Cha Hải từng bước chân leo lên sườn núi cao. Cơn mưa chiều qua khiến con đường bình thường vốn đã khó đi lại, nay càng khó khăn di chuyển hơn gấp bội. Chiếc quần xắn cao hơn đầu gối và được định vị bằng hai sợi dây nilon cột rút để ống quần đỡ rớt xuống trong quá trình di chuyển. Một tay cầm chiếc gậy bằng gỗ để định vị và cố định hướng đi. Trán nhễ nhại mồ hôi. Thi thoảng cha dừng lại lấy mu bàn tay quệt những giọt mồ hôi suýt nhỏ vào mắt. Thở vài hơi hổn hển rồi tiếp tục hành trình.
-“A-ma Hải nhanh lên!”
Anh yao phu – một thanh niên trẻ người đồng bào thiểu số – đi trước đang vẫy gọi cha Hải nhanh chân cho kịp giờ dâng Thánh Lễ Chúa Nhật cho bà con.
-“A-ma biết không? Mấy tháng nay bà con trông Thánh Lễ lắm! Nôn nao cái bụng trông ngày a-ma lên.”
Cha Hải ngồi tạm trên mấy viên đá cạnh mép sườn núi, cầm chai nước suối uống vài hơi rồi đưa cho yao phu dẫn đường uống cùng. Nghe anh tâm sự, cha không trả lời, chỉ thinh lặng rồi mỉm cười, nụ cười hiền từ và dễ thương của người mục tử.
Thánh Lễ hôm ấy diễn ra trước sân nhà anh yao phu đã dẫn đường cha đi. Anh cũng được mọi người cắt cử chuyên lo việc mời, đón rước và dẫn đường cho các linh mục từ đồng bằng lên và xuống núi an toàn. Chiếc bàn gỗ thấp được dọn ra trước sân. Cha Hải lấy trong chiếc túi nhỏ của mình sách lễ, khăn trải bàn thờ, nến, chén thánh, nước, rượu và cả một ít kẹo bỏ vào túi áo để sau Thánh Lễ sẽ phân phát cho các em nhỏ. Thánh Lễ âm thầm chỉ vài chục người tham dự, những anh chị em quây quần quanh cha là những người đồng bào thiểu số, đa phần không rành tiếng Kinh trong giao tiếp, nhưng thưa đáp trong Thánh Lễ bằng tiếng Kinh lại rất sốt sắng. Hôm ấy là Chúa nhật Truyền giáo, cha Hải chia sẻ với anh chị em về tâm tình một người truyền giáo và lời mời gọi mọi người hãy trở nên những nhà truyền giáo cho anh chị em mình. Thánh Lễ đơn sơ mà đong đầy ý nghĩa.
-“A-ma lại xức dầu cho mẹ con đi! Bà sắp chết!”
Một phụ nữ bồng con nhỏ đến nói với cha sau Thánh Lễ.
-“Nhà con ở chỗ nào?”
-“Không xa đây lắm! A-ma theo con! Con dẫn đường cho!”
Căn nhà ọp ẹp được dựng bằng lá. Một bên góc nhà là nơi đặt những ghè rượu, phía trên treo những quần áo và mùng chiếu. Bên góc nhà còn lại có một người phụ nữ lớn tuổi đang nằm thở thoi thóp. Đống lửa giữa nhà đã tàn và còn ít khói bay lên, có lẽ đã được đốt suốt đêm để sưởi ấm cho bà cụ.
-“Mẹ con bị sao?”
Cô con gái trả lời bằng tiếng Kinh lơ lớ:
-“Bị sốt. Xin thuốc thầy lang uống không hết. Bứt lá rừng nấu uống và xông cũng không hết. Gần hai tuần nay rồi! Càng lúc càng sốt cao kèm theo co giật với tiêu chảy.”
-“Sao không đưa mẹ xuống bệnh viện?”
-“Xuống núi khó quá! Ai đưa cho?”
Cô gái trả lời trong tuyệt vọng. Cha Hải quyết định đưa người phụ nữ xuống núi để vào bệnh viện chữa bệnh. Cô con gái đi theo phía sau xách nào quần áo và vật dụng cần thiết cho mẹ, đứa bé con của cô khóc inh ỏi. Bà cụ mệt nằm li bì gác hẳn cằm và cổ đặt trên vai cha, thi thoảng lên cơn ho vài tiếng. Không biết sao con đường lúc nãy cha đi khó khăn, giờ lại dễ dàng và nhanh chóng như vậy. Có thể do đi xuống dễ hơn đi lên, mà chủ yếu là do muốn đưa bà cụ tới bệnh viện kịp lúc.
-“Xin lỗi cha! Tụi con ráng hết sức rồi!”
Bác sĩ với vẻ mặt ủ dột chia buồn với cha sau gần mấy tiếng đồng hồ cố cứu bà cụ.
-“Đưa bà tới quá trễ, chúng con không làm gì được cha à!”
-“Bà cụ bị sao vậy bác sĩ?” cha Hải hỏi vị bác sĩ.
-“Bà bị sốt phát ban, nhưng do điều trị không kịp thời, thêm nữa để ở nhà quá lâu và uống thuốc không đúng, giờ sau hai tuần ảnh hưởng đến não và phổi, không cứu được nữa đâu cha!”
Cha Hải bàng hoàng trước tin báo của bác sĩ, cô con gái đứng đàng xa nhìn chằm chằm vào nét mặt hoang mang của cha. Có lẽ cô không biết mẹ bị gì, nhưng đoán được phần nào tình hình nguy kịch của mẹ.
-“Bác sĩ kiểm tra kỹ chưa?”
-“Dạ! Kỹ rồi! Con đã kiểm tra mấy lần kết quả như nhau. Có lẽ tranh thủ với bà phút cuối, chứ con sợ không qua hôm nay đâu cha.”
Cha Hải lặng lẽ hồi lâu, quay sang nhìn cô con gái của bà cụ như muốn nói tình trạng bệnh của mẹ cô, nhưng không dám mở lời. Cha ôm chiếc cặp nhỏ vào phòng nơi bà cụ đang nằm.
-“Bà Thị Heng ơi!”
Bà cụ từ từ mở đôi mắt yếu ớt nhìn, phải rất lâu sau bà mới nhận ra người đứng trước mặt mình là ai. Bà kháp từng hơi yếu ớt: “A-ma … Hải!”, Cha Hải xúc động vuốt lại mái tóc bạc của bà cho ngay ngắn, rồi nhẹ nhàng nói:
-“A-ma xức dầu cho bà, xin Chúa ban ơn chữa lành cho bà nha! Rồi cho bà rước Mình Thánh Chúa nhé!”
Bà cụ gật đầu nhẹ nhàng đồng ý. Cha Hải gọi cô con gái của bà cụ vào cùng cha đọc kinh cho mẹ của cô. Thánh Lễ an táng của bà cụ được cử hành tại thánh đường của giáo xứ nơi cha Hải đang quản nhiệm. Nhiều anh chị em đồng bào thiểu số từ miền núi đã lặn lội xuống đồng bằng để dự lễ của bà.
…
-“Thưa Đức Cha! Con muốn xin được lên vùng đồng bào thiểu số và ở hẳn trên đó với họ…”
Cha Hải đã mạnh dạn trình bày và xin ý kiến của Đức Giám Mục giáo phận. Cha cũng chia sẻ lý do vì sao lại đưa ra những quyết định như thế. Sau sự ra đi của bà Thị Heng, cha nhận ra anh chị em mình nơi đó đâu chỉ cần những Thánh Lễ mấy tháng một lần, nhưng họ cần người đồng hành với họ. Người mục tử lấm mùi chiên là người dám sống cùng và sống với chứ không chỉ trốn tránh hoặc làm cho xong nhiệm vụ dâng lễ của mình. Hôm vừa rồi may sao kịp xức dầu cho bà Thị Heng, nhưng còn bao nhiêu người đã và sẽ ra đi âm thầm như thế mà cha không kịp giúp họ về mặt thiêng liêng. Cha muốn đến và ở với bà con như người bạn đồng hành, mong giúp bà con thăng tiến đời sống đức tin, muốn sống trên núi với bà con.
-“Nhưng… nhiều cha đã từ chối hoặc chỉ đến ở vài tháng vì… Liệu cha có dám…”
Đức Cha còn ậm ờ chưa biết đặt vấn đề thế nào, cha Hải nhanh nhảu đáp:
-“Thưa Đức Cha, với những gì con vừa trình bày, con xin tình nguyện. Con thực sự khao khát dấn thân với những anh chị em nơi đây.”
Cuộc nói chuyện gần hai tiếng đồng hồ, cha Hải được sự đồng ý của Đức Cha, chưa đầy tuần sau cha đã nhanh chóng chuyển lên nhiệm sở mới, lo việc trong khu vực truyền giáo nơi anh chị em đồng bào trên vùng đồi núi. Đức Cha cắt cử một cha khác về thay vị trí của cha Hải lo việc nhà xứ.
Cha Hải đến xin chính quyền cho cất một ngôi nhà nhỏ giữa bà con, đồng thời xin phép được giảng đạo cho bà con. Hay tin bà con vui mừng giúp cha dựng căn nhà nhỏ nhanh chóng. Từ ngày cha hiện diện giữa bà con, Thánh Lễ hàng ngày được cử hành trước sân nhà cha. Nhiều hôm trời mưa cha căng tấm bạt trước cửa để bà con dự lễ không bị ướt. Ngoài ra, cha thăm viếng và chăm sóc mục vụ các gia đình giáo cũng như lương, lo cho bà con hết tình.
…
-“A-ma ơi! Có thơ!” Anh yao phu trẻ chạy vào đưa bức thư cho cha Hải.
Khuôn mặt của cha có chút nghiêm nghị, cũng có vẻ bất ngờ. “A-ma được sai đi chỗ khác!” Cha nói với người đàn ông sau khi đọc bức thư.
Rảo một vòng quanh nhà thờ mới được xây dựng, cha Hải nhớ những khuôn mặt thân quen đã cùng chung tay chung sức cất nên nguyện đường này. Không tốn chút tiền nào để thuê nhân công, vì đó là đóng góp tình nguyện của các anh thanh niên trong làng gồm giáo cũng như lương, còn các chị phụ nữ lo cơm nước. Gần cả năm thì nhà nguyện cũng xong. Cha Hải lại rảo một vòng quanh nhà bà con. Cha không nói gì về chuyện mình sắp rời đi, chỉ thăm hỏi như mọi khi. Ghé nhà bà Thị Heng, cha nói với cô con gái:
-“Đọc kinh cầu nguyện cho mẹ nha con!”
Đứng trước bàn thờ Chúa và bức ảnh người phụ nữ thân thương mà chính cha đã cõng đi bệnh viện nhưng không cứu được, cha bắt kinh và cô con gái của bà cụ đọc theo. Đứa con trai của chị nay cũng biết đi cứng cáp, cũng khoanh tay trước bàn thờ bà ngoại để bi bô đọc kinh theo.
Tan lễ chiều, nhà nguyện khép hờ. Cha Hải đã sẵn sàng cho sứ mạng mới vào ngày mai. Chiều nay cha đã chào tạm biệt bà con, nhưng cha cố tình nói vắn tắt để bà con không thạo tiếng Kinh sẽ không nghe kịp. Cha không muốn thấy bà con khóc khi tiễn mình. Cha thường tâm sự rằng: “Đối với cha, điều đẹp nhất nơi anh chị em đồng bào thiểu số là nụ cười. Chúa ban cho họ có nụ cười tự nhiên vốn có sức trao ban bình an cho mọi người mà họ gặp gỡ. Chính cha cũng đã được nụ cười của họ cảm hóa mình rất nhiều.” Cha muốn ra đi âm thầm, muốn bà con mãi cười tươi trong bình an và hạnh phúc. Có một điều mà mãi sau này cha mới tâm sự: “Điều duy nhất mà cha ao ước khi chia tay bà con là… mong có một vị mục tử đến sau cha cũng thương bà con thật nhiều! Vậy thôi!”.
Little Stream