Về lá thư cuối cùng Phanxicô Xaviê gửi cha Inhã (09.04.1552)

Ngày 14/03/1540, Phanxicô Xaviê chào từ biệt cha Inhã để lên đường đi Ấn Độ. Hôm ấy, Phanxicô tròn 35 tuổi và đó cũng là ngày cuối cùng cha Inhã thấy mặt Xaviê. Cái ôm từ biệt mà cha Inhã trao cho đứa con thiêng liêng Xaviê của mình chứa đựng một tình yêu to lớn và bao la, một khao khát cứu rỗi các linh hồn. Từ đây về sau, cha Inhã chỉ có thể biết về Phanxicô qua thư từ, một vài lá thư phải mất tới bốn năm trời mới có thể tới được Roma. Có những lá thư của Phanxicô mang lại cho cha Inhã nhiều an ủi vì những thành quả tông đồ, các thông tin khích lệ và cả những triển vọng nơi các vùng đất mới; tuy nhiên, cũng có lá thư khiến cha Inhã cảm thấy tim đau nhói khi biết rằng tác giả của lá thư bị say sóng liên tục trong suốt 2 tháng, nhiều lần bị kiệt sức, và cả những gian lao khi tiến vào các vùng ngoại biên.

Có thể nói, Phanxicô đã hiện thực hóa khao khát tông đồ mãnh liệt của cha Inhã vì ngài hiểu rõ tâm trí, những kế hoạch, sự tận hiến hoàn toàn vì Đức Kitô và khao khát cứu rỗi các linh hồn của cha Inhã rõ hơn ai hết. Ngài là người đầu tiên cha Inhã gửi đi ra bên ngoài Châu Âu và cũng là người “bạn đường đầu tiên” đến được nơi xa xôi nhất bên kia địa cầu. Phanxicô càng đi xa thì thư của ngài càng ít thường xuyên đến Roma hơn, cha Inhã lại càng nhớ và cầu nguyện cho ngài một cách nồng nhiệt hơn. Dù thân xác ở Roma, nhưng tâm trí cha Inhã luôn ở vùng ngoại vi, nơi biên cương. Cha có thói quen lên sân thượng mỗi tối để chiêm ngắm bầu trời đêm và các vì sao, nhờ đó ngài hướng về các anh em đang miệt mài thi hành sứ vụ trên khắp các cánh đồng.

Trong lá thư cuối cùng Phanxicô Xaviê viết cho cha Inhã – được viết ở Goa sau khi ngài trở lại từ Nhật Bản và đang chuẩn bị để đi Trung Hoa – ngày 09/04/1552, ta thấy nơi Phanxicô hai tâm tình, hai nét đặc trưng: lòng yêu mến thân thể Dòng phổ quát cách đặc biệt và lòng nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng nơi vùng đất mới.

Lòng yêu mến thân thể Dòng

Trong thư, trước tiên, Phanxicô Xaviê trình bày về triển vọng truyền giáo tại Nhật Bản và sự hứng khởi về chuyến đi Trung Hoa: “Trong Thiên Chúa, chúng con đầy lòng tin tưởng là Danh Người sắp được rạng ngời ở Trung Hoa.” Ngài báo cáo với cha Inhã đầy đủ về cách thức ngài sắp xếp nhân sự lãnh đạo của Dòng Tên ở Ấn Độ sau khi trở về Goa từ Nhật Bản: thải hồi một số người khỏi Dòng, bổ nhiệm cha viện trưởng học viện Goa và chỉ dẫn việc chọn người kế nhiệm cha ấy.

Để phục vụ Thiên Chúa được nhiều, Phanxicô xin cha Inhã gửi một người có hiểu biết và thấm nhuần tinh thần Dòng để giải thích cho các anh em ở Phương Đông về Hiến Pháp cũng như các quy luật được cha Inhã viết ở Rôma. Ngài cũng đề cập những phẩm chất mà những người được gửi tới Phương Đông cần phải có, đó là sự hiểu biết về đức tin lẫn khoa học tự nhiên, bởi vì người Nhật Bản rất ham hiểu biết những gì thuộc thế giới tự nhiên; họ cũng cần có sức khỏe tốt, sự kiên nhẫn và đặc biệt là những phẩm chất có được từ sự huấn luyện và chọn lựa bởi chính cha Inhã. Trong thư trước đó gửi cha Inhã ngày 29/01/1552, Phanxicô cũng đề nghị những tiêu chuẩn để chọn thừa sai đi Ấn Độ: trẻ, khỏe, ‘đã tiến xa trên đường hoàn thiện’, ‘có khả năng giảng thuyết và giải tội’, ‘dù mỗi năm chỉ có được hai người’. Bên cạnh đó, Phanxicô thông báo cho cha Inhã rằng ngài sẽ sớm gửi một người đến Roma từ Ấn Độ để giải thích cụ thể những gì đang được làm ở cánh đồng truyền giáo xa xôi này và xin thêm thợ gặp từ các cha đã được huấn luyện tốt và có nhiều kinh nghiệm.

Phanxicô cũng xin cha Inhã nhờ ai trong nhà viết cho ngài một “lá thư rất dài” về “tất cả chúng ta, các cha đã từ Paris tới, cũng như tất cả những người khác, về Dòng phát triển thế nào, các học viện và các nhà…” Với một người đã xa Châu Âu nhiều năm và “đói” tin tức về Dòng như Phanxicô, thì một lá thư rất dài ấy sẽ khiến ngài “rất vui mừng”, và như ngài viết: “Thực vậy, thư ấy sẽ giúp con thư giãn giữa bao nhọc nhằn, trên mặt biển cũng như trên đất liền, ở Trung Hoa và ở Nhật Bản.” Trong đoạn cuối của lá thư, một lần nữa Phanxicô đề cập đến điều ngài đã viết trong các lá thư trước đó, đó là khao khát được gặp lại cha Inhã – người cha thiêng liêng và người bạn đường đầu tiên. Mặc dù, ngài nói khoảng cách địa lý có thể là rất xa, nhưng với ngài – một người lữ khách luôn trên đường – một mệnh lệnh đơn giản từ Bề Trên cũng đủ khiến ngài bắt đầu một hành trình mới.

Trong lá thư trước đó gửi cho cha Inhã vào ngày 29/01/1552 từ Cochin, Phanxicô đã quỳ gối viết rằng: “Thưa cha thật của con, ở Malacca, con đã nhận được một thư của cha, khi con ở Nhật Bản về. Được tin tức của cha và biết cha khỏe mạnh, tâm hồn con vui mừng thế nào, có Thiên Chúa biết. Và trong số nhiều lời thánh thiện và an ủi khác trong thư cha, con đọc được những lời thế này: ‘Hoàn toàn thuộc về nhau, không bao giờ quên được nhau, Inhã’. Con đã rơi lệ khi đọc những chữ ấy, và cũng rơi lệ khi viết lại ở đây, vì nhớ lại thời gian đã qua, nhớ lại cha đã và vẫn luôn luôn rất thương con, và nhờ những lời cầu nguyện thánh thiện của cha, Thiên Chúa đã cho con thoát được bao gian nan, bao nguy hiểm… Cha viết cho con là cha rất mong được gặp con trước khi lìa khỏi cõi đời này. Có Thiên Chúa biết là những lời đầy yêu thương ấy gây ấn tượng trong tâm hồn con thế nào, và mỗi lần nhớ đến là con trào nước mắt bao nhiêu, và con nghĩ điều ấy có thể đem lại cho con nhiều an ủi: thực vậy, đối với đức tuân phục thì không có gì là không thể được.” Chính Phanxicô lặp lại ước nguyện này trong lá thư cuối cùng gửi cha Inhã: “Xin Thiên Chúa đoàn tụ chúng ta trong vinh quang thiên đàng, và nếu điều này phục vụ Người thì ngay từ đời này nữa.”

Thao thức Trung Hoa và Giêrusalem

Cuối cùng, Phanxicô kết thư với đầy niềm xác tín và hy vọng: “Mọi người đều nói với con là từ Trung Hoa có thể đi Giêrusalem được. Nếu thật như vậy, con sẽ viết thư cho cha và sẽ cho cha biết đường dài bao nhiêu dặm, phải mất bao nhiêu thời gian.” Ngài quyết định rời bỏ Ấn Độ để tiến vào Trung Hoa vì đây là “một đất nước rộng mênh mông, dân chúng rất thông minh và có nhiều nhà thông thái… họ rất ham hiểu biết và ai có học thức nhất được coi là người được tôn kính và quý trọng nhất”, và ngài hy vọng nếu đất nước Trung Hoa theo đạo thì cả Châu Á cũng theo đạo. Dầu biết hành trình đi Trung Hoa sẽ gặp muôn vàn khó khăn, như đã xảy ra trong các chuyến đi đến Nhật Bản, và với ý thức đầy đủ về những nguy cơ rủi ro của thực tế là “cứ bốn chiếc thuyền, thì có đến hai chiếc khởi hành mà không bao giờ đến được nơi đó,” Phanxicô vẫn hằng tin tưởng lên đường giữa những giao lộ gay go nghiêm trọng, vì ngài xác tín rằng ở phía bên kia giao lộ là chính Chúa đang đợi ngài.

Ước nguyện đi Giêrusalem, vốn đã có từ gần ba mươi năm trước, lúc mới bước chân vào con đường mang tên Chúa Giêsu, vẫn bừng cháy trong Phanxicô. Ngài không coi việc hành hương Giêrusalem chỉ như một bó buộc do lời khấn năm 1537, mà như một việc đạo đức đưa ngài đến chỗ hiểu biết Chúa Giêsu Kitô hơn, để yêu Chúa hơn và theo Chúa hơn. Nhưng thành thánh Giêrusalem trên trời đã rộng cửa đón chào người tôi tớ không biết mệt mỏi và người bạn đường khiêm hạ của Đức Kitô. Thiên Chúa đã cho ngài thoát mọi bận tâm ngay trong chuyến đi ngài quyết thực hiện bằng được. Bốn năm sau (1556), cha Inhã cũng qua đời tại Nhà Trung Ương của Dòng tại Roma.

Giờ đây, hai người chiến sĩ của Đức Kitô đã có thể “đoàn tụ trong vinh quang thiên đàng”, và cả hai có thể thốt lên cùng một lời tâm sự của thánh Phaolô: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây, tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính, Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong ngày ấy” (2Tm 4,7-8). Hơn nửa thế kỷ sau, cha Inhã và Phanxicô Xaviê cùng được Đức Giáo Hoàng Gregory XV tuyên phong Hiển Thánh ngày 12/03/1622, đó cũng là năm thành lập Thánh Bộ Truyền Giáo (nay là Bộ truyền giảng Phúc Âm cho các dân tộc).

Kỷ niệm 400 năm hai thánh Inhã và Phanxicô Xaviê được tuyên thánh

Hv: Văn Quynh, S.J.

Bản dịch các thư của thánh Phanxicô Xaviê được trích từ Bút tích thánh Phanxicô Xaviê, Tập II, Hoàng Sóc Sơn S.J. dịch, chú thích và giới thiệu.

Kiểm tra tương tự

Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh

Phần lớn các bạn trẻ Công giáo cảm thấy được mời gọi bước vào đời …

Bố ơi, ai vậy?

Ông đang nằm nghiêng mình trên chiếc ghế sofa, vừa xem ti-vi vừa thưởng thức …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *