Ước muốn có Chúa

Làm người, ai ai cũng có ước muốn. Dù là ước muốn lớn hay nhỏ, một khi con người đã ước, thì luôn luôn muốn thực hiện được. Có những ước muốn hướng con người vươn tới trời cao, chạm đến ước muốn của Đấng Tác Thành mọi sự; nhưng cũng có những ước muốn làm cho con người luôn quy về sự dữ, trở nên nô lệ của những thế lực đen tối. Ước muốn là cách thể hiện sự tự do của con người và cũng là cách để chúng ta biết mình là ai trước Thiên Chúa.

Ước muốn trong tư tưởng thường xuất phát từ những gì mà con người phải đối diện hằng ngày. Nếu có một ai đó phải làm một công việc nhàm chán, đều đặn mỗi ngày; ắt hẳn trong tư tưởng họ luôn nghĩ đến việc thay đổi hoặc tìm cách để giải quyết chúng. Ước muốn trong tư tưởng ít khi được biểu lộ ra bên ngoài, và rất khó để người khác có thể hiểu được nếu không được bày tỏ. Ước muốn trong tư tưởng là cái khởi đầu cho những ước muốn sau đó, được thể hiện qua lời nói và hành động. Là con cái Chúa, ít nhiều trong chúng ta đều suy nghĩ đến việc thờ phượng Chúa thế nào cho phải lẽ. Đôi lúc, chúng ta nghĩ rằng mình thờ phượng Chúa, nhưng trong tư tưởng của chúng ta lại thiếu vắng những ưu tiên hàng đầu cho thánh ý của Ngài. Tư tưởng của chúng ta bị lôi cuốn bởi những ước muốn trần gian, và dường như tự do cân, đo, đong, đếm những hơn thua theo suy nghĩ của mình.

Ước muốn trong lời nói bắt nguồn từ tư tưởng sâu thẳm của con người, muốn thổ lộ ra bên ngoài. Khi tư tưởng ngập tràn thì lời nói sẽ tuôn ra, và khi lời nói tuôn ra thì tư tưởng được thỏa mãn. Ước muốn trong lời nói là cái biểu hiện rõ nét nhất bản chất của một con người. Chúng ta chẳng lạ lẫm gì với những lời kinh Magnificat mà Đức Mẹ đã thốt lên khi gặp người chị họ của mình. Mẹ đã bộc lộ tất cả những tư tưởng đã luôn mang trong tâm trí của Mẹ, đó là ước muốn được ca ngợi tình thương của Thiên Chúa. Thế nên, chúng ta lại có dịp nhìn lại ước muốn trong lời nói của mình. Những điều hằng ngày chúng ta thường thưa lên với Chúa trong thánh lễ, hay trong kinh nguyện, có thật sự là chính những nỗi niềm khao khát trong sâu thẳm tâm hồn chúng ta không? Bằng không, những lời thưa thốt ấy thật vô nghĩa trước mặt Chúa, và cũng chẳng phải là những ước muốn tốt đẹp từ tâm hồn chúng ta. Khi có uớc muốn trong lời nói, con người cần thiết phải biết chân lý; nghĩa là biết quy hướng về chính Thiên Chúa là Đấng mà chúng ta thuộc về. Một ước muốn xấu trong tư tưởng sẽ dẫn con người đến một trong hai chọn lựa: Hoặc là dẹp bỏ tư tưởng ấy và không để nó dẫn đến ước muốn trong lời nói, hoặc là để mặc cho tư tưởng ấy được phát triển trong tâm trí và thoải mái thể hiện ước muốn thổ lộ của mình. Chắc chắn chúng ta phải chiến đấu quyết liệt để có một quyết định đúng đắn cho bản thân mình.

Ước muốn trong hành động khởi đi từ tư tưởng và lời nói. Mỗi hành động của chúng ta đều mang lại kết quả, và kết quả đó được nhìn nhận theo nhiều chiều hướng khác nhau. Rất có thể chúng ta đang làm một điều gì đó để mang lại lợi ích cho tha nhân, mà chẳng ai biết ngoài một mình Thiên Chúa. Cũng có khi chúng ta cố gắng xây dựng những mối tương quan như là một cách đem Chúa đến với mọi người, mà không ai hiểu ngoại trừ một mình Thiên Chúa. Những hành động ấy thể hiện ước muốn mãnh liệt của chúng ta trong việc làm sáng danh Chúa. Chẳng có gì có thể cản trở Thiên Chúa hành động để ước muốn ấy được thành sự! Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn lại và đặt dấu hỏi: vì sao Thiên Chúa không hành động trên một số những ước muốn của chúng ta? Có thể chúng ta sẽ tìm ra ngay câu trả lời khi nhớ lại thái độ và lời nói của Chúa Giêsu trước ước muốn của bà mẹ hai anh em Giacobe và Gioan. Vì thế, khi chúng ta muốn hành động vì những gì thuộc về Thiên Chúa, kết quả chúng ta nhận được chắc chắn sẽ từ Thiên Chúa; ngược lại, khi chúng ta muốn hành động vì những lợi ích thế gian; kết quả chúng ta nhận được chỉ là những gì thoáng qua, do con người mang lại mà thôi.

Ước muốn cao cả và tuyệt vời trên hết chính là ước muốn được có Chúa. Khi có Chúa, tư tưởng của chúng ta sẽ chìm sâu trong tư tưởng của Thiên Chúa, để nhận ra được điều Ngài muốn là gì. Khi có Chúa, lời nói của chúng ta được xuất phát từ trái tim đã được nằm trọn trong trái tim của Ngài. Khi có Chúa, hành động của chúng ta được thúc đẩy bởi Thần Khí khiến cho mọi việc luôn mang những ý nghĩa và giá trị thuộc về Thiên Chúa. Chúng ta tạ ơn Chúa vì Ngài cho chúng ta tự do thể hiện ước muốn! Xin Ngài hãy giúp chúng ta được thực sự ước muốn những gì thuộc về Ngài! Như thế, cuộc đời chúng ta là sự thể hiện ước muốn theo thánh ý Ngài.

Therese Trần Thị Kim Thoa   

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Sinh Nhật Chúa Giêsu và câu chuyện Giáng Sinh

  Tại sao Sinh Nhật của Chúa Giêsu được gọi là Giáng Sinh?   Thuật …

“Lạy Đấng Emmanuel, xin hãy đến!”: Nỗi khắc khoải và niềm hy vọng trong Mùa Vọng

Người phương Tây thế kỷ 21 – từ Taylor Swift đến Billie Eilish – đã …

Một bình luận

  1. tôi muôn học giỏi au kì thi này

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *