50 năm thờ cúng tổ tiên

hanthuc10

Linh mục Võ Tá Khánh

Năm nào, chúng ta cũng cử hành thánh lễ ngày 02-11 cầu cho người quá cố. Riêng năm nay có một nét đặc biệt là cử hành kỷ niệm 50 năm Tòa Thánh chấp thuận cho người Công giáo Việt Nam áp dụng nghi thức cổ truyền của dân tộc để diễn tả lòng hiếu kính đối với người đã khuất.

Hoàn cảnh truyền giáo thế kỷ XVII có nhiều phức tạp, đã khiến một số nhà truyền giáo ngộ nhận, cho rằng việc thờ cúng Tổ tiên ở Việt Nam là một tôn giáo.

1. Nhiều vị tưởng rằng khi cúng lễ gia tiên, gia chủ phải đọc những lời thần bí rất tỉ mỉ. Thật ra, người ta chỉ thì thầm những câu nói tự phát chân thành. Nhiều vị tưởng chữ “lễ” trong lễ gia tiên có cái ý nghĩa nguyên thủy của nó là “các quy tắc của các lễ nghi tôn giáo”. Thật ra, các “lễ” chỉ là những cách ứng xử trong cuộc sống. Chúng nêu rõ cách ứng xử người ta phải có trong nhà, ngoài phố, ở triều đình, ở các lễ hội.

Lý do mạnh nhất khiến Giáo hội đi đến chỗ không chấp nhận nghi thức thờ cúng Tổ tiên cổ truyền, chính là vì nhiều người tin rằng vong hồn của những người chết ở trong các bài vị, và người ta ghi rõ “đây là nơi ở của hồn (ông A, bà B)”, cách riêng là ở trong tấm lụa đặt trước bài vị, được gọi là “hồn bạch”, thường là tấm lụa đã phủ trên khuôn mặt người hấp hối và được cho là hồn đã nhập vào đó. Tuy nhiên đó chỉ là tin tưởng sai lạc của những người kém hiểu biết. Theo những giải thích chính thống của các nhà nho, các bài vị chỉ có mục đích duy nhất là để nhắc nhở người sống tưởng nhớ những người đã khuất.

Có những nhà truyền giáo cho rằng việc thờ cúng Ông Bà là một tôn giáo nhưng lại có những nhà truyền giáo khác khẳng định rằng người Việt không bao giờ xem Tổ tiên của họ là “những vị thần”, cũng không bao giờ xem cha mẹ họ là “những vị thần tương lai”. Đã đành là có bàn thờ dành cho Tổ tiên và Tổ tiên là đối tượng của một sự phụng tự nhưng phụng tự này chẳng là gì khác hơn một phụng tự tưởng nhớ, khác với sự thờ Trời. Do đó họ kết luận ngay rằng sự thờ cúng Tổ tiên không phải là một tôn giáo theo nghĩa đen của từ này (Chúng ta vẫn thường được nghe trả lời như sau: “Chúng tôi chỉ thờ cúng ông bà chứ không theo đạo nào cả.”). Hơn nữa, khi truyền bá sự thờ cúng này, người xưa nhắm thiết lập những mối liên hệ xác thực giữa những người sống và những người chết, củng cố sự liên đới giữa các thế hệ và phát huy kỷ luật xã hội, tức là chỉ vì những mục tiêu xã hội và chính trị chứ không hề có ý tưởng tôn giáo nào.

2. Thế nhưng trong thực tế, đối với nhiều người, các nghi lễ dành cho Tổ tiên cũng dần dần mang thêm một ý nghĩa tôn giáo. Người ta đi đến chỗ thờ Tổ tiên như thần thánh, và có khi dành cho Tổ tiên một tâm tình thờ phượng tuyệt đối như thờ phượng Thiên Chúa. Chính đây là điều không thể nào đi đôi với giáo lý Kitô giáo. Chỉ có một Thiên Chúa độc nhất và chân thật. Không thể thờ bất cứ thụ tạo nào như Thiên Chúa được.

Nghi lễ thờ cúng ông bà ở các thế kỷ trước quả thật có bị lây nhiễm một số tin tưởng sai lạc đáng ngại. Chẳng hạn, tin rằng hồn ông bà về hưởng của cúng. Người ta sợ rằng không cúng tế thì hồn người chết sẽ đói khát, không đốt vàng mã thì hồn người chết không có tiền tiêu. Những tin tưởng sai lạc như thế không thể đi đôi với giáo lý Kitô giáo.

Ngoài ra còn có những mê tín khác.

3. Với hoàn cảnh ấy, các nhà truyền giáo đã tranh luận hết sức nghiêm túc qua nhiều năm, một bên cho rằng những sai lạc trên đây có thể điều chỉnh được, một bên cho là khó lòng thay đổi được não trạng của dân chúng. Cuối cùng, để bảo đảm cho niềm tin của tín hữu được tinh ròng, năm 1742, Giáo hội đã quyết định rằng người Công giáo Á Đông, bao gồm Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, chỉ được tôn kính Tổ tiên theo cách Giáo hội quen làm, chứ không được thờ cúng theo hình thức cổ truyền địa phương. Giáo hội quyết định như vậy mặc dù biết đó là một chọn lựa phải trả giá đắt, rất bất lợi cho công cuộc truyền giáo. Trước khi có quyết định ấy, số người hưởng ứng Đạo Chúa tại Việt Nam càng lúc càng đông, cả đến trong triều đình vua Lê cũng có nhiều người theo Đạo. Việc cấm thờ cúng Tổ tiên theo lối cũ đã khiến người ta tẩy chay tôn giáo mới, thậm chí đã thành một trong những lý do biện minh cho các cuộc bách hại của nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn và chiến dịch Văn Thân. Đã hẳn việc cấm thờ cúng nói đây có phần do ngộ nhận nhưng dù sao nó cũng cho thấy đức tin Kitô giáo phải là một chọn lựa quyết liệt đến mức nào.

4. Mãi gần 200 năm sau, khi Đạo Hiếu không còn bị ngộ nhận là một tôn giáo và những tin tưởng sai lạc cũng không còn là chuyện chung của quảng đại quần chúng, ngày 8-12-1939, Tòa Thánh đã công bố một huấn thị chấp thuận cho người Công giáo Trung Quốc được thờ cúng ông bà theo lối xưa. Rồi 25 năm sau đó, ngày 20-10-1964, huấn thị ấy được áp dụng cho tín hữu Việt Nam, tính đến nay là tròn 50 năm. Với thông cáo của HĐGMVN năm 1965, những chỉ dẫn của huấn thị ấy đã chính thức đi vào cuộc sống của người Việt Công giáo.

Nhiều hành vi cử chỉ xưa kia tại Việt Nam, có tính cách tôn giáo, nhưng nay vì sự tiếp xúc với bên ngoài và vì tâm tình, tập quán đã thay đổi nhiều, nên chỉ còn là những phương cách biểu lộ lòng hiếu thảo tôn kính đối với Tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ. Những cử chỉ, thái độ, nghi lễ có tính cách thế tục, lịch sự và xã giao đó, Giáo hội Công giáo chẳng những không ngăn cấm mà còn mong muốn và khuyến khích cho nó được diễn tả bằng những cử chỉ riêng biệt của mỗi nước, mỗi xứ và tùy theo trường hợp. Chẳng hạn như treo ảnh, hình, dựng tượng, nghiêng mình bái kính, trưng hoa đèn, tổ chức ngày kỵ, giỗ…

Đồng thời, vì có nhiệm vụ bảo vệ đức tin Công giáo được tinh tuyền, Giáo hội không thể chấp nhận cho người giáo hữu có những hành vi cử chỉ, hoặc tự nó, hoặc do hoàn cảnh có tính cách tôn giáo trái với giáo lý mình dạy. Vì thế, các việc làm có tính cách tôn giáo không phù hợp với giáo lý Công giáo (như bất cứ lễ nghi nào biểu lộ lòng phục tùng và sự lệ thuộc của mình đối với một thụ tạo nào như là đối với Thiên Chúa), hay những việc dị đoan rõ rệt (như đốt vàng mã), hoặc cử hành ở những nơi dành riêng cho việc tế tự của một tôn giáo khác… thì giáo hữu không được thi hành và tham dự. Trong trường hợp bất đắc dĩ, chỉ được hiện diện một cách thụ động như đã ấn định trong giáo luật.

Kỷ niệm 50 năm một sự kiện quan trọng của lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam, độc giả nào quan tâm muốn tìm hiểu thêm, xin mời đọc quyển sách đính kèm: 50 NĂM THỜ CÚNG TỔ TIÊN. Sách in hiện cũng có bán tại các hiệu sách Công giáo ở Sài Gòn.

Việc thờ cúng tổ tiên theo lối xưa có thể được tượng trưng bằng ba cây nhang. Nhang là một sáng kiến tài tình của kinh nghiệm tâm linh phương Đông. Giữa nghĩa trang lộng gió, giữ cho ngọn nến khỏi tắt thật khó, nhưng nhang thì khác. Trên cánh đồng mục vụ của Hội thánh Việt Nam hôm nay cũng thế, Gió Thánh Thần đang thổi rất lạ, có thể khiến nến bị tắt nhưng nhang sẽ càng lúc càng hừng lên ánh lửa trầm ấm.

Kiểm tra tương tự

Lời Chúa có quan trọng đối với Bạn không?

Với 7 câu hỏi sau đây bạn có thể tự phản tỉnh về tầm quan …

Mùa Vọng & Bí Tích Hoà Giải

“Vậy các con hãy tĩnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi …

4 Bình luận

  1. Bài viết không rõ ràng giữa việc ý nghĩa tạm linh của việc thờ cúng tổ tiên và hành vi đốt nhang hay bái lạy yor lòng tưởng nhớ kính mến.

  2. Giáo hội không thể chấp nhận cho người giáo hữu có những hành vi cử chỉ, hoặc tự nó, hoặc do hoàn cảnh có tính cách tôn giáo trái với giáo lý mình dạy. Vì thế, các việc làm có tính cách tôn giáo không phù hợp với giáo lý Công giáo (như bất cứ lễ nghi nào biểu lộ lòng phục tùng và sự lệ thuộc của mình đối với một thụ tạo nào như là đối với Thiên Chúa), hay những việc dị đoan rõ rệt (như đốt vàng mã), hoặc cử hành ở những nơi dành riêng cho việc tế tự của một tôn giáo khác… thì giáo hữu không được thi hành và tham dự. Trong trường hợp bất đắc dĩ, chỉ được hiện diện một cách thụ động như đã ấn định trong giáo luật.

    Kỷ niệm 50 năm một sự kiện quan trọng của lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam,
    Việc thờ cúng tổ tiên theo lối xưa có thể được tượng trưng bằng ba cây nhang. Nhang là một sáng kiến tài tình của kinh nghiệm tâm linh phương Đông. Giữa nghĩa trang lộng gió, giữ cho ngọn nến khỏi tắt thật khó, nhưng nhang thì khác. Trên cánh đồng mục vụ của Hội thánh Việt Nam hôm nay cũng thế, Gió Thánh Thần đang thổi rất lạ, có thể khiến nến bị tắt nhưng nhang sẽ càng lúc càng hừng lên ánh lửa trầm ấm.

  3. HẢY đọc cho kỉ, hiểu rỏ thông điệp kẻo phạm sai lầm…

  4. Giaó Hội được sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, đã đi sâu vào nền văn hóa của từng dân tộc loan báo Tin Mừng cách mới mẻ và thích nghi, phù hợp với truyền thống của dân tộc ấy.Điều trước nhất và trên hết vẫn là tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi duy nhất, thứ đến là lòng hiếu thảo của bổn phận làm con cháu tưởng nhớ công ơn của ông bà tổ tiên. Chúng ta hãy vững bước trong niềm tin với sự hưỡng dẫn của Gíao Hội trong Thánh Thần

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *