Vái – Lạy – Niệm Hương

Vái – Lạy và Niệm hương – những cử chỉ này dùng để tỏ lòng cung kính, cả với người trên lẫn thần thánh, nên thuộc Lễ.

Tại sao lại cần đến Lễ ?

Lễ và tác dụng của nó

Theo đức Khổng, Lễ và Nhạc là hai nhân tố quan trọng nhất của Hóa dân (cải hóa dân chúng) : Lễ thì phân ra để đối xử, Nhạc thì hợp lại cho có hài hòa từ nội tâm ra đến quan hệ giữa người với nhau. Phân ra chính là để rõ trên dưới và thân sơ, trên để chúng ta kính, thân để chúng ta yêu và có trách nhiệm chăm lo tới.

Lòng cung kính (hay yêu mến) của con người có xác không thể không được biểu hiện qua lời nói và hành động, cử chỉ, và đây là Lễ.

Để Lễ biểu lộ sâu xa lòng cung kính, nhất là khiến cảm nhận sự cung kính ấy, thì cử chỉ phải đi vào một khuôn thước và theo một truyền thống, nên đây là tập quán chung cả vùng (tức phong tục) khiến người người đều hiểu và làm một cách tự nhiên. Nghi thức ấy cũng phải có “nghĩa”, tức kèm theo tâm tình, chứ không chai cứng thành máy móc (bên ngoài) , giống như câu Excuse me, I’m sorry của người Anh. Như đức Khổng nói :

“Lễ là cái thực [tức cái thể hiện bên ngoài] của nghĩa [tức của ý nghĩa, ý hướng, tâm tình bên trong].”

                                                                Lễ ký : Lễ vận,IX

Một khi đi vào Lễ với ý hướng như thế, thì  Lễ sẽ giáo dục ta và người xung quanh ta. Giáo dục trước hết bằng tác dụng đê ngăn:

“Lễ dùng ngăn không để loạn sinh ra, như đê giữ cho nước khỏi tràn đến.” (Lễ ký: Kinh giải,XXVI)

“Người mặc áo xô chống gậy không thể đi tìm vui, không phải vì không nghe biết gì, nhưng y phục khiến phải thế..” (Khổng tử gia ngữ: Hiếu sinh,X)

Giáo dục tiếp theo bằng cách ươm trồng những đức tính và tâm tình tốt :

“Người mang phủ phất, áo cổn, mũ miện thì dáng điệu không phóng túng, không phải vì tính trang nghiêm, nhưng vì y phục bắt vậy…” (Khổng tử gia ngữ: Hiếu sinh,X)

“Cầu khấn, cúng vái, tế tự mà không lễ thì thiếu trang nghiêm, thành kính…” (Lễ ký : Khúc lễ thượng)

Đông và Tây : cử chỉ cung kính

Đông hay Tây, trong tương giao và thờ tự, đâu đâu cũng có lễ, nhưng hình thức thì có thể khác nhau, thậm chí rất tương phản nhau.

Đối với người Âu Mỹ, kính thì phải ngửng đầu mà nhìn thẳng vào mắt người trên, trong khi làm thế lại là bất kính đối với Phương Đông chúng ta. Ngày xưa bên Đông, thần dân phải cúi mọp trước vua chúa, khiến ai dám nhìn họ có thể mất đầu.

Quả thật đứng trước thần và vua, người Tây chỉ thẳng người mà bái quỳ, chứ bên Đông lấy cúi đầu và cúi mình làm chính. Không phải chỉ ngày xưa, mà ngày nay vẫn vậy. Bên Việt nam, các dì vẫn dạy trẻ phải khoanh tay cúi đầu để chào những người đáng tôn đáng kính. Sự cúi đầu sâu và cúi mình luôn gặp trong các phim ảnh mới của Nhật, Thái lan và Nam triều tiên.

Trong sự cung kính, ngoài đầu và mình ra, còn có sự  tham gia của hai tay và bàn tay, hai gối và hai chân.

Với hai gối và hai chân, người ta có thể quỳ một chân hay hai chân, có thể ngồi mà phục lạy như bên Ấn và trong các nước Phật giáo như Thái lan, có thể quỳ mà phục lạy như các nước theo văn hóa Trung quốc.

Còn với hai tay và hai bàn tay ?

Người Tàu dùng bàn tay trái nắm lấy bàn tay mặt mà giơ ngang ngực hay ngang trán (con nhà võ khi chào thì bàn tay trái xòe ra đặt úp trên nắm đấm tay phải. Người Việt chúng ta lại khoanh tay hay hai tay nắm úp vào nhau trước ngực.Còn người Ấn chào nhau luôn chắp tay trước môi (với lời chào Namâste), vái Thần Phật thì chắp tay ngang trán.

Vái hay lạy, với người theo truyền thống Trung quốc, con số vái và lạy cũng quan trọng không kém. Thật ra trên thế giới, rất nhiều con số có giá trị biểu trưng, thậm chí thiêng liêng đến có thể tác động mạnh vào tâm trí một số người, nhất là người có khuynh hướng mê tín, như số 13 chẳng hạn.

Số biểu trưng, có con số chung cho mọi văn hóa, như số 3 và số 10 toàn mãn ; và những con số khác nhau từ văn hóa này đến văn hóa kia. Quả thế, nếu số tròn của truyền thống Do thái (mà Kytô-giáo cũng thừa kế luôn) là 7 (7 ngày sáng tạo đi với 7 ngày trong tuần, 70 năm trong Daniel, 70 lần 7 trong Phúc âm, rồi trong Khải huyền thư : 7 thiên thần, 7 chén, 7 ngôi sao, 7 con niêm, v.v…) và số 12 (12 bộ tộc Israel, 12 tông đồ, 12 cửa Yêrusalem thiên quốc, vòng hào quang 12 sao …).

Với Trung quốc, các số biểu trưng quan trọng thường lấy từ Kinh Dịch. Và quan trọng nhất trong các số này là 9, rồi 5 (9 là của đấng tối thượng, 5 là của vua , người đại diện cho đấng tối thượng dưới đất) trong câu:

Cửu Ngũ: Long phi tại thiên. lợi kiến đại nhân. (Chu dịch thượng kinh : Quẻ Càn : Lời kinh)

Hoàng đế nhà Thanh, tự coi mình là đấng tối thượng con Trời, nên ngồi trên ngai cửu trùng và bắt thần dân lạy cửu khấu.

 

VÁI – LẠY …NIỆM HƯƠNG

              Nghiên cứu truyền thống Á đông –  Đề nghị những áp dụng trong Công giáo-

                                     Được soạn với sự cố vấn của cụ Đỗ văn Rỡ .

                                     Cụ là chuyên gia hàng đầu về tế và hát bội

                                     ở miền Nam Việt nam————————

A. Những cử chỉ thờ kính truyền thống

KHẤU : cúi   –   KHẤU ĐẦU : cúi đầu xuống đất,sát đất

CUNG :cúi mình  –  CÚC CUNG : cúi sâu

BÁI : lạy,lễ. Tay chắp ngang trán, vái nhẹ vài cái, rồi lạy sâu (cúi ngang mình mà lạy một hay mấy cái), rồi thẳng người lên trong khi vái nhẹ vài ba cái. Để cho trang trọng, có thể tiến lên hai bước trước khi lạy, lùi lại một bước sau khi lạy.

CÚC CUNG BÁI : lạy thật sâu, thật cung kính, quỳ rồi lạy sát đất.

QUỴ : quỳ. Bao giờ quỳ cũng là để lạy, để niệm hương, để phủ phục. Chỉ chủ tế mới quỳ để niệm hương, người khác thì đứng mà lạy, mà niệm.

  CÁCH QUỲ LẠY : tay chắp ngang trán, vái vài vái nhẹ ; rồi cúi mình,hai tay trên đầu gối trái, gối phải quỵ xuống, gối trái quỵ xuống, lạy mấy lạy ;rồi gối phải co lên,tay trên đầu gối phải, gối trái co lên, trong khi đứng thẳng người thì vái vài ba cái.

  CÁCH CHĂP TAY : hai bàn tay chắp vào nhau ngang trán. Hoặc hai bàn tay ôm lấy nhau ngang trán, ngón cái tay trái ép lên ngón cái tay phải thành hình chữ Nhân (trong đạo Nho, trong tế đình). Cũng có khi hai ngón cái giấu giữa hai bàn tay. . . Trong khi ấy, hai cánh tay khuỳnh tròn ngang vai.

VÁI, XÁ :  tay chắp ngang trán, đầu hơi cúi, vái nhẹ vài ba cái. Vái hay xá được coi là nửa lạy. Hai ba vái sau lạy cũng được coi là nửa lạy.

PHỦ : cúi sâu   –   PHỦ PHỤC : sấp mình sát đất, hoặc co gối, hoặc duỗi chân. Khi phủ phục co gối hay khi quỳ lạy sát đất, thì “ngũ thể đầu địa”, tức năm phần thân thể (trán, hai bàn tay, hai đầu gối) đụng đất.

B. Số lạy, vái, vái hương

TAM BÁI : thường quỳ mà lạy nếu tế. Quỳ ba lần, mỗi lần một lạy sát đất. Phật giáo thường lạy ba lạy, hai lần ba lạy . . .

TỨ BÁI : đối tượng là thần trời (không phải Thiên chúa như chúng ta quan niệm đâu), thần đất, các trung đẳng thần và phúc thần,  bài vị người chết đã chôn. Đúng ra là bốn lạy rưỡi, vì sau bốn lạy còn vái nhẹ vài ba cái nữa. Nếu niệm hương thì cũng bốn vái rưỡi như thế. Cũng có vùng không làm cái Rưỡi nói trên. Nên nhớ, người chết chưa chôn thì chưa thành thần (esprit,spirit), do đó chỉ được vái  hương hai cái rưỡi thôi.

NGŨ  BÁI : đối tượng là thượng đẳng thần (và vua) .

CỬU   BÁI : Đối tượng là Thiên, đấng Tối cao. Càn (Thiên) thì hào 9 và lớn ở ngôi 5 : 9 dành cho Thiên, 5 dành cho vị tối cao trên mặt đất, tức vua1 . Cũng có đạo lạy đấng Tối cao 12 cái.

TAM QUỴ CỬU KHẤU  : ba lần quỳ, mỗi lần ba lạy sát đất .

C. Một vài lưu ý trong niệm hương

ĐỐT  HƯƠNG : Trong tế, chấp sự đốt hương trao chủ tế niệm, rồi nhận lại cắm vô bát (chấp sự  là người lớn, có địa vị, chứ không con nít như các em bé giúp lễ). Ngoài tế, thì việc này cũng dành cho người lớn có địa vị trong nhà, chứ không cho người ngoài hay người giúp việc.

Đốt rồi vảy cho tắt, chứ đừng thổi. Khói hương bay lên tới đấng thiêng liêng, khói hương ấy phải tinh khiết, không để nhiễm mùi dơ của hơi thở.

 Hương cắm cũng phải để cháy cho hết, chứ đừng hà tiện mà dụi đi, tỏ ra thiếu thành tâm. Nếu trót dụi rồi, thì đừng tiếc mà đốt lại, vì thế là bất kính.

NIỆM HƯƠNG : Đầu cuộc tế, thường chủ tế quỳ niệm hương. Cầm hương, thì kẹp hương giữa hai tay chắp, nâng ngang trán mấy giây để niệm, rồi hẵng vái. Vái đủ số như khi lạy. Cũng có người chỉ nâng hươngngang trán để niệm, đoạn cắm vô bát, chứ không vái.

D. Những đề nghị áp dụng trong Công giáo

1. Xin đưa những cử chỉ thờ kính theo truyền thống Việt nam vào thay thế những cử chỉ xa lạ với phong tục chúng ta. Đồng thời đơn giản hóa đi vừa phải, sao cho thích hợp hơn với thời đại.

2. Để tỏ ra cung kính thì theo phong tục, luôn luôn phải cúi đầu. Vậy hãy bỏ hẳn cách quỳ thẳng người, và thay vào đó, chắp tay ngang trán vái nhẹ đôi ba vái. Trước Chúa, Thánh thể và Thánh giá, có thể đứng mà lạy một lạy với vài vái ngắn.

3. Trong thánh lễ, có thể vái huơng chín hay năm vái lúc Tựu vị (đến trước bàn thờ) và sau Tiến lễ. Sau Tiến lễ, một số đại diện tín hữu có thể lên cùng vái hương với chủ tế. Sau Hoá thánh (Truyền phép), chủ tế ra trước bàn thờ, cùng với cộng đồng lạy một lạy và cúi mình sâu một lát để thờ lạy. Trong thánh lễ thật long trọng, nhất là nơi các dòng thiên về chiêm niệm, thì sau Hóa thánh, nên phủ phục mà thờ lạy thì trang nghiêm hơn.

Nên nhớ khi niệm hương, việc đốt hương phải được dành cho một chức sắc trong giáo  xứ, một người có địa vị trong cộng đồng.

4. Cũng không nên hôn bàn thờ và ôm hôn nhau giữa cộng đồng trong thánh lễ. Lại nắm tay nhau thì thân mật hơn là bắt tay.

5. Nến trắng chỉ dùng trong tang lễ thôi.

1 Cửu là chỗ cực thịnh của Dương, là đức của Trời, nên Càn thì hào  Cửu. Ngôi Ngũ của Càn là sự hiển hiện của đức Trời nơi ông vua có đức lớn (đại nhân) (coi Kinh Dịch bản Ngô tấtTố, tr.72-73). Bởi thế lạy vua năm lạy, lạy Trời chín lạy.

Giuse Hoàng Sĩ Quý, S.J.

Kiểm tra tương tự

4 cách lần hạt Mân Côi dành cho người bận rộn

  Để tôn kính Đức Mẹ Mân Côi, đây là 4 cách đơn giản để …

Ngày ăn chay cầu nguyện cho hòa bình thế giới | 07/10

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi người sống ngày cầu nguyện và ăn chay cho …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *