Tử đạo giữa đời thường

Ý tưởng tử đạo giữa đời thường được gợi lên trong tôi qua ngày lễ các thánh tử đạo Việt Nam cách sâu sắc. Ý tưởng ấy không xa xôi vì đó là một điều thực tế, và cũng không quá khó để thực hiện. Hai hành động cụ thể mà tôi liên tưởng tới là bớt đi những quan tâm thái quá cho cuộc sống và kiên nhẫn với tha nhân xung quanh mình.

Tử đạo đã từng được hiểu là những cái chết về bình diện thể lý như các vị tử đạo đã trải qua. Các ngài đã kinh qua những đau đớn, giày vò về thể xác lẫn tinh thần để một lòng minh chứng niềm tin vào Thiên Chúa, đến lúc đau đớn không còn giá trị gì trên thể xác, cũng là lúc được diện kiến Thiên Chúa mà các ngài tin tưởng. Thực vậy, ngẫm tới những cái chết anh hùng của đấng bậc tiền bối, tôi phải nể phục các ngài vạn lần. Những mũi dao đâm thủng da thịt, những ngọn lửa đã thiêu cháy bao nhiêu sinh mạng, đó là còn chưa kể tới những trò hành hạ dã man khác mà những kẻ bách đạo đã bày ra. Tự hỏi làm sao các vị có được sức mạnh để vượt qua? Động lực đầu tiên là chính Thiên Chúa. Nếu không vì niềm tin mạnh mẽ và lòng can đảm Thiên Chúa đã trao ban, chắc hẳn các vị đã không dám chịu những thách đố dã man như thế. Động lực tiếp theo là chính nỗ lực phi thường nơi những con người bé nhỏ. Tôi tin rằng các vị cũng biết đau, biết xót thương cho những cảnh chia ly, nhưng trên hết các vị tin vào lời Chúa Giê-su đã nói: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục.” (x. Mt 10,28).

Trong cuộc sống hiện tại, tôi tự hỏi mình có thể minh chứng niềm tin của mình vào Thiên Chúa? Có khả năng tử đạo như các tiền bối đi trước hay không? Có lẽ cơ hội đổ máu như các vị ngày xưa không còn, nhưng thay vào đó cách thức tử đạo trong thời đại mới là điều hoàn toàn có thể. Cuộc sống ngày càng phát triển với những đòi hỏi của nó, khiến con người dễ bị xoay vần theo tiện nghi vật chất. Đồng ý rằng: “tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ” hay “muốn ăn phải lăn vào bếp…”, rõ ràng nhu cầu đời sống con người luôn cần được đề cao trong mọi thời đại. Hơn nữa, khi kỹ thuật công nghệ hiện đại lên ngôi, dần nâng ý thức con người từ “ăn no mặc ấm” sang “ăn ngon mặc đẹp”, mà muốn được điều này chỉ còn cách siêng năng “cày bừa”, chứ “không dưng ai dễ mang phần đến cho”. Vì thế, đôi khi người ta quên bẵng đi cả những giây phút nghỉ ngơi, dành cho nhau; thậm chí vì lo lắng cho cuộc sống mà quên cả niềm tin vào Thiên Chúa nữa.

Vì thế, cần phải nhớ lại lời của Đức Giê-su khi nhắc nhở về thái độ lo lắng ở đời này: “Anh em đừng lo lắng về ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày đó (Mt 6, 34)”. Thêm vào đó, Người còn động viên tinh thần con người bằng cách chỉ cho thấy sự quan phòng của Thiên Chúa: “… ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi.” (x. Mt 10, 30). Nói như vậy là vì tôi nghĩ rằng bớt đi nỗi lo lắng thái quá cho cuộc sống này cũng là một cách thức tử đạo. Bớt đi lo lắng khác xa với thái độ vô lo, thiếu quan tâm tới cuộc sống. Bớt lo lắng là thái độ cần quan tâm tới cuộc sống này đúng mức, vì mọi sự trong cuộc sống này chỉ là phương tiện đạt tới Thiên Chúa mà thôi (x. Linh Thao 23). Chính vì vậy mà thái độ chăm sóc đời sống tâm linh và đời sống vật chất cần sóng đôi nơi mỗi Ki-tô Hữu. Lo vẫn là lo, nhưng lo lắng và ứng xử đúng mức, mưu ích cho tha nhân và cả bản thân mình, cũng xứng đáng là một cách tử đạo lắm chứ!

Tôi cũng thích suy nghĩ về những sự chịu đựng, kiên nhẫn với nhau trong cuộc sống hàng ngày. Con người ai cũng có những yếu đuối riêng mình, và khi sống cùng nhau nghĩa là họ chấp nhận những điểm mạnh cũng như yếu đuối của anh chị em xung quanh. Sự chịu đựng ấy đôi lúc không dễ, vì nó đòi hỏi cả một thái độ khoan dung, vị tha và mau quên đi những lỗi lầm của người khác. “Thế giới này không ai là một hòn đảo, vườn hoa không có loài hoa lạc loài”, lời một bài hát thiếu nhi mà thuở nhỏ tôi được học và tôi vẫn nhớ. Như thế, để có được một đời sống ấm êm, hạnh phúc thì những chịu đựng hy sinh ấy đáng giá biết bao. Nếu hy sinh, chịu đựng và tha thứ cho tha nhân với thái độ hoàn toàn tích cực, thì cuộc sống này luôn tươi sáng. Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su đã nêu gương kiên nhẫn chịu đựng ấy cách rất rõ nét. Suốt thời gian trong đan viện, bao nhiêu là những giày vò, khó khăn đến với ngài. Sự kiên nhẫn của thánh nhân không là một sự khó chịu, oằn mình gánh vác theo kiểu ép buộc, mà đó là thái độ cam tâm, tình nguyện với tự do bản thân mình, để gánh vác lấy những hiểu lầm, đố kỵ và thách đố trong niềm vui. Vì thánh nhân tin rằng những “tử đạo” nhỏ của mình đẹp lòng Thiên Chúa, đồng thời qua đó mà thánh hóa tha nhân.

Tôi tin Thiên Chúa cũng hài lòng với những cuộc “tử đạo” của chúng ta ngày hôm nay không kém gì so với các vị tiền bối ngày xưa. Ngài sẽ vui hơn khi thấy người bố, người mẹ hy sinh vài giờ để bỏ chiếc điện thoại hay máy tính xuống, và ngồi ăn cơm với con cái, hỏi thăm trò chuyện với chúng chuyện ở lớp học. Ngài vui hơn khi thấy giữa bộn bề lo toan, tôi dám bỏ bớt vài giờ kiếm tiền để chạy tới nhà thờ dự thánh lễ Chúa Nhật, hoặc đưa con cái đi học giáo lý. Ngài vui hơn khi thấy tôi tranh thủ đi làm về tạt ngang đài Đức Mẹ hay nhà Chầu để thăm viếng Ngài đôi chút. Thiên Chúa cũng vui hơn khi thấy con người biết cảm thông, kiên nhẫn với nhau hơn. Bản thân tôi không dám đem ra so sánh những cuộc tử đạo xưa với ngày nay, nhưng tôi xác tín rằng giá trị chắc hẳn không bao giờ giảm bớt dù là tử đạo ở bất cứ hình thức nào.

Cuộc sống thường ngày bộn bề vậy đó, nhưng cũng đầy những cơ hội để tôi tử đạo, minh chứng niềm tin vào Thiên Chúa của mình. Các vị tiền bối không bị cuốn hút bởi những chiêu dụ ngọt ngào mà bỏ đạo, tôi cũng không tập trung vào những lời mời gọi quá hấp dẫn của đồng tiền, công việc kéo tôi xa Chúa. Các thánh tử đạo đã không thốt lên lời chối bỏ Thiên Chúa, thậm chí còn tuyên xưng đức tin cách dõng dạc. Cũng thế, tôi được mời gọi làm chứng cho Thiên Chúa qua đời sống hàng ngày của mình cách mạnh mẽ dù phải đón nhận bất cứ giá nào. Đồng thời, tôi cũng được mời gọi sống kiên nhẫn, vị tha với tha nhân, vì tôi biết rằng họ cũng đang kiên nhẫn và thông cảm với và cho tôi.

Little Stream

Kiểm tra tương tự

Dám dìm sâu với Chúa | Suy tư TM CN lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa năm C

  Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa DÁM DÌM SÂU …

Chúng ta có thực sự biết mình cần một Đấng Cứu Tinh?

  Với những tiến bộ công nghệ hiện nay, chúng ta dễ bị cám dỗ …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *