“Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán” (Mt 7,1).
Thật giản dị khi nghĩ rằng hành vi tinh tế nhất của tình yêu không phải là phục vụ mà là chiêm ngắm, là nhìn xem.
Khi phục vụ con người, bạn chỉ giúp đỡ, hỗ trợ, an ủi, làm giảm bớt đau khổ. Nhưng khi nhìn họ trong vẻ đẹp và sự tốt lành nội tại của họ là bạn đang biến đổi và kiến tạo họ.
1. Hãy nhớ đến những người mà bạn yêu thích và muốn lôi kéo đến với mình.
Bây giở hãy thử nhìn họ như thể đây là lần đầu tiên bạn trông thấy họ, không để cho những hiểu biết và những kinh nghiệm của mình, tốt hay xấu, về họ ảnh hưởng lên mình.
Hãy tập nhìn sự vật trong chính nó – một điều mà có thể bạn đã bỏ lỡ vì quá thân quen, mà thân quen thường hay làm cho chúng trở nên nhạt nhẽo, đáng chán và làm chúng ta trở nên mù mắt. Không thể yêu thương những gì mà bạn không thấy mới mẻ. Không thể yêu thương những gì mà bạn không liên tục khám phá ra.
2. Bây giờ, hãy chuyển động thái này sang những người mà bạn không thích. Trước tiên, hãy tìm xem điều gì nơi họ làm bạn không thích, hãy nghiên cứu những thiếu sót của họ một cách vô tư và thanh thoát.
Nói thế là bạn không thể dùng những nhãn hiệu như tự phụ, lười biếng, ích kỉ, kiêu căng để dán lên họ. Dùng nhãn hiệu là một hành động của người lười suy nghĩ, vì thật quá dễ khi dán nhãn hiệu có sẵn lên người khác. Còn nhìn ra người ấy trong nét riêng tư độc đáo của họ quả là điều hết sức khó khăn, mang đầy thách đố.
Bạn phải khảo sát các thiếu sót ấy như đang ở trong bệnh viện, tức là phải bảo đảm tính khách quan của việc mình làm.
a. Hãy lưu ý rất có khả năng cái bạn cho là khuyết điểm nơi họ có thể không là khuyết điểm, nhưng chỉ là điều mà do giáo dục và hoàn cảnh bạn cảm thấy không thích.
b. Nếu sau đó mà bạn vẫn thấy đấy là khuyết điểm, thì hãy nhớ rằng nguồn gốc khiến bạn nhìn ra đó là khuyết điểm chính là những kinh nghiệm của bạn thời thơ ấu, những điều kiện sống trong quá khứ, những suy tư và nhận thức sai lầm của bạn, trên hết là do không vô thức chứ không do ác tâm ác ý.
Khi phản ứng được như thế, bạn sẽ thấy thái độ của mình đổi thành yêu thương và tha thứ, bởi chưng nghiên cứu, quan sát, tìm hiểu đều là đã tha thứ.
c. Sau khi đã tìm hiểu các khuyết điểm, bây giờ bạn hãy tìm kiếm các kho tàng chôn giấu nơi con người mà vì không yêu thích bạn đã không khám phá ra.
d. Trong lúc làm việc này, bạn hãy quan sát mọi thay đổi trong thái độ hay trong tình cảm của mình, bởi chưng trước đây do không yêu thích mà cái nhìn của bạn bị mờ đi khiến bạn không nhìn thấy.
Bây giờ bạn có thể lặp lại động thái này với mỗi người đang cùng sống và cùng làm việc với bạn; hãy quan sát xem mỗi người ấy đã đổi khác thế nào trong mắt bạn khi bạn nhìn họ theo cung cách này.
Nhìn xem họ như thế chính là tặng cho họ một món quà yêu thương lớn gấp ngàn lần bất cứ việc nào khác bạn có thể làm cho họ. Vì khi nhìn xem họ như thế, bạn đã biến đổi họ, đã sinh ra họ trong lòng mình, và sau nhiều lần tiếp xúc với nhau, họ cũng sẽ trở thành như thế trong thực tế.
3. Bây giờ hãy ban cho mình ơn huệ ấy. Nếu đã có thể làm cho người khác thì không khó lắm khi làm điều ấy cho bản thân mình. Hãy làm theo cùng một tiến trình ấy, không đoán xét, không lên án khuyết điểm nào, tình trạng thần kinh nào của mình. Bạn đã không xét đoán người khác, nên bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mình cũng không bị xét đoán.
Nếu có thăm dò, nghiên cứu và phân tích các khuyết điểm thì đó chỉ là để hiểu rõ hơn hầu có thể yêu thương và tha thứ. Bạn sẽ sung sướng khám phá ra mình đang được biến đổi nhờ chính thái độ yêu thương lạ lùng ấy – một thái độ nảy sinh nơi mình khi dừng trước cái mà bạn gọi là bản thân mình. Thái độ ấy nảy sinh nơi bạn và qua bạn lan sang mọi thụ tạo khác.
Tác giả: Anthony de Mello, S.J.
Dịch giả: Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành
Trích sách: Tiếng gọi yêu thương