già cũng đau nhiều.

-“Má ơi! Ba ơi! Tí ơi!”

Một bà cụ chạy ra trước cửa, miệng nhai trầu bỏm bẻm, đầu vấn khăn, mặt mày nhăn nheo và hóp lại. Nhận ra giọng nói thân quen:

-“Sáu hả bây? Bây về thăm hả?”

Sáu chạy xổ vào nhà ôm mẹ già thật chặt. Thằng Tí cũng chạy ra ôm mẹ.

-“Ba bây trong nhà! Hôm qua ổng đi làm cỏ mướn chắc phơi nắng cả ngày rồi phát sốt nguyên đêm qua, sáng nay mới chợp mắt xíu. Bây vô nghỉ ngơi để má ra tiệm lấy ít thuốc về sắc cho ba bây!”

Sáu vội móc xấp tiền lẻ trong cặp ra đưa cho má, thỏ thẻ:

-“Má cầm mớ này mua thuốc cho ba!”

Bà cụ chậm rãi như nửa muốn nửa không lấy, nhưng ngẫm lại bệnh tình của ông cụ, bà miễn cưỡng cầm số tiền rồi đội nón lá lên và bước về phía chợ.

Tối hôm đó, ông cụ tỉnh dần, nghe con gái về ông mừng lắm! Ra vẻ không còn bệnh tật gì nữa, miệng cứ hỏi liên hồi:

-“Sao rồi bây? Lên Sài Gòn làm ăn sao? Khỏe không? Nhìn bây ốm quá trời quá đất!”

Nghe giọng ba run run sau cơn bệnh, Sáu muốn khóc. Thằng Tí say mê đồ chơi mà Sáu đem về, nhìn thằng nhỏ Sáu cũng muốn khóc. Má lúi húi rót thuốc trong siêu ra chén cho ba, Sáu nhìn dáng má gầy còm và yếu hơn trước đây, Sáu cũng muốn khóc.

Sáu không trả lời câu hỏi của ba, chỉ ôm ông thật chặt rồi vuốt tấm lưng trơ xương sống của ông.

-“Sao ba yếu dữ vậy ba?”

Ông phân bua:

-“Thì bệnh già mà bây, biết đâu mà lần. Thôi cũng sắp xuống lỗ rồi!”

Sáu nghe tới đó vội lấy tay chặn miệng ông cụ lại:

-“Ba! Đừng nói bậy! Ba sống hoài với má, với con, với thằng Tí! Nghen ba!”

Thắm thoát tới ngày Sáu trở lên Sài Gòn, tối trước hôm ra đi, như sợ con gái nghĩ quẫn, ba cầm tay Sáu nói:

-“Sáu! Làm gì làm cũng phải giữ lòng trong sạch nghen con! Đồng tiền kiếm bằng mồ hôi nước mắt của mình dù ít ỏi nhưng đáng giá, còn gấp đồng tiền nhơ bẩn bao nhiêu lần, con à! Nhớ! Nhớ lời ba dặn.” Lời dặn dò khiến suy nghĩ đi làm gái kiếm tiền trong đầu Sáu dần tan biến sau vài tiếng ho của ông.

Ông nói những điều ấy như thể lo cho con gái vì ông biết Sáu một thân một mình bôn ba kiếm tiền lo cho ông bà già và đứa con còn nhỏ ở quê. Ông đoán được nỗi vất vả của Sáu qua dáng vẻ gầy còm tiều tụy của con. Ông không muốn Sáu rơi vào cạm bẫy của cuộc đời khi bị đồng tiền che mất lương tâm ngay thẳng. Thằng Tí cũng chạy lại ôm Sáu: “Mẹ ơi! Quởn về thăm Tí! Tí nhớ mẹ lắm!”. Sáu hôn lấy hôn để cái đầu khét nắng của Tí, chợt khuôn mặt của nó lại tái hiện về khuôn mặt mà Sáu ghét cay ghét đắng. Nhưng Sáu vẫn hôn thằng Tí vì… nó là con của Sáu mà.

9.

-“Ai… bánh in, pía, đậu xanh, phục linh… hông?”

Giọng rao bán bánh của Sáu vẫn vang đều trên những con đường quen thuộc. Ghé tạm gốc cây trú nắng và uống chút nước cho đỡ khát. Sáu thấy bên kia đường người phụ nữ hôm trước nói chuyện với mình đang ôm gốc cây đối diện đường. Hình như chị ta đang nôn thốc nôn tháo, Sáu nhanh chóng chạy sang bên kia đường. Để cái mẹt xuống một bên, tay vuốt lưng người phụ nữ hỏi thăm:

-“Chị! Chị có sao hông? Bộ nhậu xỉn hả?”

Người phụ nữ ngửa mặt lên nhìn Sáu, chị nhận ra khuôn mặt quen thuộc chung dãy trọ với mình. Người phụ nữ hỏi Sáu:

-“Cưng làm gì ở đây?”

-“Em đi bán bánh! Còn chị? Giờ trưa rồi mà sao chưa về nhà trọ nghỉ? Ăn gì chưa?”

Người phụ nữ sau khi nôn hết thì quay ra ngồi dựa lưng vào gốc cây, mồ hôi nhễ nhại, mặt xanh lè. Giờ thì Sáu nhìn rõ khuôn mặt phờ phạc, có vết bầm trên gò má và cổ. Áo gần như đứt hết nút và hiện tại được cột tạm lại cho đỡ sự lõa lồ. Nhìn qua Sáu đón được người phụ nữ đã gặp chuyện gì. Sáu chìa cánh tay lấy tay áo lau mồ hôi trên trán và má của người phụ nữ, gỡ bịch bánh pía rồi nói:

-“Ăn đi chị! Đói rồi phải hông?”

Cầm miếng bánh ăn liền mấy cái, chợt người phụ nữ ngừng nhai và nhìn đăm đăm miếng bánh cắn dở. Chốc sau người phụ nữ bật khóc rồi nói:

-“Cám ơn cưng! Bánh cưng làm ngon quá! Làm chị nhớ quê, nhớ ba má.”

Sáu quyết định nghỉ bán hôm đó dù trong mẹt vẫn còn hơn nửa số bánh chưa bán hết. Bóng dáng hai người phụ nữ dìu nhau đi về giữa trưa nắng.

9.

Một người đàn ông dừng xe cạnh xe bánh, gọi:

-“Bán cho tôi một bịch bánh in và một bịch bánh phục linh!”

Tiếng “Dạ!” nhanh chóng và người phụ nữ gỡ hai bịch bánh được treo trên xe bỏ vào chiếc túi nilon nhỏ. “Cám ơn anh! Nếu ăn thấy ngon ghé ủng hộ tụi em tiếp nghen anh!” tiếng cám ơn ngọt ngào khiến người đàn ông vui lòng mỉm cười cám ơn cô bán hàng dễ thương. Sáu từ trong nhà cầm hai đĩa cơm ra rồi đưa cho người phụ nữ một đĩa.

-“Ăn đi chế! Trưa rồi! Ăn rồi nghỉ xíu em bán giùm cho, rồi chút chế ra thế em.”

Hai chị em ăn cơm ngon lành, chuyện trò rôm rả. Dì Chín ghé ngang kéo ghế ngồi xệch xuống chỗ hai chị em.

-“Cho Chín bịch bánh phục linh đi hai đứa!”. Sáu mỉm cười nhanh chóng đứng lên gỡ bịch bánh cho vào túi nilon, rồi với tay gỡ thêm bịch bánh pía, cô nói:

-“Cho Chín thêm bịch bánh pía nữa nhen! Có gì lại ủng hộ hai chị em con!”

Dì Chín mỉm cười thành tiếng khoái chí rồi bước đi ra giữa nắng. Dáng đi của Dì hôm nay hiền hơn và Dì nói chuyện cũng dễ thương hơn.

-“Chừng nào chế định về quê!”, Sáu hỏi.

Người phụ nữ trả lời:

-“Chắc mai chế về thăm ba má ít hôm rồi quầy lên bán với cưng.”

Sáu bỏ đĩa cơm xuống ghế, lật đật móc trong túi ra ít tiền rồi nói:

-“Chế cầm ít tiền về gửi ba má của chế! Cho em gởi lời thăm ông bà nhen!”

Người phụ nữ nhận tiền rồi nhìn Sáu cười nói:

-“Cám ơn cưng, Sáu à! Cưng tốt với chế quá! Còn cưng chừng nào nhang khói cho ba má?”

Sáu nhìn về phía mặt đường dọi ánh nắng, Sáu thấy ba má cười với mình dưới làn ánh sáng mặt trời buổi trưa, rồi Sáu thấy Tí – thằng con nay đã lớn – lên thăm mình.

-“Chắc hổng về. Mai thằng Tí lên thăm em!”.

Little Stream

 

Kiểm tra tương tự

Những người thầy thầm lặng

  Bạn thân mến,   Trong tháng 11 này, chúng ta đặc biệt nhớ đến …

Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh

Phần lớn các bạn trẻ Công giáo cảm thấy được mời gọi bước vào đời …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *