Vấn Đề Trẻ Em Bại Não và Cái Nhìn Về Con Người

Dẫn nhập

Chứng kiến cảnh một gia đình, đặc biệt người mẹ, đã chấp nhận tất cả những khổ cực, nước mắt và gần như hi sinh một đời để ngày đêm bên cạnh và chăm sóc cho một đứa con gái bị bại não không thể tự làm gì, trong khi một người khác lại đem đặt cũng người con bại não của mình trước cổng một trung tâm chăm sóc trẻ, đã khiến tôi suy nghĩ nhiều về con người. Liệu em bé đó có thực sự là người hay em chỉ có ‘một phần người’ nào đó thôi? Nói cách khác, làm thế nào để tôi có thể nhìn nhận những em bại não đó hay những người bị các chứng bệnh đặc biệt khác vẫn là con người để từ đó tôi có được cách cư xử với họ như là một con người? Trong hiểu biết giới hạn của mình, trước hết tôi sẽ cố gắng đọc ra quan niệm về con người từ cách hành xử của những người liên hệ trong bối cảnh hiện tại ở Việt Nam; kế đến là quan niệm của tác giả John K. Kavanaugh về con người từ đó làm điểm tựa cho việc đánh giá những quan điểm đã nêu ở phần trước; và cuối cùng là suy nghĩ của cá nhân tôi.

1.      Quan niệm về con người ẩn sau cách hành xử của những người liên quan với trẻ bại não

Mặc dù có những cách phản ứng và hành động khác nhau từ các bậc cha mẹ và những người liên hệ, nhưng dường như họ vẫn nhận định các em này là những ‘con người’. Đối với những người chấp nhận những khó khăn, vất vả để quyết định tiếp tục giữ các em và nuôi nấng các em thì có lẽ dễ hiểu rằng họ hoàn toàn xem các em là những con người – những người con. Còn đối với một số cha mẹ, những người đã quyết định để ‘bỏ’ các em nơi vệ đường gần những ‘trung tâm nuôi trẻ đặc biệt’ thì tôi có thể phần nào thấy được suy nghĩ phía sau hành động ấy của họ. Họ chắc chắn không xem các em là ‘không phải con người’ vì nếu như thế đơn giản là họ quăng các em đi mà chẳng cần phải vất vả đem tới những nơi ấy và thấp thỏm chờ đợi ở xa xa cho tới khi có người đã nhặt ‘đứa con của họ’ để mang vào trung tâm. Có lẽ họ phải trải qua một cuộc tranh đấu nội tâm mạnh mẽ và vì nhiều những lý do cá nhân khác nhau đến nỗi họ ‘bắt buộc’ phải đưa ra quyết định và hành động như thế. Điều này cũng tương tự đối với một số cha mẹ quyết định phá bỏ bào thai khi phát hiện ra bào thai ấy bị hội chứng bại não. Hẳn là họ và đặc biệt là người mẹ không dễ dàng chút nào khi phải quyết định như vậy. Cũng thế, đối với những người trực tiếp làm việc trong các trung tâm, những người chăm sóc các em thì họ xem những em này đáng được chăm sóc như những con người – vì chúng cũng là những con người. Đối với các em, họ tắm rửa, thay tã, cho ăn… như chăm sóc một con người. Như vậy, có thể phần nào thấy rằng quan niệm chung của những người liên quan vẫn xác nhận các em cũng là những đứa con – những con người qua câu nói rất thường gặp nơi những người cha mẹ: “Dầu gì thì nó cũng do mình sinh ra mà!”.

Tuy nhiên, ẩn sau những cách đối xử và đặc biệt từ chính kinh nghiệm của những cha mẹ hay những người liên quan này, tôi cũng phần nào đọc được rằng họ vẫn thấy một điều gì đó ‘thiếu người’ hay ‘người không trọn vẹn’ nơi các em. Đa số những người cha, người mẹ mà tôi được nghe chia sẻ đều cho rằng việc họ có một đứa con bại não hay những căn bệnh đặc biệt khác như là một sự thử thách của ‘ông trời’ (mặc dù quan niệm về ‘ông trời’ của mỗi người có khác nhau). Họ vẫn cảm thấy ở một mức độ nào đó ‘đứa con đặc biệt’ này ‘không bằng’ hay ‘thiếu người’ so với những đứa trẻ khác. Và nếu một khi phải chọn lựa thì những đứa con khác sẽ được ưu tiên hơn. Dầu họ vẫn nuôi nấng các em, vẫn chăm sóc các em nhưng dường như điều mà ta gọi là ‘quý trọng’ hay thực sự yêu thương có vẻ không được tỏ lộ mấy. Điều này có lẽ dễ thấy hơn nơi những người làm công việc chăm sóc các em ở các trung tâm. Rất nhiều khi, những đứa trẻ đó chỉ là được nuôi để ‘tồn tại’ chứ không phải được ‘sống’ – được yêu thương – như một con người thực sự. Có rất nhiều người trong số những người chăm sóc các em thường có một câu nói quen thuộc với tôi cũng như những người khác đến thăm các em là: ‘nó có biết gì đâu!’. Trong câu nói và cách nói ấy, tôi cảm thấy một sự xem nhẹ hay phân biệt nào đó. Một cách nghĩ như thể các em là con người cấp thứ (secondary persons). Như vậy, nơi kinh nghiệm của những người này, một thắc mắc, một sự khó hiểu và một sự căng thẳng vẫn đang được gợi lên. Đó là, một đàng họ vẫn xem các em là những con người, nhưng đàng khác họ vẫn cảm thấy nơi các em có một sự ‘thiếu người’ nào đó mà họ không giải thích được.

Để phần nào lý giải những căng thẳng này, trong giới hạn hiểu biết của mình, tôi sẽ nêu ra quan điểm của tác giả John K. Kavanaugh về con người như là điểm tựa cho suy tư của mình.

2.      John K. Kavanaugh và cái nhìn về con người[1]

Đối với tác giả John K. Kavanaugh, con người là một “embodied self-consciousness”. Trong đó, xét ở khía cạnh ‘embodied’, mỗi con người có một thân xác với toàn thể các hệ cơ quan như tuần hoàn, hô hấp, bài tiết, sinh dục,… với một hình dáng, diện mạo cụ thể, và được xác định trong một không gian thời gian cụ thể, và vì thế nó cũng chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố sinh hóa lý và bởi những tác động của môi trường. Nó cũng bao gồm các cơ phận đóng vai trò trong việc tiếp nhận và phản ứng lại với những thông tin từ bên ngoài (những giác quan). Thân xác ấy còn được kế thừa từ những di truyền của các thế hệ trước nó với những nét tính cách, chiều cao, cân nặng… và cả tính tình cũng như những nguy cơ bệnh tật, đồng thời nó cũng thay đổi (becoming) theo thời gian.

Tuy nhiên, dẫu rằng sự tổng hòa của những yếu tố vật chất ấy đã phần nào mang những đặc nét về mặt giống nòi để phân biệt con người với các sinh vật khác, nhưng như thế thì chưa đủ như John K. Kavanaugh đã khẳng định và ông cũng phát biểu rằng điều làm cho cái ‘khối tổng hòa’ ấy thực sự là người chính bởi chiều kích của ‘self-consciousness’. Theo Kanvanaugh, tự bẩm sinh, con người được phú bẩm khả năng ‘lùi lại’ để ‘nhìn’ chính mình ‘đang nhìn’ (awareness of awareness). Mặc dù các sinh vật khác, đặc biệt là các loại động vật, cũng có những phản ứng lại với những tác động của môi trường, những thông điệp chúng nhận được, chẳng hạn con chó biết sủa khi thấy người lạ, con gà biết gọi con chạy trốn khi phát hiện có chim diều hâu ở gần…, nhưng chúng chỉ làm thế mà ‘không biết’[2] chúng đang làm điều đó. Ngược lại, cứ như sự phát triển bình thường của con người, thì tới một lúc nào đó, đứa trẻ sẽ nhận ra nó khác với người khác – đây cũng chính là thời điểm cái ‘tôi’ (self; being) được xác nhận. Nghĩa là, để có thể thấy được nó ‘khác’ với người khác, đòi hỏi nó phải biết quan sát chính nó và so sánh nó với người khác. Đây phải là một sự quan sát trọn vẹn, nghĩa là chính nó trở thành một đối tượng quan sát của nó, chứ không giống như việc một người nhìn thấy mình ở trong gương. Tuy nhiên, cũng theo Kavanaugh, cái khả năng ‘self-consciousness’ này cũng trong quá trình từ ‘tiềm năng’ (potential) sang ‘hiện thực’ (actual). Nghĩa là mặc dù từ bẩm sinh mọi con người đều đã có được ‘khả năng’ để thể hiện việc ‘self-consciousness’ nhưng cái khả năng ấy phải cần thời gian và những yếu tố khác để có thể trở thành hiện thực hay có thể được nhận thấy nơi họ.

Thế nhưng, mặc dù phải phân tách để cho thấy hai nét đặc trưng này của con người, nhưng Kavanaugh vẫn luôn khẳng định rằng hai chiều kích này không thể tách rời nhau, mà đúng hơn phải nói rằng con người là một ‘tổng thể có khả năng self-consciousness trong body. Đó chính là lý do tại sao tác giả dùng từ ngữ em-bodied, nghĩa là cái khả năng ‘ý thức mình đang ý thức’ ấy chỉ có thể có ‘trong thân xác’. Để làm sáng tỏ hơn điểm này, ông nêu lên cách thức mà ở đó khả năng self-consciousnees được thực hiện. Đó là, khi một người ‘suy nghĩ’, anh phải vận dụng các thành phần của thân xác mình, đặc biệt là não bộ với các nơ-ron thần kinh (nerve-cell), các mạch máu, các thông tin từ ngũ quan… và mọi sự ấy phải xảy ra ở trung khu thần kinh trong não bộ. Nói như vậy có nghĩa là, mặc dù cái khả năng ‘self-consciousness’ là phi vật chất, là trổi vượt (transcendent) nhưng nó lại bị giới hạn và ảnh hưởng bởi thân xác (là vật chất).

Như vậy, John K. Kavanaugh đã nhìn nhận rằng con người là một tổng thể có khả năng ‘ý thức mình đang ý thức’ trong một thân xác – một embodied self-consciouness, mà cả hai yếu tố này không thể tách biệt và chịu ảnh hưởng của nhau. Dựa trên cách hiểu biết này, tôi sẽ đưa ra một vài suy tư của mình.

3.      Cái nhìn của cá nhân

Trong kinh nghiệm của cá nhân mình, khi tiếp xúc với các em đặc biệt này, tôi vẫn luôn xác định các em là những con người trọn vẹn, nhưng đồng thời tôi vẫn luôn cố gắng tìm kiếm câu trả lời cho vấn nạn là làm thế nào tôi có thể xác nhận điều đó, hay làm thế nào tôi có thể phần nào nói cho người khác rằng các em vẫn là những con người thực thụ. Cũng như nhiều người, tôi có thể phần nào đó dễ đón nhận rằng các em là ‘người’ vì do bởi cha mẹ các em – những con người – sinh ra. Tuy nhiên, khác với nhiều người, đối với tôi dù có những em dường như ‘không biết gì’ theo như lời nhận định của những người chăm sóc, nhưng khi tôi tiếp xúc với các em, một cảm nhận rất thật nơi tôi là các em vẫn ‘biết’ theo một nghĩa nào đó. Từ ánh mắt hay từ việc các em nắm lại bàn tay khi tôi cầm tay em…, tôi ‘cảm’ được nơi các em một yếu tố ‘người’ – người trọn vẹn.

Tuy nhiên, vượt lên trên cái chỉ là kinh nghiệm, là cảm nhận của riêng tôi, dựa vào tác giả John K. Kavanaugh, tôi có thể phần nào có được một diễn tả, một lời giải thích cho cảm nhận của mình. Dựa theo Kavanaugh như đã trình bày ở trên tôi có thể khẳng định các em là những con người trọn vẹn bởi các em có được một tổng thể thân xác – điều được kế thừa từ ‘loài người’. Tuy nhiên, phần mà ta gọi là ‘self-conscousness’ mà nhiều người cho rằng không có nơi các em này thì thật ra là vì bởi những yếu tố nào đó mà nó ‘chưa được thể hiện’. Hoặc là, do ta chưa ‘đọc’ ra được nó, vì như Kavanaugh nói, một đàng là cần cái khả năng ‘self-consciousness’ được ‘thể hiện’ nhưng đàng khác ta cũng cần khả năng để ‘đọc ra’ được hay để ‘nhìn thấy’ được nó. Chính vì vậy, với kinh nghiệm của mình, tôi có thể nói rằng rất nhiều người sẽ phải thay đổi cách nghĩ, cách nhận định về các em đặc biệt này khi họ có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với các em. Bởi lẽ, rất nhiều khi ta ‘đọc’ được cái ‘cốt lõi người’ nơi mỗi người không chỉ bởi nhìn, nghe, sờ… nhưng còn bằng ‘cảm’.

Thế nên, vì tôi nhìn nhận các em thực sự là những con người trọn vẹn nên tôi nghĩ rằng chúng ta, những ‘con người bình thường’ cần phải làm hơn những gì chúng ta đang làm cho các em bị bệnh đặc biệt này. Không phải chúng ta chỉ là nuôi các em tồn tại bằng cách cho ăn uống, tắm giặt… nhưng còn cần giúp các em sống bằng ‘tình yêu’ của mình. Dẫu rằng tôi cũng rất cảm thông những khó khăn, cực nhọc của các bậc cha mẹ hay của những người chăm sóc, nhưng giả như có nhiều người hơn cùng chung tay nâng đỡ, cùng góp sức tăng trưởng những ‘con người’ là các em ấy thì có lẽ kết quả sẽ khác nhiều.

Kết luận

Như vậy, có thể nói rằng dù hầu như đa số đều xem các em bại não hay những trẻ bị các bệnh đặc biệt cách chung là những ‘con người’, nhưng có vẻ nhiều người vẫn chỉ coi các em là những ‘con người hạng thứ’. Còn đối với riêng tôi, dựa trên kinh nghiệm của mình và đồng thời từ những trình bày của tác giả John K. Kavanaugh, tôi tri nhận các em là những con người trọn vẹn. Thế nhưng, nói như thế không có nghĩa là mọi sự đã rõ ràng, rằng tôi có thể dễ dàng nhìn thấy một con người trọn vẹn ở trước mặt mình khi đối diện với các em hay những người bị những căn bệnh khác. Bởi lẽ, một đàng tôi có thể cảm thấy và cũng có cơ sở (dựa vào Kavanaugh chẳng hạn) để khẳng định điều đó, nhưng một đàng tôi vẫn thấy mình cần có một ‘minh chứng’ hay một điều gì đó từ nơi những người này để có thể có được sự chắc chắn cho khẳng định ấy. Hơn nữa, nếu dựa theo Kavanaugh, tôi vẫn phải đối diện với những vấn nạn khó có thể giải đáp thỏa mãn chẳng hạn, đâu là phần của thân thể là cốt lõi nhất cho phép nhìn nhận họ là một con người (khi mà một ‘con người’ được sinh ra mà không có được một thân thể toàn vẹn): não hay tim hay là cơ phận nào khác; Hoặc là khi một ‘người’ được sinh ra với một hình thù hết sức khác thường – có vẻ chẳng giống người gì cả thì họ có là người không?… Có lẽ, kinh nghiệm của tôi hay nhận định của John K. Kavanaugh cũng chỉ là những hướng nhìn còn đầy giới hạn trước một ‘mầu nhiệm con người’. Thế nên, tôi nghĩ rằng sẽ còn cần và vẫn luôn cần những suy tư về con người trước vô số những hiện tượng đang ngày ngày diễn ra trong thế giới này.

Đaminh Đỗ Hùng  Dinh S.J. Triết sinh năm 2



[1] Phần này được diễn giải dựa trên: John K. Kavanaugh, Endownments of Embodied Persons, Nature-endowment theory  from Who Count as Persons, trang 1-12.

[2] John K. Kavanaugh cũng rất tế nhị ở điểm này khi nói rằng: “cho tới nay, động vật chưa cho thấy (hay chúng ta chưa thấy) chúng có khả năng ‘biết’ rằng chúng đang làm một điều gì đó” và vì thế ta thường gọi đó là phản ứng ‘bản năng’ của chúng.

Kiểm tra tương tự

Đất nước duy lý trước cơn đói khát thiêng liêng

Nhìn về một kiểu đa dạng khác cho Giáo hội hiệp hành và thần học …

Chống lại chủ nghĩa đắc thắng và tinh thần thế tục – Kỳ 2: “Những nhân vật chính” của cuộc chiến

Nhìn bề ngoài, chủ nghĩa đắc thắng có vẻ giống như mọi cơn cám dỗ …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *