Vấn đề cúng bái tổ tiên (tt)

LỜI KẾT

Qua mấy trăm trang sách trên đây, bạn đọc có thể nhận ra là, chúng tôi còn mắc nhiều thiếu sót khi trình bày vấn đề “rốì như tơ này”: thiếu sót vì chưa nói cho đủ những vấn đề Giáo hội đã “hoà mình” được hay chưa, những mặt được nhắc đến chưa được gãy gọn, sáng sủa… Thực ra chúng tôi chỉ đứng về mặt lịch sử, còn nhiều mặt khác, lại cần phải do các nhà chuyên môn các ngành.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng dám nói là đã “moi móc” ra một phần cái “mối bòng bong” lịch sử trong mấy trăm năm qua, để bạn đọc nhận định, phán đoán.

Như chúng tôi đã nói và bạn đọc cũng đã quá rõ là, khi đạo Chúa bắt đầu được truyền giảng, cũng chẳng phải là dễ dàng đối với phong tục, luật lệ, nếp sống Do thái giáo hay với đế quốc Roma. Nhưng rồi, phải nói là, đạo Chúa dần dần mặc lấy được nền văn hoá Tây phương, hoà mình vào nếp sống địa phương, khi những thứ đó không cản trở mà còn giúp cho Giáo hội sống Tin mừng cụ thể, sống động hơn. Đã có thời Giáo hội Chúa với những xã hội ấy “như là một”, hay ít ra song hành với nhau rất hài hoà.

Không biết có phải là vì những thế kỷ đầu tiên, về mặt hình thức, tổ chức, điều hành, Kitô giáo chưa mang lấy những cơ cấu chặt chẽ như sau đó, nên Giáo hội dễ dàng uốn mình theo văn hoá địa phương. Đàng khác, các nền văn hoá kia, có thể nói được, cũng chưa lâu đời lắm.

Nhưng từ khi đạo Chúa được “ồ ạt” truyền giảng ở Đông Á, cụ thể là ở nước ta, “chính thức” từ đầu thế kỷ XVII, thì lúc ấy đạo Chúa ở phương Tây, về hình thức đã được tổ chức chặt chẽ, thậm chí còn trở nên “Tây phương”. Chính vì hai yếu tố đó, mà một mặt đạo Chúa khó nhập vào xã hội VN vì đã “quá cứng”, thiếu sự mềm dẻo ban đầu; mặt khác lại bị các nước Đông Á, như VN chúng ta, nhiều người hiểu lầm là một thứ tổ chức dính dáng nhiều với phong trào đi “mở mang bờ cõi” của các đế quốc Tây phương. Còn về phía các nước Đông Á, vì đã có một nền văn hoá lâu đời, trước cả Kitô giáo, nhất là Trung Hoa, Ấn Độ, nên dễ gì mà từ bỏ được di sản văn hoá ngàn đời ấy, để theo cái mới.

Kể từ đầu thế kỷ XVII đến nay mới được 400 năm đạo Chúa xuất hiện ơ VN. Lúc đầu cuộc gặp gỡ giữa xã hội VN và Giáo hội, có thể nói là rất khó khăn, nhất là vào thế kỷ XIX. Nhìn vào lịch sử Giáo hội Tây phương, rõ ràng mấy trăm năm đầu cũng chẳng thiếu gì khó khăn trong cuộc hoà mình giữa Tin mừng và xã hội nói chung; phải chờ vài thế kỷ nữa, mới có được sự hài hoà giữa đôi bên.

Ngày nay thế giới xích lại gần nhau hơn cụ thể từ thế kỷ XX. Biết bao nhiêu tổ chức có tính cách đa quốc gia, đa dân tộc ra đời. Ngay sau thế chiến thứ nhất, xuất hiện Hội Quốc liên, rồi sau thế chiến thứ hai với tổ chức toàn cầu Liên Hợp quốc, đến nay đã có 193 nước thành viên – thành viên mới gia nhập gần đây nhất, 27-9-2002, là Đông Timor (Timor-Leste); ngay từ tháng 10 đến tháng 12-1945 đã có 49 thành viên đầu tiên – cùng bao nhiêu cơ quan trực thuộc, đã làm cho các dân tộc, các nền văn hoá gần gũi nhau nhiều hơn[9].

Vậy chúng ta vẫn có thể lạc quan, kiên trì với thời gian, hy vọng mọi phía đều sẩn sàng tôn trọng nhau, ra khỏi tháp ngà của mình, chân thành tiếp nhận nhau; khi đó cuộc hoà mình giữa Giáo hội và các xã hội, trong đó có xã hội VN, mỗi ngày tốt đẹp hơn.

A.M.D.G.


[1] Đỗ QUANG CHÍNH, Tản mạn lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam, Lưu hành nội bộ, Tp. Hồ Chí Minh, 2005, tr. 210-222.

[2] Mãn Châu Quốc chính thức tuyên bố là một quốc gia độc lập kể từ năm 1932 sau khi tách ra khỏi Trung Hoa. Trước khi là một nước riêng rẽ, vùng Mãn Châu gồm 3 tỉnh : Hắc Long Giang, Cát Lâm, và Liêu Ninh. Năm 1935, Mãn Châu Quốc chia thành 14 tỉnh, vđi số dân 32.288.472 người, diện tích 1.304.214 km2 (René JOUON, Géographie commerciale de la Chine, Shanghai, 1937, tr. 91).

[3] Bản dịch từ Latinh sang Pháp văn trong ACHARD, Le Siege apostolique et les Missions, texts et Documents pontificaux, Fascicule II 2nd, Édition, Pái-Lyon, 1959, tr. 152-155.

[4]     PIÔ XI (Achille Ratti) : sinh 1857, đắc cử GH 6-2-1922, khai mạc chức vụ 12-2-1922, qua đời 10-2-1939.

[5]    Điều 22 bộ Giáo luật năm 1917 : Luật ra sau, do nhà chức trách có thẩm quyền, bãi bỏ luật ra trước, nếu luật ra sau nói rõ như thế, hoặc luật ra trước trực tiếp mâu thuẫn với luật ra sau.

[6]     Điều 1258 bộ Giáo luật năm 1917 : §1. Người tín hữu không được phép tham dự cách chủ động (active assistere) bằng bất cứ cách nào, hoặc tham dự một phần (partem habere) trong các nghi lễ của người không Công giáo.

§2. Trong các nghi lễ an táng người không Công giáo, các đám cưới và những cuộc lễ long trọng tương tự, có thể chuẩn chước (tolerari) cho người tín hữu hiện diện cách thụ động hoặc chỉ có tính cách bề ngoài (praesentia passiva seu mere materialis), vì trách nhiệm dân sự hoặc vì danh tiếng, miễn là không cổ nguy hiểm làm gương mù và sinh tội (perversionis), trường hợp nghi ngờ thì phải được Giám mục xác nhận vì lý do nghiêm trọng.

[7]     PIÔ XII (Eugenio Pacelli), sinh 1876, đắc cử GH 2-3-1939, khai mạc chức vụ 12-3-1939, qua đời 9-10-1958.

[8]       Báo Linh mục nguyệt san, Sacerdos, số 43, tháng 7-1965, xuất bản tại Sài Gòn, tr. 489-492.

[9] Encyclopaedia Britannica Almanac 2005, Chicago, London, Paris…, .2004, tr. 623-624.

 

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *