Tự hào vì là người Kitô hữu

prayingCứ mỗi khi biết được một tin vui nào đó, ta thường muốn chia sẻ nó cho người khác. Càng nhiều người biết được tin ta chia sẻ, ta càng hạnh phúc. Ta mong muốn người khác cũng biết được tin vui mà ta đang có để họ cùng vui với ta, và như thế niềm vui của ta được tăng lên gấp bội. Ngược lại, nếu ta giấu giếm điều gì, hoặc không muốn ai biết đến và chia sẻ điều gì với ta, đó chỉ có thể là tin không vui, là chuyện buồn, là điều không làm ta thích thú. Ta cảm thấy hổ thẹn về nó, ta không muốn có nó, không muốn nó dính dáng đến mình, muốn nó tránh khỏi mình càng xa càng tốt. Thái độ của chúng ta khi sống đời Kitô hữu cũng sẽ cho chúng ta biết là mình có vui khi đón nhận đức tin hay không.

Phần lớn chúng ta được lãnh nhận bí tích Rửa Tội khi còn nằm trên tay mẹ. Ta hoàn toàn chẳng ý thức gì về việc mình được đưa đến nhà thờ, rồi bị một dòng nước đổ xuống trán. Dòng nước ấy dường như đã làm gián đoạn giấc ngủ mơ màng của ta hơn là mang đến cho ta một điều gì đó cao quý. Rồi ta lớn lên, ông bắt ta phải đi nhà thờ, bà bắt ta phải đọc kinh, bố bắt ta phải học giáo lý, mẹ bảo ta phải tập làm dấu trước bữa ăn. Ta phải ngoan ngoãn vâng nghe theo những mệnh lệnh ấy, không dám cãi hay trốn tránh để khỏi phải bị những trận đòn vô duyên. Ta sống trong môi trường giáo xứ, tham gia vào những sinh hoạt của các hội đoàn như một tất yếu. Đến khi có đầy đủ ý thức, ta bất chợt tự vấn mình: cớ sao ta phải làm những điều này, tại sao ta phải đi lễ, tại sao phải giữ những điều răn, đám bạn bè của ta ngoài kia có phải làm những điều này đâu, vậy mà chúng nó vẫn sống vui khỏe, đầy đủ hay thậm chí còn giàu có hơn ta đấy thôi? Một câu hỏi chợt bừng lên trong đầu: đức tin mà ta đang nắm giữ là cái gì vậy? Không có nó, liệu có sao không?

Rất nhiều người cho rằng: là một Kitô hữu, ta chẳng được lợi lộc gì nhưng lại phải tuân giữ biết bao nhiêu luật lệ, cấm cản. Nếu không là Kitô hữu, ta chẳng cần bận tâm đến chuyện phải vất vả tìm nhà thờ rồi sắp xếp thời gian để đi lễ vào mỗi Chúa Nhật. Khi ấy, ta sẽ chẳng mất đi giấc ngủ ngon vào buổi sáng, chẳng phải lỡ hẹn chầu cafe với đám bạn buổi chiều. Việc ăn chay khiêng thịt, ta cũng chẳng cần phải bận tâm. Chuyện đọc kinh lần chuỗi, ta chẳng cần phải biết đến. Ta chỉ cần cố gắng làm lụng để có thật nhiều tiền trong tay. Có tiền rồi, ta sẽ có tất cả: nhà cao cửa rộng, hải vị sơn hào…Ta tự giúp ta là được rồi, chả cần thần thánh nào ban phước thi ân. Rồi cũng chết hết cả thôi, ai biết sau khi chết sẽ là cái gì, ta cứ sống cuộc sống này thoải mái nhất có thể, tội gì phải trói buộc mình với những cái gọi là điều răn hay luật lệ… Chỉ là viễn vông mà thôi!

Họ có lý của họ khi chủ trương một lối sống thoải mái cho mình. Nhưng nếu chỉ xem đức tin như là những điều cấm cản ràng buộc thì thật thiện cẩn quá rồi. Niềm tin của chúng ta xuất phát và đặt nền tảng trên một tình yêu từ Thiên Đàng tỏa xuống. Đó là một tiếng yêu, đáp lại lời mời gọi muốn xây dựng một tương quan thắm nồng. Ta không sáng tạo ra đức tin rồi tự trói buộc mình với nó, nhưng ta tin là vì ta thấy lòng mình được cuốn hút, được đụng chạm bởi một tình yêu. Từ tận sâu thẳm của hữu thể mình, con người luôn thấy được lôi kéo về những điều trên cao, thiêng liêng và huyền bí. Sẽ chẳng bao giờ con người cảm thấy mình hoàn toàn đong đầy và trở nên trọn vẹn là mình, khi chưa kết hiệp và nên một với Đấng là cội nguồn mọi sự, hiện diện nơi ngập tràn vinh quang ấy.  Đức tin của chúng ta là một sự “gật đầu” với lời mời của Đấng ấy, để cả hai được đi vào trong nhau, làm nên một tương quan bất diệt.

Sống giữa cuộc đời này, liệu có gì đảm bảo cho cuộc sống của ta một cách hoàn toàn không? Hôm nay ta đang khỏe, đang giàu có, đang ở đỉnh vinh quang, đang được mến mộ… nhưng có ai dám chắc là sau một đêm qua đi, ta có còn sở hữu những điều này? Tai nạn trên đường vẫn rình rập ta, các tương quan có thể bị sứt mẻ, người thân bạn bè đều có thể phản bội ta, những bất trắc tai ương đang chờ thời cơ để ập xuống… Rồi những khi đôi vai bị bao gánh tránh nhiệm đè xuống, nỗi lòng của ta đó, có mấy người hiểu cho; dù có hiểu được, họ có gánh dùm ta không, họ có đủ sức gỡ bỏ hết mọi điều ấy cho ta không; dẫu có làm được, họ có sống dùm ta cuộc đời này không, có thể thay ta làm mọi sự, có thể hy sinh tất cả mọi thứ họ có và họ là để trao tặng hết cho chúng ta không? Chuyến đi giữa cuộc đời này mãi mãi là một chuyến độc hành của riêng ta. Có yêu nhau tha thiết mấy, có gắn kết với nhau mặn nồng mấy, rồi cũng sẽ đến lúc ngả rẽ đôi đường.

Giữa tất cả những chông chênh ấy của cuộc đời, đức tin xuất hiện như một điểm tựa cho ta. Ta tin rằng có một Đấng dựng nên ta, hằng chăm sóc cho ta, hy sinh mọi điều cho ta và vì ta, Đấng ấy chấp nhận trút bỏ hết mọi sự, kể cả cái chết đầy thương tâm. Đấng ấy có thể được ví như là thân cây, còn ta là chiếc lá từ nơi thân cây ấy mọc ra, bám vào thân cây ấy để được sống, được tươi xanh và phát triển. Khi những cuồng phong cuộc đời đưa đẩy, chỉ có chiếc lá lìa bỏ cây, chứ cây chẳng bao giờ lìa bỏ lá. Niềm tin là một chất kết dính thiêng liêng, đưa lá tìm về bên cây, để lá được tìm thấy chỗ dựa, tìm thấy chốn nương mình, tìm được nơi bám víu. Nhưng nếu lá muốn bám vào cây thì lá phải quên đi ước mơ muốn được ung dung tự tại, muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm. Lá phải từ bỏ một số đam mê vô lối của lá, lá đừng đi kiếm niềm vui ở nơi xa. Những điều đó không giúp cho lá được tươi xanh, nhưng chỉ làm cho lá ngày thêm héo úa, rồi lại còn bị ngọn gió thổi dạt đến mất định hướng cho bản thân. Lá phải có chút hy sinh, chút từ bỏ. Đó không phải là vì cây, nhưng là vì chính tương lai của lá.

Trên đường đời lắm trái ngang này, chỉ có Chúa mới đủ sức đỡ ta lên; khi ta gặp thất bại hay rơi vào khủng hoảng, chỉ niềm tin vào Chúa mới có thể đem đến cho ta bình an thực sự. Vũ khí duy nhất mà ta có thể dùng để chống lại tất cả những giăng mắc đang rình rập ta giữa cuộc đời này chỉ có thể là niềm tin: tin vào một Đấng Tuyệt Đối luôn yêu thương và ở bên chúng ta. Tin vào Ngài là trao gửi hết mọi sự cho Ngài, là đặt mình vào trong bàn tay của Ngài, là vui lòng đón nhận hết tất cả những gì xảy đến mà không sợ hãi hay hoang mang. Tin Ngài là dành cho Ngài một chỗ đứng quan trọng trong cuộc đời, là để cho Ngài hiện hữu trong con tim và khối óc, là để Ngài chiếm trọn tâm tư và tình cảm của ta.

Chúa là Đấng siêu vượt như thế, Ngài cần ta tin Ngài sao? Ta có tin vào Ngài hay không, Ngài cũng chẳng mất mát gì. Nhưng tin vào Ngài hay không sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của ta. Được Ngài yêu thương ngỏ lời mời như thế, tại sao ta lại thấy hổ thẹn vì thân phận Kitô hữu của mình? Còn nếu ta vui với tư cách là Kitô hữu, sao ta không hết mình sống tư cách ấy và loan tin vui này đến cho những ai ta gặp gỡ? Có bao giờ ta mạnh mẽ hô to: tôi tự hào vì là một người Kitô hữu?

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

 

Kiểm tra tương tự

3 bước cho cuộc trò chuyện thú vị cùng các cô gái

  Nếu bạn sắp có một buổi tối dành riêng cho các cô gái và …

Facebook năm thứ 20: Tình Bạn đang thay đổi thế nào?

  Giống như khi một người hàng xóm lâu năm làm ta ngạc nhiên, chúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *