Tuần Cửu Nhật Kính Thánh Phanxicô Xaviê (3): Thánh Phanxicô Xaviê và Tình Bạn Trong Chúa

Inha Phanxico Farve

Chúng ta có thể thấy tầm quan trọng của tình bạn qua câu nói sau của triết gia Friedrich Nietzsche: “Các cuộc hôn nhân bất hạnh thường không do thiếu tình yêu mà do thiếu tình bạn”. Nếu ông Nietzsche đúng, thì có thể nói tình bạn là mối tương quan căn bản giữa người với người. Cần phải có tình bạn ngay cả khi con người đã xây dựng được những mối tương quan khác thân mật và sâu sắc hơn. Như ông Nietzsche nói, tình yêu phu thê không chỉ cần được xây dựng trên tình bạn mà còn cần được nuôi dưỡng và trân trọng bằng tình bạn. Những người bạn đời cần phải tôn trọng khoảng cách riêng tư và cá vị của nhau cũng như nâng đỡ nhau, như những người bạn, thì mới có thể yêu thương nhau thực sự bằng tình yêu phối ngẫu được. Tương tự như thế, ngay cả tình yêu thương phụ tử hay mẫu tử cũng không loại trừ tình bạn giữa cha hoặc mẹ với con cái.

Nhưng tình bạn là gì? Làm thế nào để xây dựng tình bạn? Những tâm tình của thánh Phanxicô Xaviê có thể giúp ta hiểu hơn về tình bạn, nhất là tình bạn trong Chúa giữa những người thuộc về cùng một gia đình tu trì.

Thánh Phanxicô Xaviê, trong thời gian truyền giáo ở Ấn Độ, xa cách các bạn cùng chí hướng của mình ở Rôma, đã viết những lá thư cho thánh Inhã và các bạn của mình. Chúng ta có thể đọc trong những lá thư đó những dòng đầy cảm xúc da diết và sâu lắng nói lên tình cảm ngài dành cho các bạn của mình. Qua những dòng này, chúng ta cũng có thể đúc kết một số ý tưởng sau về tình bạn, theo cảm nghiệm của thánh Phanxicô Xaviê.

1. Tình yêu của Chúa Kitô là nền tảng cho tình bạn
Thánh nhân cho rằng “vì Chúa quá thương mà tôi được biết anh em và sống với anh em”. Chủ đề của những dòng này tập trung vào việc diễn tả ngài thương nhớ và biết ơn các bạn của mình da diết và sâu xa thế nào, nhưng tiềm tàng đàng sau vẫn là tâm tình thắm thiết với Chúa Kitô, đóng vai trò như phông nền cho những cảm xúc ngài đang diễn tả. Tình bạn luôn được cảm nghiệm như được đặt nền trên và lồng vào trong tình yêu rộng lớn và sâu xa của Chúa Kitô.

Không một tâm tình nào đối với các bạn, từ biết ơn, thương nhớ, thấy mình mắc nợ cho tới hạnh phúc, hy vọng, v.v. mà thánh nhân không cho là do Chúa Kitô hoặc Thiên Chúa ban cho. Mỗi khi nhắc đến các bạn, ngài luôn dùng cụm từ “anh em rất thân mến trong Đức Kitô”.

Như vậy, thánh Phanxicô Xaviê sống tình bạn đúng theo quy tắc mà thánh Inhã đề ra sau Linh Thao: “yêu mến Chúa trong mọi sự và yêu mến mọi sự trong Chúa”. Tình bạn mà thánh nhân cảm nghiệm thì thật da diết và đầy cảm xúc, nhưng không chỉ mang một nét đẹp “thuần túy nhân bản” (theo nghĩa vô thần và trần tục hóa, tức không có liên hệ gì với thực tại siêu nhiên), mà còn mang chiều kích thần bí, tức được đặt trong mối tương quan với Thiên Chúa nơi Đức Kitô.

2. Sứ vụ thể hiện và nuôi dưỡng tình bạn
Tình bạn mà thánh Phanxicô Xaviê cảm nghiệm cũng không phải là một thứ tình cảm lãng mạn ủy mỵ, làm cho người ta chỉ thiết tha với “cái tôi” và “cái chúng mình”, mà là tình cảm da diết của những hiệp sĩ, làm cho người ta hướng tới “cái lớn hơn chúng ta”.

Chính vì yêu thương nhau mà những người bạn rời nhau ra đi tới những chân trời mới mà trong lòng vẫn cháy bỏng nỗi nhớ nhau khôn nguôi. Ra đi trên con đường sứ vụ là cách những người bạn trong Chúa thể hiện tình yêu mến nhau; và trong khi ra đi như thế, họ cảm thấy mình càng yêu mến nhau nhiều hơn. Lúc thành lập nhóm, chính sứ vụ là cách Chúa dùng để quy tụ và liên kết họ với nhau trong tình bạn, nay cũng chính sứ vụ làm cho tình bạn của họ ngày càng thực tế, cụ thể và thắm thiết hơn.

Chính vì thế, xa cách trên con đường sứ vụ không những không là trở ngại mà còn là động lực làm cho họ yêu mến nhau nhiều hơn. Chúng ta hãy đọc chính những dòng chữ của thánh Phanxicô Xaviê:

Nhưng vì mặc dù chúng ta giống hệt nhau trong tinh thần và yêu mến, Chúa lại cho chúng ta phải xa nhau như vậy, tôi nghĩ mình không lầm khi nói xa cách phần xác không làm cho chúng ta, vốn yêu mến nhau trong Chúa, bớt yêu mến và nghĩ đến nhau, cho dù không nói chuyện với nhau gần gũi như xưa. (Bút tích 48,1)

3. Lòng biết ơn là cách những người bạn thể hiện tình cảm
Lòng biết ơn, mà rất nhiều lúc được diễn tả bằng cụm từ “mắc nợ”, là tâm tình mà thánh Phanxicô Xaviê lặp đi lặp lại trong những dòng thư gởi các bạn Giêsu hữu và thánh Inhã.

Thánh nhân biết ơn Chúa và các bạn không chỉ vì tình bạn và những ân huệ khách quan khác, mà còn vì tâm tình chủ quan là lòng thương nhớ và gắn bó với các bạn mà ngài đang cảm thấy nung nấu tâm hồn mình khi đang rong ruổi ở vùng đất truyền giáo.

Ngài cho rằng: “nhờ những hi sinh và lời nguyện sốt sắng và liên tục của tất cả những anh em đang chiến đấu trong hàng ngũ Dòng Tên” mà ngài “thoát được bao nhiêu nguy hiểm phần xác cũng như những khó khăn phần hồn”. (Bút tích 59,21)

Và rằng: “Việc tất cả anh em trong Dòng hiện diện liên lỉ trong tâm trí tôi là do anh em hơn do tôi, vì anh em không ngừng dâng lễ và cầu nguyện cho tôi, một kẻ tội lỗi khốn khổ, nên tôi mới nhớ anh em đến thế. (Bút tích 48,1)

Những dòng trên cho thấy thánh Phanxicô Xaviê luôn nghĩ về các bạn của mình với cảm xúc dạt dào thế nào. Tình thương mến tha thiết được thể hiện bằng lòng biết ơn. Vì quá yêu mến, nên ngài không thể thấy có gì phải than phiền về các bạn, mà trái lại, ngài cảm thấy trân quý các bạn hết sức và mọi thứ được cảm nhận như là quà tặng và ơn huệ. Như thế, trong kinh nghiệm của thánh Phanxicô Xaviê, đứng trước tình yêu của Chúa và các bạn, ngài cảm thấy nhỏ bé và bất xứng, nên lòng biết ơn là hoa trái tất yếu của cảm nghiệm tình yêu đó.

Đọc lại kinh nghiệm của thánh Phanxicô Xaviê về tình bạn, với những chiều kích thiêng liêng, tông đồ và tình yêu cảm kích, chúng ta có dịp để xét lại các tương quan tình bạn của mình xem có thực sự chân thành và sâu xa chăng. Có thể nói, trở ngại thông thường của tình bạn là vị lợi hoặc/và vị kỷ. Rất nhiều khi chúng ta kết bạn vì lợi ích vật chất hay tinh thần, hoặc vì một động lực vị kỷ nào đó thuộc tâm lý bề sâu mà chính chúng ta cũng không nhận ra. Chúng ta dễ lầm lẫn những tương quan vị lợi hoặc vị kỷ như là tình bạn và cũng nhiều khi lồng vào trong tình bạn những động lực vị lợi và vị kỷ. Chiều kích thiêng liêng và tông đồ trong tình bạn giúp chúng ta thanh lọc mình khỏi những động lực vị lợi và vị kỷ đó. Chiều kích tình yêu giúp ta kiểm định xem mình có thực sự trân trọng và quý mến nhau, tức có thực là bạn của nhau hay không.

(Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Hai Tính, SJ)

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 11-01-2025

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 12/1/2025 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Bệnh phong hủi của …

Mến Yêu Hằng Ngày, 11-01-2025

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 7, 11-01-2025 (Ga 3,22-30) Sau đó, Đức Giê-su và các …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *